Chuyến đi công tác ngày ấy


Chuyến đi  công tác ngày ấy
                             Hồi ức của Nguyễn Ngọc Dương

 Tháng Hai năm 1969 tôi được điều chuyển công tác sang phòng Tổ chức Dân chính huyện (sau này gọi là phòng Tổ chức Chính quyền, rồi phòng Nội vụ). Mùa thu năm ấy có cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp mà phòng này có nhiệm vụ chính trong việc tham mưu cho Huyện ủy và Ủy ban Hành chính huyện tổ chức bầu cử.

Dáng người lẻo khoẻo, hay ốm đau, nhưng có chút năng khiếu viết lách nên tôi được Trưởng phòng phân công ngồi ở văn phòng tổng hợp. Vào ngày cuối cùng của công tác chuẩn bị cuộc bầu cử, cán bộ, nhân viên của phòng đổ hết xuống các xã, các khu vực bầu cử, ở nhà chỉ còn Trưởng phòng và tôi thường trực. Sau mấy ngày túi bụi công việc, tôi mệt mỏi ngả lưng xuống cái giường một ở cơ quan nơi sơ tán trong rừng, thiếp đi, mặc cho anh Nguyễn Văn Triệu - Trưởng phòng không lúc nào rời chiếc máy điện thoại quay từ thạch để bàn.
Đang say giấc, tôi giật mình vì Trưởng phòng vừa gọi vừa đập vào người: “Dậy, dậy có việc gấp đây! Xã Gia Phú báo về có chuyện phải xử lý ngay. Cái phiếu bầu Hội đồng nhân dân huyện ở một đơn vị bầu cử in thiếu mất tên một ứng cử viên. Ác cái là lại mất tên của “ứng cử viên lãnh đạo không đắc cử” (sau này có người gọi là “quân xanh”). Rồi anh nhấn mạnh: “Thà như phiếu bầu Hội đồng nhân dân xã cứ huy động giáo viên viết bằng tay cả thì không sao, đằng này phiếu bầu cấp huyện trên đã cho phép in typo, bây giờ thiếu một người viết thêm bút mực vào là có chuyện.  Giả sử người bị “lãnh đạo không đắc cử” phát đơn kiện Tổ chức bầu cử là cố tình “đánh dấu” để họ không trúng là mình phạm luật, không cãi được, phải hầu tòa là cái chắc!” Mới hai mốt tuổi đầu, nghe thấy hai chữ “hầu tòa” tôi dựng tóc gáy! Mình là cái thá gì, một nhân viên nhãi nhép, biết ai “quân xanh, quân đỏ”! Nhưng trong cơ quan tham mưu về nhân sự cho Huyện ủy, Ủy ban thì khi có chuyện cũng phải liên đới trách nhiệm. Đang như người ốm khật khừ, tôi bỗng tỉnh hẳn và hỏi: “Vậy làm thế nào bây giở hả anh?” Anh Triệu bảo: “Ban Tổ chức Dân chính tỉnh đang cho in lại phiếu rồi. Nhưng làm thế nào ngay đêm nay số phiếu bầu ấy phải chuyển được đến đơn vị bầu cử Tả Thàng, một khu vực vùng cao của xã Gia Phú để 6 giờ sáng mai kịp khai mạc cuộc bầu”. “Vậy thì em phải đi Lào Cai ngay, nhưng lúc này không có tàu, mà xe đạp cũng không...”. “Anh  đã mượn cho chú cái xe đạp rồi, phải đi ngay mới kịp, đạp xe hơn 50 cây số, đường lại dốc, chắc phải tối mịt mới lên đến thị xã. Mà chú phải kiểm tra lại phiếu nếu có sai sót gì phải in lại ngay rồi mang ra tầu, mười giờ đêm xuôi xuống ga Thái Niên, sang đò tìm đến nhà chị phó chủ tịch xã...”. Kế hoạch đã được Trưởng phòng vạch ra cụ thể. Tôi ăn vội cái bánh bao thiếu bột nở, (đúng ra là nắm bột mì luộc) của  bếp ăn tập thể cấp cho từ sáng vẫn để dành, rồi yên tâm lên đường. Anh triệu còn giúi vào tay tôi một chai nước sôi để nguội, mấy viên thuốc cảm aspirine và dặn: “Nhiệm vụ của cậu là không được ốm giữa đường nghe chưa! Ốm mà chậm vài tiếng là hoàn toàn toàn thất bại đấy!”. Tôi đạp xe ra Bắc Ngầm ngược đường Hữu nghị 7 (nay là Quốc lộ 70) lên Lào Cai.   
