"Luật pháp trên trời, cuộc đời dưới đất"

Thứ Sáu, ngày 11/01/2013 - 21:00 (GMT+7)
Ra quy định: Không cho nhìn mặt người đã khuất

Nếu quan tài pha lê được các chú lùn thay bằng gỗ đóng đinh thì hoàng tử của Nàng Bạch Tuyết chẳng còn cơ hội nào. May mà hồi anh em nhà Grim còn sống chưa có ...điều 4, 
nghị định 105.

Trong quy định này ghi rằng: Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài.  Theo ông Hồ Trí Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức -Cán bộ, sở dĩ có quy định này bởi có 3 lý do: Thứ nhất, loại quan tài lắp kính này chỉ mới xuất hiện khoảng chục năm và không phải truyền thống của người Việt. Thứ hai, ông cho rằng, việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe của người đến dự đám tang. Cuối cùng, việc lắp kính có thể gây đổ vỡ, rơi xuống người đã mất. Theo ông quan sát thì đa phần người đến viếng cũng chỉ nhìn lướt qua quan tài, vì vậy để kính là không cần thiết.

Với những lý do và cách giải thích trên chắc hẳn sẽ khiến nhiều người… phì cười vì nhìn hay không nhìn mặt người đã khuất là quyền riêng của mỗi người. Trong khi có một số gia đình không làm ô kính, họ còn để mở nguyên nắp quan tài thì sao, còn việc sợ ô nhiễm môi trường thì đã có cơ quan y tế giám sát và có biện pháp tức thời ngay tại nhà tang lễ. Chuyện lo kính vỡ cũng quá thừa, bởi hơn ai hết, người nhà của người đã mất còn lo hơn các vị.
Tóm lại, càng phân tích càng thấy quy định và cách lý giải tủn mủn, chi tiết, vụn vặt và duy ý  chí. Trong khi điều dân mong đợi ở các Nghị định, quy định đưa ra phải là bộ khung vững chắc, làm tốt hơn cho cuộc sống, người dân chỉ việc dựa vào đó mà thực hiện linh hoạt với thực tế ra sao là tùy hoàn cảnh, có thế dân mới muốn làm theo. Đằng này với hàng loạt quy định cấm như đám cưới 50 mâm, không được biếu quà cấp trên vào dịp Tết và giờ đến Nghị định này khiến người dân không khỏi thắc mắc về cách nghĩ của một số công chức. Thử hỏi có ai muốn nhìn mặt người xa lạ đã chết để làm gì!
Toàn Phong 
Nguồn: SM.

Ý kiến của các nhà khoa học:

"Một tiến sĩ nhân học đề nghị không nêu tên lại không đồng ý với những lý do trên. Ông cho rằng việc sử dụng kính có mục đích riêng. Bản thân việc được sử dụng hàng chục năm nay đã biến đây trở thành truyền thống. “Sao lại dùng biện pháp hành chính để cấm đoán thực hành văn hóa của người ta trong khi nó chẳng ảnh hưởng đến ai cả? Nếu không làm ô kính, người ta sẽ không đóng ván thiên mà để nguyên quan tài mở thì sao”, nhà nghiên cứu này cho biết. 

PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cũng cho rằng không nên có quy định quá cụ thể  như vậy. Việc sử dụng quan tài có kính, theo ông phụ thuộc phong tục tập quán từng nơi, từng gia đình. “Không nên sợ mất vệ sinh vì nếu có bệnh truyền nhiễm đã có bên y tế lo. Chuyện vỡ kính quan tài, tự thân nhà người ta sẽ lo. Chính sách chỉ nên can thiệp sao cho tiết kiệm và tránh ô nhiễm thôi”. 

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia lại lấy ví dụ về đám tang ở Nga ông từng dự để chứng minh quy định trên chưa hợp lý. “Tấm kính là chuyện của gia đình, để bạn bè thân thiết nhìn. Tôi từng dự một số đám tang người Nga, người ta còn đến hôn lên trán người đã chết. Nên quy định những điều thiết thực hơn”. (Nguồn:Thanh Niên).

Bật cười vì... nghị định 
07/01/2013 3:20

Hôm qua, một cán bộ cao cấp (đã nghỉ hưu) bật cười khi được đề nghị bình luận về Nghị định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức mà Bộ VH-TT-DL vừa họp báo công bố. Ông gọi đó là sự “quan liêu và thiển cận”. Nghị định này quy định việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần.

