610.Hàng nào chẳng là hàng (Phần cuối)

Hàng nào chẳng là hàng (Phần cuối)
Truyện ngắn:Tống Ngọc Hân

Cả tháng Giêng, hai mẹ con bà xúng xính lễ hội. Ngày nào gọi về bà cũng hỏi ông hôm nay mua gì cúng thần tài. Có thắp đủ ba tuần hương không? Có thay nước, có đốt nến không? May mà các vị ngồi yên một chỗ mà hiến hưởng, chứ các vị có chân đi lại trong nhà như ông già khó tính thì chắc ông không thể nào hoàn thành nhiệm vụ bà giao. Bà còn ý tứ đả động chuyện mẹ ông trưởng khu đã đi chưa, gớm hơn tám chục rồi còn đánh đu làm gì nữa. Bà đã tính đâu vào đấy cả, thậm chí còn bấm ngày bấm giờ để về cho kịp vụ thu hoạch. Đầu tháng hai, mẹ ông trưởng khu mới đi thật. Đích thân anh con trai út đi chọn áo cho mẹ. Một cỗ pơ mu chạm trổ rồng phượng có giá chục triệu mà anh ta chỉ hất hàm có một cái là trai tráng khiêng ngay lên xe. Trước khi đi anh ta kịp trầm trồ. Nhà ông có bộ bàn thờ thần tài khủng thế? Đúng là khủng thật. Diện tích cho các thần ngự vào khoảng hai mét vuông. Bàn thờ làm bằng gỗ trai, các ngài được tạc bằng loại gỗ lũa đắt nhất nhì bảng xếp hạng. Chum rượu, chum gạo, chum muối đều bằng gốm giả cổ. Bình trà và chén trà bà gửi mua tận bên Tầu. Đèn, hoa tươi lung linh, khói hương ngào ngạt, hoa quả bánh trái chẳng thiếu thứ gì.

Đoàn người vác trướng và vòng hoa đi trước, dài dằng dặc. Bà đứng cửa ngó ra chép miệng tiếc rẻ. Ai mà biết được lại cháy cả vòng hoa, có mười bảy cái, bán bay cả mười bảy. Con đông, cháu đông, toàn thoát ly công tác kể cũng sướng, chết mà mát mặt. Ông hòa vào dòng người đưa ma mà lủi thủi côi cút một mình. Hình như từ ngày bà đón thần tài về, trong vùng nhiều người chết hơn thì phải. Cả những người khỏe mạnh béo tốt cũng đột ngột bị gọi đi. Ông đứng ở nghĩa địa, tranh thủ đếm những ngôi mộ mới mọc lên, ông ngẩn người đến khi đoàn đưa tang đã kéo về gần hết.

