581.Kỷ luật nghiêm minh - Phần 1


Phần 1:  Kỷ luật nghiêm minh

   
Cửa hàng ăn uống mậu dịch phố huyện là một trong những nơi mà người ta ước ao có được một vị trí, dù là bán hàng, bưng bê hay chỉ đơn giản là một chân tiếp phẩm. Ngày ấy đất nước đang giữa thời kỳ bao cấp. Ngành thương nghiệp nói chung, lương thực, thực phẩm nói riêng có giá như hải quan, thuế vụ ngày nay. Chỉ khác là chạy vào hải quan, thuế vụ bây giờ thì giá cả rõ ràng tuy không công khai nhưng phải nặng đô. Còn ngày ấy xin vào thương nghiệp không mất tiền nhưng cũng phải có máu mặt. Hoặc là có năng lực thực sự, hoặc là con ông, cháu cha, hoặc là có mối quan hệ quen biết, hoặc là con gái thì phải xinh đẹp...

Nga là con cả của một gia đình bốn đứa con gái. Bố mẹ em chỉ là thợ cày thợ cuốc, nông dân chân đất, cục mịch, thật thà như củ khoai, củ sắn, chẳng có dây mơ rễ má đến ai trong cán bộ nhà nước. Nhưng bù lại, Nga đẹp. Lúc đầu em lọt vào nhân viên bán hàng của cửa hàng hợp tác xã mua bán thị trấn, rồi sau được tuyển lên cửa hàng ăn uống phố huyện. Ở vị trí này người đời thường tặng cho câu thành ngữ “chuột sa hũ gạo”. Nhưng chuột sa hũ gạo vào giữa cái thời cả đất nước suốt ngày chỉ lo ăn, lo sao cho ngày được hai, ba lần có thứ gì bỏ vào mồm làm yên cái dạ dày suốt đêm réo ùng ục thì phải nói trắng ra là: chuột sa hũ vàng.

Cửa hàng trưởng Cửa hàng ăn uống phố huyện là chị Nguyễn Thị Sáu tuổi đã sồn sồn bậc trung, nhưng chị vẫn sống một mình. Tại sao chị Sáu không có chồng con thì mình cũng chẳng biết mặc dù chị là người đàn bà không xấu, thậm chí người ta bảo chị còn có duyên nữa. Chị thường tự chọn cho mình một nữ nhân viên cửa hàng ở cùng, có lẽ đơn giản chỉ là để chống lại tình trạng cô đơn. Còn cô gái nào được chọn ở với sếp thì như vớ được bố mẹ làm quan. Chị Sáu nuôi cho ăn không phải bỏ tiền lương. Chỉ là thủ trưởng với nhân viên mà chị coi như con đẻ. Các nhân viên khác nhìn thấy mà thèm. Trước khi Nga có mặt ở cửa hàng, chị Sáu đang ở với cô L. là cháu ruột của ông D phó chủ tịch Ủy ban hành chính (UBHC) huyện. Rất may, khi L sắp lấy chồng thì Nga xuất hiện. Nga lại trẻ, đẹp hơn L, dịu dàng và nết na, lọt mắt xanh chị Sáu từ ngày đầu trở thành nhân viên cửa hàng. Thế là nhân việc L sắp lấy chồng, chị Sáu có cớ để đưa Nga vào thay vị trí của L. Trong lòng hậm hực nhưng L không dám nói gì. Cũng vì xinh đẹp, dịu dàng, Nga được ông H nhân viên của cửa hàng để ý chấm cho con trai. Anh con trai của ông cũng thích Nga lắm nhưng Nga nói thẳng là em đã có người yêu rồi. Vì vậy ông H cho rằng Nga chê con ông nên ông cũng sinh ra ác cảm...

Một hôm chị Sáu đi vắng, khoảng hơn 5 giờ chiều, nhân viên tiếp phẩm đưa về cửa hàng một bao tải thịt lợn. Mọi người đã nghỉ cả, Nga phải nhận và sơ chế để sáng hôm sau cửa hàng làm phở bán cho khách. Cô bạn ở khu tập thể cửa hàng bách hóa đứng bên kia bờ rào tán chuyện, bỗng hạ giọng: “Thịt hôm nay ngon thế mày. Tí nữa cắt cho tao miếng, mấy hôm nay toàn rau muống luộc chấm ma di...”. Chả biết thật hay đùa, nhưng nói xong cô bạn quay về phòng. Nga thật thà cắt sấn ra một miếng thịt lấy giấy báo gói lại để riêng ở trên bàn chờ bạn quay lại để ném sang, rồi lại hì hụi làm tiếp. Nga nghĩ: Thịt nhiều thế này cho nó một miếng cũng chả thấm vào đâu. Khổ thân cái bọn ở tập thể, tiếng là bán hàng thương nghiệp nhưng chúng nó bán toàn thứ không ăn được... Một lát sau ông H có việc gì đó đi qua, thấy gói giấy báo để trên bàn, sinh nghi, hỏi: “Này, chị Nga, chị định lấy thịt của cửa hàng mang đi đâu?” Nga giật mình lúng túng không biết trả lời sao, chỉ đỏ mặt lên rồi ú a ú ớ. Được thể, ông H dồn cho mấy câu: “A, chị này định ăn cắp thịt của Nhà nước mang về cho bổ mẹ đây. Vừa đến làm việc được vài tháng đã ăn cắp à!”... Nếu như người khôn ngoan, sắc sảo, dày kinh nghiệm thì thiếu gì câu trả lời để ông H không thể bắt bẻ gì được. Đằng này cứ ơ ớ chẳng cất được nên lời...Thế là ông H gọi cô L, một đồng minh vốn ghét sẵn Nga đến lập biên bản bắt quả tang người ăn trộm thịt của cửa hàng. Miếng thịt được đặt lên bàn cân: Một cân nửa lạng. Lúc ấy người ta cho rằng, đó là một “tài sản có giá trị”. Mà cũng đúng thôi, bằng tiêu chuẩn thịt cung cấp cho cán bộ cao cấp một tháng chứ ít à?. Nga phải  kí vào biên bản, vửa ký vừa run như dẽ. Em không ngờ cái việc tưởng như trò trẻ con ấy mà bây giờ trở nên nghiêm trọng. Em nghĩ một cách thật thà: người ta bảo mình ăn cắp cũng phải, nhưng cứ nghĩ đi nghĩ lại từ bé đến giờ mình không ăn cắp của ai cái gì, dù chỉ là vật đáng giá một xu thôi. Sao bây giờ mình lại ăn cắp thế này? Nếu có thanh minh cắt thịt cho người khác chứ không phải cho mình thì cũng là ăn cắp. Thôi mặc kệ, muốn ra sao thì ra...
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
 Ngay lập tức thông tin về cô Nga cửa hàng ăn uống ăn cắp thịt đến tai ông D Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Huyện. Phó chủ tịch vốn là người khét tiếng gia trưởng được mệnh danh là người hùng “hét ra lửa”. Bất kỳ hạ cấp nào một khi đã làm mếch lòng ông thì trước sau ông cũng tìm cách xử lý. Cô Nga, chẳng liên quan gì đến ông, nhưng nó làm bẽ mặt cháu gái ông. Bây giờ vớ được quả này ông quyết không tha... 

