Lại tản mạn về Tiền

Lại tản mạn về Tiền
  

Thế nghĩa là lại nói về đồng tiền, một thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người mà xưa nay đã có quá nhiều người viết về nó.
Thành ngữ, tục ngữ, ca dao cổ chẳng mấy ai không nhớ những câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”, nghĩa là khi có tiền phải quản lý cho chặt chẽ, chớ có để hớ hênh, mất như chơi. Rồi “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược chẳng xong”; “mạnh về gạo, bạo về tiền”... nói lên tầm quan trọng của đồng tiền. Rồi “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” là khẳng định đồng tiền có thể đè bẹp cán cân công lý.  Rồi “Vai mang túi bạc kè kè/ nói quấy nói quá người nghe ầm ầm/ trong lưng chẳng có một đồng/ lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe”. Khổ thế đấy, khôn ngoan, trí tuệ mấy cũng thua những kẻ ngu độn nhưng may mắn hoặc xảo trá kiếm ra tiền bằng bất kỳ giá nào...

Đến thời hiện đại, dân gian lại có câu: “Văn hay, chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”. Hồi mới phát sinh câu này tôi đã có chút hoài nghi, bởi ở một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” đâu có chuyện như vậy? Người giỏi dù có nghèo khó mấy thì vẫn được trọng dụng, còn kẻ nhiều tiền mà dốt “như bò đội nón” thì làm sao làm được việc, thậm chí làm sao lên lãnh đạo được? Ấy thế nhưng khi cái tệ nạn “đi thày”, “đi cô” mua điểm trong nhà trường xã hội chủ nghĩa cứ mỗi ngày một tràn lan, phổ biến, nạn mua bằng cấp như một thị trường hàng lậu, chui lủi nhưng không kém phần sôi động... thì tôi mới thấy mình mà còn hoài nghi câu ấy thì hóa ra chính mình là thằng... ngu lâu!

Đồng tiền không phải chỉ để “chạy” cho thằng dốt biến thành thằng “khôn”, mà còn chạy để những thằng khốn nạn, tham lam, độc ác trở thành những kẻ ăn trên, ngồi trốc, rồi lại còn “chém gió” dạy đời! Ấy là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy việc làm, chạy tội, chạy huân chương, chạy dự án...tóm lại chạy đủ thứ, đã trở thành nỗi nhức nhối từ người dân đến nghị trường Quốc hội. Đồng tiền đã biến “một bộ phận không nhỏ” trong Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng do Bác Hồ sáng lập, rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân làm nên bao kỳ tích trong lịch sử dân tộc, được nhân dân tin yêu, kính trọng thành “những con sâu”, đúng ra là một “bầy sâu” (như chủ tịch Trương Tấn Sang đã đau lòng thốt lên). Và người đứng đầu Đảng ta – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã xúc động, nghẹn ngào khi báo cáo việc kiểm điểm Nghị quyết 4 của Trung ương về việc chỉnh đốn Đảng...

Ôi, tất cả cũng là do đồng tiền cả thôi! Viết đến đây tôi xin phép bạn đọc phải nhắc lại cái bài vè nổi tiếng về đồng tiền mà ai cũng biết rồi, nhưng nó nằm trong mạch văn nên xin độc giả lượng thứ: “Tiền là Tiên là Phật/ là sức bật tuổi già/ là cái đà danh vọng/ là cái lọng che thân/ là cán cân công lý...”. Thực lòng, lần đầu tiên nghe câu này tôi thầm nguyền rủa kẻ nào sáng tác ra cái câu rất “bố láo” ấy, nó cố tình nói xấu xã hội tốt đẹp của chúng ta, không khéo đây là luận điệu tuyên truyền của “bọn phản động”, chúng tung ra nhằm bôi nhọ chế độ! Bực lắm, thằng nào đọc câu ấy lên là tôi muốn vả ngay vào mồm nó, cho chừa cái thói đặt vè, đặt thơ bôi xấu chế độ. Câu ấy chỉ phù hợp với chế độ Phong kiến thối nát xưa kia chứ sao bây giờ lại lưu truyền trong dân gian làm ảnh hưởng đến tư tưởng văn hóa xã hội chủ nghĩa!