Sẩm tối, tôi lên đến Phố Tèo, thị xã Lào Cai, nơi có nhà máy in của tỉnh. Anh Nguyễn Văn Khải, chuyên gia tổ chức chính quyền tỉnh đứng chờ sẵn dưới gốc cây Ngọc Lan. Thấy tôi lọc cọc đạp xe tới, anh mừng quýnh: “Ối giời ơi, đây rồi!... Cậu kiểm tra ngay xem có sai sót gì không?”. Tôi lấy một tờ phiếu xem kỹ lại và nói: “Đúng rồi anh ạ”. “Thôi thế là tốt” – Anh Khải nói vậy rồi cho người vác bọc phiếu bầu ra ga cho tôi. Tàu thời chiến, để tránh máy bay Mỹ, không chỗ nào có ánh điện. Nơi bán vé chỉ có cái đèn bão được bịt kín chỉ để hở một luồng sáng vàng vọt đủ nhìn thấy đôi tay và những tấm vé đưa vào máy dập ngày. Cái nhà ga cuối cùng trên con đường sắt Hà Nội – Lào Cai gần sát đầu cầu Hồ Kiều nối liền với thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) mà lèo tèo, vắng như chùa Bà Đanh. Ngồi trong bóng tối, tôi ôm bọc phiếu bầu, giữ như “thày giữ ấn”, chờ cho nhà ga mở cửa ra tàu...
 11 giờ đêm, con tàu hỏa già nua mới kéo một hồi còi dài, hộc lên mấy tiếng rồi ì ạch đưa tôi đến ga Thái Niên thì đã gần 12 giờ. Vác bọc phiếu bầu xuống toa cuối cùng lấy xe đạp, buộc vào gác ba ga thật chắc chắn rồi tôi dắt xuống bến đò. Con đò ngang giờ này vẫn thức để còn đón khách đi tàu. Phía hữu ngạn là thôn Thái Bo đang chìm trong đêm tối. Hỏi thăm một vị khách đi cùng đò lúc nãy, tôi biết phải đến cuối thôn Hòa Lạc mới tìm được đến nhà chị Lù Thị Vy, phó chủ tịch xã. Đường làng ở đây tựa như đường mòn trong rừng, chỉ đủ một người đi bộ. Những ngôi sao về khuya vẫn nhấp nháy và có vẻ sáng hơn, đủ để nhìn thấy đường đi. Tôi dắt chiếc xe đạp đèo bọc ấn phẩm nên rất vướng víu khi phải lách qua những lùm cây dại, cỏ tranh, chè vè... Toàn thân tôi lúc này đau nhức, mỏi mệt, bủn rủn chân tay. Bỗng nhớ ra từ sáng đến giờ, ngoài nắm bột mì luộc ban trưa, cái dạ dày chưa hề được bổ sung thêm một thứ gì. Chai nước cũng đã hết từ chiều. Tàu đêm thời chiến có ai bán gì ăn được. Mà nếu có thì trong túi cũng đâu còn tiền. Ngoài mấy đồng tiền vé thì “tài khoản” đã rỗng. Mồ hôi trên mặt, trên lưng túa ra... Lúc này tôi chỉ thèm được ngồi phệt xuống. Trong đầu nghĩ, nếu được vậy thì bất chấp chỗ ấy là chỗ nào, bẩn hay sạch, ướt hay ráo, tôi sẽ mặc cho cái xe đạp cùng bọc phiếu bầu đổ ập vào người và nằm xuống mà... đánh một giấc rồi muốn ra sao thì ra! Nhưng câu nói của Trưởng phòng: “Nhiệm vụ của cậu là không được ốm giữa đường...” lại văng vẳng bên tai. Đành nghiến răng cắm đầu đi. Thỉnh thoảng một con chim gì đó ngủ trên cây thấy động, giật mình đập cánh phành phạch bay lên... Đến đầu thôn Hòa Lạc, không khí có vẻ vui hơn bởi tiếng chó sủa râm ran. Tôi tìm nhà phó chủ tịch xã Lù Thị Vy theo “tọa độ”. Nhà lãnh đạo xã lúc ấy cũng như nhà dân, chẳng có đặc điểm gì để phân biệt nên để tìm được nhà phó chủ tịch giữa đêm hôm thế này khác gì tìm cây thuốc trong rừng. Tôi mạnh dạn gõ cửa một ngôi nhà bất kỳ theo cảm giác. Chờ cho chủ nhà dậy, lục cục mãi mới đánh lửa, châm được ngọn đèn lên, tôi mới thành thật xin lỗi và hỏi thăm.
