663.Đỗ Đăng Định
Đỗ Đăng Định
Nguyễn Ngọc Dương
![]() |
Đỗ Đăng Định Ảnh: Phó Nhòm |
Đỗ
Đăng Định sinh năm 1946 ở Phù Vân, Kim Bảng, Hà Nam . Năm 1966, hai mươi tuổi, anh
học xong kỹ thuật phát thanh ở trường Phát thanh truyền hình quê nhà Phủ Lý và
được điều lên huyện Bảo Thắng, Lào Cai công tác. Lúc ấy, công tác truyền thanh
còn do ngành Bưu điện quản lý nên anh thuộc quân số của Phòng Bưu điện huyện.
Bấy giờ, cái đài thu thanh là vật quý giá và
sang trọng bậc nhất của mỗi cơ quan, tổ chức. Cá nhân thì hiếm có người được sở
hữu nó. Cỡ bí thư, chủ tịch huyện, trưởng phó ty trở lên mới được trang bị.
Mình làm Quản lý bệnh viện nên được Phòng giao cho cái đài Orionton, nhãn hiệu
Hunggari để mở cho tập thể nghe tin tức và ca nhạc hằng ngày. Cái đài chạy 2
quả pin vuông 4,5 vol, nhưng phải chẻ ống nứa kẹp 6 pin con thỏ R20 như cái giò
xào buộc bên ngoài khi pin trong đã hết. Mà pin cũng phải xin duyệt mới được
mua nên cá nhân có được dùng cũng khó có nguồn năng lượng cho nó chạy. Đài phải
được cơ quan Bưu điện – Truyền thanh cấp sổ đăng ký và sổ mua pin hằng tháng.
Cái đài cũng như con người, thỉnh thoảng nó cũng “hắt hơi sổ mũi”, thậm chí có
lúc “ốm liệt giường, liệt chiếu” khiến cả cơ quan buồn ngao ngán bởi nó là vật
hữu dụng nhất để biết mọi tin tức sốt dẻo hằng ngày về tình hình chiến sự ở
miền Nam và những cuộc bắn phá leo thang của Đế quốc Mỹ trên miền Bắc xã hội
chủ nghĩa...
Đài Orionton
Giấy chứng nhận
đăng ký máy thu thanh
Mấy năm sau, khi công tác Truyền
thanh được tách ra khỏi Bưu điện chuyển sang ngành Văn hóa quản lý thì Định
được bố trí về Đài truyền thanh trực thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin. Hằng ngày
anh lo chăm sóc kỹ thuật, khai thác, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam
truyền ra gần chục cái loa nén, rải từ đầu đến cuối thị trấn phố huyện. Tiếng
nói của Đảng và Nhà nước liên tục phải vang lên trên những chiếc loa đó. Nếu
tậm tịt thì Công an chưa hỏi đến, người dân cũng đã kêu toáng lên rồi. Đến giờ
quy định mà chưa thấy tiếng tèn ten, tèn ten ...trên các cột loa là phố xá ỉu
xìu, buồn như chấu cắn. Lãnh đạo huyện rối lên, quay máy điện thoại từ thạch
đến trung tâm Truyền thanh hoặc Trưởng phòng Văn hóa ngay. Bởi vậy, suốt ngày
Định phải cặm cụi bên những cái máy tăng âm, máy thu thanh, lằng nhằng dây rợ
trong một căn lán sơ tán bằng tre nứa, lợp tranh làm ở sườn đồi. Hết giờ truyền
thanh thì chữa máy hỏng cho các cơ quan và các vị lãnh đạo. Có Hội nghị của
huyện thì đi trang âm, bảo đảm cho tiếng nói của hội nghị được rõ ràng, mạch
lạc...
Tiếng là làm ở Đài, nhưng cũng có
lúc Định được phân công đi cơ sở xã để nắm tình hình và xây dựng phong trào văn
hóa - thông tin. Những nơi như Xuân Quang, Xuân Giao, Phú Nhuận, Tả Phời, Hợp
Thành...anh đều có mặt và để lại trong lòng những người dân nơi đây nhiều thiện
cảm. Ngày ấy đi công tác xã chủ yếu là cuốc bộ, trèo đèo, lội suối. Phải “ba
cùng” với cán bộ xã, với dân. Ban ngày họ đi làm nương có khi cũng phải đeo dao,
vác cuốc lên nương với họ để tối về mới triển khai công việc.
