604.GS. PHẠM ĐỨC DƯƠNG NÓI VỀ VĂN HÓA DÙNG NGƯỜI TÀI

Phó nhòm: Đúng 30 năm trước, thày Phạm Đức Dương dạy tôi những bài học về Đông Nam Á. Ông rất sâu sắc về khu vực này bởi một bề dày trong cuộc đời nghiên cứu của ông. Quanh đi quẩn lại đã ba mươi năm mà nay nhìn bức chân dung ông tôi thấy ông vẫn phong độ. Ông nói về văn hóa dùng người tài với tư cách của một người nghiên cứu sâu sắc. Tôi nghĩ, những nhà lãnh đạo đương thời nên tham khảo như những bài học bổ ích. Rất mong như vậy.

VĂN HÓA DÙNG NGƯỜI TÀI
 Phỏng vấn Giáo sư Phạm Đức Dương

VŨ ĐẢM  thực hiện 



GS.TS Phạm Đức Dương, sinh năm 1930 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Huân chương Lao động hạng Nhất. Huân chương Lao động tự do hạng Nhất của Lào. Hai huân chương kháng chiến. Đã xuất bản hơn 20 đầu sách về Ngôn ngữ, Văn hóa. Nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Tổng biên tập 2 tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam Đông Nam Á; Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông...

P.V:- Giáo sư có thể cho biết đôi nét về việc dùng người của ông cha ta ngày xưa? 

G.S Phạm Đức Dương:- Trước tiên phải nói ngay rằng ông cha ngày xưa luôn mong muốn xây dựng đất nước ta là một nước "Văn"- hòa bình và văn hiến chứ không phải theo con đường "Võ" như nhiều triều đại Trung Hoa. Điều đó được thể hiện ở biểu tượng trả gươm ở hồ Hoàn Kiếm; ở khát vọng hòa bình, tự do khắc trên Tháp bút" Tả thanh thiên"; ở việc Lý Công Uẩn dời đô đến Thăng Long rồng bay và cả ở Văn Miếu nơi thờ đức Khổng Tử vốn là nhà tư tưởng muốn xây dựng một nhà nước hòa hiếu.

Chính vì lý tưởng này mà ông cha ta luôn luôn coi" Hiền tài là nguyên khí quốc gia", hay nói một cách cụ thể hơn là ông cha ta dùng người có tài và có đức trong những công việc lớn lao phụng sự cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Và để có nhiều người tài cho đất nước, ông cha ta đã tiến hành các khoa thi để kén chọn người tài; khi đã kén chọn được người tài rồi, ông cha ta biết tôn quí và trọng dụng họ để họ phát huy hết tài trí của mình làm cho đất nước thịnh vượng- đó chính là văn hóa dùng người của ông cha ta ngày xưa.

P.V:- Thế còn ngày nay, chúng ta hay dùng câu: Trọng dụng nhân tài?

G.S Phạm Đức Dương: - Thời nay, hiền tài vẫn đóng vai trò nguyên khí của quốc gia; họ được đào tạo ra từ trong nhà trường, trong lao động và chiến đấu. Nước ta vốn chịu nhiều hậu quả của thiên tai, chiến tranh, tài nguyên khoáng sản cũng ít vì vậy việc trọng dụng nhân tài phải được đặt lên hàng đầu. Chính nhân tài sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và trở thành một quốc gia phát triển. Hãy lấy Nhật Bản là một thí dụ, từ một nước bại chiến, bị tàn phá nặng nề bởi bom nguyên tử, bởi động đất, sóng thần nhưng vì biết trọng dụng người tài mà nước Nhật đã trở thành một cường quốc kinh tế.



Ngày nay chúng ta hay nói trọng dụng nhân tài, nhưng trong thực tế người tài ở nước ta vẫn chưa được trọng dụng nhiều, gây nên một sự lãng phí chất xám to lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

P.V:- Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân gây nên việc người tài ở nước ta vẫn chưa thật sự được trọng dụng?

G.S Phạm Đức Dương: Thứ nhất, ở nhiều nơi, nhiều ban ngành vẫn còn những người lãnh đạo thiếu năng lực và thiếu cái tâm vì vậy họ hay sợ và đố kỵ với người tài, do đó họ ít dùng người tài, thậm chí còn vô hiệu hóa người tài.

