570.Người Việt có mạnh thật không?

(Cộng đồng Việt)- Bài trả lời phỏng vấn “Người Việt rất mạnh khi bị dồn đến chân tường” của Thiếu tướng Lê Mã Lương được một tờ báo điện tử đăng tải đang gây tranh cãi trên các diễn đàn. Nhiều người có vẻ không mấy tin vào khẳng định này bởi những gì họ đang chứng kiến gần đây. Còn tôi thì liên tưởng ngay đến một tin tức khác, rằng có một vụ “huyết chiến” vì va chạm giao thông ngay giữa thủ đô, chỉ có một phụ nữ can đảm nhảy vào can gián.


a
Người phụ nữ áo tím dừng lại để can gián đám đánh nhau trên đường. (ảnh cắt từ clip trên mạng) 
Bản tin “Huyết chiến” vì va chạm giao thông ở Hà Nội” cho biết, trên facebook chiều 17/6 xuất hiện một đoạn clip có tiêu đề "Va chạm giao thông, tài xế xe con "huyết chiến" với tài xế taxi" đang gây chú ý trong cộng đồng mạng. Tất nhiên chuyện người Việt mình lao vào đánh nhau khi va chạm giao thông trên đường không phải là chuyện hiếm thời buổi này, điều gây chú ý, theo bản tin cho biết, là vì trong lúc 2 tài xế “huyết chiến” với nhau ở ngã tư Phan Bội Châu – Hai Bà Trưng (Hà Nội), máu chảy ròng ròng nhuộm đỏ cả áo sơ mi, người đi đường nồng nhiệt xúm lại xem, thì có một phụ nữ áo tím, đi xe máy ngang qua thấy chuyện bất bình đã nhảy vào can ngăn, và đám đánh nhau được giải thoát.
Clip do người đi đường quay bằng điện thoại di động, chất lượng không cao nên tôi không thể nhìn rõ mặt người phụ nữ áo tím ấy, chẳng ai biết tên chị, nhưng tôi đoán đó hẳn phải là một người đàn bà có gương mặt vừa nhân hậu vừa cương trực. Chị đã có một ứng xử “người” và dũng cảm hơn tất tật những người đàn ông đang xúm đông xúm đỏ xem đám đánh nhau, đã dám lao vào giữa một chốn bạo lực rất có thể sẽ đem đến tai bay vạ gió cho mình. Tôi thực sự ngưỡng mộ và kính phục chị.
Tất nhiên khi kể lại câu chuyện này, sẽ rất nhiều bạn đọc bĩu môi bình phẩm: “Nói thì dễ lắm, nhưng nhiều khi thấy đánh nhau mà lao vào can ngăn, có khi còn bị đánh hội đồng, còn bị mắc vạ oan, chẳng phải đầu cũng phải tai, chả dại”. Đó cũng là một phản ứng theo thói thường, bạn hay tôi, rất nhiều người khi gặp chuyện, ý nghĩ đầu tiên ập đến sẽ là như thế.
Nhưng may mà không phải tất cả mọi người đều có những suy nghĩ “thường tình” như thế, nên cuối cùng, vụ ẩu đả máu chảy nhuộm đỏ áo của hai người đàn ông giữa phố đông, nhờ một người phụ nữ can đảm tuyệt vời đã dừng lại ở đó, đã không xảy đến những hậu quả nặng nề đau lòng hơn. Vậy thì chúng ta, những người luôn mang cái lợi ích cá nhân  và sự an nguy của mình đặt lên trước tiên, cũng phải thấy xấu hổ trước người phụ nữ ấy mới phải chứ nhỉ?
Chúng ta phải cảm ơn chị, dù chẳng biết tên chị, chẳng nhìn rõ mặt chị, nhưng rõ ràng, chị là một ví dụ điển hình bằng xương bằng thịt cho đức tính nghĩa hiệp của con người, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Chị đã không vô cảm như rất nhiều người đàn ông khỏe mạnh đang đứng xem. Tôi ước gì khi họ trông thấy rõ ràng hai người đàn ông đang đánh nhau tay không, không vũ khí thì sẽ xông vào can ra để tránh những hậu quả đau lòng.