Ở quê, nhà Định thuộc diện rất
nghèo. Anh là con cả trong một gia đình 7 anh em. Lương công nhân mới ra trường
của Định mỗi tháng được 28 đồng, nếu ăn bếp tập thể mỗi ngày chỉ hai bữa, mỗi
bữa 6 hào, gạo và thực phẩm cung cấp đã hết 18 đồng. May mặc và mọi sinh hoạt
khác chỉ trông vào 10 đồng còn lại. Thế nhưng anh vẫn phải cưu mang thêm hai
đứa em để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Hai thằng em trai choai choai, thất học, đang
tuổi ăn, tuổi ngủ, không có sổ gạo và bất kể chế độ nào phải hàng ngày đi mót
sắn và bổ củi thuê góp với anh. Đúng là ốc không mang nổi mình ốc mà vẫn quyết
tâm mang cọc cho rêu! Tình thương yêu cha mẹ, những người mang nặng đẻ đau đã
khiến Định vượt lên điều tưởng như không thể làm được.
Trong điều kiện thời chiến, những
người ra mặt trận phải hy sinh xương máu trong lửa đạn thì ở hậu phương cũng
chịu biết bao gian nan, vất vả. Từ người dân cho đến cán bộ, viên chức, ai ai
cũng hướng về miền Nam
ruột thịt, về tiền tuyến nóng bỏng nên tất cả đều đoàn kết một lòng, thắt lưng
buộc bụng, khắc phục khó khăn, gian khổ, không một lời kêu ca, phàn nàn. Ông
trưởng phòng Văn hóa – Thông tin là một cán bộ Miền Nam tập kết. Do bản tính rất hà
khắc và gia trưởng nên ông thường xét nét đối với mọi sinh hoạt của anh em nhân
viên. Chẳng hạn, cô C cán bộ thông tin của Phòng, chưa chồng, đang được một
chiến sĩ công an tìm hiểu. Mới 6 giờ 30 chiều cuối thu, trời chưa tối hẳn, Trưởng
phòng bắt gặp hai người đi sánh vai với nhau ngoài đường, lập tức cô C bị gọi
về kiểm điểm về “luyến ái quan” về “phầm chất, đạo đức”...
Đỗ Đăng Định là bí thư chi đoàn
cơ quan, anh thấy nhiều ứng xử mang tính gia trưởng của Trưởng phòng nên có lần
đã mạnh dạn góp ý. Thế là Định cũng lập tức bị Trưởng phòng ác cảm. Mâu thuẫn
giữa Trưởng phòng và hầu hết anh em nhân viên không những không được cải thiện
mà cứ ngày một căng thẳng. Anh em không chịu được, bảo nhau viết đơn tố cáo ông
lên Ủy Ban hành chính huyện và Huyện ủy. Bí thư chi đoàn Đỗ Đăng Định cầu cứu
mình, lúc ấy đang công tác ở Phòng Tổ chức Dân chính viết giúp cái đơn, vì “anh
em bên này ít chữ”. Trong số người ký tên vào tờ đơn có tên bà xã mình, nên ủng
hộ ngay. Gần hai mươi anh chị em trong phòng lấy bát úp xuống dưới tờ đơn tố
cáo vạch một vòng tròn để ký, muốn trưởng phòng không có cớ truy xét người đứng
đầu. Nhưng ông cũng đoán biết được “lãnh đạo” cuộc này là Đỗ Đăng Định. Ông bảo:
“Có đời thủa nào Chi đoàn lại kiện Chi bộ?” Trưởng phòng là Bí thư Chi bộ nên
kiện ông tức là kiện Chi bộ! Lần đầu
tiên trong đời, Trưởng phòng bị tố cáo, ông tức lắm. Ông cứ chạy lên chạy
xuống, chạy ngược chạy xuôi, hết Huyện ủy sang Ủy ban, lại lên Ty, xuống huyện...
Huyện ủy chỉ đạo Thường trực Ủy
ban phải giải quyết để ổn định tư tưởng anh em. Ông ủy viên thư ký Ủy ban Hành
chính huyện được phân công chủ trì cuộc họp, có mời cả Thanh tra Ty Văn hóa - Thông
tin. Ủy ban yêu cầu phòng Tố chức Dân chính cử người theo dõi. Mình được phân
công thay mặt Phòng đến dự và trực tiếp làm thư ký cuộc họp. Anh em biết có
“chân trong” nên yên tâm phát biểu thẳng thắn. Cuộc “đấu đá” giữa Trưởng phòng
và anh em nhân viên kéo liên tục từ 1 giờ trưa đến 11 giờ đêm! Không ai muốn ăn
uống gì...
Kết quả, Huyện và Ty đã kết luận
những khuyết điểm trong phong cách lãnh đạo, quản lý của đồng chí Trưởng phòng,
cần phải rút kinh nghiệm. Một thời gian sau, Trưởng phòng được điều động đi
nhận công tác khác. Trước khi đi, ông đã “trả thù” Đỗ Đăng Định bằng cách làm
việc với Ty văn hóa, điều động Định lên huyện Bát Xát, nơi “khỉ ho cò gáy” để
hứng chịu thêm nỗi khổ cực thì ông mới hả. Đúng là “Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ
trôn”.
