388.Chú tôi về Giời

Chú tôi Về Giời

Chú tôi - em ruột của thày tôi sinh năm 1933 (Quý Dậu). Ông vừa tạ thế lúc 3 giờ 20 phút ngày 11 tháng Ba Quý Tỵ (tức 20/4/2013 lịch Tây), đúng một ngày sau Giỗ Tổ Hùng Vương.

Năm 1951, ông nhập ngũ làm bộ đội Cụ Hồ. Trong trận càn Tiên Lãng, ông bị đạn địch bắn gẫy một xương cổ tay và bay một mảng môi trên. Ngày còn bé có lần nghe ông kể: Tao ngồi ở cửa hầm công sự đang lên "quy lát" khẩu súng trường Anh, chuẩn bị chiến đấu thì vèo một cái, thấy cả cái môi trên "mát lạnh"...máu phun ra đỏ lòm, mấy cái răng cũng đi theo làn đạn cả. Chỉ bằng hạt lạc rang nằm nghiêng nữa thì chắc đi đứt cả hai hàm!.. Sau này người ta vá vào môi ông một miếng to tổ bố. Tuy có xấu xí một tí, nhưng nó kín hơi, nói năng vẫn mạch lạc, ăn uống không bị vãi thức ăn ra ngoài...
Sáu tháng trước (tháng 10/2012) nghe tin chú tôi ốm nặng,
tôi đã về thăm ông được một lần cuối cùng, trước khi ông qua đời

Ảnh: Trần Tuấn Tiến
Sau hòa bình lập lại, 1954, chú tôi phục viên về địa phương, lấy thím tôi rồi đẻ ra một lũ một lĩ, toàn con gái. Đến lúc cố mãi thì tòi ra được một thằng con trai, nhưng ông Giời chả cho nó được bình thường. Cứ ngô nga ngô nghê, mặc dù nó có cái tên Thoại, không đến nỗi nào nhưng cả nhà, cả làng đều gọi nó là thằng ngố. Nó hiền lành lắm, chả biết cãi nhau với ai bao giờ, ai sai gì, bảo gì nó cũng hùng hục đi làm mà không biết đòi hỏi cái gì cả. Quần áo thì rách rưới, người ngợm thì bẩn thỉu, có những đêm đông giá lạnh, nó không biết vào gường ngủ mà vào chuồng trâu, chui vào đống rơm cho trâu ăn mà đánh một giấc đến sáng...

Chú tôi vì thế rất buồn, nên lại cố. Năm mươi tuổi mới lại thêm được một anh con trai út, đặt tên là Luân. Đấy là niềm vui nhất, hy vọng nhất, là hạnh phúc nhất của chú tôi. Song dần dần chú tôi lại cảm thấy thất vọng về "cục vàng ròng" của mình! Luân học hành không đến nơi đến chốn, chẳng hiểu lí do gì. Có lần tôi được nghe ông thở dài: "Được hai thằng con trai thì một "ngố thật" còn một "ngố giả"!  Khi Luân trưởng thành cũng dần khiến ông càng ngày càng cụt hứng. Có lẽ bởi ông đã đặt vào đó quá nhiều hy vọng, cứ tưởng Luân lớn lên phải thành đạt, thành "ông nọ, bà kia", phải làm nên cơ đồ. Nhưng chẳng may, nó gặp toàn chuyện trắc trở. Học hành thì không thành, không có công ăn, việc làm ổn định. Lấy vợ, có con rồi bây giờ lại như không. Chẳng biết thế nào, không ở được với nhau, vợ bế con đi biệt tích. Đúng là "cha sinh con, trời sinh tính"...

Vì cứ nhăm nhắm vào con trai, chú tôi dường như chả quan tâm gì đến con gái, mặc dù đây là lực lượng áp đảo trong đàn con 7 bẩy người của ông bà. Không ai được học hành có đầu có đũa mà cứ lần lượt đi lấy chồng. Có hai trong số đó bị người ta dẫn đi bán cho người Trung Quốc nên trở thành tha hương. Cũng chỉ lấy được những anh nông dân nghèo khó, chẳng "hạt mưa sa" nào được "vào đài các" mà toàn "ra ruộng cày"cả! Cuộc sống của họ, nhìn chung ai cũng vất vả, bươn chải để kiếm sống hằng ngày. Có thể nói, đàn em họ của tôi, bẩy người con của chú tôi đều không có ai được may mắn, không có ai được "một phút lên tiên" để chú thím tôi có thể nương nhờ lúc tuổi già, xế bóng. 

