546.Niềm tin từng phải 'mua' rất đắt

Niềm tin từng phải 'mua' rất đắt

"Lòng tin của xã hội, nhân dân là thứ không mua rẻ được. Lòng tin là cái đã được "mua" rất đắt và chớ có lãng phí nó" - chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.
Lòng tin của dân không mua rẻ được
- Chữ "Tín" quan trọng đến vậy, nhưng trong xã hội hiện nay dường như lòng tin ngày càng trở nên thiếu vắng? Ngay ở cấp độ đời sống hàng ngày, cũng có quá nhiều hiện tượng gây mất lòng tin nghiêm trọng, như chuyện ăn bớt vắc-xin, tiêm vắc-xin quá đát cho trẻ em. Hoặc tiểu thương trộn đủ loại chất độc vào thực phẩm để kiếm lời bất chính, v.v...



Nguyễn Trần Bạt, lòng tin, của dân, vì dân, dư luận, truyền thông, tín nhiệm
Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Lê Anh Dũng

- Vì thế nên tôi nói rằng cuộc sát hạch tín nhiệm (lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội) quan trọng như thế này là vô cùng cần thiết. Để cho xã hội thấy rằng, ở những chỗ cao nhất của xã hội người ta nghiêm túc. Sự nghiêm túc ở chỗ cao là sự răn đe ở những chỗ thấp. Và không phải chỉ có răn đe mà còn định hướng và giáo dục nữa.
"Thượng bất chính thì hạ tắc loạn" là nguyên lý căn bản của cuộc sống. Chúng ta khắc phục cái "hạ tắc loạn" bằng cách nêu cao cái "thượng" phải "chính". Và "chính" phải bằng bằng chứng, phải được kiểm nghiệm, sát hạch bởi xã hội.
- Theo ông, cần có một cơ chế như thế nào để kiểm soát chữ 'Tín" của những cán bộ có trách nhiệm?
- Chúng ta chưa có thể chế tốt để phục vụ các nhà chính trị thực thi một cách nghiêm chỉnh các lời hứa. Cho nên, chúng ta phải kiểm điểm một cách tập thể xem thể chế hiện thời có tạo điều kiện đảm bảo cho lời hứa của các nhà chính trị được thực thi nghiêm túc không.
Có ba thực tế:
Thứ nhất, với cách làm nhân sự như hiện nay thì chúng ta đã không chú trọng đến việc chọn người phải biết thực hiện lời hứa. Thứ hai, anh có hứa rồi cũng không thực hiện được. Và cái thứ ba rất quan trọng, là những quy tắc ấy cấu tạo ra một xã hội không biết cách vỗ tay hoan nghênh những sự đúng đắn và chê bai những sự thiếu đúng đắn.
Nói cách khác, năng lực phân biệt đúng sai, hay dở của xã hội cũng có vấn đề. Năng lực lựa chọn cán bộ của thể chế cũng có vấn đề, và năng lực đảm bảo cho các lời hứa của nhà chính trị cũng có vấn đề. Vì vậy, trước khi nói đến trách nhiệm cá nhân như một dấu hiệu đạo đức, chúng ta phải kiểm điểm cái thể chế đã tạo ra nó.
Ví dụ, khẩu hiệu "của dân, do dân, vì dân", ngay nước Mỹ người ta cũng chỉ nói thầm chứ không phải nói kỹ lắm đâu, và nói trong một đêm họp hành nào đó của những người tạo ra nền chính trị ban đầu của Hoa Kỳ.
- Thưa ông, vẫn có những khi giữa lời nói và thực tiễn đời sống luôn có khoảng cách. Điều này có khiến người dân mất mát lòng tin?
Chúng ta sống quá lâu trong một đời sống mà mọi chuyện rất lý tưởng khi nói, nhưng rất hạn chế khi thực thi. Hiệu lực ấy khiến con người dễ hoài nghi.
Còn nếu chúng ta sống trong những điều kiện mình có thì sẽ thấy khác. Tôi là người sống trong những điều kiện của tôi, sống trong sự nhận thức của tôi, vì thế tôi không thất vọng. Tôi cũng khuyên tất cả mọi người phải sống trong sự tỉnh táo của chính mình, chứ không phải tỉnh táo hộ của người khác cho mình.
