608. Hàng nào chả là hàng (Phần 1)

Hàng nào chẳng là hàng
Truyện ngắn: Tống Ngọc Hân

Giao thừa, con Ngoan bê cành lộc đẫm mưa xuân về bảo nhà mình năm nay phát tài phát lộc. Ông Phục cằn nhằn. Mày mong thiên hạ chết hết chắc. Buôn bán quan tài mà mong phát. Bà Phục xun xoe hương khói bợ đỡ ông thần tài. Dẹp mẹ nó đi. Ơ, ông này, có khéo chết vì mồm. Thần thánh chứ đâu phải chuyện tầm phào. Long trọng đón rước, lòng thành lễ lạt, thần mới chịu về ngự cho. Có thần về, yên tâm hẳn. Ở phố này, nhà nào mà chẳng thờ thần tài? Nhưng nhà mình khác. Khác cái gì? Đã kinh doanh thì hàng nào chả là hàng. Hàng nào cũng mong mua bán tấp nập. Kệ xác mẹ con bà. Hay chưa kìa, mình mẹ con tôi ăn chắc? Nhưng mà nhà mình… Thôi đi, ông đừng phá mẹ con tôi.

Hết cái tháng Giêng dài, dai như chão. Cái tháng đi đến đâu ông cũng bị hỏi thăm, bị chúc mừng. Buôn bán quan tài thì chúc mừng cái nỗi gì? Ông Phục xấu hổ thì phải. Vợ ông tính, nhà cuối phố, phải buôn hàng độc mới cạnh tranh được. Quan tài thì độc nhất rồi. Trước đây hễ có người chết là phải ra tận phố huyện mới mua được. Cái thời nhà nào nhà nấy lù lù chuẩn bị cỗ cây trong nhà cho ông già bà cả qua rồi. Cái thời người nằm xuống, kẻ luống cuống tìm gỗ thuê thợ đóng áo quan cũng đang qua rồi. Giờ cứ có tiền là sẵn tất. Thượng vàng hạ cám, loại nào cũng có. Pơmu, chò chỉ, xoan mít, gạo cọ… đủ hết, tiền nào của nấy. Nhưng nhìn gian hàng nhà mình, ông Phục cứ rờn rợn thế nào, mãi chả quen được.
Nhà ông ở phố Ngã Tư, cái phố núi nổi tiếng bởi con suối, nước âm ấm nhưng diễm phúc được dư luận đun lên thành suối nước nóng. Thế nên, chẳng phải thị trấn thị tứ gì mà vẫn tấp nập, nhộn nhịp. Trước kia ông cho mấy đứa ngoài phố huyện thuê để bán cà phê. Nhà cuối phố mà đông khách đáo để. Lúc đầu ông mừng, sau ông thấy ngờ lắm. Nếu chỉ riêng cái thứ đồ uống đăng đắng kia thôi, liệu có đông khách đến thế không? Khách khứa, anh nào anh nấy nhìn nhân viên hau háu. Mà nhân viên thì toàn gái trong bản ra, nói tiếng Kinh chưa sõi. Quán xá gì, điện đóm lem nhem, mờ mịt, cố tình bịt mắt ông thì ông cũng thừa khôn để biết tỏng chúng bay đang làm gì. Ông mách vợ, bà gạt phắt, bán gì cũng kệ chúng nó, miễn tháng có ba triệu trả cho bà. Chúng nó trả tiền nhà được dăm bận thì công an hót sạch. Họ còn lên cả tivi nói đó là ổ mại dâm. Ông nhẹ cả người. Tuy nhiên cũng liên đới, đi lên đi xuống khô cả giọng, rạc cả cẳng. Nhà to thế không cho thuê cũng phí, để buôn bán như người ta thì vợ ông không làm được. Bà quen bưng cám lợn rồi, lỗ lãi đâu chưa biết, cứ thấy ủn ỉn đầy chuồng là thích đã. Lần này khôn thêm một tí, sàng lọc hàng chục đối tượng cầu cạnh hỏi thuê, ông bà gạn ra một khuôn mặt khá tin cậy. Chị ta buôn hàng xáo. Gian nhà gần bốn chục mét vuông, chị ta ngăn ra một nửa làm kho, một nửa bán hàng. Cái kho ở bên trong lâu rồi chẳng thấy gạo nước gì sất, chỉ thấy người là người. Tiếng bát đĩa lẻng kẻng. Sau khi rình rập, ông bắt quả tang bọn phi pháp cả hai chục đứa, già trẻ, trai gái đủ cả, đang quây quần xóc đĩa. Ông tím mặt cảnh báo. Khốn nỗi, nhà cho thuê có giấy má tử tế, chưa hết hạn, đuổi người ta đâu được. Mà hợp đồng cũng không viết rõ là cấm này cấm nọ. Cuối cùng, để đỡ mất lòng, mất bề, ông bí mật đi báo công an. Một lần nữa ông nhẹ bẫng cả người.