Định biết chuyện, rất buồn, muốn
mình can thiệp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. Mình vội vã gặp ông Nguyễn Văn
Cộng, Phó Ban thường trực Ban Tổ chức chính quyền, nhưng ông bảo: “Đã quyết
rồi. Để Định đi Bát Xát vài năm tôi sẽ rút ra tỉnh”. Quả nhiên, Định chỉ phải ở
Bát Xát một thời gian ngắn rồi Tỉnh cho điều về Xưởng sửa chữa truyền thanh
thuộc Đài Phát thanh tỉnh. Được làm đúng công việc chuyên môn, Định phát huy
hết năng lực, trở thành một chuyên gia giỏi. Radio, đài quay băng, và sau này
là ti vi đen trắng, ti vi mầu..., không có “ca” nào anh bó tay. Các vị lãnh đạo
ở tỉnh rất quý anh vì có mấy ai không có lúc vác máy đến nhờ anh “chọc ngoáy”.
Cái xưởng sửa chữa Phố Tèo là cơ
sở 2 của tỉnh (sau khi nhập vào Hoàng Liên Sơn từ năm 1976) nằm sát bờ sông Nậm
Thi, biên giới Việt – Trung, chưa kịp tập kết về Yên Bái. Sáng 17 tháng 2 năm
1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh
đến Lai Châu. Định không kịp mang theo kể cả bộ quần áo để thay, chỉ vơ vội được
con dấu của cơ quan, một số dụng cụ sửa chữa máy đút vào túi đồ nghề rồi té
thật nhanh qua làn đạn pháo của quân Tàu. Anh theo dòng người chạy ngược về
phía Sa Pa ,
sang Than Uyên, xuôi Mù Cang Chải, sang Nghĩa Lộ rồi ra Yên Bái. Nói thì nhanh
thế nhưng phải mất đúng hai mươi hai ngày mới đi hết cái Vòng cung Tây Bắc ấy.
Định kể: Hai mươi hai ngày chạy giặc là một chuỗi ngày đáng nhớ. Đến Sa Pa ,
anh tạm dừng ở đây 3 ngày, vạ vật trong khi địch chưa tới. May là chữa được một
cái đài cho người dân họ trả công 12 đồng. Khi quân Trung Quốc sắp đến Sa Pa
thì anh lại té. Mấy ngày giời mới vượt qua được đèo Sa Pa , xuống
Bình Lư (Lai Châu). Đến đây gặp thằng Tiến ở Phố Lu, cũng chạy Tàu, trong người
không còn một xu. Định chia cho nó 6 đồng. Còn 6 đồng cũng không dám tiêu gì.
Đói thì ghé gẩm qua loa với những người đi đường, củ khoai, củ sắn...Nhưng sau
lại gặp thằng Nhĩ, trước cùng Phòng ở Bát Xát cũng đang nhếch nhác sau những
ngày bỏ của chạy lấy người. 6 đồng trong
túi, Định lại cưa đôi. Đúng là một miếng khi đói hơn cả gói khi no. Gần đây gặp
Nhĩ, anh bạn nhắc lại, Định mới nhớ ra.
Yên Bái lúc này là thủ phủ của
tỉnh Hoàng Liên Sơn. Mình đang là giảng viên Trường Đảng tỉnh, ở khu tập thể
nhà trường cây số 5. Định tìm đến với bộ
mặt còn phờ phạc, chưa hết nét thất thần trước sự tấn công ồ ạt và dã man của
quân đội Trung Quốc. Ngày ấy vải mặc phân phối, mỗi người chỉ có vài bộ quần
áo, chứ không nhiều như bây giờ. Nhưng mình vẫn chia ra cho bạn mấy cái, mặc
cũn cà cũn cỡn. Định bảo: “Thôi, cũng tốt rồi, có còn hơn không”...