Có lúc lẩn thẩn tôi nghĩ, có lẽ mấy tỉ người trên hành tinh này cũng chỉ quy lại có ba hạng người mà thôi. Ba hạng người này được phân định căn cứ vào quan điểm của họ đối với mối quan hệ giữa hai phạm trù Ý thứcVật chất, được cô đọng lại bằng hai lĩnh vực Tình cảm, đạo lý Của cải vật chất, hay có thể nói gọn hơn là Tình ngườiTiền bạc. Theo tôi, hạng người thứ nhất coi trọng Tiền bạc hơn Tình người, hạng người thứ hai coi trọng Tình người hơn tiền bạc; hạng người thứ ba coi Tình người và Tiền bạc ngang nhau, hay nói cách khác, họ biết xử lý hài hòa mối quan hệ này. Đất nước nào cũng chỉ có ba hạng người đó. Đương nhiên Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng ở mỗi giai đoạn lịch sử thì tỉ lệ của ba loại người ấy có khác nhau. Có lúc loại một ít, loại hai, loại ba nhiều, có lúc ngược lại. Nhìn tổng thể tôi thấy rằng, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo thì hạng người thứ hai và thứ ba là đa số. Điều đó thể hiện ở tình thương yêu con người, quý trọng nhân phẩm, tình đoàn kết dân tộc rất cao ngay trong những điều kiện cuộc sống cực kỳ gian khó. Rất nhiều những tấm gương “trọng nghĩa, khinh tài”, hy sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí cả tính mạng cho đất nước, không hề tính đếm bởi trong mỗi con người đều có ý thức “Tổ Quốc trên hết”. Mục tiêu của Đảng và mỗi cá thể công dân thống nhất làm một. Đó là Hòa bình, Độc lập dân tộc, Thống nhất đất nước...

 Nhưng sau khi đạt được mục tiêu ấy, lịch sử chuyển giai đoạn thì tính tư hữu vốn có của con người trỗi lên như một quy luật tất yếu. Tính tư hữu là bản tính tự nhiên của con người. Có một cuốn sách viết đại ý: tính tư hữu là một trong những đặc tính cơ bản, cố hữu nhất của con người, nó xuất hiện ngay từ thuở lọt lòng. Một cháu bé ngậm một bên vú, tay giữ vú bên kia. Cứ thử thò tay vào “tài sản” của bé xem, bé sẽ hất ra ngay, không cần biết đấy là tay của ai. Khi chiến tranh đã kết thúc, đi vào xây dựng kinh tế thì đó là điều kiện để tính tư hữu bộc lộ ra. Tuy vậy, những cải biến chính trị của chúng ta, nhất là Hiến pháp và Pháp luật chưa đủ sức để ngăn chặn cái “máu tham” trong con người, đặc biệt là trong những người có điều kiện. Ấy là những người có chức, có quyền (đa số là đảng viên của Đảng). Mấy chục năm chúng ta ít cảnh giác và không có biện pháp hữu hiệu, chỉ tuyên truyền, giáo dục thuần túy bằng “lời hay ý đẹp” nên chẳng có tác dụng gì. Cần phải có cơ chế mạnh mẽ, dân chủ thực sự để chặn bàn tay lạm quyền, thậm chí lộng quyền của những người được giao quyền, thì chúng ta lại thiếu. Vì thế “một bộ phận không nhỏ” trong Đảng thoái hóa, biến chất, họ trở thành vô cảm, dẫm đạp lên đạo lý làm người, quay lưng với nhân dân, phản bội lại đồng bào, những người đã cưu mang mình trong lúc “tối lửa tắt đèn”. Và vì thế nó lan truyền ra xã hội như một nạn dịch khó chữa trị. Đảng ra Nghị quyêt 4 là hy vọng như một “liều thuốc cắt cơn” cho con bệnh nguy hiểm này, nhưng xem ra chưa thấy có tác dụng mấy. Trong dân chúng cũng không ít người coi tiền hơn tất cả. Gần đây, có chuyện ông đại gia Trầm Bê bỏ tiền ra trùng tu, xây dựng một số ngôi chùa ở Trà Vinh. Vì cậy có tiền, ông ta đã treo ảnh của cả gia đình ông ngay chính điện của chùa, khiến các phật tử đến lễ phật bắt buộc phải lễ... cả nhà ông! Hai bên hông chính điện, ông còn khắc phù điêu chân dung, tên tuổi con và người thân của ông như thể các tượng La Hán ở chùa Tây Phương! Thật là chả ra làm sao, phản cảm vô cùng. Hôm 15/4/2013 tờ Dân trí đưa tin này, đọc mà thấy thật bi hài. Rõ ràng là đối với một người có nhiều tiền thật đấy nhưng đáng tiếc là nó lại tỉ lệ nghịch với trình độ văn hóa của ông ta.  Rồi vì tiền, vì một mảnh đất, một ngôi nhà mà anh em ruột, vợ chồng đầu gối má kề hằng chục năm vẫn đâm chém nhau, giết nhau không thương tiếc! Vì tiền mà trên báo chí trong nước hằng ngày dày đặc những tin tức nhức nhối, đau lòng như lừa đảo, cướp, hiếp, giết...



