614. Gập ghềnh con đường đi học
Gập ghềnh con đường đi học
Trường Đảng Hoàng Văn Thụ Việt
Bắc và trường Đảng Tây Bắc được nhập lại thành Trường Nguyễn Ái Quốc VI trung ương, sau
khi xóa bỏ hai Khu Tự trị Việt Bắc và Tây Bắc. Trường có cơ sở 1 ở Mễ Trì, Hà
Nội và cơ sở 2 ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên. Tháng 9/1976, mình được triệu tập về
học ở cơ sở 2 – Thái Nguyên. Ba tháng đầu vập ngay vào môn Triết học, cái môn
mà đến Karl Marx còn phải kêu lên là trót ngoạm vào “quả táo chua” cực kỳ khó
nuốt. Bởi thế mình gần như trở thành thằng ngố khi phải nhai những phạm trù Vật
chất, Biện chứng, Mâu thuẫn, Lượng, Chất, Bản thể luận, Nhị nguyên luận...Cứ
rối tinh như canh hẹ.
Đang trong lúc đầu óc căng thẳng
phần vì phải nhồi nhét triết học, phần vì nhớ vợ, nhớ con bởi lần đầu tiên
trong đời đi học xa nhà, lại trong điều kiện cuộc sống cực kỳ thiếu thốn, nên
rất dễ sinh bệnh tật. Lúc ấy, bà xã đang công tác ở Phòng Văn hóa thông tin
huyện Bảo Thắng. Con gái đầu mới 24 tháng tuổi. Khi mình còn ở nhà hai suất
lương nhân viên gộp lại cũng còn đỡ. Bây giờ nồi cơm phải chia đôi...Ấy thế mà
vì thương chồng, vợ mình vẫn chạy chọt chỗ quen biết, xin duyệt được hai hộp
sữa nước, một gói cà phê bột và một tút thuốc lá Tam Đảo gửi Bưu điện xuống. Hôm
nhận được Bưu phẩm, mình có vui, nhưng lại xót xa. Vui vì gói quà như có hơi ấm
của vợ con nên cũng đỡ nhớ. Xót vì nghĩ đến đứa con gái hai tuổi ở nhà còn
chẳng được biết đến mùi sữa bò mà lại dành gửi cho bố! Có lẽ bao nhiêu tình cảm
nhớ nhung vợ mình đã trút tiệt cả vào gói bưu phẩm. Vì bưu phẩm đã hơn chục
ngày trên đường, nên mười bao thuốc lá mốc xanh, không thể hút, phải đứt ruột
bỏ đi. Còn cà phê và sữa, tối hôm ấy mình gọi anh em trong phòng pha uống với
nhau cho vui. Quà của vợ mình đấy. Toàn hàng cung cấp, phải nhất thân nhì thế
với lãnh đạo ngành Thương nghiệp mới duyệt được. Hãnh diện lắm. Nhiều thằng ở
mãi miền Trung, vợ con không gửi gì phát ghen lên.
Uống cà phê sữa xong mọi người
lên giường buông màn, tắt đèn. Bỗng thấy đầu óc cứ tỉnh như sáo, thấy trong
lồng ngực thổn thức, tim đập loạn. Cố nằm úp mặt xuống, nhắm mắt, đếm một hai
ba bốn...đến một trăm, hai trăm... nhưng trống ngực vẫn đánh liên hồi. Một cảm
giác cô đơn ập đến. Rồi bỗng dưng thấy đau nhói ở vùng tim, khó thở, có vẻ như
sắp gần đất, xa giời. Lo quá, bắt buộc phải gọi mấy thằng bạn bên cạnh. Mọi
người dậy bật đèn, chạy đi tìm y tế. Vài phút sau, y tá Huệ, người xinh nhất
trạm xá nhà trường, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng đồng hương với mình có mặt. Huệ nghe
tim, đo huyết áp, tiêm một phát, cho uống hai viên thuốc rồi ngồi cạnh giường. Huệ
nắm lấy bàn tay mình đặt lên đùi nàng tự nhiên như không. Ba ngón tay kia dí
nhẹ vào động mạch cổ tay, kiểm tra nhịp tim. Nàng xem mạch rồi ấp bàn tay mềm và
ấm vào tay mình, đoạn nhỏ nhẹ: “Không sao đâu, tí nữa anh ngủ được là khỏi
thôi. Em sẽ ngồi đây khi nào anh đỡ, em về”. Mấy bạn cùng phòng thằng nào lại
chui vào màn thằng ấy. Mình thấy trong người dễ chịu dần, đầu óc bớt căng
thẳng, tim đập trở lại bình thường và dần dần chìm vào giấc ngủ. Sáng tỉnh dậy,
thấy màn buông, cài cẩn thận. Không thấy Huệ ngồi đấy nữa, nhưng vẫn phảng phất
mùi thơm của mái tóc em từ tối hôm trước...
