585 Kỷ luật nghiêm minh - Phần 3

Kỷ luật nghiêm minh
Phần 3. Giơ đầu chịu báng 
  
                                     

Việc của Nga thế là đã xong. Từ đấy mình cũng chẳng có dịp gặp lại cô nữa. Nga xuống cửa hàng ăn uống Bảo Hà rồi. Nhưng bà Ngọ tỏ vẻ cảm ơn, mấy lần xuống nhà cứ nằng nặc mời mình lên chơi. Mình nói: “Cháu bận lắm, nếu hôm nào chủ nhật được nghỉ cháu sẽ lên chơi thăm hai bác”. 


Một chiều chủ nhật mình đạp xe lên nhà ông bà Ngọ. Căn nhà gỗ lợp tranh nằm sâu trong một cái ngõ hẹp, xung quanh trồng nhiều cây cối xanh mướt mắt. Ông bà rất phấn khởi khi con gái được giải oan, vẫn giữ được công ăn việc làm trong biên chế nhà nước. Cứ bảo: “Anh phải ở lại ăn cơm với gia đình”.  Xuống xã công tác, ăn cơm còn phải trả mỗi bữa 225 gram tem gạo nên giờ gia đình mời ăn cơm cũng ngại. Mình quyết không ở, đưa ra đủ lý do. Bà Ngọ chui vội vào gầm giường bời ra một mẻ khoai lang. Bà bảo khoai lang của nhà trồng được ở bãi sông Hồng, ngon lắm. Anh không ở thì  phải mang khoai về cho chị ấy. Nể, mình nhận. Mẻ khoai lang dễ đến hơn một yến, đựng trong bao tải. Ông Ngọ lấy dây cao su buộc lên gác ba ga xe đạp cho mình thật chắc chắn. Mình cảm ơn ông bà rồi dắt xe qua đường sắt, ra con đường mòn, đạp lọc cọc. Thầm nghĩ: “Đây cũng là tấm lòng, là tình cảm chân thành của ông bà Ngọ, chứ đâu phải là tiêu cực, hối lộ gì”.
                                                            
 Khi ông T. trưởng phòng về, mình đang báo cáo thì đồng chí Chánh Văn phòng UBHC huyện, kiêm Bí thư chi bộ xuống hỏi, giọng gay gắt: “Ai là người tham mưu cho Phó chủ tịch này ra văn bản “đá” Phó chủ tịch kia, về việc thay đổi quyết định của Công ty ăn uống đối với bà Trần Thị Nga?”. Mình bình tĩnh và rành rọt: “Xin lỗi đồng chí, tôi đang báo cáo với Trưởng phòng. Tôi chịu trách nhiệm về việc này, nhưng không phải trả lời đồng chí lúc này...”. Sau đó, mình đã báo cáo hết sức chi tiết với Trưởng phòng và khẳng định hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu tham mưu sai. Trưởng phòng tỏ ra không hài lòng, cho rằng mình liều lĩnh, dám vuốt râu hùm! Ông bảo: “Đến như tôi là trưởng phòng cũng không dám làm thế. Anh chỉ là một cán bộ chuyên môn mà gây chuyện phức tạp. Rồi cái phòng này sẽ hoạt động thế nào. Biết thế này tôi không giao quyền cho anh nữa”...

Thế là sóng gió liên tục đổ xuống đầu mình. Những cuộc họp chi bộ đột xuất được tổ chức. Chi bộ mà mình sinh hoạt có tên là Chi bộ Hành chính, bao gồm đảng viên ghép của Văn phòng Ủy ban hành chính, gồm cả các đồng chí trong Thường trực Ủy ban với một số phòng, ban trực thuộc như Tổ chức - Dân chính (gồm công tác Tổ chức chính quyền mà nay gọi là Nội vụ và công tác Thương binh xã hội), các phòng Lao động, Thống kê – Kế hoạch, Tài chính...khoảng gần ba chục đảng viên.

