396. Đi Khai hoang (tiếp theo và hết)


    Đi Khai hoang (tiếp theo và hết)
              III
Thôn Cốc Tủm, nơi hợp tác xã Tân Phong chúng tôi được gia nhập chủ yếu là người Nùng, chỉ có hai, ba hộ người kinh và một hộ người Dao sống xen kẽ từ trước.Vị trí thôn nằm ở ven con đường quốc lộ bẩy mươi, từ cây số ba mươi cộng năm trăm đến khoảng cây số ba mươi ba. Khi chúng tôi đến, dân ở rất thưa, cả một quả đồi, thậm chí mấy quả đồi, mới có một hộ. Nay cả hợp tác xã mười một hộ với sáu, bẩy mươi nhân khẩu được tăng cường, khiến cho không khí trong thôn nhộn nhịp hẳn lên...
Công việc cấp bách nhất của các gia đình lúc này là làm nhà tạm để ở. Cái “ngôi nhà lều nương” trước đây anh em đi tiền trạm làm, tuy chỉ với ý thức tạm bợ để bà con có chỗ tập kết, nhưng vì chưa va chạm với rừng núi, nên kết quả mới đạt được... dưới mức tạm bợ! Mỗi nhà được quyền tự chọn lấy một vị trí đất ở trong thôn mà mình thích, chỉ đừng làm nhà vào nơi đã có người ở và canh tác là được. Thế là mọi nhà đua nhau đi chọn đất, ngắm địa thế, hướng nhà rồi phát cây, san nền. Vật liệu thì gỗ, tranh, tre, nứa...tất cả đều có sẵn trên rừng, chỉ cần sức người.

Đứng dưới đường quốc lộ phóng tầm mắt lên khu rừng già trước mặt, chúng tôi thấy thấp thoáng trong màu xanh của lá rừng là những thân cây gỗ trắng lộ ra, thẳng tắp, chỉ nhỏ như cái đũa. Tôi cùng hai ông anh họ: anh Thi và anh Quyết bảo nhau: “Anh em mình vào khu rừng kia, hôm nay quyết tâm mỗi người phải chặt được năm, bẩy cái cây ấy vác về làm cột nhà”. Cứ theo hướng khu rừng, ba anh em, mỗi người một con dao rựa, lặn lội qua một tràn ruộng nước, một con suối, rồi theo lối đường mòn của bà con dân tộc đi làm nương mà tiến. Hơn ba mươi phút sau vào đến rừng thì... ôi, sao nhiều cây cối thế! Cây to, cây nhỏ, cây thấp, cây cao, cây cong, cây thẳng... Dưới tán những cây lớn là một thảm thực vật vô cùng phong phú. Các loại cây dây leo chằng dọc, chằng ngang, chằng chéo. Mùi hôi, ngái của lá mục, nấm mốc hay con thú rừng nào vừa đi qua, chúng tôi cũng chẳng biết nữa. Thấy tiếng động, những chú sóc lao vút từ cây này chuyền sang cây khác rồi biến mất giữa những lùm cây. Tiếng những con gà rừng mới nở chiêm chiếp, chiêm chiếp ở đâu đó mà không hề nhìn thấy bóng một con nào. Tiếng chim “bắt cô trói cột”, chim “bách thanh” hót vang cả một khu rừng...Thỉnh thoảng chúng tôi còn bị thụt xuống lớp lá cây mục dầy hàng mét, mãi mới lôi nhau ra được...Như lạc vào chốn đào nguyên, giữa một rừng cây, mà chúng tôi lúng túng, không biết chọn cây nào chặt về làm nhà. Hỏi nhau: “không biết mấy cái cây khi nãy ở dưới đường nhìn thấy, bây giờ đâu rồi?” Lát sau mọi người mới nhận ra, đó là những cây cổ thụ có đường kính hàng sải tay, cao hai, ba mươi mét đang sừng sững kia. Nếu ngả một cây này, thợ sơn tràng dùng rìu chắc cũng phải mất hàng tuần lễ và chỉ một cây xẻ ra có thể làm đủ cả ba ngôi nhà mà chúng tôi đang dự định. Thế mà lúc nãy bàn nhau định mỗi thằng vác dăm cây về làm cột! Chúng tôi nhìn nhau cười ngất. Tuy vậy, đã lên rừng phải có sản phẩm mang về. Những cây cổ thụ kia thì với sức vóc thư sinh và không hề có một chút kiến thức rừng rú nào, chúng tôi đành “kính nhi viễn chi”. Thôi, bảo nhau cứ cây nào thẳng thì chặt. Cuối cùng, mỗi đứa cũng chọn được một cây gỗ thẳng, to bằng bắp đùi, dài ba, bốn mét, kéo ra cửa rừng vác về. Chiều hôm đó, chú Pháng, một thợ sơn tràng người Nùng đi rừng về rẽ qua khu mấy gia đình chúng tôi đang ở. Nhìn thấy những cây gỗ mới chặt, chú hỏi: “Các cháu chặt mấy cây này về làm gì?” Tôi thưa: “Dạ làm cột nhà đấy ạ!”. Chú cười: “Đây là cây trám non, đây là cây bứa. Những cây này con mọt nó thích đấy, chỉ vài tháng thì nó ăn hết thôi. Còn cây này là đu đủ rừng mà, làm củi cũng không nên ơ!”... Thế là lần đầu tiên vào rừng “khai thác lâm sản”, chúng tôi đã phải trả “học phí”.     