Cái môn triết học chết tiệt này
lạ thật. Có thằng dốt đặc cán mai, học chả hiểu gì thì ngủ ngon, ngáy như sấm. Còn mình càng vỡ vạc
ra được tí nào thì lại càng khó ngủ. Mười giờ tối, lên giường buông màn là
trong đầu lại tái hiện những khái niệm, phạm trù... rồi liên tưởng trên giời,
dưới bể thành thử cứ tỉnh như sáo sậu. Thế là một hôm, nhịp tim lại nhẩy lên
như ngựa vía. Lại tức ngực, khó thở... Lần này thấy nặng hơn, nhà trường cho xe
chở ra Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên cấp cứu. Nằm viện được một ngày thì bất
ngờ gặp anh Mai Trọng Nhuận, người cùng cơ quan hồi mình còn công tác ở Phòng Y
tế Bảo Thắng. Anh đang theo học lớp bác sĩ chuyên tu tại Trường Đại học Y Thái
Nguyên, thực tập tại bệnh viện này. Anh Nhuận hỏi lý do nằm viện. Rồi đưa cho cuốn
sách của Giáo sư Đặng Văn Chung, in rô nê ô, ngoài bìa đề Bệnh học nội khoa. Anh bảo, cậu
tìm ở trong này sẽ thấy bệnh của mình. Mình đọc. Tìm thấy bài: Rối loạn thần
kinh tim, triệu chứng, lứa tuổi, hoàn cảnh mắc bệnh... y chang như mình. Trong
đó Giáo sư kết luận đại ý: Đây chỉ là một triệu chứng kích động tim. Nếu tư
tưởng được thoải mái, không sử dụng những chất kích thích thì bệnh sẽ có thể tự
khỏi...Tự nó không bao giờ đưa đến suy tim. Hồi còn công tác ở ngành y tế, mình
đã nghe nhiều giai thoại về giáo sư Đặng Văn Chung. Ông là một bác sĩ lưu dung,
được Hồ Chí Minh trọng dụng bởi ông là người đứng đầu ngành nội khoa Việt Nam .
Nếu như ngoại khoa là GS Tôn Thất Tùng thì Nội khoa phải kể đến GS Đặng Văn
Chung. Hai ông như hai cây đàn chủ lực thay nhau solo trong một dàn nhạc giao
hưởng. Chỉ mới đọc sách của nhà khoa học có uy tín, hiểu phần nào về bệnh tật
của mình mà mình đã cảm thấy đỡ hẳn. Thế mới biết, chữa bệnh đâu chỉ có dùng
thuốc. Đôi khi mới nhìn thấy những giáo sư, bác sĩ có tài, có đức thì hình như
bệnh tật đã lui rồi! Mình điều trị vài ngày là ra viện. Bệnh án của Bệnh viện
chẩn đoán “Rối loạn thần kinh tim”. Đúng như sách. Bác sĩ dặn: Hoạt động trí não phải có nghỉ ngơi, năng
tập thể dục và hạn chế dùng chất kích thích...
