Lấy đâu ra “con người XHCN” để xây dựng thành công CNXH?
Lấy đâu ra “con người XHCN” để xây dựng thành công CNXH?
Ls Trần Hồng Phong
Ngày 30/4 này là đã 38 năm đất nước thống nhất, dồn lực xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Thế mà tới nay chúng ta vẫn chưa xây dựng xong chế độ XHCN như “Bác Hô và nhân dân đã chọn” ( lời của Đảng). Một xã hội cái gì cũng hay, cũng đẹp, không còn giai cấp lãnh đạo hay bóc lột, mọi người hưởng thụ theo nhu cầu, ai cũng ấm no, hạnh phúc … thì ai mà chẳng muốn. Nhưng chưa bao giờ thấy, dù chỉ thoảng qua, vì sao?
Tôi bèn lên Google đánh câu : “ Vì sao chưa xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội?”. Kết quả là … không có trả lời nào !
Suy nghĩ một lát, tôi liền nhớ Bác Hồ có nói: “muốn xây dựng thành công CNXH thì phải có những con người XHCN”. Ngày còn đi học ở trường Đại học kinh tế TP.HCM, tôi được giảng và nhớ đại khái con người XHCN rất là hay, và phải là người: vô sản (không có tài sản riêng), luôn sẵn sàng hy sinh vì mọi người, có lý tưởng cao đẹp, có tri thức …vv.
Tôi ngồi nghĩ hoài, chẳng thấy ai trong số những người mình quen, hoặc biết xứng đáng là con người XHCN cả. Tôi lại tự hỏi: vậy lấy đâu hay từ đâu mà có được những con người XHCN?
Thế là tôi lại tiếp tục tìm trên mạng internet. Thì vừa may, tìm được bài “ Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới”. (tại đây)
Trong phần “Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người và chiến lược trồng người”, chỉ ra rõ là “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN”. Và giải thích thế này: “Con người XHCN đương nhiên phải do CNXH tạo ra”. (Xin nói rõ : Đây là tài liệu chính thống đang được giảng dạy ở các trường Đại Học. Khoảng những năm 1990, khi tôi đang học đại học thì chưa có môn “tư tưởng Hồ Chí Minh” này).
Đến lúc này và theo đó, tôi mới vỡ lẽ là: Thì ra lâu nay chúng ta chưa có những “con người XHCN” là vì chúng ta chưa có CNXH. Cương lĩnh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam tới nay đều khẳng định là chúng ta đang xây dựng, chứ chưa có CNXH.
Thế nhưng, Bác Hồ lại dạy là “muốn xây dựng CNXH thì trước hết cần phải có con người XHCN”. Thế mới khó chứ. Việc này sao thấy cứ như là đánh đố theo kiểu: con gà có trước hay quả trứng có trước.
Chợt nhớ cách nay cũng chưa lâu, ở TP.HCM có qui định là muốn có hộ khẩu thành phố thì phải có nhà ở thành phố. Mà muốn có nhà ở TP thì phải có hộ khẩu ở TP. Làm người dân, trong đó có tôi, phải kêu trời ! May quá, sau đó có Luật cư trú, nên mới thoát được cảnh “thách đố” nhau như vậy.
Quay lại chuyện xây dựng CNXH ở nước ta. Theo tôi được học, thì chính chủ nghĩa Mác – Lê Nin cũng chỉ đưa ra mô hình XHCN dựa theo trí tưởng tượng của mình. Còn trên thực tế chưa từng có. Và khoảng 200 quốc gia trên toàn thế giới hiện nay, hình như cũng chỉ có duy nhất Việt Nam mình là chọn con đường XHCN.
( Có người nói là Trung Quốc, hay Triều Tiên, Cu Ba cũng chọn con đường XHCN. Nhưng thực ra không phải. TQ là nước đa đảng, còn Triều Tiên và Cu Ba thì giống như phong kiến thì đúng hơn, chế độ cha truyền con nối, hoặc anh nhường cho em…).
Như vậy, nói túm lại, thắc mắc của tôi là : chúng ta chưa có CNXH, thì làm sao có con người XHCN ? Mà chưa có con người XHCN thì làm sao có thể xây dựng CNXH được? Bác nào biết vui lòng giải thích dùm !
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Phó nhòm Tây Bắc
Đọc bài viết trên của LS Trần Hồng Phong, mình lại nhớ đến cách nay vừa tròn 30 năm (1983). Năm ấy mình đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học phải viết một bản luận văn triết học (Khoa Triết, trường Tuyên huấn trung ương I - Hà Nội). Bản luận văn xuất phát từ việc phản biện lại luận điểm của một ông giáo sư trưởng khoa chuyên môn trường Nguyễn Ái Quốc cao cấp. Ông ấy nói đại ý rằng: Kinh tế xã hội thì phải tiến từ từ, tức tiệm tiến, nhưng về con người và tư tưởng thì phải dứt khoát chuyển biến ngay. Hôm nay ở chế độ cũ, ngày mai cách mạng thành công sang chế độ mới thì phải có ngay con người mới, con người xã hội chủ nghĩa!... Mình nghĩ, cái ông này mang tiếng giáo sư giáo siếc mà sao duy tâm chủ quan, duy ý chí đến lạ lùng. Thế nên mình mới nghĩ ra cái đề tài triết học: "Tìm hiểu tư tưởng của V.I.Lenin về văn hóa và con người thời kỳ sau cách mạng vô sản và một số vấn đề đặt ra ở nước ta hiện nay". Lúc ấy mình nghĩ, là học trò nên phải dựa vào sách kinh điển của Lãnh tụ cách mạng vô sản mới có thể đứng được. Thế mà có hôm cũng bị ông Phó hiệu trưởng của Trường gọi lên bảo: Cậu phải xem lại bản luận văn đi. Người ta (ý nói ông Giáo sư) là nhà khoa học lớn, mà cậu đang là sinh viên lại "bắt bẻ" người ta?... Mình chỉ nói: "Thưa thày, em cứ tưởng khoa học là khách quan, không phụ thuộc vào bất kỳ chức tước, thậm chí cả chức danh khoa học?". Thế là thày Hiệu phó bảo: "Ừ thì thôi, tùy cậu. Nhưng phải thận trọng đấy!"
Trong bản luận văn mình sử dụng chủ yếu sách của Lenin. Nhớ có một câu: "Chúng ta xây dựng xã hội mới không phải bằng những "bàn tay sạch sẽ" mà bằng chính những con người đang ngập đến đầu gối trong "vũng bùn lầy" của xã hội cũ!" Nghĩa là Lenin đã cảnh báo cái thói xấu của con người phải lâu lắm mới gột được. Mà muốn gột được thì chính họ phải xây dựng ra một xã hội văn minh, tiến bộ, để cái xã hội ấy, đến lượt nó gột dần cái thói xấu của con người. Theo mình, cái xã hội ấy phải văn minh, tiến bộ trong cuộc sống thường ngày, chứ không phải văn minh tiến bộ ở "đầu lưỡi" của con người. Một khi xã hội thấy toàn những lời nói hay ("tốt đẹp", "tươi đẹp"...) mà hiện thực cuộc sống thì dở ẹc, cứ ngày càng ngược lại, chống lại những khẩu hiệu...thì cái xã hội ấy nó chỉ có thể càng ngày càng "đẻ" ra những con người dối trá, độc ác, tham lam, tham những, ức hiếp dân lành... Và những con người ấy thì xây dựng làm sao được chế độ xã hội chủ nghĩa? Thậm chí ngay cả cái xã hội "tư bản giãy chết" họ cũng chẳng thể bao giờ với tới được!
Nhận xét