Nhưng xã hội chúng ta đang quá ít những người đàn ông hành xử như vậy, hay nói đúng hơn là đang tiệt bóng những người đàn ông dũng cảm và ứng xử cho ra mặt đàn ông. Hầu hết họ đều đang co cụm, có thể “chém gió” rất hay trên mạng ảo, nhưng ra ngoài đời thực, thấy một việc tốt, một việc thiện trong tầm tay, họ vẫn ngó lơ. Nếu ai cũng nghĩ rằng, việc đó chẳng liên can đến mình, để cho xã hội giải quyết đi, thì cuộc sống chúng ta sẽ ra sao nhỉ? Mỗi con người sẽ như những hòn cuội vo tròn lăn bên cạnh nhau, không một chút hơi ấm tình đồng loại.
Sự việc này lại khiến tôi lẩn thẩn nghĩ lại bài báo mới đây trên Đất Việt, sau vụ đánh chết kẻ trộm chó ở Diễn Châu (Nghệ An), “Phần lớn ủng hộ bỏ mạng người, giữ mạng chó”. Để thấy một điều rằng, dường như tâm tính người Việt đã và đang thay đổi theo một chiều hướng không mấy thiện lành, chúng ta ưa bạo lực hơn, muốn cổ vũ cho bạo lực nhiều hơn, bất chấp cả luật pháp.
Tất nhiên không thể không kể đến hoàn cảnh xã hội- mà nhiều người mạnh miệng cho rằng, đó chính là thủ phạm gây nên sự thay đổi theo chiều hướng ưa bạo lực của người Việt hôm nay. Khi chân lý, lẽ phải lúc mờ lúc tỏ và bị đồng tiền điều khiển, khi những việc thiện nguyện tốt lành, khi nhân tính không còn được tôn trọng, cổ vũ, thì những vụ việc cùng nhau hào hứng hành động bạo lực và một mặt khác lại vô cảm với bạo lực cũng là điều đương nhiên.
Quay trở về với nhận định của Thiếu tướng Lê Mã Lương, rằng người Việt rất mạnh khi bị dồn đến chân tường, tôi cứ cảm thấy nghi ngại thế nào. Thiếu tướng cho biết: “Thời bình có thể người Việt sống thu mình, bằng lòng với những gì đang có nhưng khi bị dồn vào bước đường cùng, đặc biệt mối nguy từ ngoại xâm thì người Việt Nam có thể gác lại mọi hiềm khích trước đó để cùng nhau đoàn kết tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Điều này đã trở thành tính cách của người Việt, tồn tại hàng nghìn năm”.
Tôi không dám tin những con người ngày thường vô cảm, nhìn thấy chết không cứu, nhìn thấy việc tốt thì thờ ơ, nhìn thấy đồng tiền thì quỵ lụy tới mức đánh mất nhân cách và quên mất xấu hổ lại có thể bỗng nhiên trở nên “mạnh” và có thể hy sinh xương máu tính mạng vì nhau. Điều Thiếu tướng nói có khi chỉ là lý thuyết tốt đẹp mà chúng ta mong muốn, có thể xảy ra trong quá khứ, độ khoảng một vài thế kỷ trước, khi đạo đức và nhân tính chưa bị suy thoái và xói mòn như ở thời điểm hiện tại này.
Trả lời câu hỏi: “Người Việt có mạnh thật không”, dù rất muốn nhưng tôi không dám chọn phương án “có”. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, người Việt chúng ta, hơn lúc nào hết đang yếu ớt và nhỏ bé biết bao, khi mà mỗi cá nhân trong xã hội chưa dám khẳng định rằng mình sẽ sống như một con người đúng nghĩa. Sức mạnh của cả dân tộc chỉ có thể có được từ sự dồn góp của những cá nhân mạnh khỏe, theo cả nghĩa vật chất lẫn tinh thần.
Khi nào tất cả chúng ta đều hành xử được như người phụ nữ vô danh trong câu chuyện “huyết chiến” trên kia, dám mạnh mẽ đứng về  phía những tốt đẹp và can đảm thi hành nó. Khi nào mỗi chúng ta đều chọn một lối sống hướng thượng, tức là biết nhìn lên chứ không chỉ cắm mặt xuống đất mà kéo lê những ngày đang sống, biết tôn trọng tri thức, lẽ phải, việc thiện, điều nhân, thì khi ấy người Việt mình mới mạnh.
  • Mi An
  • Theo ĐVO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.