Mình biết bệnh. Nguyên nhân chính
là do bị mất cân bằng về hoạt động giữa trí óc và chân tay, mất cân bằng cả về
tâm, sinh lý... Vì vậy sau khi ra viện, mình thường dành hàng giờ sau bữa ăn
chiều đi dạo ra ngoài cánh đồng để thư giãn. Một bận đi qua cửa trạm xá, y sĩ
M, trạm trưởng nhìn thấy gọi: anh vào đây cho tôi xem lại cái tim. Mình vào. M
lấy ống nghe dí vào ngực mình... Vừa rút ống nghe ra nói luôn: “Anh Dương ạ,
anh bị suy tim độ 3!” Mình tái người, không phải sợ mà tức giận vì sự võ đoán
của một y sĩ dốt nát. Một người bị suy tim độ 3 thì chỉ còn nước nằm chờ chết
chứ còn học hành, lao động gì nữa. Mà một thày thuốc có bản lĩnh, có trình độ
chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tin rằng không ai có thể vội vàng phán một
câu xanh rờn như vậy. Mình nghĩ, đã ngu dốt thì ở ngành nào chả nguy hiểm nhưng
riêng ngành y thì dốt đồng nghĩa với tội giết người... Mình hết sức kiềm chế để
khỏi đấm vào mặt hắn một cái. Hơn nữa ở hai bàn bên kia là hai em y tá xinh như
mộng, trong đó có Huệ đang xem sổ sách. Vì thế, mình cũng kiềm chế được phần
nào, rất bình tĩnh và rành rọt: “Anh M ạ, anh học ở trường nào ra đấy? Tôi
không thể hiểu có một trường y nào lại đào tạo ra một y sĩ kém cỏi cả về chuyên
môn lẫn y đức như anh. Nếu người bị suy tim độ 3 mà anh dọa như vậy thì chắc đã
ngất xỉu rồi. Nhưng tôi chưa ngất trước mặt anh nên có lẽ không phải suy tim
đâu anh ạ. Tôi nghĩ, trình độ y sĩ của anh với chỉ mỗi cái ống nghe thì không
thể trèo lên đầu các giáo sư bậc thầy của đất nước ở Bệnh viện đa khoa Thái
Nguyên với hệ thống máy móc hiện đại, một bệnh viện thực hành cho Đại học Y
khoa mà anh không lạ gì. Sao anh lại coi thường họ và nhẫn tâm với bệnh nhân
vậy? Anh nên nhớ rằng, anh đang ngồi ở cái ghế trị bệnh cứu người chứ không
phải giết người bằng sự khủng bố tinh thần đâu, anh M ạ...” Chẳng hiểu thế nào,
mình xổ ra một tràng toàn những lời cay độc như vậy. M càng nghe, mặt càng tái
mét. Có lẽ hắn bị bất ngờ vớ phải một học viên triết học không xoàng. Hai em y
tá không nói gì, ngồi im như phỗng đá. Khi mình ngừng lại, M nói: “Anh bình
tĩnh đã, đừng nóng!” “Ơ hay, anh thấy
đấy tôi có nóng đâu. Tôi chỉ nhắc lại một vài quan điểm về Y đức trước một
người thày thuốc vừa khủng bố tinh thần bệnh nhân, những quan điểm mà tôi chỉ
học mót được thôi”...
Cuối tuần, trong một cuộc giao
ban lãnh đạo các chi học tập, khi kết thúc, ông Phó phòng Tổ chức – giáo vụ ghé
tai bảo mình ở lại. Mọi người về hết, Phó phòng Tổ chức giáo vụ nói: “Đồng chí Dương
ạ, trong hơn 3 tháng qua, đồng chí là một học viên học rất tốt. Kết quả học tập
cao, ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức tốt. Đồng chí còn là một cán bộ
của Chi học tập...Tuy nhiên, vừa qua theo báo cáo của Phòng Y tế thì sức khỏe
hiện tại của đồng chí không bảo đảm để tiếp tục theo học. Vì vậy Phân hiệu đã
báo cáo về Hà Nội đề nghị và được Ban Giám đốc nhà trường đã ra quyết định để
đồng chí nghỉ học, khi nào sức khỏe tốt thì lại tiếp tục”. Ông ta chìa tờ quyết
định có chữ ký của Phó Giám đốc ký thay Giám đốc và con dấu đỏ chói.
Thế là rõ. Chỉ vì “trung ngôn”,
không chịu được những hành vi kệch cỡm nên bây giờ phải hứng hậu quả. Nhưng
mình vẫn manh nha tin rằng, ở cái trường dạy lý luận này ít nhiều họ cũng phải
biết phải, trái, trắng đen chứ. Mình thong thả trình bầy: “Thưa anh, trước hết
tôi thành thật cám ơn sự quan tâm của các anh đã lo cho sức khỏe của tôi. Nhưng
tôi không nghĩ Ban Giám đốc lại có thể quyết định một cách vội vàng thế! Chẳng
lẽ tôi lại không hiểu sức khỏe của mình bằng người khác? Nếu tôi cố theo học để
mà chết thì học làm gì cho phí cơm? Nếu không đủ sức khỏe để học thì chẳng cần
đến Y tế của các anh đề nghị. Tôi sẽ tự xin thôi học. Mà cũng lạ, các anh tin
một y sĩ quèn với duy nhất mỗi cái ống nghe hơn là bệnh án của một bệnh viện
tầm quốc gia với hệ thống máy móc hiện đại? Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên không
hề chẩn đoán tôi có bệnh tim trong khi anh M y sĩ của các anh bảo tôi suy tim
độ 3! Đúng là hài hước. Vì thế để cho dân chủ và đàng hoàng, tôi yêu cầu nhà
trường cho giám định sức khỏe ở nơi đáng tin cậy. Không nên căn cứ vào đề xuất
có tính chất ác ý của anh M? Nếu các anh không làm đúng, tôi sẽ có đơn về Hà
Nội, lên Ban Bí thư Trung ương”. Với lập luận như vậy, ông Phó phòng Tổ chức
giáo vụ xuống thang. Ông bảo, thôi được tôi sẽ báo cáo lại Ban Giám đốc có thể
hoãn việc thực hiện quyết định cho đồng chí nghỉ học. Tuần sau đồng chí về Hà
Nội dự đại hội Đảng bộ nhà trường, nhân đây chúng tôi đề nghị cơ sở Y tế của
nhà trường ở Hà Nội giới thiệu đồng chí đi giám định lại sức khỏe ở Viện tim
mạch quốc gia.
