Mời bà con thưởng thức món Xôi màu Mường Khương

Xôi màu Mường Khương
                                         Ngọc Dương/ PNTB


 Từ thuở nhỏ, tôi đã được thưởng thức hai món xôi màu vào những ngày lễ, tết. Ấy là xôi gấc màu đỏ và xôi giành giành màu vàng. Những món xôi này không phải chỉ nhuộm màu cho đẹp mà còn ngon hơn, ngậy hơn, đặc biệt là được tăng cường chất bổ dưỡng, hơn nữa còn có tác dụng chữa một số bệnh từ những quả gấc, quả giành giành. Tuy nhiên, những món xôi này cũng chỉ thuần có một màu.

Ở vùng cao, đồng bào dân tộc thường làm những món xôi nhiều màu. Tôi cũng đã được thưởng thức ở một số nơi, nhưng chỉ có món xôi màu ở Mường Khương là  khoái khẩu hơn cả. Đã đến Mường Khương nhiều lần,  lần nào ra về, ẩm thực Mường Khương cũng để lại trong tôi ấn tượng khó quên, trong đó có xôi màu, gà núi, lợn cắp nách, đậu phụ và rượu ngô.
Một góc hàng rau ở chợ Mường Khương
Trong bài viết này tôi xin chia sẻ với bạn đọc món xôi màu Mường Khương. Lân la hỏi một chị người dân tộc Nùng Dín bán xôi màu ở chợ, tôi được biết đồng bào đã làm xôi màu như thế nào.

Việc chế màu cho xôi không phải là thứ màu thực phẩm công nghiệp mà đều từ những thứ cây lá có nguồn gốc từ trong rừng, vừa không độc hại, vừa đẹp, vừa có thể đồng thời là thuốc bổ, đã trải qua kinh nghiệm truyền từ đời nọ qua đời kia. Người Nùng Dín thường dùng ba loại cây lá chàm ( tiếng Nùng gọi là nùng chẩm) để chế màu nhuộm xôi. Loại thứ nhất có tên  chẩm thủ sẽ cho màu đỏ. Loại thứ hai là chẩm lai sẽ cho màu tím, và khi pha với chẩm thủ lại cho thêm màu lục. Loại thứ ba là chẩm khâu sẽ  cho màu xanh cô ban. Thứ lá này khi luộc sẽ ra màu tím, nhưng khi hơ lửa lại cho màu khác. Khi vò nát ra cũng cho ra màu tím, nhưng sắc tươi hơn luộc. Người ta giã lá tươi cho thêm vào một chút nước tro lại chuyển thành màu da trời. Lấy hoa của nó màu vàng giã lấy nước màu vàng nhuộm cho gạo nếp, nếu ngâm tiếp trong nước khoảng một, hai tiếng đồng hồ sau lại chuyển thành màu da trời! Ngoài ra, có một thứ cây đồng bào gọi là bằng lai lá hơi giống lá cây hồng, cây thân gỗ, cao khoảng một mét cũng dùng để chế màu nấu xôi. Rễ cây có màu vàng, nhưng khi giã nát trộn với nước tro lọc lại cho màu đỏ. Người ta thường lấy lá cây này ăn sống, có vị vừa chua chua vừa chát chát rất hợp với dân nhậu. Thấy nói cây này còn dùng chữa một số bệnh về gan...
Nhiều mầu xôi được trộn lại thành xôi nhiều màu

Quy trình làm xôi màu của đồng bào cũng khá “công trình”. Chỉ xin giới thiệu vắn tắt như thế này: Đồng bào chế nước màu theo yêu cầu từ những loại cây lá nói trên và sử dụng thêm củ nghệ vàng để lấy màu vàng, tro than đốt ra từ một loại cây rừng để lấy màu đen... Thứ xôi này phải chọn loại gạo nếp hạt to, dài và đều. Khi xôi chín, những hạt xôi nom rất mọng, cứ như thể những con nhộng tằm. Gạo nếp sau khi ngâm, vớt ra, để ráo nước, rồi mỗi bát nước màu trộn đều với gạo, để riêng ra, sau hai tiếng đồng hồ mới lần lượt cho vào chõ xôi...

Xôi chín, mở vung, khói bay nghi ngút, quấn quyện trên miệng chõ như sương sớm vùng cao. Các chị phụ nữ Nùng Dín Mường Khương da trắng như trứng gà bóc, lấy lá dong rửa sạch, lau khô, xới xôi ra lá, những màu xanh, đỏ, tím, vàng... vừa đẹp mắt, vừa hấp dẫn. Một mùi thơm quyến rũ của hạt gạo nếp và lá cây rừng vùng cao cứ lôi cuốn con người. Xin cam đoan, trông thấy, ai cũng muốn thò tay véo một miếng ăn xem mùi vị thế nào. Ăn rồi, lại muốn ăn nữa !

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.