Lá thư không người nhận
Lá thư không người
nhận
MY LĂNG | 11/03/2013 09:35 (GMT + 7)
TT - Đó là một lá thư đã ố màu, cũ kỹ, nằm lọt thỏm trong
rất nhiều hình ảnh, kỷ vật liên quan đến sự kiện ngày 14-3-1988 trong phòng
trưng bày của Bảo tàng Hải quân VN (Hải Phòng).
![]() |
Chị Thu Hà thắp nhang trong ngày giỗ bố - Ảnh: M.Lăng |
Trên bì thư viết:
Con: Thu Hà/Trạm cung ứng than thị xã Phủ Lý - Hà Nam Ninh Tới thăm Bố: Trần
Đức Thông hòm thư 2C100A Cam Ranh - Phú Khánh.
Dòng đầu tiên trong lá thư viết: Phủ Lý ngày 20-3-88. Tức bảy ngày sau khi xảy
ra sự kiện 14-3-1988!
25 năm
![]() |
Chân dung anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông - Ảnh tư liệu (M.L. chụp lại) |
Ngày 8-3-2013 (tức
27 tháng giêng), khi chúng tôi tìm đến nhà của Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Trần
Đức Thông ở thôn Cộng Hòa (xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình), cả đại gia
đình, bà con họ hàng, làng xóm đang quây quần rất đông chuẩn bị làm lễ cúng.
Hiệu trưởng Trường
THCS Trần Đức Thông và các học sinh, các ông bà già, cả thanh niên nam nữ
trong thôn, trong xã gần đó... đã có mặt tại nhà tưởng niệm AHLS Trần Đức
Thông từ rất sớm, thắp nhang, phụ gia đình nấu nướng, ngồi trò chuyện với
những người thân trong gia đình người AHLS.
Năm 2009, Bộ Tư
lệnh Quân chủng hải quân đã cho xây dựng nhà tưởng niệm AHLS Trần Đức Thông.
Trước đó năm 2001, người dân trong thôn Cộng Hòa đã góp tiền xây dựng đài
tưởng niệm và khắc tên người AHLS Trường Sa như một cách để bày tỏ lòng tri
ân và tình cảm sâu sắc với người anh hùng quê hương mình. Tên của AHLS Trần
Đức Thông được đặt tên cho ba trường học ở xã Minh Hòa: trường mẫu giáo,
trường tiểu học và trường cấp II. Ngôi Trường THCS Minh Hòa ngày trước trung
tá Trần Đức Thông từng học đã được đổi tên thành Trường THCS Trần Đức Thông
tháng 9-2010.
|
“Bố xa nhớ. Hôm
nay là ngày chủ nhật, con ngồi vào bàn học mà không sao học được vì lúc đó là
buổi ca nhạc 7g30-8g, toàn hát những bài hát về Trường Sa. Lúc này con không
thể nào học được nữa vì những bài hát đang khơi gợi về hình ảnh Trường Sa, nhất
là hình ảnh của bố. Lúc này con nhớ bố vô hạn nên con tranh thủ viết mấy dòng
chữ gửi cho bố.
Bố ạ. Tính đến
nay bố xa gia đình cũng ba tuần rồi bố nhỉ. Thời gian trôi đi nhanh quá phải
không bố? Bố ạ. Bố đi đã viết về nhà ba bức thư thì ở nhà đều nhận được hết.
Bưu phẩm bố gửi cũng nhận được.
Bố ạ, hôm qua
ngày 19-3-88 có xe ca của lữ 147 vào trong chỗ bố công tác và lúc xe ra bố có
gửi chú Hoa ra cho 50kg gạo và tiền 140.000 đồng, và của cả bác Cổn nữa thì mẹ
con và chúng con đều nhận được cả.
Bố ạ, còn tình
hình học tập của con ở nhà vẫn bình thường. Hôm vừa qua bố có gửi thư tay cho
thầy giáo chủ nhiệm con thì thầy đã nhận được và thầy nói rằng sẽ biên thư cho
bố.
Bố ạ! Vừa qua
tình hình ở đảo căng thẳng lắm phải không bố. Do vậy ở trong đơn vị chắc bố
cũng bận nhiều, do vậy cũng phải ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bố ạ, bố cố gắng
giữ gìn sức khỏe.
Thôi cuối thư con
còn gửi lời hỏi thăm sức khỏe các bác, các chú, các anh trong đơn vị bố mạnh
khỏe, canh giữ vững chắc vùng biển thân yêu Trường Sa. Bố có phải đi đảo hay
không viết thư về cho gia đình biết tin nhé. Mẹ con ở nhà đang rất sốt ruột vì
lúc nào đài cũng nói rằng tình hình Trường Sa rất căng thẳng. Thôi con tạm dừng
bút ở đây, lá thư sau con sẽ viết nhiều hơn. Chúc bố khỏe, công tác tốt. Con
Trần Thị Thu Hà”.
Dấu bưu cục cho
thấy bưu điện Hà Nam Ninh nhận thư gửi là ngày 22-3-1988, hòm thư của bưu điện
Cam Ranh nhận ngày 28-3-1988 và khi chuyển đến huyện đảo Trường Sa đã là ngày
30-3-1988. Khi đặt bút xuống, cô bé tên Thu Hà ấy không thể nào biết đó là lá
thư cuối cùng mình viết cho bố. Lá thư ấy vĩnh viễn không thể đến được tay cha
mình.
