651.Phùng

   Phùng
      N.N.D  
       Với tôi, hình ảnh duy nhất của Phùng còn lại là một thằng em ở tuổi vị thành niên, nét người đậm, khi đi, mặt ngửa lên giời, má hơi bầu, da trắng, mái tóc mềm, ngả màu râu ngô, rất kiệm lời, đôi mắt lúc nào cũng đượm một vẻ buồn...

Ông, bà nội tôi sinh hạ được tám người. Thày tôi là cả, chú Triêm thứ hai…Chú lấy thím tôi tên là Nguyễn Thị Ngòi. Năm một chín bốn chín, chú thím sinh được em Phùng. Năm năm mươi, thày tôi và chú đều bị địch nghi hoạt động cho Việt Minh, nên bị chúng bắt tra tấn rất dã man ở bốt nhà thờ Thiết Tranh. Kết quả chúng không khai thác được gì nên phải “tạm tha” về. Nhưng từ đó chú tôi mắc bệnh nặng. Tôi còn láng máng nhớ một buổi sáng chú ngồi ở bậu cửa ngôi nhà hướng tây, tay cầm cái que để đuổi khi mấy con gà vào sân phơi thóc. Chú yếu lắm, thỉnh thoảng lại ho rũ từng cơn. Chú còn bảo tôi “Cháu ngồi đây đuổi gà với chú!”. Nhưng tôi cũng không nhớ nổi nét mặt chú như thế nào. Đấy là hình ảnh sớm nhất mà tôi còn nhớ được trong đời mình, bởi lúc đó tôi mới có ba tuổi (năm 1951), cũng là hình ảnh cuối cùng mà tôi biết được về chú. Năm ấy chú mất, nhưng tôi không nhớ, cũng không hề hình dung được đám tang của chú ra sao...
Vậy là, Phùng mồ côi cha lúc lên hai. Mấy năm sau, thím tôi đi lấy chồng, em ở với bà ngoại. Năm Phùng khoảng chín, mười tuổi thì bà cụ dắt em ra nhà tôi và trịnh trọng nói: “Cháu nó là người nhà bác, bố nó chết, mẹ tái giá, tôi đã nuôi nó mấy năm, nhưng nay già rồi không thể cáng đáng được nữa, xin gửi lại để hai bác nuôi lấy cháu”. Đó là giữa thời kì thóc cao gạo kém, mà nhà tôi nhân khẩu cũng đã lên tới bẩy người. Nhưng bà cụ nói có lí: Phùng là người thuộc gia tộc nhà tôi…Thày tôi là cả, nên dù có khó khăn mấy, thày bu tôi cũng nhận thấy phải có trách nhiệm với em. “Sẩy cha còn chú...”.
Phùng có dáng người hơi đậm, da trắng như con gái, khuôn mặt bầu bĩnh. Em ít nói và đôi mắt dường như lúc nào cũng đượm một vẻ buồn. Hằng ngày đi học buổi sáng, chiều về tôi và Phùng phải giúp thêm việc nhà, hoặc anh em rủ nhau đi kiếm thức ăn. Tháng năm, tháng sáu, lúa trên đồng đã gặt, mưa rào rải rác là anh em mỗi người một cái chai, đội mưa ra đồng bắt châu chấu trên những thửa ruộng chỉ còn gốc rạ. Khi đã bắt được lưng chai, chúng tôi cho nước vào để  chúng chết, khi đổ ra không con nào bay được. Nhưng hai anh em đã ướt sũng, tay chân “héo” quắt… Chấu dốc ra rổ, đổ vào chảo rang vàng, vặt sạch cánh, cấu đầu rút ruột rồi cho vào nồi đất, thêm lá chanh, lá gừng, muối ớt, đổ nước săm sắp đun nhỏ lửa khi nào khô là được. Món chấu ngon tuyệt. Ở làng, nhiều người còn gọi là “tôm bay”. Khi nắng lên là rắn ráo hay xuất hiện. Anh em tôi thường đi lùng sục, phát hiện được rắn ráo hay rắn dọc dưa là săn bắt cho bằng được. Mỗi con rắn băm được một đĩa chả to. Nếu không, mang xuống phố huyện bán cho hiệu thuốc Bắc cũng được mỗi con năm hào. Chúng tôi còn đi xin được những cái vó cũ rách, về cắt ra làm xiếc chẫu chuộc. Phùng cầm xiếc lội xuống ao, đặt miệng xiếc vào chân những bụi tre. Tôi đứng trên bờ lấy gậy chọc vào bụi, ếch và chuộc thấy