Bà nhìn số hàng vơi đi đáng kể mà lòng phơi phới. Cái lộc đã đến là cứ đến xồng xộc, không cưỡng được. Bà nghĩ thế vì nhiều lúc cũng thấy ngại với xung quanh. Thì kia, tivi đài điện ế ẩm, hẩm hiu, vợ chồng nhà hàng xóm cãi nhau chí chóe. Đến quán thịt chó, mọi khi đông khách thế, giờ cũng khác nào chùa bà Đanh. Cả suối nước ấm nữa, mấy ngày không có khách lai vãng. Khủng hoảng kinh tế ở tận đâu đâu cũng bò về đây phát tác. Ai cũng kêu ca phàn nàn. Chỉ có quán nhà bà, đều như vắt chanh, mà toàn thu món lớn. Người giầu thì nói sao lấy thế. Nghèo quá, phải chịu đựng thì cũng bảo sao lấy vậy, nào dám kỳ kèo. Chỉ có bọn ẩm ương là còn kịp mặc cả, eo sèo đắt rẻ, khó chịu. Có đám, bố ốm cả tháng mà con trai làm thợ mộc cũng không dám đóng cho bố cỗ quan tử tế, vì sợ không biết phải tính với anh chị em thế nào. Lấy tiền thì không nỡ, mà không lấy thì thiệt thòi, gỗ giờ đắt đỏ chứ có rẻ đâu. Tốt nhất là đi mua, rồi chia nhau ra.
Thế đấy, từ lúc kinh doanh hàng này, ông Phục ngộ ra khối điều mà trước giờ cứ ngỡ không thể có. Mà điều ông ám ảnh nhất là việc ông thần siêu tài. Vốn là kẻ vô thần chẳng bao giờ ông tin có chuyện cầu được ước thấy. Thế mà nay tâm phục khẩu phục. Lỗ lãi đâu chẳng biết, cứ thấy các ngài ngồi đó, nét mặt phơi phới là đã yên tâm rồi. Tiền đi thẳng vào lòng tham của con người. Chẳng hiểu các ngài tiếp tay kiểu gì mà nhiều lúc ông còn không nhận ra bà nữa.
Có hai giấc mơ cứ quanh quẩn trong giấc ngủ của ông. Thứ nhất, bà với cái máng lợn sứt mẻ như trong truyện cổ. Thứ hai, bà với những cỗ hậu sự sơn son thếp vàng, đẹp đến nỗi bà không biết chọn cái nào nên lần lượt bật nắp lên chui vào nằm thử, bắt ông ngắm xem cái nào vừa nhất, hợp nhất và nom bà có vẻ thanh thản nhất. Nếu những cỗ quan tài đó là cái váy thì ông đã nhắm mắt phán bừa rồi. Đằng này, bà thật oái oăm, ra đi có thanh thản nhẹ nhàng hay không đâu phải do cái chỗ nằm. Đã thanh thản thì dù có bó chiếu cũng thanh thản.
Thế nên cứ lên giường là ông tìm mọi cách tống khứ cái chuyện bán mua ra khỏi đầu, chỉ nghĩ đến cái máng lợn. Dù sao mơ cái máng lợn cũng dễ chịu hơn. Dần dần, ám vào ông là cái máng lợn. Ông nghe người chăn nuôi nói, lấy ván thiên đã cải cát đóng máng cho gà lợn ăn thì chúng mau lớn. Nhìn quanh, phố bây giờ ít người chăn nuôi nên ông chưa kịp phổ biến cái kinh nghiệm ấy cho ai cả. Mà chưa nói ra được thì còn mơ. Thấy ông ú ớ đều đặn từng đêm thì bà phát cáu. Vì bây giờ, giấc ngủ của bà là vàng là tiền. Không mơ thì căn cứ đâu mà đánh đề? Đang trôi nổi với mộng đẹp thì bị ông ú ớ tiện ngang. Mà có tra hỏi là mơ gì để kiếm con bạch thủ thì ông lại chối bai bải là không nhớ. Đầu óc gì mà chán thế không biết, từ sau tôi cấm ông mơ kiểu ấy. Chao ôi đã cấm tham gia mọi sự làm ăn, giờ cấm cả mơ. Ông đành úp mở. Giấc mơ ấy đêm nào tôi cũng mơ thì nhàm thì loãng sao có thể luận đề được. Càng nhàm là càng rõ, bà bức ông phải nói. Thì ông nói. Bà giãy đành đạch, tôi ghét nhất cái máng lợn, ông không biết hay sao mà còn mơ. Tôi biết, nhưng trót mơ rồi. Lần sau ông còn phá giấc mơ tôi thì tôi cho ông xuống cửa hàng mà ngủ. Nói thế là ông sợ. Vì bà biết ông sợ nhất những cỗ quan tài, sợ nhì ông thần tài. Ông thấp thỏm không dám ngủ say vì sợ lại mơ tiếp.
Những cơn mơ của bà dần hết nghiệm, bà mang cái máng lợn của ông ra luận. Bà từng sấp ngửa với nó cả nửa đời người nên sành lắm. Lại được thần tài độ cho nên bà trúng đậm cả lô lẫn đề. Sau đó, tất nhiên là ông phải khai nốt ra giấc mơ bà thử quan tài. Thử mấy cái? Tôi không nhớ. Phải cố mà nhớ, ông chỉ có việc ăn, ngủ và nhớ lại thật kỹ những giấc mơ thôi. Ông nói bừa là bà thử bảy lần. Trong sổ mơ chỉ có người chết nằm trong quan tài sống lại thôi. Ông nhớ lại xem tôi chết hay sống? Khổ thật, sống sờ sờ ra nên mới đòi thử quan tài như thử áo ấy chứ. Mơ cũng mơ oái oăm, ông là cái giống trái khoáy nhất.
