Vụ bắt giam Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng: Những tình tiết chưa tâm phục...

Thứ Năm, ngày 01/11/2012 - 17:00 (GMT+7)
(PL&XH) - Trong vụ án này có hai khu vực bị hủy hoại tài sản, đó là khu vực trong quyết định cưỡng chế và khu vực ngoài vùng cưỡng chế.
·                               
Sau khi cơ quan tiến hành tố tụng TP Hải Phòng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên PCT UBND huyện Tiên Lãng, để điều tra về tội hủy hoại tài sản sau vụ cưỡng chế trái luật tại xã Vinh Quang ngày 5-1, một số ý kiến chưa khâm phục quyết định của cơ quan tố tụng TP Hải Phòng.
Công chưa tỏ
Năm 2002 - 2003, UBND huyện Tiên Lãng đã có hàng loạt các quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Người ra quyết định thu hồi đất khi ấy là ông Phạm Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (nay là Chủ tịch Hội nông dân TP Hải Phòng). Căn cứ thu hồi đất được lãnh đạo huyện Tiên Lãng viện dẫn bởi các quyết định giao đất trước đó đã hết thời hạn.

Các hộ nuôi trồng thủy sản khiếu nại quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Trong quá trình khiếu nại, có hộ dân chọn con đường “tách” nhỏ diện tích đầm nuôi trồng thủy sản cho người nhà “đứng tên” trong đơn xin giao đất để được tiếp tục giao, cho thuê quyền sử dụng đất. Có hộ dân chọn con đường khởi kiện quyết định thu hồi đất ra tòa án. Kết cục, tại tất cả các phiên tòa, kể cả có kháng nghị của VKSND tối cao về căn cứ pháp lý thu hồi đất, căn cứ áp dụng pháp luật, bản án của hai cấp tòa vẫn công nhận tính đúng đắn quyết định hành chính, người dân vẫn bị thu hồi đất.

Năm 2011, ông Nguyễn Văn Khanh với cương vị PCT UBND huyện Tiên Lãng được ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng giao giải quyết khiếu nại thu hồi đất của hai hộ ông Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Văn Luân. Trên cơ sở giải quyết khiếu nại, ông Nguyễn Văn Khanh đã kiến nghị với UBND huyện Tiên Lãng về việc tiếp tục cho các hộ dân được thuê đất để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, kiến nghị của ông Khanh đã không được UBND huyện Tiên Lãng lắng nghe để rồi sau đó diễn ra cuộc cưỡng chế trái luật. Điều đáng chú ý là, đang từ người phản đối quyết định cưỡng chế thu hồi đất, ông Khanh lại được lãnh đạo huyện Tiên Lãng giao trọng trách làm Trưởng Ban cưỡng chế thu hồi đất.

Đây không phải lần đầu tiên ông Khanh có các “phản ứng” trái chiều với lãnh đạo để bảo vệ quyền lợi người nông dân. Như báo PL&XH đã từng phản ánh, cuối năm 2009, Cty TNHH Sơn Trường (trụ sở tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng) chỉ với 4 trang giấy khổ A4 đã trình bày trước một số lãnh đạo Hải Phòng, lãnh đạo các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo về một “siêu” dự án sản xuất nông nghiệp với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, sử dụng gần 2.000 ha đất nông nghiệp của người nông dân trên địa bàn. Lúc này, ông Khanh là một trong số ít lãnh đạo các huyện phản đối “siêu dự án” bởi tính không khả thi. Kết cục, Dự án vẫn được triển khai tại các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Đến nay, Dự án đã chết yểu, người nông dân một số xã tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo phải “đáo tụng đình”, yêu cầu DN phải bồi thường thiệt hại do khi thực hiện Dự án, các cánh đồng trồng lúa đã bị “băm nát”.

Tội cần làm rõ

Ông Khanh vừa bị bắt tạm giam, quá trình tố tụng mới được bắt đầu, người phát ngôn của CA TP Hải Phòng đã thông tin cho một số cơ quan truyền thông như: Chưa có chứng cứ kết luận ông Khanh là người từng phản đối thu hồi đất; ông Khanh là người phân công tổ công tác số 2 tổ chức phá hủy nhà ông Quý, đồng thời có biểu hiện loanh quanh, chối tội…

Luật sư Lê Quang Hiệp, đoàn luật sư TP Hải Phòng trăn trở, Bộ luật hình sự quy định, một người chỉ được coi là có tội khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy, không thể kết luận ông Khanh có biểu hiện loanh quanh chối tội khi cơ quan tiến hành tố tụng mới tiến hành khởi tối bị can, bắt đầu các hoạt động tố tụng. Luật sư Hiệp phân tích, nếu như cơ quan điều tra xác định đây là một hướng điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội cho người có hành vi vi phạm pháp luật.

Để dẫn chứng cho lập luận của mình, luật sư Lê Quang Hiệp chứng minh: trong khi thông tin từ CA Hải Phòng cho rằng không có chứng cứ ông Khanh phản đối việc thu hồi đất thì Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng từng có văn bản khẳng định việc ông Khanh phản đối việc thu hồi đất. Chứng minh chứng cứ này không khó đối với cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng.

Chưa hết, các ông Phạm Xuân Hoa-Trưởng phòng TN-MT huyện, Phạm Đăng Hoan-Bí thư đảng ủy, Lê Thanh Liêm-Chủ tịch UBND xã  Vinh Quang (cùng bị khởi tố với ông Khanh) được xác định thành khẩn khai báo, sẵn sàng bồi thường thiệt hại nên được áp dụng biện pháp tại ngoại. Luật sư đặt vấn đề: Vụ án đã khởi tố từ 8-2, phải hơn 8 tháng, cơ quan tiến hành tố tụng mới khởi tố bị can, như thế liệu các bị can (được tại ngoại) cũng như một số cá nhân khác biết việc hủy hoại tài sản nhà ông Vươn, nhà ông Quý có cấu thành tội che giấu, tội không tố giác tội phạm không?

Trong vụ án này có hai khu vực bị hủy hoại tài sản, đó là khu vực trong quyết định cưỡng chế và khu vực ngoài vùng cưỡng chế. Bản thân ông Khanh cũng từng thừa nhận, có sai sót trong việc phá dỡ hai lều trông cá của gia đình ông Vươn trong khu vực cưỡng chế. Trong khi đó, có nhiều chứng cứ cho thấy công trình (nhà hai tầng) ngoài vùng cưỡng chế đã bị hủy hoại sau khi đoàn cưỡng chế bàn giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý.

Dư luận đặt câu hỏi toàn bộ việc hủy hoại tài sản là hệ lụy từ quyết định và chủ trương của những người đứng đầu huyện Tiên Lãng nhưng vì sao những cán bộ này vẫn không bị “thăm hỏi”? Người dân hy vọng, sau khi khởi tố bị can đối với bốn ông Khanh, Hoa, Hoan, Liêm, những cá nhân chịu trách nhiệm chính trong vụ hủy hoại tài sản sẽ được làm rõ.

Nam Khánh
Nguồn:Theo Báo Pháp luật và Xã hội




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.