384.Đôi điều về bệnh giả dối, dối trá
Đôi
điều về bệnh giả dối, dối trá
Những khái niệm nghe
có vẻ giống nhau, nhưng thực ra xét về
khía cạnh phản nhân văn thì nó khác nhau ở cấp độ từ thấp đến cao: Nói dối, giả dối, dối trá và
lừa đảo. Bài viết này chỉ nói đôi điều
về sự giả dối, dối trá – một “căn bệnh xã hội” đang trầm kha, khó chữa.
Một trong những đức tính cao
thượng của con người là sự trung thực, đối lập với giả dối, dối trá như nước
với lửa. Khi sự giả dối, dối trá đã thành phổ biến thì chính nó lại che giấu cho
bản thân nó, nó làm cho đạo đức con người trở thành thấp hèn. Người ta biết
thừa sự giả dối nhưng không ai muốn nói ra, nhìn thấy rõ như ban ngày mà cứ lờ
đi, coi như không! Nếu viết về bệnh giả dối, dối trá hiện nay có lẽ cả một pho
sách cũng không dung nạp hết, bởi nó đã trở thành phổ biến ở quá nhiều lĩnh vực.
Bởi thế, hy vọng bài viết chỉ như những nét phác thảo nguệch ngoạc của một bức
tranh xã hội buồn tẻ.
Năm 2012, báo Tuổi trẻ đã mở một “Diễn
đàn nói không với giả dối” thu hút hằng trăm độc giả với rất nhiều bài viết
vạch ra hiện trạng của bệnh giả dối, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp...đọc mà
nhức nhối tâm can!
Đáng chú ý là ngành Giáo dục, cái
ngành cao quý nhất, nó đào luyện ra những con người xã hội, có ý nghĩa quyết
định tương lai của Dân tộc. Tại diễn đàn này, phóng viên báo tuổi trẻ đã có
cuộc phỏng vấn GS Hoàng Tụy và nhiều trí thức khác. Bàn về căn bệnh giả dối
trong ngành Giáo dục – Đào tạo, GS Hoàng Tụy nói: “ Kể tên những thứ giả dối trong giáo dục
thì rất nhiều. Thầy giáo đổi tình, đổi tiền lấy điểm, tiếp tay cho việc chạy
trường, chạy lớp, chạy bằng giả, chạy chức vụ, học hàm, học vị. Học sinh, sinh
viên học hành đối phó, gian lận, đạo luận án, đạo nghiên cứu khoa học. Nhà quản
lý lập dự án gian dối để kiếm tiền, báo cáo thành tích không trung thực để xếp
hạng cao trong thi đua, gian lận trong sử dụng tài chính... Những thứ giả dối
này là biểu hiện cụ thể của sự khuyết tật trong hệ thống giáo dục”. Cũng theo
Giáo sư thì “đúng là giả dối bắt đầu nhiều từ khoảng 20 năm trở lại đây”.
Nguyên nhân của nó cũng được giáo sư chỉ ra: “...Cứ đặt những cái đích thật
hoành tráng nhưng không làm được, đó là giả dối, là gốc rễ để tạo ra nhiều sự
giả dối khác. Từ chuyện phổ cập giáo dục, xóa phòng học tạm, xây trường chuẩn
quốc gia, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi, tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đến những
mục tiêu lớn hơn đều được coi là tốt. Nhưng không tính đến thực tế, không tính
đến việc thực hiện thế nào...đã tạo ra sự giả dối trong đầu tư cho giáo dục,
trong dạy học, thi cử”. (Báo Tuổi trẻ “Giả
dối: khuyết tật của ngành Giáo dục”,
10/10/2012). Giáo sư cũng chỉ ra thêm nguyên nhân từ chính sách lương bổng của
ngành Giáo dục và cả những nguyên nhân xã hội khác tác động làm tăng bệnh giả
dối trong ngành Giáo dục – Đào tạo. Công dân của một đất nước có ai không từng
qua ghế nhà trường. Nhưng từ cái “lò” Giáo dục giả dối thì nó trở thành sự giả
dối lâu dài của toàn xã hội ở nhiều thế hệ tương lai là không tránh khỏi!
