609. Không phải việc của Nhà nước

Không phải việc của Nhà nước

Tác giả: THEO TBKTSG
Bài đã được xuất bản.: 07/07/2013 02:00 GMT+7
Có những việc Nhà nước không nên làm. Cấp chứng chỉ hành nghề cho các nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu là một việc như thế.
Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, ca sĩ là người có giọng ca vượt trội, có thể "kinh doanh" giọng ca bằng cách hát cho công chúng nghe để đổi lại một khoản thù lao nhất định. Ở các hình thức nghệ thuật khác cũng vậy, việc trao đổi giữa tài năng của người nghệ sĩ và chi phí bỏ ra của người thưởng ngoạn hoàn toàn là quyết định giữa hai chủ thể dân sự.

Nếu giọng ca của ca sĩ không đúng như kỳ vọng, nếu như tài năng của nghệ sĩ không như người ta tưởng thì họ sẽ không chịu bỏ tiền ra để trao đổi nữa. Đây là một quy trình hoàn toàn mang tính dân sự, Nhà nước không việc gì phải can thiệp vào cho nặng nề thêm bộ máy hành chính.
Ở góc độ văn hóa, còn ai giám sát đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ sát hơn công chúng. Hãy giao việc đó cho các hội nghề nghiệp, tự họ sẽ có những biện pháp chấn chỉnh nội bộ để duy trì uy tín cho cả giới nghệ sĩ.
Có rất nhiều việc như thế và nếu rà soát kỹ, áp dụng nguyên tắc Nhà nước không làm những việc không thuộc chức trách của mình thì bộ máy hành chính sẽ tinh giản được công việc, bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn để tập trung vào công việc quản lý chính của mình.Lấy ví dụ khác, cách đây không lâu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bỗng nảy ra ý định tổ chức một chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung mà nhiều báo lúc đó giới thiệu với cái tít rất hấp dẫn: Lương hưu có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Mới nghe qua, đề án có những điểm rất thú vị như hàng tháng người lao động trích từ tiền lương một khoản tiền nhất định bỏ vào một tài khoản, rồi chủ doanh nghiệp cũng đóng góp vào tài khoản này để đến khi về hưu, người lao động có thể dần dần rút tiền từ tài khoản về tiêu xài. Tiền nằm trong đó sinh sôi nảy nở vì sẽ được đầu tư trên thị trường tài chính.
Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy rõ ràng đây là chuyện giữa doanh nghiệp với người lao động, một sự thỏa thuận cùng đóng góp vào một quỹ hưu trí bổ sung để khuyến khích giữ chân nhân viên, bên kia đồng ý chấp nhận rủi ro để đồng tiền được kinh doanh với kỳ vọng tiền sẽ đẻ ra tiền. Hoàn toàn không có chỗ cho sự can thiệp của Nhà nước.
Vai trò của Nhà nước trong việc này là cân nhắc xem những chương trình như thế có lợi cho xã hội hay không và nếu có lợi thì sẽ cân nhắc đưa các khoản tiền đó vào chi phí hợp lý để được khấu trừ thuế, cả thuế thu nhập cá nhân (phía người lao động) và thuế thu nhập doanh nghiệp (phía người sử dụng lao động). Làm sao Nhà nước có thể can thiệp vào hàng ngàn, hàng chục ngàn chương trình hưu trí bổ sung như thế của toàn nền kinh tế.
Và nếu Nhà nước can thiệp, giả sử đầu tư tiền hưu trí này bị thua lỗ (như đã từng xảy ra ở các nước phát triển) thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì thế, tuyên bố của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rằng chương trình hưu trí bổ sung này thoạt đầu là tự nguyện và sau đó bắt buộc là một tuyên bố sai hoàn toàn.
Từ chứng chỉ hành nghề cho các nghệ sĩ đến chuyện hưu trí bổ sung tưởng đâu không có liên quan nhưng đều nói lên hai quan điểm trái ngược. Một bên là sự cả lo, muốn chuyện gì Nhà nước cũng phải can thiệp vào; một bên dùng các mối quan hệ xã hội để chi phối, điều chỉnh hành vi. Cái sau là cốt lõi của một mô hình chính quyền hiện đại, là tư duy đằng sau nỗ lực bãi bỏ giấy phép con, mọi ràng buộc hành chính không cần thiết. Lý thuyết nhà nước thu hẹp dần khi xã hội càng tiến lên chính là chỗ đó.
Theo TuầnViệt Nam


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.