Còn thím tôi là người đàn bà suốt đời "bán mặt cho đất, bán lưng cho Giời", tần tảo với vài mảnh ruộng nơi đồng chua nước mặn, có "truyền thống" nghèo khó để kiếm hạt thóc, củ khoai nuôi mình, nuôi chồng, nuôi con. Cũng là để cho qua ngày, đoạn tháng, chứ chưa bao giờ biết thế nào là niềm vui. Chú tôi là thương binh nên suốt đời yếu ốm, chẳng làm được việc gì nặng nhọc, ngoài việc tham gia vào đội văn nghệ làng, một "trò chơi tao nhã", từ thời còn trẻ đến lúc nằm liệt giường, liệt chiếu. Cũng là để quên bớt nỗi sầu về những gì không đạt được trong cuộc đời. Chú tôi chỉ hơn tôi 15 tuổi. Từ bẩy, tám tuổi tôi đã được nghe ông kéo nhị và đã dạy nhị tôi bắt đầu bằng bài nhạc múa sạp của người Thái Tây Bắc "Sòn sòn sòn đô sòn...". Cũng may là chú có "hoa tay" trở thành nghệ nhân kéo nhị nổi tiếng một vùng quê và còn sản xuất ra nhiều cây đàn nhị để chơi và ai thích thì ông bán. Có lần tôi về quê, chú khoe: "Tao mới được huy chương vàng trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng Thành Phố!". Thế là chú độc tấu ngay cho tôi nghe bài nhạc chèo "nhịp đuổi" vừa đoạt giải. Năm 15 tuổi, trước khi theo gia đình đi khai hoang nơi biên viễn, một cuộc tha hương tập thể, tôi đã từng theo chú vào đội văn nghệ cùng kéo nhị với ông trong dàn nhạc chèo. Thế nên sau này cứ mỗi lần tôi về thăm quê là hai chú cháu lại có dip hòa tấu. Và những lúc ấy chú tôi đang ốm khật khừ, bỗng như có liều thuốc tiên làm ông khỏe hẳn ra... Có lẽ cây đàn nhị đã là vật cứu cánh cho cuộc đời lắm chuyện không vui của chú tôi và đã kéo dài tuổi thọ của ông được đến tuổi tám mốt? (Trong Lễ tang, người ta công bố ông 82 tuổi, chẳng qua là do căn cứ vào sự viết nhầm trong cái thẻ hội viên Hội Cựu chiến binh) 

Hôm nay ông nằm kia, trong cái quan tài đỏ chói, sơn son, thiếp vàng. Không còn buồn, vui, căm giận, không còn ưu tư, vướng bận nỗi trần ai... Có lẽ cả cuộc đời chú tôi chỉ đến bây giờ, đến những phút  này ông mới được thanh thản, mới được "sung sướng" nhất. Bởi lúc này mới hội được tương đối đầy đủ nhất các con, các cháu, những người thân yêu nhất đến với ông, phủ phục trước ông để "kể hành kể tỏi", để thương tiếc, để xót xa cho cuộc đời vất vả của ông. Và cũng đến lúc này ông mới có được đầy đủ những người bà con từ khắp nơi trong thôn, trong xã, trong huyện...về quây quần xung quanh ông cầu mong cho hương hồn ông được an lành nơi cực lạc.. Có lẽ niềm vinh dự nhất của ông là được phủ trên quan tài lá cờ đỏ sao vàng do những người trong Hội Cựu chiến binh của ông thực hiện... Nếu nhìn thấy tất cả những cảnh này chắc chú tôi không thể chết được! 

Bỗng tôi nghĩ đến một điều rất vô lý và thầm thì với hương hồn ông: "Chú ơi, sao đến lúc "sướng" thế này, chú lại không biết gì nữa, không muốn hưởng niềm vinh hạnh mà cả đời chưa bao giờ chú có được như thế?" 

Nhận xét

Unknown đã nói…
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trần Tuấn Tiến đã nói…
Ông "đi", tiếng nhị "đi theo"
Cả đời cái khó, cái nghèo dắt lưng.
Trống chèo rộn rã tưng bừng
"Chông chênh", "làn thảm"... theo từng bước chân.
"Đường trường...", "sắp gối"... gập ghềnh
Thân cò lặn lội đầu kênh, ngọn nguồn.
Nỉ non tiềng nhị giải buồn.
Bâng khuâng đêm lạnh gió luồn mái gianh.
Cả đời cơ chỉ làm ăn
Tiếng tơ, tiếng trúc quẩn quanh bên mình.
Cả đời mang nặng nghĩa tình
Cả đời vun vén gia đình, vợ con.
Làm tròn nhiệm vụ nước non
Mà ông Giời vẫn như còn giận chi?
Non Tây, ông đã ra đi
Thác về, sống gửi có gì tiếc đâu?
Mai sau...mãi mãi mai sau
Vẳng nghe tiếng nhị hát câu não lòng.

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.