Cuộc sống ở Bắc Hàn tồi tệ như thế nào
Cuộc sống ở Bắc Hàn
tồi tệ như thế nào
Nhà độc tài Kim Jong Un có thể ăn to nói lớn, nhưng anh ta đang lãnh đạo một quốc gia với nền kinh tế kiệt quệ, nghèo nàn nhất thế giới.
Trên thực tế, sự phô trương quân sự và hăm doạ chiến tranh hạt nhân thường xảy ra khi đất nước này lâm vào tình cảnh tuyệt vọng về viện trợ thực phẩm hoặc những hình thức hỗ trợ kinh tế khác. “Mỗi khi Bắc Hàn kêu gào và giở chứng, tức là họ giận dữ về một điều gì đấy không vừa ý mình,” Stephen Haggard, giáo sư Đại học California – San Diego và một chuyên gia về Bắc Hàn nói.
Cuộc khẩu chiến mới nhất trên vùng bán đảo Triều Tiên xảy ra khi Kim, chỉ sau 16 tháng cầm quyền, được cho là đang cố gắng củng cố quyền lực nội bộ của mình trong khi tìm cách gây ấn tượng với Hoa Kỳ như một cường quốc hạt nhân thật sự. Anh ta có thể thành công. Mọi người tin rằng Bắc Hàn có thể có đến khoảng sáu đầu đạn hạt nhân, và vừa rồi Lầu Năm Góc đã kết luận rằng quốc gia hiếu chiến này có khả năng cài đặt những đầu đạn này vào các tên lửa đạn đạo đường dài.
Tuy nhiên, về sức mạnh kinh tế, Bắc Hàn chỉ là một trò cười vì nó không thể nuôi nổi người dân của mình, đấy là vì sao một số nhà phân tích cho rằng quốc gia này đến một lúc nào đấy sẽ sụp đổ hoặc người dân trong nước sẽ nổi loạn vì không chịu nỗi với các chính sách kinh tế thảm hại và những kềm kẹp liên tục.
Cũng như những chế độ độc tài khác, Bắc Hàn có một giới lãnh đạo tinh tuyển được hưởng thụ những ân huệ căn bản của một cuộc sống hiện đại, ví dụ như hệ thống thoát nước trong nhà, xe hơi, thịt, cà phê và vài món hàng đắt tiền. Tầng lớp trung lưu vẫn đủ ăn và thỉnh thoảng có quần áo mới, nhưng ngoài ra thì chẳng có gì.
Tuy nhiên nói chung Bắc Hàn là nơi khốn khổ nhất trên quả đất này. “Mức sống đã suy giảm đến mức độ nghèo đói cùng cực trong đó quyền được bảo đảm về lương thực, y tế cũng như những nhu cầu tối thiểu của đời sống con người đều bị tước đoạt,” một báo cáo của Học viện Vì Thống nhất Triều Tiên (KUNI), một cơ quan nghiên cứu tại Seoul cho biết.
Trong khi rất khó để có được thông tin chính xác về Bắc Hàn – một chế độ công an hiếm khi cho phép người nước ngoài vào – những người tị nạn và những nguồn tin khác đã giúp người ngoài phác hoạ được nền kinh tế phá sản của nước này. Sau đây là vài điểm sơ lược:
- Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) bình quân đầu người mỗi năm vào khoảng 1.800 Mỹ kim, đứng thứ 197 trên thế giới, theo tài liệu Dữ kiện Thế giới của CIA. GDP của Hoa Kỳ cao gấp 28 lần và GDP của Nam Hàn cao gấp 18 lần nước này.
- Khoảng phân nửa dân số 24 triệu người Bắc Hàn sống ở mức “cực kỳ nghèo khổ”, theo báo cáo của KUNI. Họ sống còn bằng ngô và kim chi và “bị kiểm soát ngặt nghèo về nhiên liệu để nấu ăn và sưởi ấm.”
- Một phần ba trẻ em bị bệnh còi vì suy dinh dưỡng, tổ chức Chương trình Thực phẩm Thế giới cho biết.
- Tuổi thọ trung bình là 69, giảm 5 năm so với đầu những năm đầu thập niên 80, theo trang blog Theo dõi Kinh tế Bắc Hàn. Trang blog này nói rằng những con số trên dựa trên dữ liệu của chính phủ, vì thế con số thực sự có thể còn thấp hơn nữa.
- Tỉ lệ lạm phát có thể cao đến 100% vì chính sách quản lý tiền tệ sai lầm.
- Đa số người lao động lĩnh lương nhà nước ở mức 2 đến 3 Mỹ kim hàng tháng. Một số người làm thêm hoặc buôn bán tại các chợ địa phương, kiếm thêm được khoảng 10 Mỹ kim mỗi tháng.
- Đa số nhà và chung cư đốt củi hoặc than để sưởi. Nhiều nhà thiếu cầu tiêu dội nước.
- Điện bị cúp thường xuyên và bất chợt, nhà nào có điện thì thường cũng chỉ được vài giờ mỗi ngày.
- Những gia đình nào có khả năng thì thường mua được hai truyền hình, theo trang New Focus International, một trang mạng đăng tải những tin tức từ những người tị nạn Bắc Hàn; một TV đã được cài sẵn các chương trình tuyên truyền của nhà nước, TV thứ hai được gài lén để xem những chương trình từ Nam Hàn. Dù thế, nạn thay đổi điện thế thường khiến cho màn hình thay đổi kích cỡ, “liên tục thay đổi từ lớn đến nhỏ,” một người tị nạn cho biết.
- Một trong những món hàng lậu phổ biến nhất là đĩa DVD ghi hình các chương trình TV Nam Hàn, được người Bắc Hàn trao đổi hoặc mua bán với nhau.
- Phụ huynh gửi con đi học phải đem theo bàn ghế, vật liệu xây dựng và tiền để trả nhiên liệu sưởi. Một số học sinh bị bắt đi lao động sản xuất cho nhà nước hoặc thu thập phế phẩm. Phụ huynh có thể hối lộ giáo viên để con mình khỏi phải đi lao động hoặc để chúng không phải đến trường, mặc dù việc này vi phạm chính sách nhà nước.
- Bắc Hàn có hệ thống y tế “miễn phí”, nhưng bệnh nhân nhập viện phải tự trả tiền thuốc, tiền sưởi, và đem thức ăn từ nhà đến.
- Trong tầng lớp ưu tiên, trang điểm được xem như là “một cách khoe của”, theo báo cáo của KINU. Các thương hiệu Nam Hàn được ưa chuộng hơn những sản phẩm Trung Quốc và Bắc Hàn kém chất lượng hơn.
- Có khoảng 1,5 triệu người sử dụng điện thoại di động ở Bắc Hàn, nhưng dịch vụ thì chập chờn và không có mạng Internet. Một tiện dụng phổ biến của điện thoại di động: làm “đuốc” soi đường khi bị cúp điện vào ban đêm.
- Tài sản của Kim Jong Un có thế trị giá đến 5 tỉ Mỹ kim, theo tổ chức truyền thông Nam Hàn Chosun Ilbo. Số tiền này đến từ các công ty nhà nước và các thương vụ thuốc phiện, tiền giả và những hoạt động tội phạm khác. Tài sản này được biết là được phân tán tại hàng trăm ngân hàng bên ngoài Bắc Hàn.
- Theo Quê Choa
Nhận xét