Thứ nhất, về tính cần thiết thì không cần phải có một văn bản ở tầm Nghị định quy định về một sinh hoạt mang tính văn hóa, tâm linh cho đối tượng hẹp là cán bộ, công chức, viên chức khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có đủ các quy định về vấn đề này từ rất lâu. Cán bộ, công chức trước hết là công dân, quy định gì cho họ cũng không thể vượt quá nhân quyền. 


Thứ hai, văn bản vừa công bố chứa đựng nhiều quy phạm không khả thi. Quy định quan tài không để ô cửa có lắp kính na ná kiểu “ngực lép không được lái xe”. Nó chẳng hợp lý cũng không hợp pháp. Mà nếu đối tượng điều chỉnh không thực hiện thì cũng không có chế tài, cũng chẳng có lực lượng xử phạt.

Gần đây, chưa nói đến những quy định được ban hành khiến dư luận “nổi giận” vì sự thiếu tôn trọng đối với đối tượng điều chỉnh mà có quá nhiều những quy định không có tính khả thi. Đó thực sự là những quy định “treo giấy” như: quy định về xử phạt nghe điện thoại tại cây xăng, xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt lái xe ôm không đeo biển hiệu... 

Vì sao ngày càng có nhiều văn bản thiếu tính khả thi? Trước hết, bởi vì việc lấy ý kiến đối với văn bản luật chưa được thực hiện nghiêm túc. Cơ quan soạn thảo ít chú ý tới việc đánh giá tác động của văn bản khi áp dụng vào cuộc sống. Chính vì vậy, văn bản vừa ban hành, thậm chí là chưa có hiệu lực, đã phát sinh những điều không hợp lý cần chỉnh sửa. Cơ quan quản lý vẫn đặt mình vào vị trí của người kiểm tra, giám sát đối với mọi hoạt động của công dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, họ không thực sự lắng nghe dân mà luôn luôn áp đặt ý chí chủ quan của mình vào văn bản pháp luật. 

Đến giờ, Bộ NN-PTNT là cơ quan hiếm hoi lên tiếng về việc xem xét kỷ luật cán bộ, công chức tham mưu ban hành văn bản quy định thịt gia súc, gia cầm chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ, hồi tháng 9. Lỗi của người tham mưu ở đây là đã không biết rằng, xác định miếng thịt đang bày bán đã quá 8 tiếng đồng hồ kể từ khi giết mổ là việc không tưởng.

Còn rất nhiều những quy định không tưởng như vậy, ai chịu trách nhiệm? Luật pháp phải có tính “thiêng”, nếu cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để sửa hoặc đánh bài “lờ” sẽ khiến người dân coi thường luật pháp. Khi “luật pháp trên trời, cuộc đời dưới đất”, sẽ dẫn tới chuyện người dân hành xử không theo pháp luật mà tự xử, cuộc sống từ đó mà trở nên phức tạp.

An Nguyên
Nguồn: Thanh Niên.

Nhận xét

Unknown đã nói…
Bộ VHTT$DL vừa cho ra đời cái gọi là” Nghị định 105 (điều 4) cấm không được dùng mặt kính đậy nắp quan tài. Xin có mấy câu thơ bình như sau:

Quan lớn chết để trong hòm
Có gương, có kính cho nhòm hẳn hoi.
Dân đen cũng một kiếp người
Mà khi chết vẫn chịu đời dân đen.
Nẳm im thin thít trong hòm
Không cho con cháu... nom dòm viếng thăm.
Âm dương cách trở ngàn trùng.
Những giây phút cuối mong nhìn mặt nhau.
Hỏi rằng duyên cớ vì đâu
Cấm “hòm” có kính để sầu cho dân?
Việc nào có lợi thì cần
Nghị định vô lý như phân ngoài bờ.
Bao công việc khẩn đang chờ
Mãi đến bây giờ giải quyết chưa xong.
Xã hội như mớ bòng bong
Riêng phần văn hóa cũng vòng quẩn quanh.
Phải nên phân định rõ rành
Việc cần ta phải làm nhanh kịp thời.
Việc người thân đã qua đời.
Hòm có kính để mọi người... chia ly.
Nên sửa nghị định lại đi!
NGƯỜI VÔ HOC - 3T

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.