Xây cầu vượt trèo lên đầu Đàn Xã Tắc !


Chẳng lẽ chỉ cần có tiền và có quyền?
Không thể ngụy biện nói là móng cầu không đụng đến Đàn Xã Tắc
Tác giả: HÀ VĂN THỊNH
Không thể ngụy biện nói là móng cầu không đụng đến Đàn Xã Tắc, chỉ có chiếm không gian bên trên mà thôi(!) Có ai dựng lều để ngồi cao ngay trên bàn thờ tiên tổ hay không?

Việc xây cầu vượt băng qua- đi ngay trên di tích Đàn Xã Tắc, địa danh linh thiêng của dân tộc, tổ tông dường như là chuyện đã rồi? Nghe thấy mà xót xa bởi cái "triết lý" lạ lùng của tư duy quản lý thiển cận thời nay: Tất cả chỉ chăm chăm vì lợi ích trước mắt mà người ta sẵn sàng dẫm lên, đi trên cả những giá trị thiêng liêng của hồn nước, giống nòi?
Thế nào là Đàn Xã Tắc?
Thuở xưa, bất cứ một triều đại nào, trước khi tạo dựng cơ đồ, việc đầu tiên là lập Đàn Xã Tắc. Đinh Tiên Hoàng khi dựng lên nước Đại Việt, đã thực hiện cả hai việc gần như đồng thời "lập Xã Tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế". Vua Lý Thái Tông, vào năm Mậu Tý (1048) đã lập nên Đàn Xã Tắc ở chính nơi mà người Hà Nội hôm nay định xây cầu vượt để đè lên, phủ bóng nơi linh thiêng có gần ngàn năm tuổi(!)
Không thể chiết nghĩa "xã" là thờ thần đất và "tắc" là thờ thần nông mà từ thuở xa xưa, Xã Tắc được coi là biểu tượng, sự hóa thân của giang sơn, Tổ quốc (sơn hà, xã tắc).
Chẳng lẽ chúng ta quên mất rằng khi xây Đàn Xã Tắc, vua Lý Thái Tổ và cả vua Gia Long sau này đều cho lấy đất sạch từ tất cả các tỉnh, thành, dinh, trấn trong cả nước để tôn nền móng cho Đàn?
Chiếu lệnh đó là sự khẳng định rất rõ ràng rằng không một ai được phép coi "đàn tế chỉ là một cái đàn" mà nhất thiết phải hiểu là đất thiêng của cả nước đã tụ hội về làm thành nơi khởi nguồn, nền tảng của văn hóa, tình cảm, tâm linh của mọi người dân Việt
Một khi đã là nơi hội tụ của đất- nước, nơi tinh chiết cả mạch nguồn, nền tảng cho cả cơ đồ, thì quyết không thể không coi trọng. Đó là chưa nói về mặt ngôn ngữ học, một khi Xã Tắc đã trở thành tên gọi có thể thay cho cả Tổ quốc, đất nước, giang sơn thì chắc chắn nó là nơi không thể xâm phạm.
Về mặt niên đại, Đàn Xã Tắc ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) ngày nay là công trình kiến trúc cổ nhất của nước ta (đàn Xã Tắc ở Hoa Lư chưa tìm thấy)- chắc chắn là chẳng có công trình cổ nào trên cả nước có thể sánh được về ý nghĩa và độ dài lịch sử...
Đi vòng, đi tránh là chuyện phải làm
Đoạn đường QL1A từ Ngã ba nhà thờ La Vang đến Diên Sanh, Quảng Trị có một cái am nhỏ, diện tích chừng vài m2 và cao chừng 3m. Không ai biết am thờ đó được lập nên từ khi nào nhưng cách đây 100 năm, người Pháp khi mở đường qua đó đã làm đường tránh đi vòng.
50 năm sau người Mỹ đổ bê tông nhựa cho đoạn đường này và, họ vẫn làm đường tránh dài hơn một km. Nói như thế để thấy ngay cả trong hỗn loạn của chiến tranh, thì cái phần hồn thẳm sâu, nhân văn; bí ẩn mà huyền diệu của tâm linh Việt vẫn khiến cho những kẻ xâm lược e dè, hãi sợ, và không dám vô lễ!
Ai đã từng đến Thượng Hải (Trung Quốc) đều biết cái trụ có chạm khắc hình rồng to gấp ba lần các trụ khác đỡ cầu vượt ở trung tâm thành phố: Người ta kể rằng năm lần bảy lượt đổ bê tông nhưng bê tông không đông cứng dù cho mác cao đến cỡ nào. Mãi sau người ta phải lập đàn để xin long thần (long mạch) suốt mấy ngày đêm mới dựng thành công như bây giờ...
Hãy khoan bàn về chuyện phong thủy và những bí ẩn mà mọi lời giải đều khiên cưỡng. Chỉ nên biết rằng những gì thuộc về tâm linh, huyền diệu của xa xưa chẳng thể nào tồn tại dài lâu đến thế nếu không có những sự thật ngang trái rành rành...
Câu hỏi bây giờ phải đặt ra là: Liệu có nên tốn thêm vài trăm tỷ hay ngàn tỷ đồng để làm cầu tránh đi vòng qua không phận Đàn Xã Tắc hay không? Số tiền có thể là không nhỏ nhưng dù có tốn kém bao nhiêu chăng nữa vẫn là điều cần phải làm.
Thử hình dung dư luận đã phẫn nộ đến mức nào khi trên facebook thấy mấy đứa trẻ ngồi lên bia tiến sĩ Văn Miếu, mộ liệt sĩ Trường Sơn?
Làm sao chúng ta có thể giải thích cho trẻ rằng, cha ông chúng không những dám "ngồi" lên, mà còn cho những chiếc xe tải nặng hàng chục tấn chạy trên khu vực có hiện vật, di tích thiêng liêng của dân tộc, giống nòi? Đất đó được góp từ mọi miền của đất nước (lãnh thổ thời Lý), tượng trưng cho cả Tổ quốc Việt Nam.
Nếu lũ trẻ hỏi cắc cớ rằng tại sao Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài đã hôn lên nắm đất đầu tiên của nước Việt thân yêu mà bây giờ lại có thể cho phép rầm rập hàng triệu người cứ ngang nhiên giẫm, chạy trên vùng đất linh thiêng đã mặc định bằng cụm từ sơn hà xã tắc?
Không thể ngụy biện nói là móng cầu không đụng đến Đàn Xã Tắc, chỉ có chiếm không gian bên trên mà thôi(!) Có ai dựng lều để ngồi cao ngay trên bàn thờ tiên tổ hay không?
Chế độ trước ở miền Nam đã chà đạp lên Đàn Xã Tắc ở Huế bằng cách dựng lên 40 căn hộ khu gia binh. Khi chế độ mới "chưa" có dịp sửa chữa sai lầm đó, dân gian đau đớn ca lên rằng: Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng/ Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u...
Chẳng lẽ vì cái gọi là "lợi ích" của hiện tại mà chúng ta sẵn sàng cho qua, giẫm lên những điều linh thiêng nhất- kể cả di sản cổ có tuổi ngàn năm? Chúng ta quên mất rằng trong cuộc đời của con người, có những điều chẳng có tiền nào mua được nhưng lại có vô khối người vẫn nghĩ có thể thay đổi tất cả mọi giá trị khi sử múa quyền lực và đồng tiền...
Nguồn: Tuần Việt Nam 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.