392.TS Lưu Bích Hồ: Vướng lợi ích, khó xử thẳng tay...

TS Lưu Bích Hồ: Vướng lợi ích, 

khó xử thẳng tay...

(ĐVO) – ‘Chúng ta xác định quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo nên doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn lớn, tổng công ty luôn được ưu ái mặc dù trong chính sách không tìm được một câu chữ nào thể hiện điều này. Ngược lại trong thực hiện thì đầy sự nâng đỡ, tạo điều kiện, ưu ái’.


TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phân tích về nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua.
Vướng lợi ích, khó xử thẳng tay
PV: Thưa Tiến sĩ, trong báo cáo thường niên 2012 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố có một thực tế đáng buồn đó là con số doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hơn 96%, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn khoảng 1%. Thế nhưng khu vực nhà nước, đại diện là các tập đoàn, tổng công ty vẫn chiếm tới 14,4% lao động và 33,5% vốn. Điều này có gì bất thường không thưa ông?
Sự bất bình đẳng sẽ sinh ra ba nhóm với ba cấp đoạn khác nhau khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn sức để tồn tại.
Sự bất bình đẳng sẽ sinh ra ba nhóm với ba cấp đoạn khác nhau khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn sức để tồn tại.
TS Lưu Bích Hồ: - Rõ ràng là bất thường và sự bất bình đẳng đang thể hiện rõ. Sự bất bình đẳng sẽ sinh ra ba nhóm với ba cấp đoạn khác nhau khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn sức để tồn tại.
Bây giờ phải làm cho nhóm ở giữa lớn lên để cho teo đi nhóm trên cùng và hạn chế nhóm dưới cùng – tức là tạo ra một sự cân đối của trục kinh tế.
Theo kinh nghiệm của Đài Loan bản thân tôi đã từng đi khảo sát thấy rằng họ không coi trọng doanh nghiệp lớn hay tập đoàn mà rất coi trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn nền kinh tế Đài Loan đặc trưng khác Hàn Quốc ở điểm này.
Nhưng nhìn vào sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa của họ không thua gì các doanh nghiệp lớn. Bởi lẽ các hiệp hội ngành hàng sẽ đóng vai trò tổ chức, kết nối các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng để có được sức mạnh tương đương như các doanh nghiệp lớn.
Đương nhiên ở đây sẽ có sự phân công, hợp tác ai làm cái gì. Mỗi doanh nghiệp ở vị trí công việc đó phải làm cho thật tốt nhưng không phải làm tất cả, ngành hàng nào cũng xía vào. Khi thống nhất sẽ có sự liên kết với nhau thành một chuỗi để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn kể cả nước ngoài và trong nước.
Đây là kinh nghiệm rất hay do đó nó giải quyết được vấn đề công bằng về sở hữu tư liệu sản xuất, yếu tố sản xuất kể cả vấn đề thu nhập.
Tầng lớp thu nhập trung bình ở Đài Loan chiếm tỷ trọng rất lớn và đây là mục tiêu phấn đấu chính của chúng ta. Nhiều nước khác cũng đang đi theo xu hướng như vậy.
PV: - Vậy vai trò của các hiệp hội ở Việt Nam đối với sự sống còn của doanh nghiệp vừa và nhỏ được thể hiện thế nào, thưa Tiến sĩ? Con số hơn 58.000 doanh nghiệp trong thời gian qua phá sản đã thể hiện vai trò của các hiệp hội tới đâu?
TS Lưu Bích Hồ: - Nói thật là hiệp hội của Việt Nam lại không làm được việc liên kết và tạo ra sức mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân của hạn chế này.
Thứ nhất là Nhà nước và Chính phủ cho đến nay chưa làm về Luật hội. Ngay từ khi bản thân tôi và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn làm ở Ban nghiên cứu của Thủ tướng đã thiết tha đề nghị cho ra đời Luật về hội.
Cũng đã có nhiều văn kiện, văn bản đề cập đến việc này nhưng vẫn chưa làm được.
Dường như có một sự lo lắng mơ hồ nào đó về sự đối trọng giống như khái niệm ‘xã hội dân sự’. Hiệp hội cũng nằm trong tổ chức xã hội dân sự đó. Trong khi đó để nó hình thành được các hiệp hội hoạt động cho đúng vai trò thì phải có Luật.
Thứ hai là phải có sự khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện để các hiệp hội làm việc. Hiện nay các hiệp hội mới chỉ là tự nguyện thành lập, hội tụ nhau lại thôi chứ không có sự giúp đỡ gì, trừ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa do TS Cao Sỹ Kiêm làm chủ tịch. Thế nhưng ngay chính TS Kiêm cũng từng chia sẻ rằng hiệp hội không làm được gì nhiều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có thể nói, từ cấp nhà nước đã không thống nhất với nhau được về mặt quan điểm, chủ trương, từ đó nhiều chính sách chỉ dừng ở mức độ ‘nói mồm’ chứ không thành hiện thực.