Cuộc họp đầu tiên, Bí thư chi bộ khai mạc: “Hôm nay Chi bộ họp phiên đột xuất với lý do, để làm rõ và giải quyết vụ công tác tổ chức cán bộ liên quan đến bà Nga, nhân viên cửa hàng ăn uống huyện...”. Khổ thân những đảng viên “đầu không phải, phải tai”. Họ chẳng liên quan gì đến cái việc mà mình liều lĩnh gây ra nhưng cứ phải chịu trận ngồi họp để nghe hai bên cãi nhau. Một bên là Bí thư chi bộ dưới sự chỉ đạo của Phó chủ tịch D, “người hùng” kiêm Bí thư Đảng đoàn chính quyền và một số người ủng hộ do sợ hoặc đơn giản chỉ để lấy lòng. Trò đời khi có thế lực (quyền, tiền) dù  trong lòng người khác rất căm ghét nhưng họ vẫn có thể tung hô bằng những ngôn từ có cánh, khiến kẻ có thế lực luôn ngộ nhận về sự mỹ miều của mình. Một bên là mình với anh Như, những nhân viên quèn của phòng Tổ chức - Dân chính, nhưng mình là người “hứng đạn” vì trực tiếp gây ra. Bên cạnh có sự ủng hộ của anh N, phó chủ tịch Ủy ban. Người ta không dám đụng đến anh vì anh là người dân tộc thiểu số, thỉnh thoảng nói câu, nôm na nhưng chắc như gỗ sến. Ông trưởng phòng Tổ chức - Dân chính tuy có liên quan nhưng vẫn vững như bàn thạch vì ông đi vắng, không biết sự việc, không trực tiếp chỉ đạo. Ngoài ra lác đác có một vài người thấy tính cách của ông D gia trưởng, độc đoán từ lâu, biết lẽ phải thuộc về Phó chủ tịch N, hai thằng tổ chức, nhưng họ cũng không dám ủng hộ mạnh. Như vậy, xét về tương quan lực lượng thì không tương xứng. Bên mình vẫn yếu thế. Những đảng viên là nhân viên thường như văn thư, đánh máy, cấp dưỡng, thậm chí cả những cán bộ nghiệp vụ thống kê, kế toán, kế hoạch, lao động...thì chỉ lặng thinh.  

Những cuộc họp cứ cò cưa kéo xẻ đến hai, ba tháng mà vẫn bất phân thắng bại bởi một bên thì tuy có thế lực nhưng yếu về lý lẽ, một bên thì có lý lẽ, nhân văn nhưng lại yếu thế về quyền lực. Đến kỳ họp thứ tư, bỗng mình bất ngờ khi phía đối lập đưa ra một “vũ khí” mới rất nguy hiểm. Đích thân ông D phát hỏa: “Tôi đề nghị chi bộ xem xét thêm một chi tiết quan trọng. Vừa qua thấy dư luận nói rằng, bà Ngọ mẹ cô Nga tiết kiệm được 400 đồng để chuẩn bị làm lại nhà. Nhưng bà đã mang số tiền đó chạy cho con từ chỗ đã bị buộc thôi việc nay được trở lại công tác! Vậy ai đã ăn số tiền đó?”. Cả chi bộ xôn xao. Nhưng không ai dám phát biểu gì. Nói không sách, mách không chứng bố thằng nào dám mở mồm. Hình như người ta đều xác định: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột”. Còn mình, người bị “bắn”, bị ám chỉ chả lẽ ngồi im. Cú lắm, nhưng mình cũng lấy lại được bình tĩnh: “Thưa chi bộ, chuyện ăn đút lót của cán bộ tổ chức để vụ lợi cũng có thể xẩy ra, ai mà biết được ma ăn cỗ. Nhưng các cụ nói: “Một mất mười ngờ, bơ vơ phải tội”. Đồng chí Phó chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn chính quyền vừa có “sáng kiến” giúp chi bộ làm sáng tỏ sự việc, mau chóng kết luận những mờ ám trong công tác của đảng viên thì xin chi bộ hãy vạch mặt kẻ ăn hối lộ ra để trừng trị thích đáng. Về phần tôi, tôi xin thề với tư cách một đảng viên, tôi không hề dính dáng một đồng, một cắc nào của đối tượng nhân sự. Dòng họ nhà tôi không có máu tham. Từ đời cụ kỵ nhà tôi đến nay luôn xác định đói cho sạch, rách cho thơm rồi. Vì thế mới nghèo...Nếu ai nghi ngờ tôi ăn đút lót của gia đình bà Ngọ thì xin chỉ ra bằng chứng. Mà cái chi bộ này là cơ quan hành chính đầu não của  huyện, các đồng chí lãnh đạo có thể chỉ thị cho lực lượng công an dùng những nghiệp vụ tinh vi nhất với khoa học hiện đại nhất để điều tra, nghiên cứu tìm ra thủ phạm như đồng chí D phó chủ tịch nêu ra. Nếu phải tôi, tôi xin chịu hình thức kỷ luật cao nhất: Khai trừ Đảng, đuổi ra khỏi cơ quan, truy tố trước pháp luật. Còn nếu không phải thì cần truy cứu kẻ dựng chuyện, nhằm hãm hại đồng chí, hãm hại người tốt”...  

Dần dần ý kiến chính thức trong cuộc họp thấy thưa thớt, Bí thư gặng mãi cũng chẳng ai nói. Bởi nói cái gì? Quy kết cho đảng viên Dương ăn hối lộ thì không có bằng chứng. Mà thời ấy, cán bộ tổ chức chưa được xã hội “phong danh hiệu” có nhiều người ăn hối lộ hoặc bán chức, mua quan như sau này, nên sự nghi ngờ không lớn. Bảo ông phó chủ tịch D làm sai nguyên tắc và quan điểm xử lý quá đáng thì không dám. Nhưng cứ ngoài cuộc họp thì rất nhiều chuyện rôm rả, có vẻ không bao giờ ngớt...
         
