582.Kỷ luật nghiêm minh - Phần 2

Kỷ luật nghiêm minh
Phần 2: Giữa đường thấy việc bất bình... chẳng yên.


Chuyến tàu chậm Yên Bái - Lào Cai đỗ ở Ga Phố Lu tiếp than, tiếp nước khá lâu. Nhưng vì bận việc, sắp đến giờ tàu chạy mình mới ra đến ga nhẩy vội lên tàu kiếm một chỗ ngồi. Tàu hôm nay rộng thênh vì khách xuống Lu khá nhiều. Mấy ông bạn lãnh đạo ở một số phòng, ban của huyện cũng đi công tác đang trò chuyện trong một khoang, gọi mình đến ngồi cùng cho vui. Tàu chạy được khoảng mười phút, một cô gái thập thò ở đầu toa rồi chệnh choạng bám vào các vai ghế tiến đến chỗ chúng mình ngồi. Mình nhận ra Nga...


Ngày ấy mình đang công tác ở phòng Tổ chức - Dân chính huyện. Mình chỉ biết Nga qua một lần vào cửa hàng HTX mua bán thị trấn mua cái bàn chải răng, một trong những mặt hàng hiếm hoi bán tự do, không tem phiếu. Mình sững sờ trước vẻ đẹp của Nga. Nhưng bụng bảo dạ, đẹp cũng của người ta, mình có vợ con rồi, lại là cán bộ, đảng viên, chớ có léng phéng, vô kỷ luật có ngày mất việc! Nhiều khi tự răn mình, cấm không được nhìn gái đẹp. Kỷ luật của Đảng là rất nghiêm minh. Họp chi bộ, đồng chí bí thư lần nào cũng nhắc kỷ luật Đảng ta là kỷ luật sắt!”. Thực lòng, có lúc nom thấy một em gái đẹp, duyên dáng cũng muốn tán tỉnh cho vui, nhưng lại tự ti về hình thể của mình. Một thằng đàn ông còm cõi, xanh xao, xấu xí. Mặt khác là sợ kỷ luật đảng... Đại đa số cán bộ, đảng viên ngày ấy là nghiêm như thế. Có ông bạn “phá giới”, trót quan hệ với một cô không phải vợ chưa đến mức có bầu, chỉ mới bị phát hiện là lập tức bị đuổi việc liền.

Bây giờ thấy Nga tiến vào gần chỗ chúng mình ngồi, mình cũng cứ giả vờ như không thấy, cứ tiếp tục “chém gió” với mấy ông bạn “quan chức”. Mà thực tế thì mình chả có quan hệ quen biết gì với cô ấy mà phải để ý. Nga nói cái gì đó mình cũng không nghe thấy vì không quan tâm, hơn nữa tàu chạy rầm rầm, quát lên nghe mới rõ. Bỗng ông bạn ngồi cạnh đập tay vào vai, cô kia đang vẫy cậu đấy. Mình giật mình, đỏ mặt. Cô ấy gọi mình làm gì? Mà lại đúng vào cái lúc toàn cán bộ ở đây cả, người ta sinh nghi thì bỏ mẹ. Nhưng mình vẫn nghĩ, chắc cô ấy gọi ai đấy chứ. Ngước lên, thấy Nga nhìn thẳng vào mình và vẫy tay. Mình miễn cưỡng đứng lên đi theo Nga ra đầu toa, ở gần bậc lên xuống. Trong tiếng xình xịch của con tàu nổi bật tiếng nghiến của bánh sắt xuống đường ray ken két, mình lõm bõm nghe thấy Nga nói em muốn gặp anh một lúc... Vì trước đó mình có loáng thoáng nghe tin Nga bị đuổi nên đã hiểu sự việc. Mình bảo: “ Bây giờ tôi đang đi công tác, hai ngày nữa mới về. Có gì cô xuống cơ quan gặp ông T, trưởng phòng”. Nhưng Nga bảo: “Anh Chiến trưởng phòng Thương nghiệp bảo em chỉ được gặp anh, may ra mới có hy vọng. Không được gặp ông T... Em cũng chẳng biết tại sao. Vậy  hôm nào anh về anh cho em được trình bầy việc của em nhé”.  “Thôi được hôm nào tôi về cô xuống cơ quan, tôi sẽ nghe”. Thế là đến ga Lạng, Nga lại lụi cụi xuống, chờ tàu xuôi quay lại Lu. Mình biết, lúc ấy Nga đang yêu Hùng, nhân viên nhà ga Phố Lu nên việc đi lại, lên xuống Tàu cũng thuận lợi.
                                                                 ***
Nhà mình ở cách nhà bố mẹ Nga khoảng hơn một cây số, dọc theo tuyến đường sắt Phố Lu – Lào Cai. Hai hôm sau đi công tác về, không thấy Nga xuống cơ quan như đã hẹn nhưng buổi tối mẹ Nga lội dọc đường sắt xuống nhà mình. Mình vặn to ngọn đèn dầu trong ngôi nhà gỗ tạp hai gian lợp gianh. Nhà mình không có bàn ghế uống nước. Cái mâm ăn cơm tự tạo bằng gỗ, ăn xong làm bàn uống nước, tiếp khách luôn. Vợ chồng mình còn xin được những mảnh gỗ thừa thẹo to bằng quyển sổ công tác ở xưởng cưa về ghép vào làm ghế ngồi, đỡ phải lấy chổi rơm ngồi xuống nền nhà đất không được phẳng phiu lắm. Mình kéo cái ghế từ gầm giường ra mời bà khách ngồi. Chưa nói được gì, bà đã khóc, kéo vạt áo nhuộm nâu lên chấm nước mắt rồi tự giới thiệu là vợ ông Ngọ ở Phú Long trên, mẹ đẻ của em Nga, nhân viên cửa hàng ăn uống phố huyện. Sau mấy câu xã giao hỏi han hoàn cảnh gia đình, bà Ngọ nghiêm giọng, vừa nói vừa khóc: “Anh ơi, anh cứu con Nga nhà tôi với. Chẳng biết nó phạm tội gì mà cơ quan đuổi việc. Đã hai tuần lễ nay, nó ăn uống thất thường, chỉ nhăm nhăm ra sông Hồng tự tử. Tôi khổ quá anh ạ, suốt ngày cứ phải coi con không dám rời nó. Nó quẫn trí rồi. Bà nghẹn ngào, nó mà có mệnh hệ nào thì vợ chồng tôi sống làm sao!...