Chúng ta xác định quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo nên doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn lớn, tổng công ty luôn được ưu ái mặc dù trong chính sách không tìm được một câu chữ nào ưu ái họ. Ngược lại trong thực hiện thì đầy sự nâng đỡ, tạo điều kiện.
Vì sao được ưu ái thì chuyên gia Phạm Chi Lan đã phân tích rất kỹ. Tôi chỉ muốn bổ sung thêm rằng, kể cả những người lãnh đạo không muốn có sự ưu ái cũng không thể làm gì được.
Lý do là vì cái gốc tư duy, quan điểm và hệ tư tưởng vốn đã như vậy rồi. Sự thiếu cương quyết đã khiến cho mọi thứ trôi xuôi theo dòng. Ngay như Đại hội Trung ương 4 cũng đã nói, đến Trung ương 6 cũng xử lý kiểu vừa vừa, phai phải. Cũng chỉ răn đe chứ chưa đi đến hành động.
Ở đây, ngoài câu chuyện về quan điểm tư duy, tôi cho rằng cái vướng về lợi ích khiến cho khó mà xử sát sạt được.
Kịch bản tệ nhất là người lao động mất việc, kinh tế èo uột
PV: - Doanh nghiệp teo tóp và chết được xem là hệ quả của chính sách thiếu công bằng. Kịch bản nào có thể xảy ra tiếp theo, thưa tiến sĩ?
TS Lưu Bích Hồ: - Kịch bản tệ nhất vẫn là khổ cho người lao động, từ đó dẫn đến sự yếu ớt, èo uột của nền kinh tế. Do vậy mục tiêu hiện nay là phải tạo ra việc làm là số 1 chứ không phải tăng trưởng GDP là số 1.
Chống lạm phát rồi nhưng điều quan trọng là phải tạo ra việc làm. Nước nào cũng như vậy. Còn làm thế nào để tạo ra việc làm thì rõ ràng là phải cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi họ có điều kiện hoạt động tốt hơn, cho vay vốn, tạo lập được sức mạnh thì sẽ đi vào guồng sản xuất. Và tất cả các doanh nghiệp đều phải tái cơ cấu, làm lại công tác quản trị, thay đổi chiến lược kinh doanh, đưa công nghệ mới vào để tăng sức cạnh tranh chứ không riêng gì doanh nghiệp nào.
Vấn đề chính ở đây là phải tái cơ cấu. Nhưng tôi đã từng nói nếu tái cơ cấu mà để một mình Chính phủ làm thì sẽ không được vì hệ thống quản lý của chúng ta dính nhiều đến lợi ích nhóm. Mà đã là lợi ích nhóm thì làm sao tái cơ cấu được (?!).
Vì vậy phải nhờ Quốc hội vào cuộc và nhờ cả Đảng can thiệp nữa. Thế nhưng đây cũng chỉ là sự thúc đẩy từng bước.
Hoặc có một cách chấp nhận nữa là cứ để cho nó chết. Cuộc sống sẽ đẩy tới việc không còn con đường nào khác nữa thì phải làm lại. Đây là kinh nghiệm của năm 1986. Khi chết đến chân tường rồi thì buộc phải thay đổi. Còn các doanh nghiệp hiện nay chết như vậy nhưng cũng chưa thể làm cho nền kinh tế sụp đổ được. Ngân hàng, các tập đoàn cũng chưa sụp đổ được. Riêng doanh nghiệp nhà nước mất mát, teo tóp rồi chết dần nhưng cũng chưa sụp đổ được.
Nếu cứ để kiểu án binh bất động, mô hình sản xuất kiểu cũ thì sẽ không thể giải quyết được. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng ta phải tạo lập lại mục tiêu. Từ chỗ có việc làm thì sẽ có tăng trưởng GDP.
Cái gì làm được thì cắn răng mà làm còn không thì chấp nhận đổ đi. Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy ‘sự phá hoại có tính sáng tạo’ đôi khi vẫn phải áp dụng.
PV: - Theo ông có nên cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ không và muốn thì cứu bằng cách nào?
TS  Lưu Bích Hồ: - Tôi nghĩ rằng phải cho mọc ra doanh nghiệp mới, còn doanh nghiệp cũ lột xác thì mới làm được.
Nói đến doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng thực ra là liên quan đến cả hệ thống. Do vậy tôi kiến nghị tập trung sức của cả hệ thống đánh giá lại doanh nghiệp nào có thế mạnh cạnh tranh thực sự nên đổ vốn cho họ làm. Với gói cứu trợ 30 nghìn tỷ nếu không đủ thì cố dành 60 nghìn tỷ. Đừng để số tiền hỗ trợ ít ỏi lại rơi vào các doanh nghiệp lớn rồi mọi chuyện sẽ không đi đến đâu. Đừng đi cứu bất động sản mà chỉ nên dành vào một phân đoạn nào đó thôi.
Nếu chúng ta nói quá nhiều mà không làm được thì phải đặt ngược lại câu hỏi vì sao?
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần tăng hỗ trợ khởi nghiệp bởi hiện nay ngoài chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam chỉ hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp. Khi đó cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ ít đi và doanh nghiệp lớn sẽ chiếm được ưu thế. Giá điện, xăng dầu cũng cần được điều chỉnh hết sức thận trọng, liều lượng hợp lý.
Đặc biệt, VCCI đề nghị cần có quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách làm là có thể trích một phần vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)...
Bích Ngọc (thực hiện)
Theo Báo Đất Việt

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.