Nhà văn: Xin đừng tự trói buộc mình
![]() | |
|
Tác giả: THU HÀ
"Làm
thơ, viết văn là sáng tác ra tác phẩm nói lên những vấn đề của con người gắn
với thời cuộc, thời đại. Người cầm bút cần phải có năng lực dự báo, là cánh chim
báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các giá trị
Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm đượm hồn người, thơ không nên
chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải "văn dĩ tải đạo".
LTS: Thưa quí vị độc giả, vậy
là một năm đã qua đi, và mùa xuân lại tới với thật nhiều tín hiệu tốt lành,
cùng với những rào cản đòi hỏi mỗi chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao
mới có thể vượt qua. Theo truyền thống, Tết đến Xuân về là dịp để cùng nhau
nhìn lại những chuyện đã qua và bàn về tương lai đang tới. Còn nhớ đầu xuân năm
ngoái, Tuần Việt Nam
có tọa đàm Chính sách quốc gia và hạnh
phúc của dân thu hút được sự quan tâm
của đông đảo độc giả. Đầu xuân năm nay, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu
cuộc trò chuyện với nhà thơ Hải Như xung quanh khát vọng sáng tạo của
văn giới với kỳ vọng những người cầm bút chúng ta thoát khỏi sợi dây tự ràng
buộc để viết trung thực những gì đang diễn ra
trong đời sống- câu chuyện đặt ra đã nhiều chục năm qua.
"Thiếu nhà văn, thừa cán bộ viết văn"
Nhà báo Thu Hà: Thưa nhà thơ Hải Như,
trong những giai đoạn chuyển mình của dân tộc vào nửa cuối thế kỷ 20, văn học
luôn xác lập được vị trí cao trong xã hội và trong lòng người đọc. Nhưng đó đã
là chuyện của quá khứ. Cứ nhìn thực tế thì rõ, cùng được thừa hưởng những giá
trị của Đổi mới song với những gì diễn ra ở mảng sách văn học, thơ ca, trong
chừng mực cho thấy các nhà văn, nhà thơ hiện nay vẫn chưa bắt kịp tiến trình
này, nếu không muốn nói là đi sau nhiều ngành hoạt động khác.
Nhà thơ Hải Như: Câu hỏi của nhà báo
khiến tôi không khỏi giật mình. Đúng là chúng ta chưa tạo được dấu ấn bao nhiêu
về "chiều sâu sáng tác" trong những người cầm bút. Tôi luôn nghĩ,
chúng ta mới có cán bộ viết văn, cán bộ tuyên truyền hơn là nhà văn, nhà thơ
đúng nghĩa.
Nhà văn,
nhà thơ là phải có cái tôi, không có cái tôi không phải là nhà văn, nhà thơ mà
đó là của các phe nhóm chính trị, nhóm lợi ích. Nhà văn, nhà thơ luôn phải tư
duy theo dân tộc tư duy, không phải nương theo các nhà chính trị. Khi mà các
nhà văn, nhà thơ chỉ chăm lo phấn đấu vào các đảng phái, phe nhóm, phấn đấu
viết theo đơn đặt hàng, viết theo kiểu ăn theo, nói leo, thì làm sao có được
một nền văn học đích thực.
Theo tôi,
muốn có những tác phẩm văn học "để đời" rõ ràng không phải chuyện
trong đảng hay ngoài đảng, chỗ đứng chỗ ngồi, già hay trẻ, nhận được hỗ trợ bao
nhiêu... mà cái trước nhất chính là sự rung cảm của người cầm bút trước hiện
thực. Quan trọng hơn cả là họ có vượt qua được những suy nghĩ thiệt hơn tầm
thường, để có khát vọng sáng tạo, dám viết những gì đang diễn ra trong đời
sống.
Nói như thế
không có nghĩa là Việt Nam
không có nhà văn, nhà thơ hay, không có tác phẩm tốt. Nhưng đúng là lâu lắm rồi
chúng ta không tìm ra được những tác phẩm văn học lớn có giá trị khai mở, rung
động, thức tỉnh lòng người.
Nhà báo Thu Hà: Có một điều mà dư luận
băn khoăn mãi là tại sao có những tác phẩm đoạt các giải thưởng văn học cao vẫn
được xuất bản đều đều nhưng lại nằm sắp hàng phủ bụi trên các giá sách vì không
có người đọc. Ngược lại, không hiếm tác phẩm của những người viết không chuyên
đầy cảm xúc trên nhiều trang báo cho thấy người viết đã nghiền ngẫm cuộc sống
với tâm hồn có tính độc lập sáng tạo khá mạnh. Nhưng đáng tiếc trong số đó
nhiều tác phẩm bị từ chối xuất bản với lý do này lý do khác, chứ đừng nói sẽ
đoạt được giải thưởng nào.