Mình bảo: “Bác cứ về động viên, ổn định tinh thần em Nga. Cháu không dám hứa vì người ta đã quyết định rồi, mà cháu thì chỉ là cán bộ giúp việc chứ không phải lãnh đạo. Nhưng để cháu nghĩ xem có cách nào không. Mai kia bác bảo Nga xuống cơ quan trình bày sự việc để cháu nghe đã. Nếu lỗi nghiêm trọng thì cũng khó...” Ngay sáng hôm sau, Nga cùng anh Hùng, người yêu đến cơ quan Phòng Tổ chức - Dân chính gặp mình. Họ không nói được nhiều, cứ loanh quanh “trăm sự nhờ anh, em biết có lỗi nhưng em không có ý ăn cắp mang về nhà...”. Rồi cứ hỏi câu nào nói câu đấy. Cuộc gặp gỡ cũng kết thúc chóng vánh khi mình yêu cầu: “Cô về viết một cái đơn, trình bầy cụ thể lý do về cái biên bản ăn cắp thịt của cửa hàng Quốc doanh. Phải trung thực, không được nói dối. Nếu điểu tra ra cô có ý nói dối thì không cứu được đâu”.

Làm công tác tổ chức cán bộ,  suốt ngày công việc sự vụ, vụn vặt nhiều khi bận tíu tít mà chẳng có đầu việc nào ra việc nào. Nào là thống kê, hồ sơ, nghiên cứu nhân sự, không phải chỉ trên giấy tờ mà mình thường phải gặp gỡ, tìm hiểu nhân thân, hoàn cảnh, tính cách, tình cảm của mỗi con người. Khi có chủ trương của lãnh đạo về việc điều động, thuyên chuyến, cất nhắc ai đó thì trong đầu mình phải có đủ để trả lời những câu hỏi của lãnh đạo. Mình thường nghĩ ai cũng là con người cả. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một loạt các các mối quan hệ chằng chịt trong  ngoài, trên dưới và lịch sử của họ. Cơ quan quản lý cán bộ không được phép quan liêu, xa rời cuộc sống của người cán bộ. Nếu thiếu những thông tin đó sẽ đưa lãnh đạo vào những quyết định sai lầm...Tất cả những suy nghĩ ấy chỉ là do kinh nhiệm bản thân, chứ mình có được học hành trường lớp gì về tổ chức, cán bộ.

