577.Pháo đất làng Cổ Đẳng

Pháo đất làng Cổ Đẳng

PNTB: Làng Cổ Đẳng, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng chính là nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hơn 50 năm trước, vào khoảng cuối những năm 50, đầu 60 của thế kỷ trước, mình thường tham gia vào đội cổ động nhí theo các anh, các chú trong Giài pháo đi đánh pháo đất ở các làng khác trong xã. Thắng hay thua thì về thế nào cũng mổ chó liên hoan. Vui phết. 

Từ ngày xa quê thỉnh thoảng lại nhớ đến pháo đất vì nó gắn với một thời ấu thơ. Đã có lần định nhớ lại chuyện pháo đất viết một bài, nhưng cứ tưởng trò chơi này là phổ biến ở nhiều nơi, thiếu gì người viết. Ai ngờ hôm nay đọc bài của nhà giáo Lê Văn Lựa, hội viên hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng mới biết gốc tích pháo đất ở chính làng mình. Mặc dù bài viết của Lê Xuân lựa còn chưa kỹ lắm mà cũng không có nhiều ảnh để minh họa cho sinh động, nhưng mình cũng thấy tự hào muốn khoe một trò chơi độc đáo của làng với bà con gần xa. 


PHÁO ĐẤT LÀNG CỔ ĐẲNG XÃ TÂN LIÊN
TRÒ CHƠI DÂN GIAN ĐỘC ĐÁO
1. Làng Cổ Đẳng
      Là một vùng đất văn hoá nổi tiếng ở Hải Phòng, huyện Vĩnh Bảo được cả nước biết đến với nghề trồng thuốc lào, (Thuốc lào chồng hút vợ say /Thằng bé châm đóm lăn quay giữa nhà), về nghề tạc tượng (ở Đồng Minh), về những trò chơi dân gian: rối nước, pháo đất, làm đèn trời và cả những câu sấm truyền của Trạng Trình( Nguyễn Bỉnh Khiêm).
   Xã Tân Liên thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng gồm các thôn, xóm:  An Ngoại, Cao Hải, Cổ Đẳng, Kim Lâu, Nội Đơn, Nghiêu Quan, Nhuệ Ân, Quang Trung...Trước năm 1945, Kim Liên thuộc tổng Đông Tạ, phủ Vĩnh Bảo, trấn Hải Dương. Xưa Cao Đẳng chung làng với Vĩnh An có tên là Cổ Hoàng, sau tách ra đặt tên là Cổ Đẳng. Cổ Đẳng còn có tên gọi chệch đi là Làng Dắng. Làng có độ 600 nhân khẩu. Cổ Đẳng là một trong các làng của xã Tân Liên có trò chơi pháo đất rất nổi tiếng từ lâu đời.
PNTB bổ sung về địa danh của xã Tân Liên: Ngày bé đi chăn trâu, bọn trẻ chúng mình vẫn đọc bài vè: "Vừa mưa vừa nắng/Làng Dắng đánh nhau/Làng Lau (Kim Lâu) sang chữa/Vớ bữa cơm trưa). Được biết, Làng Dắng còn có Dắng trên, Dắng dưới. Dắng trên hiện nay là làng Yên Ninh thuộc xã Vĩnh An (phía Bắc). Còn Dắng dưới, thuộc xã Tân Liên (phía Nam) mới chính là Cổ Đẳng. Thời Pháp thuộc Làng Dắng còn ghép với làng Lau (Kim Lâu) mang tên Nghiêu Quan, chứ hiện nay không có Nghiêu Quan như nhà giáo Lê Văn Lựa viết ở trên. Riêng Cao Hải thì có Cao Hải ngoài (gọi là Tiền Hải), Cao Hải trong (gọi là Quang Trung), chứ không phải đã có Cao Hải rồi lại có Quang Trung.  
2. Lich sử ra đời, sự tích, truyền thuyết về trò chơi pháo đất
  Chuyện kể rằng, vào thời hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh quân Tô Định, để gây thanh thế cho nghĩa quân đánh trận ở đây, nhân dân đã làm rất nhiều pháo đất. Đêm, khắp nơi pháo đất nổ, cùng tiếng trống, tiếng chiềng, tiếng mõ, tiếng hò reo náo động cả vùng.  Quân giặc không biết lực lượng quân ta thế nào,  hoảng loạn,  tháo chạy, tan vỡ, bị quân ta đuổi theo tiêu diệt. Trò chơi pháo đất phát triển từ ngày đó. Có thể nói, Pháo đất Tân Liên đã đạt đến nghệ thuật điêu luyện, tài hoa.