Thế mà bà cũng luận ra mới tài. Bà thắng to lắm. Giờ ông có giá ngang thần tài chứ chả đùa. Thần tài được ăn uống thức gì, ông cũng có thứ ấy, mà tươi sồn sột chứ không phải cái kiểu lộc thừa lộc thãi. Đi đến đâu, dù có cắm mặt xuống đường thì dân số má cũng nhận ra ông và kéo mặt ông vểnh lên. Ăn gì mà mơ chuẩn vậy, cho nhau xin tí lộc rơi lộc vãi. Nhưng tuân lệnh bà, ông không bao giờ dám hé răng. Bà đã mua bản quyền những giấc mơ của ông bằng cơm ngon áo đẹp và sự bình yên tuyệt đối trong nhà. Giờ ông đã được tư do ú ớ, thậm chí hét lên, mà có lỡ tay đấm bà một quả ông cũng không bị khép tội. Có khi ông không nhớ rõ lắm, hoặc cũng không ra dáng một giấc mơ nhưng ông vẫn kể lại trôi chảy, xem bà luận thế nào. Lạy trời, cái dây đỏ của bà dài thật. Ông hoang mang, lẽ nào các ngài siêu việt đến vậy?
Không riêng chuyện đề đóm, hàng họ của bà cũng thuận đến kỳ lạ. Hôm mấy bác Mông dưới xã vác lên một cỗ trám rừng nói là để dành cho bố nhưng vợ ốm nặng không có tiền phải bán. Họ đã nói thế mà bà cố tình trả rẻ. Họ nài nỉ, bà ngoay ngoảy, đem về mà dùng. Ông đành tác động hộ, bà mới chịu trả thêm hai trăm, và dọa, cứ để nó sau nay ông nằm cho thơm cho tốt. Nửa tháng sau, họ quay lại xin chuộc cỗ cây vì vợ không qua khỏi. Bà cho chuộc và lấy thêm hai trăm lãi, họ lại nài nỉ bớt. Bà dài mồm ra, ai bảo hôm ấy đòi nhiều, bận sau mua đứt bán đoạn không chuộc chiếc gì sất. Từ hôm ấy, ông thấy cái mặt thần tài kém vui.
Người thì vẫn chết, quan tài vòng hoa vẫn bán nhưng đề thì chết dúi chết dụi. Ông không dám mơ mộng gì cả và luôn tìm cách tránh mặt bà. Bà càng gỡ càng mất. Số tiền đỏ hôm nào thọt lỏm trong cái dây đen. Dần dần, từng cỗ quan bán đi đều đắp điếm hết vào đề. Bà khát nước đến lạ. Lâu lâu không có ai chết bà còn đánh tiếng với những nhà có cha mẹ già cả ốm đau là bán cho với giá rẻ một nửa. Vụ này thì thần tài không can được, chỉ cười nhạt. Bà đã quen với việc thu về tiền mớ, người thì chết nhỏ giọt bao giờ mới có cơ giật lại dây đỏ. Người hay ngợm? Mơ gì mà ngu thế? Ông chả rõ bà đang nói ai nữa.
Một hôm, nhà có khách đến mua hàng, ông gọi bà, bà nằm lì trên gác không xuống. Ông sốt sắng chạy vào cửa hàng thì mới vỡ lẽ. Cửa hàng đã có chủ mới. Thế là hết. Đêm ấy trong giấc mơ ông lại thấy bà đang khom người ôm cái máng lợn. Ông ú ớ cười.
Rồi lần hai bố con về quê, khi trở lại, xuống xe ở trước cửa, lão hàng xóm vẫy vào. Tôi đã nói rồi, nhà ông phong thủy chỉ hợp cho việc làm ăn bất minh thôi. Ông thở hắt ra, không thèm chấp. Vào nhà mình, có đứa lạ hoắc hỏi ông. Bác quên gì sao? Có vay đươc tiền không, mua đứt bán đoạn rồi không chuộc gì sất. Bà nhà tôi đâu? Lắc đầu. Ông toan bước, nghĩ thế nào lại quay lại. Ông biết khi dọn đồ đi, thế nào bà ấy cũng quên một thứ. Ông tìm gì mà ngẩn người ra thế? Cái máng lợn. Bà ấy ném xuống suối rồi. Ừ cũng phải, vì nó và những giấc mơ về nó mà bà ấy đến nông nỗi này. Nhưng ông phải đi tìm, vì nó là kỷ vật. Nó được làm từ tấm ván thiên sau ngày cải cát cha của ông. Nó chứng kiến quãng thời gian hạnh phúc của ông. Con Ngoan trách. bố hâm à, phải đi tìm mẹ trước.
Ông vẫn chạy ra suối. Cuối xuân mà đã lũ. Lũ về, nước không ấm nữa, mà lạnh buốt. Có lẽ cát đã đánh chìm nó. Ông dò dẫm trên mép nước, sục sạo. Rồi ông không muốn ngẩng mặt lên nhìn con. Con gái ông sốt ruột. Cái máng lợn quan trọng đến thế sao? Ông ngây người đứng thẳng lên, bàn tay trái còn cầm theo một cái dép đàn bà. Ông rụng rời khi nghĩ đến cảnh phải quay về nhà cũ, để mua chịu một thứ...





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.