động nhảy xuống là vào xiếc. Lắm hôm được lưng giỏ. Nấu món này nhất thiết phải có củ cây chuối hột, thái nhỏ con chì, ớt tươi, xương sông, lá lốt… mới ngon. Tháng Tám âm lịch, khi lúa đã vào đòng, nước ruộng cao ba, bốn mươi phân, tôi và Phùng mang những chiếc lờ cá rô đi đánh. Lờ được quét một lớp lòng trắng trứng gà giã với lá dấp cá, rồi  phơi khô. Chúng tôi rúc vào ruộng lúa cao ngập đầu, xắn tay áo gạt lớp bùn bên trên lấy một mảng gần bằng cái sàng rồi khoét một lỗ tròn sâu độ mười phân, bỏ vào nắm thóc ngâm, xong chụp lờ xuống, để hở một cửa cho con cá rô chui lọt. Cá đánh hơi thấy mùi tanh của trứng, lá dấp mò đến lượn quanh lờ, chui vào ăn thóc, no rồi ngược nước lên thì vô tình tọt qua hom lờ, không ra được. Đúng là tham ăn thì giống gì cũng chui vào chỗ chết! Cứ con nọ nối con kia như thế... Sáng hôm sau hai anh em đi nhấc lờ, có những cái chật ních cá rô, nặng trĩu tay, cá giẫy rào rào, con nào con nấy vàng ươm… Không thể tả nổi cảm giác sung sướng lúc ấy!…Anh em tôi còn có mười lăm cái đó tép. Hợp tác xã cấm không cho đơm đó vì phải tháo nước ruộng này sang ruộng kia, mất nước, ruộng cạn thì lúa chết khô. Nhưng bọn trẻ chúng tôi chẳng hề quan tâm. Chỉ biết đơm được tép là khoái. Để tránh ông đội trưởng, chín giờ tối hai anh em mới vác đó ra đồng. Được hôm sáng trăng thì rất tiện. Lúc ấy chúng tôi mới tháo nước đơm đó. Xong, hai thằng về ôm nhau ngủ, yên trí là sáng mai dậy sớm ra đổ đó thì “bố ông đội cũng chẳng biết!” Khoảng bốn giờ, còn tối đất, chúng tôi bấm nhau dậy chạy một mạch ra cánh đồng. Chia nhau mỗi đứa một bờ. Nhưng ôi thôi, tất cả đã được đắp lại như cũ, chẳng còn cái đó nào! Hai thằng đứng ngẩn tò te, buồn sắp khóc. Mất mẻ đó này chúng tôi xót của lắm. Phải tiết kiệm bao nhiêu lâu, mua dần mới được mười lăm cái, bây giờ bỗng trắng tay! Tôi còn chưa biết làm gì thì Phùng bàn: “Anh ạ, chắc chắn là những cái đó của mình đang ở sân nhà ông G đội trưởng rồi. Mình nhanh đột kích vào mà “tước đoạt lại” kẻo trời sáng thì xôi hỏng bỏng không!” Chúng tôi lại mò mẫm về nhà đội trưởng, nhưng hiềm một nỗi con chó nhà ông dữ lắm, nó mà phát hiện ra thì có khi mất cả cụm giống chứ chả phải đùa! Khiếp thế, nhưng tiếc của nên phải liều. Chúng tôi bò sát bờ dậu phía sau nhà vì biết con chó bao giờ cũng nằm ở cổng. Như chiến sĩ trinh sát, Phùng nằm dí xuống đất, trườn đi, nhẹ nhàng chui qua dậu tre vân, im phăng phắc. Tôi chui theo sau, Phùng vào chuyển từng cái đó ra. Dưới ánh trăng mờ, chúng tôi phát hiện thấy một đống đó lù lù trên sân nhà ông đội trưởng. Tôi đồ chừng phải đến năm, bẩy chục cái. Hoá ra không phải chỉ của riêng mình. Cũng may là chỗ chúng tôi đột kích vào rất gần với “chiến lợi phẩm” được ông đội thu về, lại bên cạnh một đống rơm, nên có vật che chắn, dễ hoạt động. Phùng bò vào, nhẹ nhàng như con mèo, mỗi lần lấy được hai cái, bò quay ra gần dậu tre vân. Tôi có nhiệm vụ rút từng cái đun qua dậu ra ngoài đường. Người trong nhà vẫn ngủ say. Chó ngồi ngoài cổng  không hề phát hiện được hai thằng đang ăn trộm lại đó của mình. Khi đếm đủ, anh em tôi chia nhau vác về giấu đi...