Trong Đảng hiện nay ở các cấp cũng còn những người có đạo lý, biết thương dân, không tham lam, tham nhũng, được dân quý mến, nhưng nếu không được bảo vệ tốt, họ rất dễ bị cô lập, khó đứng vững! Những người ấy họ có quan điểm coi trọng nhân nghĩa hơn tiền bạc. Tôi đã được nghe một đồng chí ở cấp cao nhất của một tỉnh nói rất thật: “Tiền nhiều cũng chẳng làm gì. Con người ta cũng đến đủ ăn, đủ tiêu là tốt lắm rồi, tham lam quá chết có mang được đi đâu...” Thế nhưng lạ thay, có những kẻ bằng mọi thủ đoạn chiếm đoạt một khối lượng của cải tiền bạc của xã hội, của nhân dân quá lớn mà vẫn chưa thôi cơn khát. Người dân tinh lắm, họ biết cả đấy, nhưng mấy ai dám nói thẳng, nói thật?... Cái sự dối trá vì thế trở thành một “nét văn hóa” mà rồi đây chắc sẽ có những nghiên cứu có đầu có đũa của các nhà khoa học về vần đề này? Đến bao giờ thì dối trá bị đánh lui, nhường chỗ cho sự trung thực ngự trị trong cuộc sống xã hội? Tôi bạo gan nói ra điều này cũng lo lắm, chả biết có ai “vặn vẹo” gì mình không? Nhưng cứ để bụng thì bức xúc lắm. Cũng tài thật, có rất nhiều người biết thừa sự dối trá mà họ vẫn cứ nín nhịn được, còn khuyên tôi: ai chả biết vậy, nhưng thôi cứ nín đi cho nó lành! Nhưng tôi thì tôi nghĩ khác: Chính như vậy mới là nguy hiểm cho Đảng, cho Đất nước, cho nhân dân. Im hơi lặng tiếng để “lành” cho riêng mình thì tương lai của Dân tộc, của con, cháu mình sẽ ra sao?

Tóm lại là Tiền! Vâng, tất cả chỉ vì tiền!
Nhưng xét cho cùng, Tiền, tự bản thân nó chả có lỗi gì.

Nhận xét

congtheblocg đã nói…
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
congtheblocg đã nói…
Bọn khát tiền như ruộng hạn khát nước. Có nhiều đến mấy chúng vẫn tham lam và độc ác vô cùng. Chúng nó là loại cuồng tiền, cũng như cuồng đất, cuồng nhà, cuồng dâm... Kinh khủng lắm. Mà đã cuồng nặng thì khó chữa chỉ có cho vào BV TK xích lại ... Mà thôi, họ khuyên đúng đấy nói làm gì mỏi L . Tại vì lương tâm bây giờ ít quá, cụ ợ.
Unknown đã nói…


ĐÃ CÓ NHIỀU NGƯỜI NÓI: "Làm cho khốc hại chẳng qua vì TIỀN"
Đồng tiền là tiên là Phật
Là sức bất của lò xo.
Là thước đo của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già v.v và v.v...

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.