Sức khoẻ của doanh nghiệp Việt suy giảm nghiêm trọng


Sức khoẻ của doanh nghiệp Việt 
suy giảm nghiêm trọng
SGTT.VN - Ngày 18.4, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012. Mối quan ngại lớn mà báo cáo đặt ra là “sức khoẻ” chung của các doanh nghiệp đang sa sút nghiêm trọng, thể hiện ở sự suy giảm quy mô vốn, quy mô lao động và năng lực tiếp cận thị trường.
"Năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp 
ngày càng mỏng manh”, bà Phạm Thị Thu Hằng, 
tổng thư ký VCCI, nhận định. 

Nhiều nhưng ốm yếu
Trong mười năm qua, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập là hơn 700.000 nhưng thực tế chỉ có khoảng 300.000 doanh nghiệp hoạt động. “Quy mô lao động ngày càng nhỏ đi, quy mô vốn gấp đôi nhưng tính trượt giá thì quy mô vốn tăng không nhiều. Năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp ngày càng mỏng manh”, bà Phạm Thị Thu Hằng, tổng thư ký VCCI, Hiện tại, khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp đang suy giảm nghiêm trọng. Bà Hằng cho biết, trong mười năm qua khả năng trả lãi vay giảm từ 5 lần xuống 3,5 lần. “Chỉ số khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp ngoài nhà nước thấp hơn khối doanh nghiệp nhà nước chủ yếu do họ được vay vốn ít hơn ”, bà Hằng nói. Một chỉ số quan trọng khác là chỉ số hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 2,8 lần năm 2002 xuống 0,9 lần vào năm 2010; nhưng đến năm 2011 thì chỉ số này lại tăng gần tương đương như mười năm trước: 2,6 lần. Hàng tồn kho tăng cao bất thường như vậy đã khiến năm 2012 trở thành “ám ảnh” với nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản do hàng tồn kho tăng quá cao và mất khả năng thanh toán.
Cứu doanh nghiệp: cách nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng mười năm qua với năm năm nước ta gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp đang tồn tại trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt nhưng khả năng hội nhập của doanh nghiệp trong nước lại yếu. Nền kinh tế chủ yếu sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gia công với giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro. “Sẽ tiếp tục là một áp lực vô cùng lớn khi đến năm 2018 việc áp dụng thuế đối với các mặt hàng của Trung Quốc chỉ còn rất thấp, doanh nghiệp không chuẩn bị kỹ sẽ khó có thể trụ nổi”, bà Chi Lan cảnh báo.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp cần nỗ lực tự tái cấu trúc. Xu hướng này đang được các doanh nghiệp thực hiện. Việc tái cấu trúc của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường hoặc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Trong xu hướng các doanh nghiệp hoặc chết hoặc còi cọc không lớn lên được, VCCI cho rằng Nhà nước cần thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này hiện không chịu đựng nổi các khoản phí giao dịch và các loại thủ tục để vay được các khoản vay ngắn hạn, vì vậy họ phải tìm đến các nguồn vốn vay phi chính thức với lãi suất cao hơn. Nhà nước cũng cần thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mạnh mẽ và thiết thực hơn. “Để bảo vệ doanh nghiệp, việc tăng cường công tác quản lý thị trường chống hàng buôn lậu, hàng giả cũng rất quan trọng”, bà Hằng nói.
Sự bất ổn của tài chính, thị trường vàng tác động mạnh và trực tiếp đến sức khoẻ của doanh nghiệp. Lãi suất vay cho các doanh nghiệp ở nước ta thuộc hàng cao nhất khu vực. Thực tế này làm tăng chi phí đầu vào và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp rất nhiều. Thị trường vàng cũng cần được ổn định để đảm bảo niềm tin của người dân, từ đó người dân có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác ngoài vàng, tạo thêm nguồn vốn cho kinh doanh.
LÊ PHƯỢNG
Theo SGTT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.