Khi sự việc của Nga xảy ra, thì như đã nói, ông D Phó chủ tịch huyện trực tiếp chỉ đạo không qua cơ quan tham mưu nên Phòng Tổ chức Dân chính không hề biết. Đúng ra tuy là diện cán bộ, nhân viên cộng quản nhưng Phòng tổ chức vẫn phải tham mưu về đánh giá con người, sự việc và đề xuất quan điểm giải quyết theo quy chế quản lý cán bộ. Chính sự việc đó khiến mình rất nghi ngờ sự khuất tất nào đó có thể dẫn đến quyết định oan sai cho cấp dưới, hoặc cũng có thể xử lý quá mức cần thiết, gây thiệt hại cho nhân viên. Việc làm ấy tuy chỉ là đối với một nhân viên cửa hàng nhưng họ cũng là con người, trong chế độ dân chủ mọi người được bình đẳng cơ mà. Nếu làm sai nó sẽ bộc lộ sự mất dân chủ của thể chế và không đúng quan điểm của Đảng. Lúc ấy xã hội đã có câu: “Nhất thân nhì thế, tam kế mới đến giấy tờ”. Trường hợp của Nga do không có ai thân, thế nên không có người bênh vực. Mình làm việc này là để lấy lại công bằng. Có không ít những cậu ấm, cô chiêu gây ra nhiều hệ lụy nhưng vẫn được tha bổng, làm bức xúc lòng dân. Còn con cái dân thường hay những người không vừa ý thì hơi một tí là nâng quan điểm, xử lý “nghiêm minh”! Đó cũng là hiện tượng đáng buồn...

Chính vì vậy, mình đã vắt óc nghĩ cách giúp Nga.

Bộ phận quản lý cán bộ chỉ có hai người, mình là trưởng bộ phận, anh Như là người cộng tác. Mình đem chuyện ra bàn với với anh Như, anh bảo: “Tôi rất đồng tình quan điểm của chú. Mình phải công bằng. Nhưng làm thế nào bây giờ khi lãnh đạo đã quyết rồi?” Mình ghé tai nói nhỏ... Anh như bảo, được đấy. Thế là hai anh em thực hiện kế hoạch giúp Nga.

Ông V, ủy viên thư kí UBHC huyện chẳng may bị ung thư đi nằm viện ở Hà Nội. Ủy ban cử ông T. trưởng phòng của mình cùng ông Phó chủ tich D đi thăm. Trước khi đi, Trưởng phòng triệu tập họp cả phòng lại giao nhiệm vụ cho từng bộ phận (lúc ấy chưa có phó phòng). Biên bản cuộc họp ghi rõ: “Trong thời gian trưởng phòng đi vắng, tất cả những việc liên quan đến công tác cán bộ nếu Thường vụ hoặc Ủy ban mời Phòng báo cáo thì giao cho Bộ phận cán bộ. Những công việc phát sinh bộ phận cán bộ tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo giải quyêt, khi nào Trưởng phòng về báo cáo lại”.

Thường trực UBHC huyện lúc ấy có bốn người: chị L, Chủ tịch, Ông D Phó chủ tịch, người có biệt hiệu “hét ra lửa”, Ông N, Phó chủ tịch và ông V, ủy viên thư ký. Khi ông V đi viện Hà Nội, ông D cùng trưởng phòng của mình đi thăm thì ở nhà chỉ còn Chủ tịch L và Phó chủ tịch N. Mình và anh Như đến gặp Phó chủ tịch N báo cáo lại toàn bộ diễn biến về việc của Nga. Vốn là một cán bộ dân vận, Bí thư huyện đoàn, người địa phương lên phó chủ tịch UBHC huyện, ông N nghe xong kết luận: “Ông D làm thế là quá đáng. Con người ta ai chả có khuyết điểm, phải tùy mức độ nặng nhẹ mà xử lý kỷ luật. Kỷ luật là để nhằm giáo dục con người,  để nâng đỡ chứ không phải vùi dập con người, nhất là họ xuất phát từ khuyết điểm không phải bản chất xấu xa. Hơn nữa, đây là khuyết điểm lần đầu. Theo tôi cũng chỉ nên khiển trách hay cảnh cáo và nặng nữa là điều động đến nơi khó khăn hơn để thử thách. Các anh nghiên cứu cho kỹ, đánh giá bản chất sự việc thật khách quan, viết thành văn bản gửi Công ty ăn uống tỉnh đề nghị xem xét lại mức án kỷ luật, chưa nên buộc thôi việc người ta. Tôi sẽ ký”. Mình đề nghị thêm: “Ngoài văn bản hành chính, có lẽ anh nên có thêm một lá thư viết tay gửi đến các anh lãnh đạo Công ty để các anh ấy thông cảm tại sao lại “tiền hậu bất nhất” như thế. Trong đó cũng nên xin lỗi Công ty về sự vội vã vừa qua”. Ông N đồng ý, viết thư, gọi anh Chiến trưởng phòng Thương nghiệp sang giao nhiệm vụ chuyển trực tiếp công văn và thư riêng của Phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện lên Công ty ăn uống tỉnh. Anh Chiến được giao việc này rất lấy làm vui.

Mấy hôm sau, Nga nhận được quyết định mới của Công Ty ăn uống tỉnh. Nội dung: “Hủy bỏ quyết định số... về việc buộc thôi việc cán bộ, nhân viên. Nay cảnh cáo bà Trần Thị Nga trong Công ty và điều động xuống công tác ở Cửa hàng ăn uống Khu vực Bào Hà...”
(Còn nữa)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.