Thứ hai, người tài thiếu điều kiện vật chất và "tinh thần" để làm việc. Người tài không cầu mong quyền cao chức trọng, sự giàu có, cái mà họ mong muốn là đem được cái tài của mình ra để phục vụ đất nước và được xã hội công nhận sự cống hiến của họ. Nhưng nếu thiếu điều kiện, phương tiện để làm việc thì nhiều khi người tài sẽ lực bất tòng tâm. Muốn nghiên cứu thành công một công trình khoa học nào đó, cần phải được đầu tư ngay từ đầu nhưng ở ta nhiều khi "phải" nghiên cứu thành công đã rồi mới được đầu tư! Thậm chí có những nhà khoa học tâm huyết, nghiên cứu thành công một công trình nào đó rồi nhưng muốn đưa nó vào ứng dụng thì phải chạy hết cửa này đến cửa khác, phải quen biết thì nó mới được cấp kinh phí thực thi!

Còn về mặt tinh thần, người tài phải được tự do trong suy nghĩ, sáng tạo thì mới có"cảm hứng" để nghiên cứu, làm việc có hiệu quả; chứ còn lúc nào cũng bị chỉ đạo, gò ép phải làm thế này thì mới được thông qua, được cấp kinh phí thì sẽ hạn chế rất lớn sự sáng tạo của người tài.


Thứ ba, phải nhìn nhận rằng cũng có một số người tài hiện nay đang chạy theo lối sống thực dụng, muốn có danh, có quyền hành, có nhiều tiền nên mải chạy theo nó mà dần làm mai một đi tài năng của mình.


P.V:- Lại có cả những người không có tài nhưng lại đi ngộ nhận mình là người tài?

G.S Phạm Đức Dương:- Những người không có tài mà ngộ nhận mình là người có tài thông qua bằng cấp hay một chức danh nào đó có được do sự nâng đỡ hay chạy chọt, dù có giỏi che đậy thế nào thì cuộc sống vẫn vạch ra được chân tướng. Tài năng đích thực không bao giờ mua - bán được. Người tài luôn khiêm tốn và biết được giá trị của mình; còn kẻ ngộ nhận lại hay vỗ ngực. Văn hào Tônxtôi có nói thế này: Giá trị tài năng của con người giống như giá trị của một phân số, trong đó tử số là tài năng thật còn mẫu số là sự tự đánh giá về tài năng của anh.

P.V:- Hiện nay có hiện tượng nhiều người đổ xô đi thi cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ không phải để trở thành nhà khoa học, nghiên cứu mà cốt có tấm bằng để giữ ghế hoặc tiến thân. Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?

G.S Phạm Đức Dương:- Học để nâng cao kiến thức, phục vụ tốt cho công việc chuyên môn, cho cuộc sống là nhiệm vụ và niềm tự hào của mỗi người nhưng học bằng tiền, bằng quyền, cốt có tấm bằng để tiến thân thì đó là một điều tai hại đối với xã hội.

P.V:- Theo giáo sư làm thế nào để có thể loại bỏ được điều có hại này cho xã hội?

G.S Phạm Đức Dương:- Cách tốt nhất là việc thi tuyển và đào tạo phải nghiêm minh; chỉ những ai thật sự giỏi mới được tuyển dụng và cho đi đào tạo. Trong công tác tổ chức cán bộ, việc bổ nhiệm phải căn cứ vào năng lực thực tiễn chứ không phải dựa trên bằng cấp hay các mối quan hệ nâng đỡ, chạy chọt.

P.V:- Nếu có thể đưa ra được một bài học về văn hóa dùng người hôm nay, thì giáo sư có tham kiến gì không?

G.S Phạm Đức Dương:- Có thể khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy trong việc dùng người tài, Người đã cho chúng ta bài học vô giá trong việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Năm 1946, khi đất nước vừa độc lập, thù trong, giặc ngoài đang toan tính xóa bỏ nhà nước dân chủ non trẻ của chúng ta thì Người phải sang thăm Pháp và đã quyết định trao chức Quyền chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời căn dặn:" Dĩ bất biến, ứng vạn biến", nhờ đó mà nước nhà vẫn bình yên. Năm 1954, Người đã trao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ra trận với lời căn dặn:" Phải chắc thắng mới đánh", nhờ đó mà đã làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Rồi sau này, hàng loạt những trí thức tài danh đã rời bỏ vinh hoa phú quí ở thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp để về nước phụng sự Tổ quốc như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Nhị vv...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc trọng dụng hiền tài bởi: Người biết nhìn nhận đúng người tài; biết trao cho họ những việc lớn phù hợp tài năng; biết tin tưởng vào họ; biết xây dựng uy tín cho họ; và biết chăm lo đến đời sống tình cảm của người tài và gia đình họ.

Nếu ngày nay chúng ta biết học hỏi và vận dụng sáng suốt bài học trọng dụng hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn một ngày không xa, đất nước chúng ta sẽ thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước phát triển.

P.V:- Xin cảm ơn giáo sư!

Nguồn: FB Vũ Đảm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.