Còn nhà thơ Võ Quê, nguyên chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học
nghệ thuật Thừa Thiên – Huế thì khẳng định: “ Nói cho đúng, câu chuyện
giả dối trong xã hội ta được nhiều người quan ngại từ lâu. Nhưng bệnh vẫn ngày
càng tăng đến mức trầm trọng và đến lúc này đã lây lan khắp mọi lĩnh vực của
đời sống. Căn bệnh này, như nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc, là “nặng nhất,
chí tử nhất” bởi vì nó gây ra sự mất niềm tin của người dân. Mà mất niềm tin là
mất tất cả!” (Tuổi trẻ, như đã dẫn). Nhà thơ nói về bệnh giả dối trong Văn học
nghệ thuật như thế này: “Bệnh giả dối trong văn học nghệ thuật không phải bây
giờ mới có, đó là những vụ đạo văn, ăn cắp ý tưởng, chiếm đoạt bản quyền của
nhau... Hoặc viết bài ca ngợi nhau theo kiểu “đổi công”, hoặc lăng xê đánh bóng
những tác phẩm kém chất lượng “theo đơn đặt hàng”... Giả dối trong văn học nghệ
thuật tạo ra những hậu quả tồi tệ lâu dài. Nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp,
định hướng cho xã hội về giá trị thật của cái đẹp. Nếu nghệ sĩ giả dối thì anh
ta sẽ tạo ra cái gì?”. Theo nhà thơ thì nguyên nhân là do: “Thói háo danh, háo
lợi làm nảy sinh giả dối. Mà háo danh, háo lợi vốn là bản năng của con người.
Vì vậy, cần phải có pháp luật nghiêm minh và đạo đức lành mạnh để kiềm chế nó.
Khi pháp luật không nghiêm minh, đạo đức băng hoại thì đó là điều kiện cho thói
háo danh, háo lợi hoành hành”. Nhà thơ cũng mạnh dạn nêu lên biện pháp để khắc
phục nó là: “Cần một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Có như vậy thì
giả dối dù luôn có mầm mống trong xã hội vẫn không có điều kiện để phát bệnh
được. Còn khi giả dối đã phát bệnh rồi, muốn trị nó lại càng phải đòi hỏi sự
trung thực và can đảm của hệ thống chính trị. Muốn có một hệ thống chính trị
như vậy phải có sự giám sát của người dân, bằng việc phát huy quyền làm chủ của
dân. Dân chủ, công bằng, văn minh chính là sức đề kháng của xã hội. Chỉ sức
mạnh đó mới phòng trừ được bệnh giả dối”.
GS Đặng Hữu - nguyên trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên bộ trưởng Bộ
Khoa học - công nghệ và môi trường - khẳng định: "Giả dối trong khoa học
chỉ là một phần rất nhỏ và nó là hệ quả của một xã hội mà giả dối đã thành
nếp" (Tuổi trẻ, 5/10/2012). Ông đã dẫn chứng khá nhiều sự giả dối trong cơ
chế tài chính, chẳng hạn việc chi cho khoa học, hội họp...xuất phát từ Bộ quản
lý nhà nước về tiền bạc. Ông thổ lộ: “Tôi rất buồn
với cái cảnh vẫn thường thấy lâu nay là một người đi họp, dự hội nghị phải ký
vào hai, ba, bốn tờ giấy để nhận tiền. Chuyện nhỏ như vậy mà không khắc phục
được, để sự dối trá cứ phải diễn ra thì những chuyện khác làm sao mà khắc
phục.” Và ông khẳng định: “Từ cơ chế
thiếu công khai, dân chủ, thiếu quy định về phản biện khoa học cũng nảy sinh sự
dối trá. Ví dụ khi làm một dự án, công trình thì người chủ đầu tư dự án, công
trình đó (là những người có quyền lực và là người chi tiền) họ lập ra hội đồng
khoa học để thẩm định, phản biện. Thường thì người ta chỉ chọn những nhà khoa
học phát biểu có lợi cho họ. Công trình, dự án nào cũng nói là đã có góp ý, có
phản biện, nhưng chỉ lấy những ý kiến thuận, những ý kiến trái chiều thì bị
loại bỏ. Hậu quả là nhiều công trình, dự án thất thoát, hư hỏng mà không ai
chịu trách nhiệm”. Theo ông, nguyên nhân chính là thường chúng ta chỉ quan tâm
“đầu vào”, không chú ý đến “đầu ra”, tức là kết quả cuối cùng để mà có chính
sách tài chính cho hợp lý, nên mới dẫn tới sự dối trá triền miên. Ví dụ như từ
15, 20 năm nay, có hiện tượng đưa ra các định mức, tiêu chuẩn trái khoáy, không
thể nào làm được nhưng cơ chế tài chính vẫn buộc người ta làm như vậy. Khi đó
có cảnh báo cho rằng cơ chế đó buộc các nhà khoa học thành những người nói dối.
