511.Làm méo mó lá phiếu là tự tước quyền

Làm méo mó lá phiếu là tự tước quyền

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.
Ảnh:
 Lê Anh Dũng
Tác giả: LÊ HOÀN
Làm méo mó những lá phiếu là đại biểu đã tự tước quyền lợi và quyền lực chính đáng, tự đánh vào chính mình.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lần đầu tiên tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm. Cử tri cả nước đang hướng về và mong đợi đó sẽ là những lá phiếu công tâm, vì dân, vì nước.
Có lẽ, đây cũng chính là dịp thích hợp để tìm về ý nghĩa đích thực của lá phiếu và trách nhiệm của những người nắm giữ nó.
Lá phiếu vốn có hai mặt. Một mặt, có thể coi sự ra đời của lá phiếu là một trong những biểu hiện quan trọng của dân chủ và bình đẳng.

Mặt khác, cũng có thể coi lá phiếu là minh chứng cho thấy, con người không phải khi nào cũng có thể công khai ủng hộ hay không ủng hộ khi vẫn còn những áp lực nhất định, thô bạo hay tế nhị, và mọi điều không phải luôn sòng phẳng.
Bằng lá phiếu của mình, mỗi người thể hiện quyền ủng hộ hay không ủng hộ. Chất lượng của lá phiếu phụ thuộc vào hiểu biết, động cơ, trách nhiệm và lương tâm của người bỏ phiếu.
Với những việc nhỏ, không có va chạm lợi ích, sự đồng thuận giữa các lá phiếu khá dễ dàng. Nhưng với những chuyện lớn, va chạm lợi ích, đồng thuận là rất khó, nếu không muốn nói không thể, trừ khi có sắp đặt hay gian dối trong khâu tổ chức. Phải coi chuyện không thể đồng thuận là bình thường, đặc biệt là trong đời sống chính trị.
Lá phiếu, danh dự và trách nhiệm
Trong trường hợp các đại biểu Quốc hội, lá phiếu không còn là của chính họ, mà là của các cử tri đã bầu ra họ. Vì thế, danh dự và trách nhiệm của đại biểu là gạt bỏ cái tôi cá nhân và phải hướng tới cái chung tập thể, tới nguyện vọng của cử tri mà họ đại diện.
Với hàng vạn, hàng triệu cử tri, quan tâm lớn hàng đầu là người hay công việc được bỏ phiếu đã và sẽ làm gì cho họ nói riêng, cho đất nước nói chung; là người được bỏ phiếu có xứng tầm không. Nếu không xứng tầm, thì dù người được bầu có tâm cũng vô giá trị, thậm chí phản tác dụng. Nhân thân, đạo đức tốt chỉ là "điểm cộng", chứ không thể mang tính quyết định.
Vì vậy, sẽ rất tuyệt vời nếu các đại biểu cứ đàng hoàng bỏ phiếu và ngược lại, những người được thăm dò tín nhiệm cũng cứ đàng hoàng tiếp nhận số phiếu, dù cao hay thấp. Chuyện đó hoàn toàn bình thường trong một xã hội bình thường.
Tin ở dân
Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh toàn dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là chủ trương lớn của Đảng ta. "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" - điều này đúng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Lịch sử đã ghi nhận nhiều bài học xương máu của những chính thể xa rời dân, đối lập với dân.
Hãy thông tin đầy đủ và tạo điều kiện, cơ chế cần thiết để dân hiểu, dân bàn. Khi ý thức mình được tôn trọng, bảo vệ, người dân sẽ hết lòng vì Tổ quốc. Người dân không không bao giờ phản bội Tổ quốc. Người dân cũng không bao giờ phản bội Đảng nếu Đảng luôn vì dân. Bài học trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị.
Các vị đại biểu Quốc hội hãy gần dân hơn, lắng nghe dân, vui cái vui của dân, buồn cái buồn của dân, và đừng bao giờ quan niệm dân trí còn thấp, nhất là trong thời đại kỹ thuật số này. Khi đó, lá phiếu của các vị sẽ chứa đựng đầy đủ danh dự và trách nhiệm, trí tuệ và lương tâm. Ngược lại, làm méo mó những lá phiếu là đại biểu đã tự tước quyền lợi và quyền lực chính đáng, tự đánh vào chính mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.