Tháng sáu năm một chín sáu tư, Phùng và tôi đứa mười lăm, đứa mười sáu nghỉ học, trở thành hai lao động phụ làm công điểm giúp gia đình. Những việc thường nhật là tát nước, làm cỏ lúa, gánh phân...Làm gì chúng tôi cũng đi với nhau như hai cái gọng bừa. Tôi là anh nhưng lẻo khoẻo, sức vóc không bằng em nên phần việc nặng Phùng thường giành lấy. Ra đồng tát nước, em đi trước vác cái gầu dây để tôi lững thững đi không theo sau. Ngày tổ sản xuất gánh phân chuồng bón lúa, ông tổ trưởng bảo: “ Trong hai anh em mày, một đứa đi gánh, còn một đứa theo dõi cân.” Phùng giành phần đi gánh nhưng em vẫn vác cái cân tạ ra đầu làng, lấy dây thừng treo lên một địa điểm dưới khóm tre hóa, mát rượi để tôi đứng đó với quyển vở học sinh, cây bút chì, cân và ghi theo dõi từng mã gánh của mọi người, tối về cộng dồn rồi tính điểm. Có những hôm trời nắng như đốt lửa, những xã viên gánh phân, người nào người nấy nhễ nhại mồ hôi. Phùng đội cái nón đã gẫy vành, mặc quần đùi, cái áo ta nhuộm nâu cứ ướt đẫm mồ hôi rồi lại khô, lại ướt, lại gò lưng gánh từng gánh phân ra đồng. Hôm nào em cũng gánh được nhiều, tính ra công điểm chẳng thua gì người lớn. 
Ban ngày lao động vất vả là thế, nhưng tối về cả hai anh em đều đi sinh hoạt đội văn nghệ thôn. Trong dàn nhạc chèo, tôi kéo cây nhị 1, còn Phùng được phân công phụ trách cây hồ đại. Nhạc công vẫn còn khoác khăn quàng đỏ, lại thuộc họ nhà lùn, nên không thể giữ vững cây đàn, phải đặt trên một cái giá bằng gỗ. Cần đàn cao quá đầu, mỗi khi so dây, Phùng phải đứng lên ghế mới với được tay vặn. Có những đêm đi biểu diễn phục vụ  các xã trong huyện, đánh bộ hàng chục cây số. Trang phục, đạo cụ, nhạc cụ của ai người nấy mang. Phùng so vai, rụt cổ vác cây hồ đại nom không khác gì Tôn Ngộ Không vác quạt Ba Tiêu mượn được của bà La Sát đi cứu Hỏa Diệm Sơn. Hầu như tất cả các buổi, khi chuẩn bị biểu diễn, dàn nhạc so dây trước sân khấu là khán giả trầm trồ: “Khiếp, thằng bé bằng nắm cơm thế kia mà chơi cây đàn to thế!” Nhiều khán giả hiếu kì chen lên tận nơi để ngó vào mặt Phùng xem cho được tay nhạc công tí hon này.
Có lẽ trong số tám anh em, tôi với Phùng là có nhiều kỉ niệm sâu sắc nhất, bởi chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau. Tháng Tư năm sáu nhăm, gia đình tôi đi Lào Cai khai hoang, Phùng tạm ở lại với bà ngoại, chờ cuộc sống ổn định rồi thày bu tôi về đón. Nhưng chưa đầy hai năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt thì vừa chớm tuổi mười tám, Phùng đã nằng nặc xin đi bộ đội. Mặc dù lúc em đi, nhà tôi không ai biết, nhưng tôi dám chắc điều đó. Vì em là nhà con một, bố mất sớm do hậu quả của trận đòn địch dã man thời kháng Pháp, mẹ tái giá, em đang ở với bà ngoại...Theo chính sách hậu phương lúc đó thì Phùng chưa phải động viên ra tiền tuyến. Nhưng em đã ra trận. Và có lẽ chỉ vài tháng sau, không biết ở vị trí nào trên mảnh đất phía Nam của Tổ quốc thân yêu, không biết mảnh bom quả pháo nào của người Mỹ từ bên kia bán cầu mang sang đã phá hủy và vùi dập cơ thể đang mơn mởn tuổi xuân của em!...
Gần nửa thế kỉ qua, hình ảnh người em con chú ruột đã từng sống chung một nhà như cùng cha cùng mẹ, đã từng chia sẻ ngọt bùi, chát đắng...vẫn cứ lởn vởn trong đầu tôi. Sống, không cha, có mẹ cũng như không; chết, không biết có mồ mả hay không?!...Mặc dù xa quê, có lần tôi đã tìm đến Trung tâm ngoại cảm đường Thụy Khuê Hà Nội, hy vọng nhờ các nhà ngoại cảm chỉ giúp. Họ yêu cầu nộp giấy báo tử liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công, nhưng trong tay tôi chẳng có gì...
Với tôi, hình ảnh duy nhất của Phùng còn lại là một thằng em ở tuổi vị thành niên, nét người đậm, khi đi, mặt ngửa lên giời, má hơi bầu, da trắng, mái tóc mềm, ngả màu râu ngô, rất kiệm lời, đôi mắt lúc nào cũng đượm một vẻ buồn...

                                                                          (Rút trong tập Ký Hai miền quê, NXB Hội Nhà Văn, 2009)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.