Câu chuyện xúc
động của lá thư khiến chúng tôi quyết định phải tìm cho được người con gái của
Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Trần Đức Thông (trung tá, lữ đoàn phó - tham mưu trưởng
Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân, người chỉ huy trực tiếp cao nhất tại Trường Sa
trong sự kiện 14-3-1988).
25 năm sau, sáng
8-3-2013, trong ngôi nhà tưởng niệm người cha anh hùng của mình ở Thái Bình,
khi nhìn thấy những dòng chữ trong lá thư của 25 năm trước, chị Thu Hà (hiện
công tác tại Công an tỉnh Hà Nam) lặng đi. Những giọt nước mắt lăn dài trên
gương mặt người phụ nữ luôn tỏ ra cứng cỏi, mạnh mẽ. “Cả nhà tôi không ai nghĩ
bố hi sinh. Vì năm ngày sau sự kiện 14-3-1988, mẹ con tôi còn nhận được 50kg
gạo và 140.000 đồng tiêu chuẩn của bố gửi mấy chú Lữ đoàn 147 mang ra. Tối hôm
sau (20-3), tôi đang học bài nhưng bỗng rất sốt ruột, nhớ bố quá nên viết thư.
Tôi không ngờ đó là lá thư cuối cùng mình được viết cho bố. Và bố không bao giờ
nhận được lá thư ấy...”, chị Thu Hà nhớ lại.
“Ngày 26-3-1988,
lúc nghe đài nhắc tới: đồng chí Trần Đức Thông đứng ở boong tàu kêu gọi đàm
phán. Bên kia cứ xả súng vào... Mặc dù bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn không
rời vị trí cho đến lúc hi sinh, cả nhà tôi mới tin bố đã hi sinh thật rồi. Sau
này nghe đồng đội của bố kể: dù bị thương nặng vào chân và đầu nhưng bố vẫn ở
mũi tàu chỉ huy bộ đội cho đến lúc hi sinh”, chị Hà kể. Khi ấy Thu Hà 18 tuổi,
còn em trai Trần Hoài Nam
mới 14 tuổi.
Ký ức về cha
“Ngày đó, lính
đảo 18 tháng mới được về phép một lần. Mỗi lần đi đảo, bố để dành thịt hộp,
lương khô mang về cho con. Lần nào về cũng mang những con ốc rất to, những cây
san hô, những con tôm, con cá màu xanh màu đỏ được tết từ dây cáp điện thông
tin... làm quà cho các con. Bây giờ tôi vẫn còn giữ những kỷ vật ấy. Lần nào về
bố cũng mua từng cái quần, cái áo cho con. Bộ quần áo cuối cùng của tôi là tiêu
chuẩn của đơn vị cho bố đi may, bố mang về cho con gái may quần đi học. Mỗi lần
nhìn cái quần màu xanh hải quân ấy, tôi lại chảy nước mắt vì nhớ và thương bố.
Mỗi lần về phép, bố chỉ thích ăn rau vì đi đảo thiếu rau vô cùng tận. Su hào,
bắp cải, xà lách luộc là những món bố rất thích ăn”, Thu Hà chảy nước mắt khi
nhớ lại.
Trong đợt về phép
cuối cùng (gần tết năm 1988), như linh cảm trước chuyến đi định mệnh, trung tá
Thông lên trường gặp thầy chủ nhiệm xin được miễn quân sự cho con gái một tuần.
Người cha đạp xe chở con từ thị xã Phủ Lý (Hà Nam Ninh) về quê (Minh Hòa, Hưng
Hà, Thái Bình), đến từng nhà người bạn học, người hàng xóm chơi. “Tôi còn nhớ
lần đó bố còn 15 ngày phép. Nhận được điện ở đơn vị vào Nha Trang gấp, bố đi
ngay. Trước khi đi, bố bảo: mai tôi trả phép rồi, tôi gánh kỷ niệm cho con gái
một bể nước. Đêm đó bố xuống sông gánh nước đầy một bể cho vợ con”, Thu Hà nhớ
lại.
Bố mất, Thu Hà
nén nỗi đau, lao vào ôn thi tốt nghiệp THPT. Mẹ cô - bà Nguyễn Thị Seo - suy
sụp, chỉ còn 36kg. Lấy nhau năm 1971, chồng đi chiến trường biền biệt. Sau ngày
đất nước thống nhất, anh trở về rồi lại đi đảo suốt. Cả cuộc đời làm vợ chồng,
họ chỉ sống bên nhau chưa được một năm. Trung tá Thông hi sinh ở tuổi 44. Người
vợ lúc đó mới 40. Chị ở vậy nuôi dạy hai người con khôn lớn. Năm 2002, người vợ
xây mộ giả cho chồng cạnh bố mẹ chồng. Ba năm sau, người phụ nữ ấy ra đi sau
một cơn tai biến. “Trong lúc hấp hối mẹ vẫn nhắc đến bố. Suốt cuộc đời mẹ dành
trọn tình yêu cho bố” - chị Hà nói, đôi mắt ngập nước.
___________
Hai mươi năm
qua, nỗi mất mát có thể đã lắng xuống sau ngần ấy thời gian, nhưng niềm khắc
khoải ngóng vọng của những bà mẹ với xương cốt con mình dưới lòng biển lạnh vẫn
mãi thao thức.
Nguồn: Tuổi trẻ
Nhận xét