Một thoáng Lai Châu
Một thoáng Lai Châu
Nguyễn Ngọc Dương
![]() |
Trung tâm hành chính tỉnh Lai Châu lúc bình minh. Ảnh Phó nhòm |
Từ thành phố
Lào Cai theo quốc lộ 4D qua Sa Pa, vượt đèo Trạm Tôn lượn sang sườn tây dãy
Hoàng Liên Sơn, nơi có ngọn núi Phan Si Păng nổi tiếng, qua Bình Lư (bây giờ là
huyện Tam Đường) là đến thị xã tỉnh lỵ Lai Châu mới nhưng lại là Tam Đường cũ.
Hình như sau chia cắt đơn vị hành chính và biến cố di dân lấy chỗ làm thủy điện
thì có nhiều địa danh đổi tên cho nhau hoặc cho nhau mượn tên? Chẳng hạn, thị
xã Mường Lay (nay thuộc Điện Biên) nhường chỗ cho hồ nước thủy điện Sơn La
“chạy” sang thị xã Lai Châu (cũ) , Thị xã Lai Châu lại chạy về Tam Đường, Tam
Đường lại di sang Bình Lư...
![]() |
Sáng sớm trên khu vực Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh Phó nhòm |
Sự bất ngờ đầu
tiên là bắt gặp một thị xã tỉnh lỵ nơi xa xôi, hẻo lánh vừa được xây dựng, chưa
hoàn thiện mà diện mạo đã khang trang, hiện đại. Thị xã Lai Châu mới nằm gọn
trong một lòng chảo tuyệt đẹp. Xung quanh bao bọc bởi những dãy núi đá tầng
tầng, lớp lớp vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Hiếm có một đô thị đường sá thênh
thang, sạch sẽ mà thưa thớt xe cộ. Đây có thể sẽ là niềm mơ ước của nhiều người
Hà Nội và đa số những đô thị chen chúc, bụi bặm khác? Khu hành chính của tỉnh
được xây dựng tập trung ngay cạnh quảng trường lớn là điểm nhấn của thị xã. Từ
xa đã nhìn thấy một cái cổng rộng có mái võng xuống giống y chang cái cổng của
khu hành chính Châu Hồng Hà, Vân Nam , Trung Quốc. Mấy anh bạn đi
cùng xe đoán già đoán non: chắc thị xã này do Trung Quốc thiết kế, xây dựng?
Còn tôi trộm nghĩ, Lai Châu, một tỉnh nghèo nhất nước mà tỉnh lỵ xây dựng đẹp
thế này thì chắc chắn phải được Trung ương rất quan tâm và đây quả là một “kỳ
tích” của những nhà lãnh đạo tỉnh!
![]() |
Một góc Quảng trường lớn trong đêm Ảnh Phó nhòm |
Xong công việc
chính, Hội văn nghệ Lai Châu tạo điều kiện cho mấy anh em đi thăm huyện. Đỗ Thị
Tấc có việc ở Hà Nội nên giao lại cho phó chủ tịch Nguyễn Thị Vân và anh chị em
văn phòng lo. Văn Chinh đi huyện gần nên cán bộ Trần Văn Hoàng ở văn phòng hội
đèo xe máy. Mình với Trần Chiến, Phùng Chiến và nhạc sĩ Vương Khon, người có
những ca khúc nổi tiếng nhất Tây Bắc đi Mường Tè. Nghe đây là huyện xa xôi
nhất, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu nên đã hấp dẫn tính tò mò của mấy tay làm
báo chí, nghệ thuật.