Ngày xưa, mỗi làng có một ông trùm pháo đất. Ông trùm tập hợp những người trẻ, khoẻ mạnh, khéo tay vào các đội chơi. Mỗi đội gọi là một dài pháo. Thường mỗi dài pháo có từ 5- 10 người, tuỳ theo cách bố trí của từng đài.
Thời điểm diễn ra hội pháo đất với các cuộc thi thường được tổ chức sau rằm tháng bảy. Vụ cấy xong, khi lúa má đã báo hiệu một vụ mùa bội thu. Hội kéo dài đến lúc mùa gặt bắt đầu thì thôi. Hội không mở ở một làng cố định mà di chuyển từ làng nọ sang làng kia. Không chỉ ở Tân Liên, hội lan toả sang Vĩnh An, Dũng Tiến, Việt Tiến, Tam Hưng, Tam đa...Suốt trục con đường 10 bây giờ, đâu đâu cũng có hội thi pháo đất.
Các đài pháo được mời tham gia các cuộc thi không chỉ có đàn ông, mà có đủ các thành phần: già, trẻ, đàn bà, trẻ con kéo theo cổ vũ. Mỗi lần đạt giải, thắng lợi trở về họ mổ lợn ăn mừng, cuối vụ thanh toán với nhau bằng thóc.
Ngày nay, hội pháo đất thường tổ chức trong các ngày hội đình, hội chùa của các làng. Tuy nhiên cũng không nhất thiết như vậy. Đôi khi ngẫu hững, làng nọ mời làng kia thi với nhau, thế là các dài pháo, các làng lại rộ lên , náo nhiệt không khác gì ngày hội.
3. Sự hấp dẫn của trò chơi
  Pháo đất hấp dẫn người chơi, người xem bởi các yếu tố sau: Đó là tính tập thể: Đi theo mỗi dài pháo không chỉ là những thành viên mà còn nhiều người tham gia cổ vũ, hỗ trợ các công việc chế tạo một quả pháo. Mỗi làng có nhiều dài pháo rủ nhau tham gia. Nếu thi ở làng, mỗi xóm lại có nhiều dài pháo tham gia ...Như vậy hội thi cuốn hút rất nhiều người dự thi, cổ vũ. Bí quyết, tay nghề, kĩ năng làm pháo, thâm niên, kinh nghiệm thi đấu đều được đưa ra thi thố. Đó là sự thắng lợi và thất bại, chêm vào đó là sự cay cú với đối phương và với ngay bản thân mình trong kĩ thuật thi...
Sân bãi cho hội thi
Sân cho hội thi pháo làm bằng đất, nện kĩ, nhẵn và bằng phẳng. Mỗi sân có diện tích 5- 6 m2.
4. Kĩ Thuật làm pháo đất
Pháo Tân Liên có hai loại:  Pháo tung và pháo úp
Kĩ thuật làm pháo tung:
Pháo tung hình bầu dục, có chiều dài đến 2 m, chiều ngang bụng pháo đến 1 m. Gọi là pháo tung vì khi cho pháo nổ, người chơi phải nâng quả pháo lên cao hết tầm tay rồi mới thả pháo xuống.
Chọn và làm đất:
Đất làm pháo là loại đất sét, dẻo, không lẫn cát và tạp chất. Nghệ nhân Cổ Đẳng chọn đất sét này dưới đáy sông ở độ sâu 1m. Mùa đông, trời lạnh, họ uống loại nước mắm ngon cát Hải rồi lặn xuống đào đất.
Vật đất:
   Đất được đem về, vật vào tường cho ráo nước. Khi đã khô bớt, rắn lại, lấy xuống, gọt hết bên ngoài cho hết tạp chất bám, cho lên phản gỗ dùng chân giẫm, dận nhiều cho đất dẻo ra( Không phải cho nước). Khi dẻo qúa lại vật lên cho khô bớt nước đến khô, lấy dây sắt  nhỏ xắt ra từng miếng để loại dây dợ tạp nham lẫn vào đất ( Nếu có tạp chất lẫn vào đất thì khi nổ pháo tan hết, không kết thành dây được).
 Thành ngữ: ( Diều dây - pháo đất ) - Nghiã là diều lên được do dây; Pháo nổ thành dây do đất. Làm đất xong, vê thành quả, khi nào đánh pháo mới nặn.
Nặn pháo:
Vào hội thi, các dài pháo tiến hành nặn pháo. Thao tác nặn pháo được tiến hành như sau:
Thái đất cho mỏng, đặt lên phản ( Xưa thì dùng phản, còn nay thì lót bằng vải bạt) dận cho dẻo, đôi khi còn dùng vồ đập nữa cho đất nhuyễn ra.
Tạo mề pháo: Mề pháo giống nửa quả dưa hấu khi đã bổ đôi, là đáy quả pháo hình bầu dục. Tạo xong mề pháo rồi, cho xương pháo vào. Xương pháo là những mảnh tre bản rộng 4 cm, mỏng nhưng cứng, giống như nan thuyền tre. Tre phải già. Mỗi manh pháo cần 5- 6 cái xương dài, và 4 - 5 cái xương ngang. Ấn xương pháo xuống mề pháo. Mề pháo
(đáy) có độ dày xấp xỉ 3cm. Để tạo cho đất dẻo thêm, có độ bóng, trơn, người ta dùng lá cây rè rớt giã lấy nước rớt như nước mồng tơi, xoa lên, bóp cho đất dẻo, manh pháo không tan khi pháo nổ.