Nhà khoa học muốn làm cho được việc thì phải nói dối, phải hợp thức hóa để lấy
tiền. Họp một buổi thì nói là hai, ba buổi... Công tác chọn cán bộ cũng vậy,
chỉ thấy dựa vào bằng cấp, tuổi tác, chưa thấy lấy hiệu quả làm đầu...
Nói
về cơ chế tài chính khiến các cơ quan, tổ chức xã hội có chi tiêu ngân sách
phải “giả dối”, “dối trá” thì quá nhiều, có lẽ ai đã từng làm chủ tài khoản đều
thấy được cả. Nhưng chẳng mấy ai lên tiếng vì hình như nó “đương nhiên” thế
rồi. Tuy vậy, mới đây Giám đốc sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, bà Đào Thị Hương
Lan cũng buộc phải nói thẳng ra rằng: “Gần đây, có chuyện mua một cái
xe công tác với định mức qui định là 720 triệu đồng. Nhưng thực tế, không thể
mua được cái xe nào có giá 720 triệu, xe 4 chỗ đời thấp nhất cũng không có xe
nào có giá rẻ thế. Định mức như thế buộc người ta phải nói dối để mua được xe”
(Vietnamnet, ngày 16/4/2013).
GS
Đặng Hữu khi nói về nguyên nhân sâu xa của sự dối trá là xuất phát từ sự thiếu
dân chủ. Ông cho rằng phải “quay trở lại giá trị của Nghị quyết Đại hội VI (của
Đảng) để nhìn rõ khuyết điểm, sai lầm do chủ quan gây ra. Từ đó làm rõ nguyên nhân, hậu quả, cách khắc phục những cơ
chế không phù hợp, tình trạng thiếu dân chủ, không lắng nghe ý kiến của dân,
không nhìn thẳng vào sự thật, không nhìn thấy thực tế, rồi áp đặt tư duy, ý chí
của mình cho người khác. Đây mới chính là căn nguyên tạo ra sự dối
trá”. Ông nói tiếp: “Tôi cho rằng trong những năm gần đây, công tác xây
dựng Đảng chưa đạt kết quả như mong muốn. Trước tình hình khó khăn lại nảy
sinh tư duy đối phó. Lẽ ra phải đưa những sự thật ấy ra để phân tích,
phê phán, rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp khắc phục thì lại che giấu đi. Nhưng
với người dân thì không có gì có thể che giấu được. Có nhiều việc chính các cơ
quan nhà nước nói không đúng, làm dân mất tin...”
Khi
giả dối, dối trá trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội, nó đương nhiên là
nguyên nhân trực tiếp khiến đạo đức xuống cấp, văn hóa suy đồi, trực tiếp sinh
ra sự suy thoái, biến chất trong “một bộ phận không nhỏ” đảng viên, chủ yếu là
những người có chức, có quyền, làm mất niềm tin của nhân dân, tài sản quý giá
nhất của Đảng. Chính sự mất niềm tin này là nguy cơ lớn nhất đe dọa đến sự tồn
vong của Đảng và thể chế chính trị mà Đảng đang lãnh đạo. Nhưng để khắc phục nó
lại “nảy sinh tư duy đối phó” như GS Đặng hữu đã chỉ ra trên đây thì khác nào
như “đổ thêm dầu vào lửa”! Rốt cục, liệu xã hội chúng ta sẽ đi đến đâu?
Phó Nhòm
Nhận xét