Cuộc sống ở đây, mọi sinh hoạt đều khác xa với miền xuôi. Trước những đứa trẻ người dân tộc thiểu số, kém tôi dăm, bẩy tuổi, chẳng được học hành gì, mà chúng vẫn là “sư phụ” của tôi. Chúng bảo tôi cách đi rừng chặt cây nứa, cây giang như thế nào. “Cây giang cong thế này, anh đưa lưỡi dao vào đây, nó toác ra, bật mạnh lên, có ngày mất tai, mất mắt đấy!”. Rồi chúng dạy tôi từ cách chẻ cây nứa, băm giát giường như thế nào. Bà con dân tộc ở đây thấy chúng tôi đến, họ quí lắm. Họ chỉ cho những đồi giang có thể phát làm nương lúa, trồng sắn. Họ nhiệt tình chỉ bảo từ việc xem thời tiết lúc nào thì phát nương, lúc nào đốt, lúc nào dọn. Rồi cách chọc lỗ, tra hạt...Nhiều việc tưởng giản đơn, thế mà không học làm không thành. Những ngày đầu phải làm nhà, làm bếp, bà con phổ biến cho cách lên rừng chọn gỗ, nứa... Bấy giờ các gia đình cũng chỉ đủ sức làm cái nhà ở theo kiểu “cột chôn, chống nóc”. Chú Pháng đã bảo thày tôi chọn những cây gỗ lõi thọ, tuy nó xù xì, xấu xí nhưng làm nhà cột chôn rất bền, không bao giờ bị mối mọt...Những cử chỉ ân cần ấy của bà con dân tộc nơi đây từ buổi đầu đi xây dựng quê hương mới, tôi không bao giờ quên được.


 Nhiệm vụ chính của hợp tác xã là phải khai phá những thung lũng để làm ruộng nước cấy lúa. Những thung lũng từ bao đời chẳng biết, mọc toàn chuối, dong rừng, có chỗ mùn ngập hàng sải. Tuy nhiên dưới thung còn có cả những cây gỗ vông, gỗ phay đã thành cổ thụ, có cây dễ đến trăm năm tuổi. Ba người: tôi, anh Thi và anh Quyết nhớ mãi đã lập “một chiến công hiển hách” là ngả được cây gỗ phay đường kính đoạn gốc khoảng ba mét, cao đến ba, bốn mươi mét. Ấy là được bà con dân tộc chỉ bảo, chúng tôi đã bắc giàn dáo và dùng rìu thay nhau chặt trong thời gian khoảng mười mấy ngày giời. Cây phay đổ xuống, nằm chềnh ềnh trên khu ruộng nước mới khai phá của hợp tác xã, nhiều năm sau cũng chẳng ai hỏi gì đến. Nếu như ngày nay mang xẻ ra phải được vài chục khối gỗ nhóm sáu, hạt kiểm lâm chắc chắn phải cử người về tận nơi lập biên bản, đóng dấu búa... Nhưng bấy giờ không ai biết làm gì. Sau này người ta phải khoét thân cây ra, kiếm củi về chất lên đốt. Cây gỗ cháy âm ỉ suốt ngày đêm, bất chấp đông, hè, mưa, nắng, khoảng hơn một năm sau nó mới biến hết thành than để bón cho một mảnh ruộng nước, mà mỗi năm canh tác thu được những... vài chục cân thóc! ...     



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.