Mẹo tính nhẩm can, chi của năm âm lịch

Có thể bạn chưa biết?
Mẹo tính nhẩm can, chi của năm âm lịch.
PNTB
Chỉ cần để ý một chút thì cách tính can, chi của năm âm lịch sẽ chính xác, nhưng đã có không ít bài viết, thậm chí mang tính nghiên cứu mà nói sai can, chi của một năm nào đó khiến người đọc giảm lòng tin vào cả bài viết (con sâu làm rầu nồi canh). Bởi vậy, tôi xin chia sẻ bài viết này. Nếu vị nào chưa biết thì có thể tham khảo.
Trước hết nói lại can, chi là gì?
Có 10 can là Giáp, Ất , Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Có 12 chi ứng với 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Ta thường nghe nói năm 2013 là Quý Dậu, 1990 là Canh Ngọ v.v...  Trong một lục thập hoa giáp (60 năm) thì có 6 lần lặp lại Can, 5 lần lặp lại Chi, và 1 lần lặp lại cả Can, Chi. Ví dụ: 1953 là năm Quý Tỵ thì đúng 10 năm sau (1963) Can được lặp lại là Quý, nhưng đó là Quý Mão; đúng 12 năm sau (1965) chi được lặp lại là Tỵ nhưng  là Ất Tỵ và đúng 60 năm sau (2013) thì cả Can và Chi được lặp lại là năm Quý Tỵ.
Bằng kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra tất cả những năm âm lịch ứng với 10 can đều chứa duy nhất một chữ số cuối. Đó là số 4 ứng với can Giáp, số 5 can Ất, số 6 can Bính, số 7 can Đinh, số 8 can Mậu, số 9 can Kỷ, số 0 can Canh, số 1 can Tân, số 2 can Nhâm, số 3 can Quý. Còn chi thì cứ tuần tự hết 12 năm lặp lại một lần như trên đã nói.
Vì thế cho nên, khi ai đó viết về lịch sử chẳng hạn nói đến một năm nào đó trong quá khứ xa xôi mà viết cả Can, Chi thì ta có thể nhẩm ngay ra người đó viết đúng không. Ví dụ viết "năm Canh Dần 1890". Ta thấy: Can Canh là đúng rồi, vì nó có chữ số cuối là 0, còn chi thì ta nhớ chính xác lấy một năm nào đó gần 1890 để tính lân lên hay xuống, hoặc nhớ chính xác lấy một năm Canh Dần gần đây để trừ đi 1890 rồi chia cho 60, nếu hết là chính xác. Ví dụ: gần đây năm 2010 là năm Canh Dần, ta lấy 2010 trừ (-) 1890 = 120. Lấy 120 chia cho 60 (lục thập hoa giáp) vừa chẵn 2 lần. Nên ta khẳng định năm 1890 đúng là năm Canh Dần.
Hôm nay tôi vừa đọc bài báo "Vắng như chùa Bà Đanh" trên báo Dân trí có đoạn viết: " Sự tích Pháp Vân được chép trong bản “Cổ châu tứ pháp ngọc phả” bằng chữ Hán do tiến sỹ Đỗ Huy Liệu soạn vào ngày 15 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1918) còn lưu giữ ở chùa". Tôi có thể nói ngay rằng,  viết Nhâm ngọ là không chính xác. Năm 1918 là năm Mậu ngọ, vì chữ số cuối là số 8 thì phải là "Mậu" chứ không thể "Nhâm" được! Nếu Nhâm ngọ thì phải là năm 1942 hoặc lùi lại 60 năm là năm 1882 hoặc tiến lên 60 năm là 2002... Cho nên người biên tập báo biết được mẹo tính nhẩm can, chi thì có thể xem xét lại mà chỉnh sửa.

Tuy nhiên, có trường hợp vào những ngày, tháng cuối năm của năm âm lịch lại là đầu năm của năm dương lịch nên cần phải xem xét chính xác hơn. Ví dụ: mồng 9 tháng Hai năm 2013 dương lịch, nhưng vẫn là 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn (2012 âm lịch).

Có thể còn có rất nhiều cách tính khác nhau bằng cách nhẩm mà không cần tra cứu lịch thế kỷ, lịch thiên niên kỷ hay phải tính toán cầu kỳ để tính ra  can, chi của một năm bất kỳ.  Bài viết này chỉ xin chia sẻ một chút theo kinh nghiệm cá nhân. Có gì thiếu sót mong quý vị thể tất.

Nguyễn Ngọc Dương/PNTB


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.