Xưởng sửa chữa truyền thanh đóng
ở cây số 2 thị xã Yên Bái. Hằng ngày, Định thường làm việc quá giờ, về sau và
khóa cửa nhà xưởng, kho tàng. Một hôm, mình thấy anh đạp xe hối hả vào gặp và
thổ lộ: “Nghiêm trọng lắm ông ạ. Đêm qua, cơ quan tôi mất 3 cái đài Melodia và
một ti vi Neptun. Bây giờ Công an tỉnh đang vào cuộc”. Mình bảo: “Thì cứ để
Công an họ tìm, mình có lấy đâu mà sợ?” “Nhưng vấn đề là tôi giữ chìa khóa, lại
là người ra về sau cùng. Bây giờ tôi là nghi can số một. Lúc lúc lại bị gọi lên
tra hỏi. Thật tức không thể chịu được!”. Mình biết, lúc ấy những thứ đó là một
khối tài sản lớn, gia đình giầu có mới mua nổi một máy thu – quay đĩa Melodia. Người dám đánh cắp ngần ấy thứ thì quả là to
gan, không có chân trong khó mà thoát. Nên họ nghi cho Định cũng không phải vô
lý. Là bạn với nhau mấy chục năm, mình hiểu, Định là người luôn trung thực,
trọng ngãi khinh tài. Những người không hiểu, họ nghi cho Định khiến mình cũng
tự ái lây. Hôm sau Định vào, mình động viên: “Cây ngay không sợ chết đứng. Cứ
mặc mẹ nó ông ạ. Mình không lấy sợ đếch gì?” “Nhưng cứ nay họ gọi, mai họ gọi,
họ còn định bắt giữ tôi để điều tra, không để tôi yên...”. Mình liền nghĩ ra
một kế để bạn yên tâm. Mình lấy giấy bút viết một tờ cam đoan, bảo lãnh, lấy
danh nghĩa là giảng viên trường Đảng tỉnh, bạn chí cốt của Đỗ Đăng Định. Thế mà
có tác dụng. Vì lúc ấy một số lãnh đạo các phòng của Công an tỉnh đang học ở
trường Đảng, biết mình là một giảng viên có uy tín nên họ nể, không giam giữ
nghi can... Khoảng nửa tháng sau, Định thông báo: “Yên tâm rồi ông ạ. Công an
họ bắt được thủ phạm rồi. Họ đang làm hồ sơ truy tố ra pháp luật”.
Hơn hai mươi năm sau, khi Định đã
nghỉ hưu ở thị xã Lào Cai, một người quen của mình trục trặc với vợ đến ở nhờ
nhà Định. Một hôm mình đến chơi, Định nói nhỏ: “Ông còn nhớ vụ cơ quan tôi mất
cắp hồi ở Hoàng Liên Sơn không?” Tôi bảo: “Nhớ chứ, nhưng sao cơ?”. Định ghé
tai: “Thì cái ông đang ở nhờ nhà tôi đấy”. Hóa ra là vậy. Anh không những không
định kiến gì với ông ta mà còn cưu mang khi ông ta thất cơ lỡ vận. Đỗ Đăng Định
là vậy.
Năm 1981, đã 35 tuổi, Định vẫn
chưa một mảnh tình vắt vai. Các cụ thân sinh tuổi càng cao, sức càng yếu. Từ
hơn chục năm trước các cụ đã sốt ruột về chuyện vợ con của anh. Nhiều lần ông
cụ gặp mình nhăn nhó: “ Định nhà tôi nó hơn anh mấy tuổi, mà anh thì con bế con
bồng, yên bề gia thất, còn nó thì cứ lông ba lông bông. Chỗ bạn bè với nó, anh
xem thế nào giúp tôi với...”. “Chúng con đã có rất nhiều mưu sách, nhưng có lẽ
chưa gặp duyên số thôi ông ạ. Ông bà cứ bình tĩnh chắc chắn anh Định sẽ gặp
được người vừa đôi phải lứa”. Hồi ở Yên Bái, mình và Ninh Văn Việt cũng đã
“thiết kế, lập trình” cho Định mấy vụ nom rất đep đôi, nhưng rồi cuối cùng vẫn
“xôi hỏng, bỏng không”. Cũng lạ, chơi với nhau mấy chục năm giời mà mỗi thằng
một tính. Mình dại gái bao nhiêu thì Định nhát gái bấy nhiêu. Lắm lúc mình
tưởng tượng Định gặp gái như Thị Kính gặp Thị Màu. Chắc cũng đã không ít lần bị
các cô gái ném cho những câu đại thể: “Phải gió ở đâu đấy! Người gì mà trông
thấy gái lại cứ...chạy!”.
Mấy năm sau, khi mình đang đi tu
nghiệp thêm ở Hà Nội thì nghe tin Định có người yêu. Rồi cưới. Rồi cuối cùng
cũng có gái, có trai, chẳng kém ai. Bây giờ thì mình và Định đã thành những lão
già “Khốt ta bít”. Hơn kém nhau hai tuổi nhưng chưa bao giờ mình gọi Định là
anh, mà cũng chẳng bao giờ xưng hô tao mày. Từ những ngày đầu tiên gặp nhau đến
nay, lúc nào cũng cứ ông ông, tôi tôi. Bọn trẻ nhà mình gọi Định bằng “Bác” và
ngược lại... Ngồi viết lại những dòng này, mình như người đang chăm chỉ nhặt
lại quá khứ. Thôi thì được tí nào hay tí nấy, để trân trọng những tình cảm bạn
bè.
Lào Cai, ngày
29/07/2013
Nhận xét