Nhà thơ Hải Như: Để trở thành một văn
sĩ, thi sĩ đích thực, người ta rất cần một thứ, đó là tự do. Tự do đó là khoảng
sinh tồn của ngòi bút. Ai cũng biết, sáng tác văn chương luôn cần một không
gian với những đặc thù riêng, cụ thể là tính độc lập sáng tạo, tự do tư duy.
Nhưng độc lập - tự do này không ngoại lực nào có thể tác động mà chính nhà văn,
nhà thơ phải tự nhận ra.
Ảnh minh họa: thanglong.chinhphu.vn
|
Nhà báo Thu Hà: Phải chăng vì vậy, nên
mỗi khi tổng kết hoạt động văn học, các báo cáo chính thức của cơ quan quản lý
cũng ngậm ngùi thừa nhận: "chưa có tác phẩm nào xứng tầm thời
đại".
Nhìn lại nền văn học
"Tự trói buộc mình" nhà thơ Xô Viết Rasul Gamzatov trong một
cuộc phỏng vấn (đã được báo Văn Nghệ trích đăng theo bản dịch của Đào Hùng) có
tổng kết đáng suy ngẫm: "Nhà văn phải là người thể hiện được nỗi đau
của thời đại... Những người thầy thuốc viết bệnh sử của con người còn nhà văn
viết bệnh sử của nhân loại. Các bạn hãy xem nền văn học Nga của thế kỷ 19
Puskin, Lermontov, Destoievski, Tolstoi. Những tác phẩm của họ đều viết về lịch
sử những căn bệnh của đất nước, trong thời kỳ Xô viết người ta ép buộc văn học
phải làm những điều vốn xa lạ với nó..."
Không là "quân
gia" của các nhà chính trị
Nhà báo Thu Hà: Ông có cho rằng, bên
cạnh sứ mệnh "viết bệnh sử của nhân loại", nhà văn, nhà thơ còn có
thêm cả trách nhiệm chính trị?
Nhà thơ Hải Như: Lâu nay có những người
vẫn nhầm lẫn giữa văn học và báo chí. Báo chí là hiện thực, văn học là hư cấu.
Từ văn học theo thiển nghĩ của tôi thì bạn đọc mọi thời đại đều đã phân biệt có Hai dòng văn chương cùng song hành trong xã
hội:
Dòng văn
chương Ưu thời gồm những áng văn chương của kẻ sĩ (từ xa xưa nhà văn được xã
hội tôn vinh là kẻ sĩ hàng đầu) vốn giàu lòng trắc ẩn, không chịu sống bình yên
luôn trăn trở suy tư về kiếp người, tự nhận trách nhiệm về sự hưng thịnh của
dân tộc. Đó là những người cầm bút luôn luôn mở to mắt nhìn ra những "bất
công" xã hội, đã bằng sáng tác của mình thức tỉnh lương tri của mọi người.
Và, dòng
văn chương Xu thời, gồm các tác phẩm chung một xu hướng mà nói theo Balzac, chỉ
muốn "bào nhẵn những gồ ghề trong cuộc sống xã hội", những áng văn
chương "một chiều" đánh mất tư duy độc lập. Tác giả những áng văn,
áng thơ này được các đức vua và các chính trị gia nuôi dưỡng bằng bổng lộc khó
khước từ. Và đương nhiên những cây bút này không muốn và cũng không dám nhìn ra
xã hội quanh mình còn những "bất công" phi lý xúc phạm con người.
Chức năng
của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại "chân thân". Đối tượng
của văn học là con người, không phân biệt vua với lê dân. Đức vua cũng cần được
nhà thơ, nhà văn thức tỉnh như một người cùng dân.
Nhìn lại
dòng lịch sử văn học của nhiều dân tộc, có những thế kỷ người làm thơ thì nhiều
không đếm xuể nhưng thi sĩ không nổi vài ba. Bởi vậy tôi mới nói, thi sĩ- nhà
tư tưởng phải bình đẳng trước nhà cầm quyền, không là "quân gia" của
các nhà chính trị.
Nhà báo Thu Hà: Trang nhất tạp chí Cộng
sản, tạp chí lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7/1988 từng
đăng một bài viết với tựa đề: "Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị không
phải là quan hệ giữa hai "bá quyền" của tác giả Lê Xuân Vũ. Nhà thơ nghĩ thế nào về
mối quan hệ này?
Nhà thơ Hải Như: Cái chính là nhà văn
đứng về phía nào, yêu và bênh vực ai, ghét và chống lại cái gì.