- Nhưng nếu niềm tin được tạo dựng theo cách như vậy thì mọi sự thay đổi chỉ dừng lại ở mức độ từng cá nhân chứ không phải toàn hệ thống?
Mức độ cá nhân vô cùng quan trọng. Bạn cứ  lấy việc ném rác ra phân tích thì sẽ thấy. Nếu mỗi một cá nhân không ném rác sang nhà hàng xóm thì thôn xóm, khu phố sẽ sạch sẽ hơn nhiều.
Đặt câu hỏi ngược lại thưa ông, nếu từ thể chế cao nhất tạo ra được những quy định là ném rác sang nhà hàng xóm sẽ phải chịu xử phạt rất nghiêm minh, thì từng cá nhân sẽ thay đổi nhận thức?
- Ai sẽ tạo ra luật ném rác sang nhà hàng xóm thì bị xử phạt, nếu trước đó về mặt đạo đức, người ta không nhận ra ném rác sang nhà hàng xóm là xấu. Đầu tiên con người ta phải nhận thấy sự xấu thì mới biết quý cái tốt, và khi biết quý cái tốt, người ta mới nghĩ cách để giữ gìn cái tốt. Cách thức để giữ gìn cái tốt chính là luật pháp, cho nên bắt đầu vẫn là nhận thức.
- Quay lại câu chuyện giữa tuyên truyền và thực hiện. Theo ông, nếu chúng ta "thổi" cam kết của mình quá lớn, trong khi điều kiện khó có thể thực hiện được, hệ quả sẽ ra sao?
- Tóm lại như vậy là chúng ta muốn mua rẻ lòng tin của cuộc sống. Lòng tin của xã hội, nhân dân là thứ không mua rẻ được. Để nhân dân tin tưởng vào Đảng, đã phải có một nửa thế kỷ hy sinh biết bao nhiêu xương máu. Lòng tin là cái đã được "mua" rất đắt và chớ có lãng phí nó.
Đừng để người dân qua "hàng rào"
Cũng xoay quanh câu chuyện tuyên tuyền và lòng tin, tôi muốn bàn một chút về vấn đề truyền thông hiện nay đang được chia thành hai phía, các cơ quan thông tin chính thống và những thông tin dư luận. Theo ông tại sao lại có hiện tượng người dân tin thông tin dư luận hơn thông tin chính thống?
- Bởi vì thông tin chính thống "chênh" với sự thật, làm cho người ta không tin nữa. Hay nói về mặt thông tin là nó bị mất lòng tin rồi. Thông tin chính thống cần tôn trọng sự thật. Nếu không vậy, nhu cầu xã hội sẽ có xu hướng đi tìm thông tin "không chính thống".
Vì thế, các cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm cần phải suy nghĩ một cách tổng thể hơn. Để làm sao cho các báo chí được gọi là chính thống (tức báo chí thuộc vùng của Nhà nước) có không gian tự do cung cấp những thông tin quan trọng nhất một cách chính xác.
Tất nhiên, có nhiều loại và nhiều cấp độ thông tin. Có những thông tin vui vẻ, giải trí, có những thông tin để tán chuyện, và có những thông tin để làm nền tảng cho tư duy. Thế thì, ít nhất báo chí chính thống phải chiếm được thị trường, hay trận địa của những thông tin có thể giúp người ta tư duy. Nếu không, thực chất tự chúng ta nhường "trận địa".
- Như vậy không thể trách người dân nếu để họ nghiêng về phía "phi chính thống"?
- Người dân người ta làm gì mà trách. Tôi lấy ví dụ. Giả sử tôi có một bà vợ, tôi đối xử thô lỗ và bất lực, không làm được gì cho vợ. Trong khi đó tên hàng xóm cứ giúp đỡ đủ thứ cho vợ tôi. Chỉ dăm bảy lần trong một tháng thì cuối cùng đến lúc nào đấy tôi sẽ thấy vợ mình qua bên kia hàng rào rồi.
Nhân dân sẽ dần dần nhảy sang bên kia hàng rào nếu các nhà lãnh đạo không nhận thức được điều ấy. Đấy là một nguy cơ chính trị có thật.
- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Mỹ Hòa (thực hiện)
Theo TVN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.