Lên manh pháo ( Giềng pháo): Manh pháo ( Giềng pháo): Là mép quả pháo được đắp xung quanh mề pháo, có thành cao khoảng 5 cm. Đây là khâu quan trong nhất. Manh pháo được làm cẩn thận, đất phải gắn liền, dai, không rời ra. Đôi khi manh được làm đi làm lại nhiều lần mới xong.
Làm xong manh pháo, quả pháo đã hoàn thành. Ngắm nhìn quả pháo cân đối, đẹp mắt đấy nhưng chưa ai có thể khẳng định manh pháo sau khi pháo nổ sẽ dài bao nhiêu.
Kĩ Thuật làm pháo úp cũng tương tự như làm pháo tung. Pháo úp có kích thước nhỏ hơn pháo tung.
5. Biểu diễn pháo đất
Biểu diễn pháo tung:
Lên pháo: Ít nhất một quả pháo phải có 4 người nâng pháo lên. Một người tung chính, ba người nâng pháo. Hai người hai bên chiều dài, hai người hai bên chiều rộng hai đầu quả pháo. Người tung chính phải chọn đúng vị trí thuận tay của mình.
 Bắt đầu: Nâng pháo lên, từ từ cho pháo úp phía bụng xuống. Xong, tất cả đưa pháo cao hết tầm tay( Người chơi phải có chiều cao bằng nhau mới được), khi đó, người tung từ từ hạ tay xuống, tì khuỷu tay vào ngực, hai bàn tay đỡ pháo. Lúc này là những giây phút hồi hộp nhất.
Khi được tầm, bất thình lình, người tung buông tay, quay người, pháo rơi úp xuống. Tiếng nổ ấm phát ra đánh bụp, không to. Manh pháo xé ta thành một sợi dài. Mỗi quả pháo, manh pháo được xé ra nằm nhiều vị trí khác nhau. Cái thì nằm đườn ra trên mặt sân, cái thì nằm vắt trên mề pháo như một con rắn. Tiềng hò reo vang dội. Nếu manh bị đứt, hoặc vỡ thì thật là buồn. Không khí chìm hẳn xuống. Lúc này, thủ trượng cùng người giám sát đo chiều dài manh pháo, Pháo thủ tung pháo đem gíây ghi số đo, trình lên thủ trịch tuyên bố kết quả.
Biểu diễn pháo úp:
Khi đánh pháo úp cũng có 4 người. Ngừơi dánh chính đỡ bụng pháo bằng tay phải. Lên xong, người tung đổi tay trái đỡ bụng pháo, tay phải dùng năm ngón tì vào xương pháo, đỡ lưng pháo. Từ từ đưa pháo vào sát ngực. Ba người nâng bỏ tay ra. Người đánh từ từ cúi xuống, khi cách mặt đất khoảng 50 cm thì bỏ ra đồng thời lộn người sang bên kia hoặc ngã ra hoặc đứng yên tuỳ theo khả năng biểu diễn của họ.
Cách chấm điểm:
 Khi pháo nổ, manh không bật ra gọi là pháo tịt.
Manh bật ra đứt gẫy không được đo, tính.
Chưa thả pháo, pháo bị hỏng thì được làm lại.
Không chấm, đánh giá tiếng nổ to, nhỏ.
Độ dài manh pháo của hai quả chênh nhau 40 cm được coi là hoà.
6.Tín ngưỡng của hội thi pháo đất:
Chuẩn bị cuộc thi pháo đất, cụ trùm  hoặc người đứng đầu dài pháo chọn đình hoặc đền hoặc miếu nào họ cho là linh thiêng,  đến thắp hương , khấn thần thánh phù hộ cho đội mình, hoặc làng mình...
Nghi thức tổ chức của hội thi pháo đất:
   Thường một hội thi pháo đất được tổ chức rất trọng thể. Người ta dựng một lễ đài( nay kê bàn, ghế hơi cao lên một chút so với sân đình). Trên lễ đài gồm thủ trịch, thủ trượng, các quan viên đáng kính ( Làng, xã...). Trang trí theo lối truyền thống. Cờ ngũ sắc, trống chiêng vang lừng tạo không khí lễ hội. Thủ tục gồm: Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu. Ông trưởng làng văn hoá đọc lời khai mạc, công bố các đội chơi, công bố danh sách ban giám kháo...Sau cuộc thi, tuyên  bố giải và khen thưởng.
   Ngày nay trò chơi pháo đất được các cấp chính quyền huyện Vĩnh bảo khuyến khích nên ngày càng sôi nổi, đem lại đời sống văn hoá lành mạnh cho nhân dân. Trò chơi này không những vừa bảo tồn được nét đẹp văn hoá truyền thống mà còn được phát huy tạo thêm nét đẹp văn hoá cho miền quê trù phú này.
Nhà giáo Lê Xuân Lựa
(Hội viên HVNDGVN
Lại Xuân- Thủy Nguyên- Hải Phòng)
Nguồn: CLB Hải Phòng học

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.