Nhà chị Vy nuôi nhiều chó quá, một đàn xông ra làm huyên náo cả vùng, thành thử không phải gõ cửa. Từ chiều, chị đã nhận được điện thoại trên huyện nên đã biết kế hoạch. Chị dậy châm đèn đón tôi. Ở chiếc giường kê gian giữa, anh chồng đang say giấc, bị quấy rầy nên làu bàu gì đó bằng tiếng Xá Phó làm tôi hơi chờn. Mặc dù mệt và buồn ngủ lắm nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề xuất: “Chị còn cơm nguội cho em bát!”. “Còn đấy. Nhưng để tôi làm thức ăn cho đã”. Chị xuống bếp hì hục lấy giậng dao giã cái gì đó cành cạch. Lát sau chị bê lên. Trên cái mâm gỗ cũ kỹ, đen xỉn là một nồi cơm nguội, một bát thức ăn đã được chế biến. Đói và mệt nhưng và miếng cơm nguội gạo lốc cứng quèo vào miệng, trệu trạo nhai cũng thấy bùi bùi. Rón rén gắp  chút thức ăn đưa lên miệng. Một vị mặn, cay và tanh lan tỏa. Tôi nhớ ra đã có lần được thưởng thức món này ở đâu đó. Một con cá mại nướng được giã với ớt chỉ thiên và muối trắng, món ăn không kém phần độc đáo. Bởi không quen nên tí nữa thì tôi đã ói ra mật xanh mật vàng... Vội đứng dậy xin Phó chủ tịch xã chén nước. Tôi chỉ kịp trao đổi qua với chị là, bằng mọi giá, 5 giờ sáng chị phải cho người chuyển được ấn phẩm lên đến khu vực bỏ phiếu Tả Thàng. Chị bảo, chú cứ yên tâm, lên ngủ với anh đi. Tôi ngại quá vì lúc mới đến, anh ấy vẫn nằm trên giường làu bàu cái gì chả biết. Nhưng vẫn phải đánh liều nhẹ nhàng nằm xuống, men mén ra phía mép giường, không dám thở mạnh. Giấc ngủ ập đến tự lúc nào, chẳng kịp nghĩ ngợi gì...
Thấy tiếng ồn ào, tôi giật mình tỉnh giấc, mơ màng như người vừa từ âm phủ trở về. Kim đồng hồ đã chỉ 8 giờ. Qua lỗ thủng ở chái nhà phía đông, ánh nắng xuyên một đường thẳng vào cái giường tôi nằm. Một số cán bộ xã đã đi bỏ phiếu về tề tựu ở nhà chị Vy đang mổ vịt, nấu cơm nhộn nhịp như nhà có đám. Chị Vy cho biết, mọi việc đều đã ổn. Bốn giờ sáng nay, chị đã cho liên lạc đi ngựa xuyên rừng mang phiếu bầu lên Tả Thàng, kịp khai mạc. Đến giờ này toàn xã đã có hơn bốn mươi phần trăm cử tri đi bầu...
Cơm xong, tôi cáo từ mọi người về huyện để còn kịp tham gia công tác tổng hợp kết quả bầu cử. Đường về huyện lúc này đi phía hữu ngạn sông Hồng, khoảng hai chục cây số nhưng phải xuyên qua nhiều dèo dốc và rừng rậm. Lên dốc thì choãi chân đẩy xe, xuống dốc thì vừa bóp phanh vừa nín thở khi xe nhẩy qua những “ổ trâu”, hay những tảng đá mồ côi nằm nghênh ngang giữa lối. Trời đang nắng bỗng tối sầm như sắp có mưa rào. Gặp con suối Trát, mọi khi nước trong veo, người ta vẫn dắt xe đạp, xắn quần lội qua, nhưng hôm nay nước lại to và đục ngầu. Tôi cởi quần dài buộc hai ống quần vào cổ, vác xe đạp lên vai lội ào xuống, chuệnh choạng như đứa trẻ tập đi. Vừa đến giữa suối, nghe tiếng ầm ầm từ phía thượng nguồn. Tôi giật mình nghĩ đến lũ ống. Hai chân run bần bật, vẫn rướn mình cố qua nhanh tránh lũ. Nhưng không kịp... Như thể một cơn sóng thần ập đến, tôi bị ngã chúi xuống, chìm nghỉm trong dòng nước hung dữ và lạnh buốt... Bỗng tôi thấy khựng lại, cả người và xe đạp bị một vật gì níu chặt. Hóa ra, giắt vào một chùm rễ cây lớn ngay mép bờ bên kia. Tôi bấu vào những sợi rễ cây lần lên bãi cát nằm bất động như một cái xác chết. Nhưng trong đầu vẫn nghĩ nếu nằm đây, nước dâng thêm chút nữa thì chắc phải đi hầu Hà Bá. Tôi cố gượng dậy và vẫn kéo lê được cái xe đạp lên chỗ cao.
