534.Hiến pháp: Ba nội dung nhà nước pháp quyền cần làm rõ

Hiến pháp: 

Ba nội dung nhà nước pháp quyền cần làm rõ


Nhân dân và nhà nước pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ý tưởng xây dựng cho đất nước một bản Hiến pháp và một nhà nước pháp quyền, trong đó nhà nước và công dân đều phải tuân theo pháp luật, đã có từ rất sớm và nhất quán ở Hồ Chí Minh.
Trong tám Yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Hòa bình ở Versailles ngày 19/6/1919 có bốn nội dung về các quyền tự do (báo chí và ngôn luận, lập hội và hội họp, cư trú ở nước ngoài và xuất dương, học tập, thành lập các trường kỹ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ), và yêu sách thứ bảy "Thay chế độ ban hành các sắc lệnh bằng chế độ ban hành các luật2.

QH dành hai ngày thảo luận về Hiến pháp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946, ngay tại Điều 1, đã xác định: "Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". (mệnh đề A)
Bản chất của nhà nước và địa vị của nhân dân được ghi rõ: "Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ" 3.
Hồ Chí Minh cũng đã nói rõ thế nào là nhà nước của dân: "Một nhà nước của dân thật sự phải là một nhà nước do dân và vì dân. Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhưng nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì... Chính phủ ta đã hứa với dân sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc..." 4(mệnh đề B).
Nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Mỹ đổ bộ vảo miền Nam, khởi hấn bắn phá miền Bắc, đã được Người xác định tại Hội nghị chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964: "Tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước.5.
Một nội dung rất quan trọng khác của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước là đoàn kết giữa các dân tộc và các giai cấp. Trong phiên họp Quốc hội thông qua Hiến pháp, Hồ Chí Minh đã phát biểu: "... Hiến pháp đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp".
Đặc điểm sau cùng xin được nhấn mạnh trong bài viết này: Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở là nhà nước chẳng những phải tôn trọng và phục vụ nhân dân, mà còn phải là công bộc của dân"Chúng ta hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật" 6Đầy tớ thật trung thành của nhân dânthực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng,thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Những lời căn dặn tâm huyết này đã được Bác nhắc lại trong Di chúc trước lúc đi xa, chắc chắn bắt nguồn từ những gì Bác đã chứng kiến trong suốt cả cuộc đời mình, trên khắp thế giới, về nguy cơ tha hóa của bộ máy cầm quyền, của các đảng cầm quyền.
Phải chăng Bác muốn căn dặn giai cấp công nhân và đội tiên phong của nó, phải khác với những giai cấp khác trong lịch sử nhân loại, là không được phép tự biến mình thành giai cấp bóc lột, để chủ nghĩa xã hội mãi mãi xứng đáng là mùa Xuân, là niềm tin, là tương lai của nhân loại?
Trong Hiến pháp 1946 mà Bác trực tiếp soạn thảo, bộ máy nhà nước được cấu tạo theo ba quyền: quyền lập pháp (Nghị viện nhân dân); quyền hành pháp (Chủ tịch Nước và Chính phủ); quyền tư pháp (hệ thống toà án được tổ chức theo cấp xét xử).
Nghiên cứu kỹ 70 điều của Hiến pháp 1946 sẽ thấy không có một cơ quan nào là độc quyền quyền lực, có quyền đứng trên cơ quan khác. Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (Điều 22), nhưng không phải là cơ quan toàn quyền. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc (Điều 43), và tuyệt nhiên không phải là cơ quan chấp hành của Nghị viện nhân dân. Cơ quan tư pháp là hệ thống toà án.
Ba nội dung cần làm rõ
Trong khuôn khổ bài này, chỉ xin nêu lên ba nội dung.
Thứ nhất, Điều 2, khoản 1: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và khoản 2: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
So sánh Điều 2, khoản 1 và 2 với hai mệnh đề (A) và (B) trên đây sẽ thấy có khác biệt trong việc sử dụng cũng như trong nội hàm các từ "dân" và "nhân dân" giữa Hiến pháp 1946 và dự thảo Hiến pháp 2013. Đáng lý ra với những thành tựu sau 68 năm chiến đấu và xây dựng đất nước, với khối đoàn kết toàn dân tộc mà chúng ta tự hào, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền càng phải sáng tỏ hơn!
Thứ hai, Điều 2 khoản 3 viết: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Vấn đề là thực thi việc kiểm soát với các cơ chế kiểm soát quyền lực cụ thể giữa các cơ quan nhà nước.
Trong một bài góp ý7, tôi nhận xét rằng không rõ cơ quan nhà nước nào kiểm soát Quốc hội, trong khi đó Quốc hội, theo dự thảo, được trao rất nhiều quyền lực, có thể nói là quyền lực nhất, mà năng lực cần được tăng cường nhiều để tương xứng với chức năng và nhiệm vụ được giao.
Theo Điều 99 của dự thảo, "Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất (...), thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội".
Chính phủ có phải là cơ quan chấp hành của Quốc hội hay không còn là một nội dung rất cần bàn. Nhưng câu hỏi là khi một cơ quan là chấp hành của một cơ quan khác, thì ý nghĩa thực của cụm từ "kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước" là gì?
Thứ ba, về mối quan hệ giữa công dân và nhà nước pháp quyền XHCN
Mỗi mô hình nhà nước pháp quyền đều phải làm rõ mối quan hệ giữa công dân và nhà nước.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ; và một nhà nước của dân thật sự phải là một nhà nước do dân và vì dân.
Trong hầu hết Hiến pháp các nước, ít ra là trên văn bản, mối quan hệ công dân và nhà nước mang tính bình đẳng, được quy định trong Hiến pháp.
Trong dự thảo, Điều 8 khoản 1 quy định: "Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ". Có ba điều không rõ :
+ "Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật". Không thể khác. Nhưng thiết chế nào đảm bảo sự tuân thủ này mới là điều quan trọng. Ở các nước là Hội đồng Hiến pháp, hoặc Tòa án Hiến pháp, hoặc giao cho Tòa án Tối cao đảm nhiệm. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (UBDTSĐHP) cũng có đề xuất một kiểu Hội đồng Hiến pháp, chẳng những không thực chất, mà còn hàm chứa nguy cơ thể chế hóa một kiểu làm vừa đá bóng vừa thổi còi!
Nhà nước quản lý xã hội có bao hàm quản lý công dân? Dù sao đây mới chỉ là một chiều, không phải là mối quan hệ hai chiều giữa nhà nước với công dân mà mọi nhà nước pháp quyền phải quy định rõ ràng.
Nhà nước thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở đâu? và với ai?
Tạm không đề cập tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các cơ quan nhà nước, chỉ xin hỏi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhà nước quản lý xã hội có theo nguyên tắc tập trung dân chủ? và quản lý xã hội theo nguyên tắc này liệu có tương thích với tuyên bố ngay trong Điều 1 của dự thảo : "Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập (...)"?
Thiết nghĩ soạn lại điều quan trọng này trong dự thảo Hiến pháp là cần thiết.
-------
1 Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X và XI.
2 Nguyễn Ái Quốc đã dịch bản Yêu sách này ra tiếng Việt thành bài thơ Việt Nam Yêu cầu ca. Yêu sách thứ bảy được diễn đạt thành "Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NxbCTQG, H,2000, tr.515.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr.56.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbCTQG, H,2000, tập 11, tr.235.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr.56.
7 Nguyễn Ngọc Trân, Cần một Hiến pháp cơ bản và ổn định, Báo Đại biểu nhân dân, số 53, ngày 22.02.2013. http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=272789
Theo Tuần Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.