![]() |
Công trường nhà máy thủy điện Lai Châu đang thi công. Ảnh Phó nhòm |
Con đường đi
Mường Tè khoảng 200 cây số mà xe tốt, “gầm cao máy thoáng”, dưới sự điều khiển
của tay lái lụa Trần Ngọc Thắng cũng mất 9 tiếng đồng hồ, bình quân hơn 20 cây
số/ giờ. Chẳng là trong khoảng mấy chục cây số trên quốc lộ 12, xuôi theo dòng Nậm Na, người ta đang làm tới
3 nhà máy thủy điện hạng vừa, nên phải đào bới đồi núi, tạm thời tạo ra đến 5
điểm tắc đường. Anh em công nhân làm việc 1 giờ, được nghỉ cho thông đường 30
phút. Nhiều lúc vừa thoát ở điểm trên, xuống điểm dưới thì barie cũng đang từ
từ hạ. Lại chờ đợi. Đến ngã ba nơi con sông Nậm Na gặp sông Đà thì rẽ sang tỉnh
lộ 127, ngược dòng Nậm Te (tên gọi sông Đà của đồng bào nơi đây). Có lẽ từ cái
tên Nậm Te mà có địa danh Mường Tè huyện, Mường Tè xã. Phải tận mắt ngược
thượng nguồn sông Đà mới thấy sự “hoành tráng” và hung dữ của nó. Bởi độ dốc lớn,
hai bên bờ là những vách núi đá dựng đứng, dưới lòng sông đá cuội cỡ bằng những
chiếc ô tô tải thậm chí to bằng ngôi nhà xếp lổng chổng, cưỡng lại dòng nước chảy
xuôi, khiến nhiều chỗ tung bọt trắng xóa, phát ra thứ âm thanh “gầm gừ” như con
sư tử đang lim dim đôi mắt ngái ngủ. Nhà nước mình từ lâu đã biết sự lợi hại
của sông Đà nên đã quyết tâm chinh phục. Tháng 11/1979 khởi công và 15 năm sau
khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở hạ lưu. Gần đây lại làm nhà máy thủy
điện Sơn La, to nhất Đông Nam Á, công suất lớn hơn nhà máy thủy điện Hòa Bình
đến 480 megawatt. Và ngay trên đoạn Nậm Te của đất Lai Châu (xã Nậm Hàng, Mường
Tè) cũng đang thi công Nhà máy thủy điện Lai Châu. Tôi nói đùa với mấy nhà văn
Hà Nội: “Con gà tức nhau tiếng gáy. Hòa Bình có thủy điện Hòa Bình, Sơn La có
thủy điện Sơn La thì không lý gì Lai
Châu không có thủy điện Lai Châu!” Vậy là trên mình con sông Đà cho đến nay đã
có 3 nhà máy thủy điện lớn, tổng công suất thiết kế 5520 megawatt. Thủy điện
Lai Châu tuy công suất thiết kế chỉ bằng nửa Thủy điện Sơn La, nhưng nó nằm ở
đoạn trên cùng của thượng nguồn sông Đà, nơi dòng hẹp nhưng không kém phần hung
dữ. Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng bào các
tộc người Lai Châu đã vui vẻ nhường lại đất ở, đất canh tác ven sông, suối vốn
đã sinh sống từ ngàn đời cho hồ nước thủy điện mênh mông. Những “bờ xôi ruộng
mật”, những tổ ấm bao năm xây dựng chẳng mấy thí nữa chìm nghỉm dưới lòng hồ
sâu như biển. Người dân được tái định cư thành những làng bản mới sống tập
trung trên những sườn đồi cao với những ngôi nhà lợp brô xi măng, lợp tôn nổi
bật trên nền xanh của núi rừng...Cuộc sống của hàng vạn gia đình chắc chắn bị
đảo lộn, cuộc mưu sinh nơi sơn cước đặt ra nhiều bài toán phải tiếp tục giải...
Thế mới biết đồng bào Tây Bắc đã hy sinh cho đất nước như thế nào.
![]() |
Hồ Thủy điện Sơn La khi mới đóng thử cửa đập Ảnh: Phó nhòm |
![]() |
Đất canh tác "bờ xôi ruộng mật" của người dân Mường Tè, sắp tới sẽ thành lòng hồ thủy điện Lai Châu. Ảnh Phó nhòm |
![]() |
Trịnh Tuấn Anh (phải) và nhạc sĩ Phùng Chiến. Ảnh Phó nhòm |
![]() |
Công trường sx đá phục vụ xây dựng đường giao thông Ảnh Phó nhòm |
![]() |
Bên dòng suối Nậm Củm, qua trung tâm xã Mường Tè Ảnh Phó nhòm |
![]() |
Cô giáo Trần Thị Hương nguyện mang cái chữ suốt đời phục vụ con em Mường Tè. Ảnh Phó nhòm |
Tạm biệt Lai
Châu trong một không khí ấm áp đầy tình người của những chàng trai, cô gái trẻ làm
văn nghệ. Các em Nguyễn Thị Thanh Vân, phó chủ tịch Hội, Nguyễn Thị Thanh Mai,
phó văn phòng, Trần Ngọc Thắng, Trần Văn Hoàng (Việt Hoàng) thay mặt tập thể cơ quan Hội
tiễn chúng tôi trong một buổi sáng mùa đông đầy nắng ấm của núi rừng Lai Châu,
miền biên viễn Tây Bắc của Tổ Quốc thân yêu.
Ôi Lai Châu,
chỉ một thoáng mà sao thương mến vô cùng!
Lai Châu, 20/12 – Lào
Cai 22/12/2012
N.N.D
Nhận xét
Thầm mong có dịp tới nơi Mường Tè.
Đất nghèo lắm dốc, nhiều khe
Mưa phùn rét buốt, trưa hè năng nung.
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chung tay xây dựng một vùng núi non.