Nằm một lúc, tôi dậy dựng chiếc xe đạp lên, bẻ cái que gẩy lại sợi xích vào bánh líp. Đường vẫn vắng, tịnh không có một người qua lại. Rất may là cái quần dài quấn cổ vẫn còn, chỉ trôi mất đôi dép. Thế là phúc rồi. Chắc Diêm Vương bảo, cái thằng này có xuống âm phủ cũng chẳng được tích sự gì, người thì xanh xao yếu ớt, nghe đâu có mấy con bé định yêu rồi lại chạy mất dép? Thôi,  để cho nó làm công tác Tổ chức ở trên ấy còn có lúc được việc...
Tối mịt tôi mới về đến cơ quan. Ngày ấy, anh em chúng tôi từ trưởng phòng đến nhân viên hầu hết là ở tập thể trong những ngôi nhà tạm cột chôn, vách nứa nơi sơ tán. Bếp ăn tập thể, mỗi tháng nộp mười tám đồng, ngày sáu hào chia làm hai bữa. Lương của tôi ba mươi sáu đồng, trừ tiền ăn vẫn còn mười tám đồng để may mặc và tiêu vặt. Cả nước đều thế. Có lẽ, làm đến ông Bộ trưởng thì cũng chẳng hơn những người lao động là mấy. Khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nên ai cũng lạc quan, yêu đời. Một khi ai cũng giống ai thì làm sao có thể nhận thấy sự vất vả, khổ sở. Lúc ấy, chưa ai được chiêm ngưỡng những kẻ giầu “nứt đố đổ vách”. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố thấy ông tả nhà Nghị Quế có những đống rơm, cót thóc cao chất ngất, ngồi sập gụ, nhà có đồng hồ treo tường, ăn cơm với giò lụa...mà ước ao, thèm khát. Ở Việt Nam lúc này đâu có tìm thấy những đại gia, những quan chức thừa tiền do tham nhũng, mánh lới mà có, sinh ra ăn chơi trác táng, làm loạn xã hội... Lúc ấy cả huyện, cả tỉnh, cả nước triệu người như một, đồng tâm, đồng sức, đoàn kết với nhau trong một cộng đồng, không sợ hy sinh, gian khổ. Người ta có thể chết cho lý tưởng, cho sự nghiệp của Dân tộc mà nhẹ như không!...
Về cơ quan, tôi có cảm giác như về chính ngôi nhà của mình. Tôi lăn ra ngủ, ngủ như thể tôi chưa từng tồn tại ở trên đời, mặc cho anh chị em đang phải túi bụi với công việc tổng hợp kết quả bầu cử để báo cáo Tỉnh. Sáng hôm sau, bất giác tỉnh dậy vào khoảng 9 giờ, tôi nghe thấy trưởng phòng nói: “Cứ để nó ngủ. Chắc còn mệt. Nhưng cái thằng, nó đi kiểu gì mà cái khung xe Thống nhất gẫy đôi ở chỗ mối hàn gần cổ phốt mà nó không biết gì! May mà về đến nhà vẫn an toàn”. Nghe thấy câu ấy, tôi vùng dậy: “Ấy chết, anh ơi để em mang chữa cho người ta rồi cơ quan trừ dần vào lương tháng cho em cũng được,”. Anh Triệu cười hiền: “Chữa rồi ông tướng ạ. Tối qua cậu về, tớ phát hiện ra ngay, mang ra hiệu sửa xe đạp thị trấn, người ta hàn lại, sơn lại như mới”.
Tôi biết, Trưởng phòng đã móc tiền túi làm việc ấy, bởi cơ quan làm gì có tiền chi vào những việc “không đâu” ấy.
(Đã đăng trên Tạp chí Phansipang số 145 - Tháng 3 - 2013)

                                                                               
                                                                                      N.N.D

Nhận xét

congtheblocg đã nói…
Thú thức bác có cái hồi ký này nó như nhắc lại chúng ta biết và nhớ về một thời bao cấp chưa xa mà bây giờ họ lại hay quên. Còn thế hệ mới lớn nó cho là chuyện cổ tích. Của ông gia Khốt Ta bít, ăn mít ị ra dưa....
Unknown đã nói…
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Unknown đã nói…
Bao giờ cho đến ngày xưa
Tinh thần phụ vụ sớm trưa coi thường.
Ngại gì một nắng hai sương
Ngại gì vất vả cung đường gần xa.
Anh em như thể một nhà
Đảng viên hồi ấy MỚI là ĐẢNG VIÊN.

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.