Đầu thập niên 70 thế kỷ
trước, nhà văn hóa Trường Chinh từng hỏi tôi: "Anh nghĩ thế nào về sự
lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ sĩ cũng như văn nghệ sĩ chấp nhận sự lãnh
đạo của Đảng như thế nào?". Tôi đã trả lời: "Nhà văn chúng tôi
chấp nhận sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng với một tinh thần là nhà văn chúng tôi
được phép nghĩ với Đảng - nguyên văn tôi nói tiếng Pháp với ông Trường Chinh
cụm từ này là "Réflechir avec notre Partie". Nghe xong, ông đứng
dậy bắt tay tôi và nói "anh nói rất đúng, nhà văn phải nghĩ với Đảng,
chúng tôi mong được các anh đóng góp ý kiến". Từ đó, tôi bắt đầu làm
thơ theo cách suy nghĩ của tôi, đó là nghĩ với Đảng.
Những quan
niệm chính trị là thống soái, văn nghệ phải phục vụ chính trị được hiểu một
cách thô thiển đã tạo ra vô vàn tác giả và tác phẩm "ăn theo, nói
leo". Theo tôi, làm thơ, viết văn là sáng tác ra tác phẩm nói lên những
vấn đề của con người gắn với thời cuộc, thời đại. Nhà thơ, nhà văn cần tìm ra
cái cốt lõi của đời sống xã hội, truy nguyên vào bản chất của nó để có những
bài thơ, câu thơ lắng đọng. Vì thế người cầm bút cần phải có năng lực dự báo,
là cánh chim báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các
giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm đượm hồn người, thơ
không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải "văn dĩ tải đạo".
Nhà báo Thu Hà: Tại Hội nghị Lý luận Phê
bình văn nghệ ngày 22/7/2004, lãnh đạo Ban Tư tưởng-Văn hoá chỉ ra ra một thực
tế của văn học nghệ thuật Việt Nam
như sau: "Một số quan niệm cũ không còn phù hợp", "những gì đã
cũ và lỗi thời phải cương quyết vượt qua". Vậy để có thể "văn
dĩ tải đạo", ông có gợi ý gì?
Nhà thơ Hải Như: Phải nhập cuộc chứ
không thể ngồi mãi trên khán đài. Văn sĩ phải dám nói lên sự thực, dám đi sâu
vào tận cùng những thân phận của cá nhân con người chứ không thể bằng lòng với
những tác phẩm nhàn nhạt, hời hợt, u mê.
Nhập cuộc
để thức tỉnh sự u mê và thúc giục nhà cầm quyền hành động cương quyết ủng hộ
Đổi mới. Tôi cho rằng, văn chương phải trở thành lương tâm của xã hội. Giáo dục
lương tâm là mảnh đất riêng của văn học nghệ thuật. Một xã hội nhân đạo và cởi
mở sẽ sản sinh ra những tư tưởng lành mạnh, hiện thực.
Cách nay hơn 6 thế kỷ
"Chu Văn An dâng bản sớ chém
bảy tên lộng thần như một lời tuyên chiến
Nhắc kẻ sĩ mọi thời:
Không được sống vô Can" đó sao.
Nhà báo Thu Hà: Có lẽ do quá hăng hái tập
trung vào các chủ đề chính trị theo nghĩa hẹp nhiều năm nay một số người cầm
bút chúng ta đã đánh mất thói quen tư duy những chủ đề chính trị theo nghĩa
rộng? Đề tài này chúng tôi xin bàn sau. Xin được chuyển sang một câu chuyện
khác. Có một nghịch lý là trong khi văn đàn luôn thiếu vắng những tác phẩm xúc
động lòng người thì trên mặt báo lại thừa thãi những chuyện ầm ĩ giữa các Nhà
văn, nhà thơ với nhau, chuyện nhà văn nọ nói xấu, bới móc nhà văn kia, thậm chí
có người còn dùng cả ngôn ngữ chân tay để tranh cãi thiệt hơn.
Nhà thơ Hải Như: Họ đâu phải nhà văn, nhà
thơ.
Điều đáng
suy nghĩ là gần đây có không ít nhà thơ, nhà văn cầm thẻ hội viên nhưng không
có tác phẩm mà chỉ có sách in ra. Họ thiếu cái cần có là độc giả. Với nhà thơ,
nhà văn của mọi thời đại, điều quan trọng hàng đầu là độc giả- tạo ra được độc
giả của thơ mình, văn mình chứ không phải bất cứ một thứ giấy tờ gì làm chứng
chỉ. Nghĩ thật khó mà vui...!