Hôm sau, khi chị Sáu Cửa hàng trưởng vừa đi công tác về đã bị ông Phó chủ tịch D gọi lên yêu cầu chuyển ngay biên bản bắt quả tang cô Nga ăn cắp thịt lên Huyện để Huyện xử lý. Hiểu tính ông, chị Sáu chỉ biết vâng dạ rồi làm theo. Cái biên bản được chuyển lên Văn phòng Ủy ban. Ông Phó chủ tịch không cho chuyển qua Phòng Tổ chức Dân chính, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của UBHC huyện. Ông gọi thẳng ông V, Ủy viên thư ký UBHC huyện lên giao nhiệm vụ: “Anh xem biên bản này, rồi trực tiếp thảo công văn đưa tôi ký, gửi Công ty ăn uống tỉnh đề nghị đuổi cái con ranh này ra khỏi Cửa hàng”. Công văn có đoạn: “Bà Trần Thị Nga 18 tuổi, mặc dù mới vào công tác ở cửa hàng ăn uống huyện được ba tháng mà đã có hành vi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa! Vì vậy đề nghị Công ty xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc”. Cửa hàng ăn uống cấp huyện mặc dù trực thuộc Công ty Ăn uống của tỉnh nhưng Huyện có trách nhiệm cộng quản. Hơn nữa Nga cũng chỉ là một nhân viên thường, không phải cán bộ có chức tước. Vì thế khi Huyện đề nghị thì Công ty rất nể, nghe ngay. Một tuần sau, Nga nhận được quyết định “buộc thôi việc”. Chị Sáu rất thương Nga, anh Chiến trưởng phòng Thương nghiệp huyện cũng rất áy náy, thấy đó là một kỷ luật quá nặng nề nhưng không ai dám cứu và không thể cứu được bởi sự vụ do đích thân vị chức sắc “hét ra lửa” chỉ đạo. Cứu Nga lúc này thì có khác nào vuốt râu hùm!

Sau khi nhận quyết định, Nga thấy bất ngờ, choáng váng như thể bị một quả bom nổ ngay trước mặt. Em không nghĩ rằng cái hành vi “vớ vẩn” của mình lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vậy. Uất hận, đau khổ, dằn vặt, suốt ngày nằm trong phòng khóc rấm rứt. Chị Sáu thương tình bảo em cứ tạm thời ở đây với chị. Nhưng Nga bỏ cơm, chị Sáu phải dỗ dành mãi mới chịu ăn. Tối, em lấy xe đạp lỉnh về nhà, khóc như trẻ con bị mẹ đánh đòn oan. Không có vết thương lằn roi nào trên da thịt, chỉ có vết thương lòng, khiến một thiếu nữ mới chập choạng bước vào đời cảm thấy như không thể đứng vững được. Ông bà Ngọ, bố mẹ Nga chỉ biết an ủi cô. Rằng, thôi thì sông có lúc, người có khúc, rằng đời còn dài, rồi sẽ làm lại từ đầu. Tuy vậy, Nga vẫn cảm thấy sự oan ức và cũng không biết tội lỗi của mình ghê gớm đến như thế nào. Trong tâm hồn trong sáng của em giờ đây lúc nào cũng như có đám mây đen bao phủ. Bàn tay sạch sẽ của em như vừa bị nhúng phải chàm, không sao có thể gột sạch. Thời ấy, nhân viên nhà nước bị sa thải là một điều nhục nhã ngang với kẻ phải vào tù. Người bị cơ quan buộc thôi việc là mang trong mình một vết đen lý lịch mà các nhà tổ chức thường định kiến, không được sử dụng vào những việc làm liên quan đến hệ thống nhà nước. Có chăng, chỉ được đi lao động chân tay để cải tạo thành con người xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức của nhà nước đều không tuyển dụng, thậm chí xin đi học các trường chuyên nghiệp cũng bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.
(Còn nữa)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.