Không cho thuê là không. Không bàn bạc. Không tiếc tiền. Vợ ông Phục gỡ cái tờ giấy cho thuê nhà đi rồi, ông hàng xóm mới rỉ tai. Nhà ông phong thủy tốt, rất hợp với phường buôn tệ bán nạn, nếu cho thuê nữa, sẽ vẫn rước về sự chướng tai gai mắt. Ngẫm cũng đúng. Nhà ông to đẹp thật nhưng ở cuối phố, lại thiêu thiếu ánh sáng. Sau nhà là rừng rậm, hông nhà là suối. Thuận cho bề tẩu tán, manh động. Cũng đận ấy xảy ra đại dịch gia súc gia cầm, bà nhà ông đi xem thầy về quyết tâm chấm dứt duyên nợ với nghề chăn nuôi. Phi thương bất phú. Họ thuê nhà còn làm được huống chi nhà mình. Lý sự của bà đơn giản như việc đổ cám vào máng lợn. Nhưng vấn đề là buôn gì mà không lo mốc mối, không lo hết hạn sử dụng, không lo cạnh tranh, không đụng hàng. Nói chung phải độc, mà là độc nhất vô nhị. Thấy vợ lẩm rẩm như thầy cúng, ông ngứa mồm. Buôn quan tài ấy. Bà vồ ngay cái ý tưởng của ông rồi khư khư giữ lấy. Thế là ông có ngay một kho quan tài ngay tầng trệt ngôi nhà ba tầng. Cái mặt hàng này làm ông ngao ngán. Để tăng thêm thu nhập và cũng là phong phú sinh động thêm cửa hàng, vợ ông nhập về thêm vòng hoa, trướng, khăn xô, mũ miện, vải liệm, đèn cầy. Cả tiền vàng mã, cả tiểu sành, bát hương… Nói chung là phục vụ trọn gói luôn. Người ta kích cầu bằng khuyến mãi, bà cũng khuyến mãi dù chẳng cạnh tranh với ai. Mua một quan tài, tặng một vòng hoa. Mua một tiểu sành, tặng một cối hương... Thế thôi, buôn bán túc tắc hóa hay. Ăn đứt cho thuê, bỏ xa bưng cám lợn. Đàn bà vốn chóng thích nghi mà lại. Tuy nhiên vợ ông vẫn chưa hài lòng. Sinh nhiều mà tử ít. Bà mượn thầy rước thần tài về phò tá, chỉ bảo.