Tôi xin
trích bức thư của nhà thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1796-1872) mà người
đương thời suy tôn là Thần Siêu bên cạnh "Thánh Quát" tức Cao Bá
Quát. Ông gửi cho bạn đọc là Ngô Huy Phan ở làng Bái Dương huyện Nam Trực trấn
Sơn Nam
đàm đạo về chuyện làng văn thủa ấy.
"Học vấn mà tìm nó
ở văn chương thì không thể nhưng không có văn chương thì lại không đủ để nhìn
thấy học vấn. Bọn người viết văn thời bấy giờ (tức thời của hai ông- H.N) trước
tiên khước từ điều đó vì ý nghĩa lợi lộc vắt ngang trước ngực. Họ bỏ sách xưa
chẳng thèm ngó tới, bàn luận dông dài, đem những lời lẽ cũ rích sáo mòn chắp
nhặt thành văn. Tuy họ biết rõ là vô nghĩa lý đấy nhưng cứ theo bừa để mua
chuộc thói đời. Phương chi những người không biết lại không phải là hiếm. Hoặc
có kể làm đôi câu nghe được thì tâng bốc lẫn nhau lên tận mây xanh...". Và: "Có
bọn người tự biết thơ văn của mình không khuất phục được ai thì cố nặn ra loại
văn bí hiểm quái dị để che giấu cái học thô mãng nông cạn của mình. Họ can tội
làm ngu dốt những người đồng loại. Lúc đầu thì bọn ngu tin theo, sau đó thì kẻ
trí cũng bị mê hoặc...". Và nhận định: "Văn chương có 2 loại:
Loại đáng thờ và loại không đáng thờ Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú
ở văn chương (ý muốn nói thoát ly đời sống xã hội - H.N) Loại đáng thờ là loại
chuyên chú ở con người"... Bức thư này trong tập Phương Đình văn loại
do nhà nghiên cứu Đỗ Văn Hỷ dịch.
Đọc bức thư
của "Thần Siêu", tôi bỗng liên hệ đến hiện trạng văn học hôm nay và
càng khiếp sợ khẩu hiệu đề ra của nhà cầm quyền phương Tây. Khẩu hiệu "Đả
đảo văn hóa tiêu khiển giải trí muôn năm (A bas la culture vive le
divertissement) nhằm đầu độc mê hoặc thế hệ trẻ trên toàn cầu lúc này.
Nhà báo Thu Hà: Có một thực tế đã được
cuộc sống đúc kết: "cơm áo không đùa với khách thơ"! Phải chăng đây
chính là rào cản mà nhiều người cầm bút chưa vượt qua được?
Nhà thơ Hải Như: Từ ngàn xưa, các đức
vua bao giờ cũng dùng bổng lộc thu nạp kẻ sĩ - các nhà thơ làm "thuộc
hạ". Chấp nhận làm "văn nô" hay không thuộc quyền các nhà thơ.
Tôi bỗng nhớ tới bậc
tiền bối khả kính là cụ Nguyễn Thượng Hiền. Nhà chí sĩ thời Đông Kinh Nghĩa
Thục nổi tiếng thơ hay, vần điệu điêu luyện, đã mượn lúc say tự tay lấy tập thơ
của mình ra châm lửa đốt. Bởi, "Thơ ta trau chuốt bởi ham danh/Say đốt
quánh đi dạ chẳng đành/Chưa dễ về sau lừa kẻ khác/ Mà còn giữ mãi mệt thân mình".
Vì, ông tự nhận ra thơ mình xa rời thực tế, trở thành vô bổ trước thời cuộc.
Với bài thơ Ai? Tôi! Chế Lan Viên - một thi
tài trong nền văn học Việt Nam
đã rất sòng phẳng với cuộc đời trước lúc đi xa. Tôi nhớ 4 câu vào bài: "Mậu thân 2 nghìn
người xuống đồng bằng, chỉ một đêm còn sống có ba mươi. Ai chịu trách nhiệm về
cái chết 2 nghìn người đó? Tôi - người làm những câu thơ cổ vũ. Ca tụng người
không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong...". Tôi nghĩ, Chế Lan Viên
cảnh báo chúng ta, những người cầm bút hãy nghiêm khắc phê và tự phê lại mình,
người cầm bút mọi thời chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc.
Tôi không quên, trong
bài Muôn vàn tình thương yêu của Việt Phương, tác giả
cho người đọc biết Bác Hồ "không cho gọi trận đánh chết nhiều
người là trận đánh thắng đẹp..." chiến tranh không bao
giờ là ngày hội! Và nhà thơ, nhà văn không bao giờ được "thi vị hóa"
một cách "bốc đồng" nông nổi.
·
Mời quí vị độc giả theo dõi tiếp kỳ 2: "Quyền lực của
thi ca, quyền uy của thi sĩ"
Theo Tuần Việt Nam
Nhận xét