Họp tan, người nọ ghé tai người kia: “Ai nhỉ?”. “Thì còn ai vào đây nữa, phải là người đạo diễn vở kịch”. “Thế thì Tổ chức chứ còn ai. Cái thằng Dương nhân viên, trông lù đà lù đù thế mà gớm nhỉ” “Này, chớ coi thường hình thức bề ngoài. Con người ta hơn nhau ở cái đầu chứ đâu phải cái nhãn hiệu dán lên trán. Có thằng chức tước đầy mình, bệ vệ như Bộ trưởng mà trong đầu chả có cái gì, ngoài đậu phụ!”. “Nhưng nói thế nó liên quan đến nhiều người. Nghe đâu cả trưởng phòng thương nghiệp huyện, cả cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống, thậm chí cả Phó chủ tịch ký văn bản và cả Giám đốc Công ty ăn uống tỉnh nữa...” “Nhưng dù gì thì chỉ bọn tổ chức ăn thôi, mấy ông lãnh đạo nghiêm lắm” “Nói thế chứ dư luận thì nó mù mà mù mờ. Cứ dư luận, dư luận...chẳng qua chỉ là thứ vũ khí chết người để mang ra diệt nhau thôi. Lạ gì!” “Này, mà chả biết có dư luận hay không nhưng cứ bảo là có dư luận thì đã chết ai” “Biết đâu chính ông D bịa ra chuyện dư luận thì đã sao”...
                                                   ***

Có người ví vụ việc này như vụ Oa tơ ghết ở Mỹ, cứ lùng nhùng chẳng đâu vào đâu, nhưng cuộc họp chi bộ nào cũng đưa ra, cãi nhau một hồi rồi không kết luận được. Giữa lúc đó mình nhận được giấy triệu tập về học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc VI. Ngày ấy được đi học là một đặc ân. Mà học Nguyễn Ái Quốc thì lại càng hiếm. Trước đó, Ban Thường Vụ huyện ủy chọn cử được ba người cho đi đào tạo lý luận chính trị ở Nguyễn Ái Quốc để sau này đưa vào diện quy hoạch cán bộ chủ chốt huyện. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ thì một người quê ở Quảng Nam, vừa giải phóng đất nước xong, xin được chuyển về quê. Một người hình như bị phát hiện có “quan hệ nam nữ bất chính” nên bị rút lại. Chỉ còn mỗi mình.

Nhận giấy triệu tập, mình đã lần lượt đi làm các thủ tục chuyển hộ khẩu, cắt chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn...Cuối cùng là chuyển sinh hoạt đảng. Mình đến gặp Bí thư chi bộ: “Đề nghị anh cho tôi xin Giấy giới thiệu sinh hoạt đảng về trường Nguyễn Ái Quốc theo giấy triệu tập”. Bí thư chi bộ trả lời: “Không được đồng chí ạ. Tôi vừa nhận được chỉ thị của anh D, Bí thư đảng đoàn chính quyền yêu cầu giữ đảng tịch của đồng chí lại. Khi nào làm rõ được vụ bà Nga thì mới giải quyết”. Mình choáng. Bây giờ thì giở đi mắc núi, giở lại mắc sông. Mọi thứ cắt chuyển cả rồi. Mà không có sinh hoạt đảng thì trường Nguyễn Ái Quốc nào tiếp nhận? Mình chỉ còn một nhân vật cứu cánh, có thể giúp vượt qua chướng ngại này là Bí thư huyện ủy, nhưng chưa biết thế nào. Ông D đã thù thì ý kiến của ông ấy có thể lay chuyển cả tập thể Ban thường vụ huyện ủy cũng nên.

Cơm tối xong, mình xuống phòng riêng của Bí thư huyện ủy Trần Văn Sẩu ở khu tập thể. Bà tạp vụ bảo: “Anh Sẩu đi xem phim đến 10 giờ mới về”. Mình đánh bệt xuống bậc cửa xi măng vẫn còn hơi nóng hầm hập của cái nắng tháng tám, ngồi chờ. Hơn 10 giờ đêm Bí thư về. “Dương đấy à, vào đây”. Ông pha nước thủy sâm cho mình uống rồi nói: “Tôi biết chuyện rồi. Anh cứ yên tâm đi học. Không một cá nhân nào phá được Nghị quyết của tập thể Ban thường vụ huyện ủy...” Rồi ông kể cho mình nghe nhiều chuyện xung quanh ông Ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch Ủy ban, Bí thư đảng đoàn chính quyền trong thời gian qua. Đó là một nhân vật có nhiều tai tiếng về thái độ gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Chức vụ Đảng của ông ấy là ủy viên thường vụ, chính quyền là cấp phó nhưng ông ấy có vẻ chưa hài lòng. Ông ấy coi thường cán bộ người dân tộc địa phương như Bí thư, Chủ tịch. Nhiều khi tự ý vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Bí thư huyện ủy hạ giọng: “Đấy rồi xem, anh đi học một thời gian nữa ông ấy cũng có thể đi khỏi huyện này...”