Từ hôm có thần tài, bà chăm chỉ cung phụng. Của ngon vật lạ, ta tầu gì mà phố núi này có bán bà cũng không tiếc tiền mua về dâng các ngài nếm thử. Có ngày bà lên hương cả ba lần, mỗi lần một món. Ông ái ngại quá, thi thoảng lại can nhưng bà không thèm để tâm. Đúng là có thờ có thiêng. Thần về ngự được non tháng thì khách tơi tới. Có người đánh cả xe tải ra quán bà khiêng về bốn cỗ, nói là tai nạn trong đèo. Anh ta mua nhanh, trả tiền nhanh, quên cả quà khuyến mãi. Thấy chưa? Bà vểnh cổ lên nguýt chồng. Từ ngày buôn bán, lại sinh ra lườm nguýt, sinh ra son phấn, sinh ra điệu đàng, kiểu cách. Ông định mang chuyện cái máng lợn ra nhắc bà thì con Ngoan lại a dua, rằng mẹ vẫn trẻ đẹp, có tiền không ăn diện thì để làm gì. Ừ, năm mươi đã già đâu. Cả đời bà là gái một con, lại chưa phải bế cháu thì sao mà già được. Được con gái cổ vũ, bà sắm mấy cái váy đầm sặc sỡ và đăng ký vào câu lạc bộ khiêu vũ, mỗi tuần ba tối nữa cơ. Đền gần chùa xa, hóng hớt thấy nơi nào hay ho là lên kế hoạch đi cho bằng được. Đẳng cấp đàn bà được tôn vinh bằng thành tích thăm viếng đền chùa và cách chống chọi tuổi tác. Bà từng bảo thế, phải sướng bù những ngày cực nhọc. Xưa, bà nấu rượu, làm đậu, nuôi lợn mà xây được nhà ba tầng là hách nhất vùng rồi. Giờ nghĩ lại thấy sợ. Giá mà buôn bán sớm hơn, giờ không chừng chả có nếp nhăn nào trên người.
Thói đời trâu buộc ghét trâu ăn. Thấy ông bà mỗi ngày mỗi phát đạt thì nhiều kẻ dựng chuyện nói xấu. Tất nhiên họ chê ông cù lần bám váy vợ, tất nhiên họ chê con Ngoan xấu xí, không có của các cho trai thì đố lấy được chồng. Nhưng tệ nhất là họ nói bà buôn bán gặp thời và chó ngáp phải ruồi thôi. Ừ, chúng mày cứ thử ngáp như bà xem, có được gì không. Bà đánh dấu mồm chúng mày vào.

 Nhà kia, cha cảm mạo đột ngột nằm xuống, sang nói khó bà để chịu cho cỗ quan, xong đám, có tiền phúng viếng sẽ trả. Bà đồng ý và không quên hứa hẹn. Bao giờ có trả cũng được mà, cứ để đấy sau này trả cả thể. Ông bảo sao bà ác mồm thế, bà nói thế bằng rủa người ta. Ông không nhớ lúc nó rủa con gái mình ế chồng à? Ra thế, đàn bà thù dai. Ông không tham gia gì nữa. Cứ nửa tháng mà trong vùng không có người chết, không bán được cỗ quan nào là bà buồn bực ra mặt. Người nghèo, thưa anh vắng em mà chết thì cũng chả kiếm gì ngoài cái quan tài rẻ tiền. Kẻ giầu có, thế lực, tông to họ lớn thì ăn đủ. Nào là cỗ quan đắt tiền, rồi cơ man nào trướng, vòng hoa, xô vải, hương nhang. Một đám giầu bằng cả chục đám nghèo chết. Mà oái oăm, thiên tai địch họa cứ nhằm đầu thằng nghèo mà giáng. Không có tiền đi viện thì chết nhanh. Nhà giầu, tử thần lôi đi được cũng còn khướt. Mà giầu cũng không bằng kẻ có quyền có chức. Trong vòng một tháng bà vớ bẫm hai đám như thế. Bà bí mật lên huyện mua két sắt về trữ tiền mặt, không dây với bảo hiểm hay ngân hàng mà dại mặt. Bà còn có kế hoạch mua đất trong suối để xây khách sạn đón khách trên tỉnh dưới huyện về nghỉ ngơi nữa. Từ những lần đi lễ, mối quan hệ làm ăn được mở mang và nâng tầm rõ rệt. Ông đã thấy bà thì thụt cho vay lãi. Người ta vay tiền đưa người nhà đi chữa bệnh lại không cho vay sao được? Còn nước còn tát chứ, không có tiền thì tát bằng cái gì. Nhưng mà lãi cao thế người ta cõng thế nào? Ô hay, tiền chứ phải rác đâu. Ai đến vay cũng bảo nóng, nhưng rồi thì nguội hết. Tiền nguội là tiền phải biết đẻ, nếu không cất béng vào ngân hàng. Mà ông đã nói mặc tôi thì cứ mặc tôi chứ, tội đâu tôi chịu cơ mà, ông cứ nghỉ ngơi cho sướng.
Ông Phục sướng trong cái sự nơm nớp.
(Còn nữa)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.