Hôm đi dự Đại hội đại biểu Đảng
bộ Trường Nguyễn Ái Quốc VI cơ sở 1 – Hà Nội, mình tranh thủ ngoài giờ xuống
trạm xá gặp bác sĩ. Trạm trưởng là một bác sĩ quân y mới chuyển ngành. Sau khi
xem giấy giới thiệu, bác sĩ Nga nói: “Em đã được thông báo về trường hợp của
anh. Anh để em kiểm tra xem có cần phải đi giám định không”. Bác sĩ nghe tim
tôi khá kỹ rồi thong thả phân tích: “Tim anh chỉ có một tiếng thổi tâm thu 2/6.
Đây là tiếng thổi sinh lý, không phải bệnh lý. Ở quân đội, em thường gặp những “tiếng
thổi” như thế chiếm đến 15 – 20 phần trăm”. Qua trao đổi, mình biết Nga là bác
sĩ chuyên khoa tim mạch từng công tác trong quân đội nhiều năm. Thời ấy, ngay
cả những cơ sở y tế của Trung ương, những bác sĩ chuyên khoa như vậy không
nhiều. Chị động viên, an ủi: “Anh Dương yên tâm, anh không có bệnh tim. Vừa qua
một số triệu chứng gây ra mạch nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, lo sợ của bệnh
nhân là do rối loạn thần kinh tim. Thôi, anh không phải đi khám ở đâu cả. Em sẽ
có văn bản báo cáo với Ban Giám đốc về tình trạng sức khỏe của anh”. Thế là như
trút được gánh nặng, mình cảm ơn bác sĩ rồi vui vẻ dự tiếp Đại hội Đảng bộ.
![]() |
Minh họa. Ảnh Interner |
Mười ngày sau, Phòng Tổ chức -
giáo vụ lại mời mình lên thông báo miệng: Ban Giám đốc nhà trường quyết định để
đồng chí tiếp tục học tập. Mong đồng chí cố gắng hoàn thành tốt chương trình
của khóa học...
Đúng là ở trên đời, nhiều khi sai
một li đi một dặm, cái sảy nảy cái ung. Ấy thế nhưng giời sinh ra cái tính không chịu sống theo lối mũ ni che tai chuyện ai cũng kệ được, nên hay chuốc vạ vào thân. Nhớ trong một bài Phiếm đàm, nhà văn Ngụy Minh Luận (Trung Quốc) "luận" về văn học, có đoạn: "Văn học là đứa trẻ hay nghịch, không đi thong thả mà ưa chạy nhẩy, thỉnh thoảng chạy cả vào vạch vôi, xơi một cái tát nảy đom đóm mà vẫn không chừa, nháy một cái, nhoáng một phát đã lại lao vào đường cấm". Ồ, sao cái tính mình giống cái "thằng Văn học" thế. Mình có anh bạn đồng tuế người Dao đỏ từng làm Chủ tịch
Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh. Một lần anh tâm sự: “Này, cái tuổi con chuột của
bọn mình xem ra thằng nào cũng “ngang ngạnh”, thuộc loại “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ
bất năng khuất” * cho nên hay bị “đánh” lắm. Nhưng được cái
nhanh nhẹn nên nó có đánh mình thì không đánh được vào đầu, không may chỉ vào đuôi
nên không chết được, quá lắm chỉ sứt đuôi là cùng!”
_____________________________________________
* Giầu sang chẳng làm động lòng/ Nghèo khó không làm thay đổi/ Cường quyền không thể khuất phục được.
_____________________________________________
* Giầu sang chẳng làm động lòng/ Nghèo khó không làm thay đổi/ Cường quyền không thể khuất phục được.
Nhận xét