Câu chuyện của hai anh em cứ kéo dài mãi về những vấn đề nhân văn, dân chủ trong công tác lãnh đạo. Muốn giữ uy tín cho Đảng thì từng đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền ở các cấp phải gương mẫu, phải có đạo đức, phải gần gũi quần chúng, công bằng trong mọi ứng xử. Được anh Sẩu, một Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy có uy tín trong nhân dân động viên, mình thấy yên tâm. Khi rời khỏi phòng Bí thư huyện ủy, mình nhìn đồng hồ: 2 giờ đúng.

Vì đi về quá khuya, sợ vợ nghi ngờ trai gái, bồ bịch, mình lẳng lặng lên giường nằm mén ở phía ngoài. Đứa con gái đầu lòng hai tuổi nằm giữa vẫn khìn khịt ngủ. Không dám thở mạnh nhưng vẫn bị bà xã truy cứu: “Anh đi đâu mà đi suốt đêm thế! Đứa nào còn chứa anh đến giờ này?...”. Tôi im lặng, bởi công việc cơ quan nói ra với vợ cũng bất tiện. Đành hít hà mùi nước đái của con cho dễ chịu. Nhưng không ngủ được. Hơn 5 giờ dậy, 6 giờ đạp xe xuống cơ quan. Qua cửa Văn phòng Ủy ban huyện thấy cô văn thư đang úp ống nghe điện thoại vào tai: “Vâng ạ, vâng ạ, cả chị L chủ tịch, cả anh D, anh N phó chủ tịch ạ...”. Hóa ra ngay sáng hôm đó, Bí thư huyện ủy triệu tập cuộc họp Thường vụ huyện ủy đột xuất để giải quyết việc đi học của mình.

Sau này được nghe lại qua đồng chí Trưởng Ban tổ chức huyện ủy. Ở cuộc họp đó, đồng chí Bí thư kết luận: “Việc đi học Nguyễn Ái Quốc của anh Dương chỉ có một Nghị quyết của Ban Thường vụ huyện ủy. Không có một cá nhân nào, kể cả Bí thư huyện ủy được phép dẫm đạp lên Nghị quyết của tập thể. Nếu anh Dương vi phạm kỷ luật của Đảng, chi bộ có kết luận thì Thường vụ sẽ họp để xem xét. Còn chưa rõ ràng thì không lý gì giữ người ta lại được”. Ông còn nói thêm: “Cả huyện đợt này chọn đi chọn lại mãi mới được ba người cho đi đào tạo lý luận thì đã rớt mất hai, chỉ còn một, bây giờ sự việc chả đâu vào đâu lại định giữ lại nốt thì ăn nói với Tỉnh thế nào. Tất nhiên tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ phải nghiêm túc nhưng sự việc chưa kết luận được, thì không thể có căn cứ để hủy bỏ Nghị quyết của Thường vụ”. Mọi người đều tán thành, yêu cầu chi bộ Hành chính làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho anh Dương đi học. Ông D, ủy viên Thường vụ không nói gì nhưng đến mục nâng lương cho đồng chí Dương trước khi đi học theo niên hạn thì ông D phản đối kịch liệt. Ông nói: “Tôi là Bí thư đảng đoàn, phó chủ tịch phụ trách nội chính có trách nhiệm ký quyết định nâng lương, nhưng nếu Thường vụ cứ quyết thì tôi không ký, ai ký thì ký”.  Thấy không cần thiết phải căng thẳng, Bí thư và các ủy viên Thường vụ đành nhượng bộ. Thế là mặc dù lương đã thấp, mình phải chịu cho đến khi ra trường về công tác ở Trường Đảng tỉnh mới được xét nâng đặc cách lên hai bậc lương cho tương xứng với nhiệm vụ giảng viên chính.



Ngay chiều hôm có cuộc họp đột xuất ấy, đồng chí Bí thư chi bộ mời mình lên chuyển đảng tịch về trường Đảng Trung ương.
                                                                 ***
Câu chuyện xảy ra từ năm 1976. Đã 37 năm, trên một phần ba thế kỷ mà sao giờ ngồi viết lại chẳng thấy quên chi tiết nào. Cái bộ óc già nua bây giờ hay lú lẫn mà có những việc nhớ dai đến không ngờ...

Những ngày cuối tháng tháng 6/2013

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.