Nước mắt để dành - Truyện ngắn

Thứ Sáu, ngày 02/11/2012 - 8:30 (GMT+7)
PNTB - Tống Ngọc Hân sinh năm 1976, đang sinh sống tại Sa Pa. Chị là hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Trong những năm gần đây chị là một trong những cây văn xuôi xuất sắc, có nhiều truyện ngắn hay. Phó nhòm tây bắc đã có bài Thân phận người đàn bà trong truyên ngắn nước mắt để dành của Tống Ngọc Hân đăng trên blog này. Xin giới thiệu Nước mắt để dành của chị. 
Nước mắt để dành
                                              Truyện ngắn – Tống Ngọc Hân
Nhà họ Phàn lại có đám cưới. Chú rể tròn hai mươi tuổi, là con út của Phàn Quáng Sình. Thực ra Phàn Phủ Siểu muốn lấy vợ từ ba năm trước nhưng ông Phàn Quáng chê nhỏ chưa cho lấy. Cả nó nhỏ, mà cả đứa con dâu cũng còn nhỏ.

Vốn nhà dâu và nhà rể đều chung một bản nên việc cưới hỏi cũng có phần thuận lợi. Thuận lợi hơn, nhà họ Chảo và họ Phàn đều là người Dao đỏ và có mối quan hệ bền vững qua việc gả con cái cho nhau, dễ cũng có cả chục đám rồi.
Ba năm trước Chảo Mẩy có mười một tuổi, mà đàn lợn sáu con nhà Phủ Siểu con nào cũng mới lưng lửng tạ rưỡi. Ông Quáng cầm chắc là số thịt ấy không đủ làm đám, ít cũng phải mười hai con....Sau ba năm....
Nhìn sáu con lợn đực ngót nghét ba tạ, một con bị trói chụm bốn chân  nằm nghiêng vật vã dưới sân, ai ai cũng hoảng....
Từ mấy ngày trước đám cưới của Phủ Siểu, nhà ông Quáng đã ăm ắp người ra kẻ vào. Rượu đã đong đầy cả chín cái chum cái, dù bịt kín bằng vải đỏ vẫn cứ phơi phới phô phang cái mùi thơm nồng quyến rũ của thóc gạo nương. Cả chục thúng gạo nếp thơm chồng lên nhau chờ ngày vào chõ. Bọn gà trống mào đỏ rựng bị nhốt trong rọ mà vẫn ngứa cựa vè nhau, đôi lúc còn nổi hứng gáy um lên thách thức.
Khói bếp từng cột lớn cuồn cuộn phun ra từ mái bếp chảy lênh láng vào nắng chiều, rồi để gió cứ chia nhỏ, chia nhỏ cái mùi thơm thanh thanh của thảo quả. Chỉ dăm lá thảo quả bỏ vào bếp, là khói đã thơm lừng cả một vùng trời Nậm Toóng. Nương thảo quả nhà Phủ Siểu lớn nhất nhì ở bản nên nghe nói bà chị dâu của Phủ Siểu đã đốt cả bó lá.
Nhà Phủ Siểu ngót hai mươi người cả già lẫn trẻ, cả trai lẫn gái. Thế nên cứ từng ấy người tất bật đi vào đi ra, lên nhà xuống bếp thì cũng đã cảm thấy đông đúc náo nhiệt rồi. Trẻ con nghỉ học, đàn ông, đàn bà nghỉ nương, nghỉ núi, ở nhà xắn tay lo đại sự. Lại thêm những nhân vật cốt cán được mời đến để bàn bạc cho ngày cưới nữa chứ. Người quan trọng nhất, được cung kính nhất có lẽ là ông thầy cúng tuổi đã chạm bảy mươi mà vẫn dẻo dai với ngót ba mươi năm chuyên lấy đùi lợn thiên hạ mang về sấy gác bếp nhà mình. Thầy Lý Biểu San nổi tiếng khắp vùng nhờ cái tài xui ma, khiến quỷ và lấy lòng thần linh. Từ đám ma, đám cưới, từ đám cất nhà, dựng bếp, từ lễ đến hội, từ sinh nở đến ốm đau ...Thầy đảm đương hết....Có khi cái oai của thầy còn bỏ xa cả già làng, trưởng tộc ấy chứ. Vì thế, dù thầy có đến muộn hơn hai vị kia cả giờ, nhưng xem ra, thầy mới là linh hồn của đám cưới nhà họ Phàn. Ngay cả lễ cấp sắc của Phủ Siểu sáu năm trước, cũng phải cậy đến thầy chứ ai.
Người nhà ông Quáng cứ tất bật ra vào, vào ra, chốc chốc lại cúi đầu chào những nhân vật quan trọng của đại sự. Đó là ba ông  kì cựu trong đội nhạc đám, một ông đánh trống, một ông thổi kèn và một ông gõ chiêng. Nghe nói họ đều là người họ Vàng trong bản Dao cả, cũng là chỗ quen biết. Sau đó là bốn thanh nữ tuổi từ mười hai đến mười sáu, tất cả đều được trang điểm xinh đẹp lộng lẫy để chuẩn bị cho lễ rước dâu từ tờ mờ sáng ngày hôm sau. Rồi hai ông bếp, một bà bếp có mặt, trông tác phong rắn rỏi nhanh nhẹn. Hai ông nhà bếp có tiếng với cái nghề băm chặt, xả thịt và chia phần. Còn bà bếp có đôi bàn tay thần kì khiến cho xôi dẻo, cơm ngon....Họ được mời đến nhà họ Phàn bằng cả sự kính nể trọng vọng.
Rồi đến cháu chắt, bà con họ hàng thân thích, lũ lũ lượt lượt, đến nhá nhem thì cũng tề tựu đông đủ. Phàn Phủ Siểu dáng cao lớn, thanh tú, mặt hoa da phấn, mày xanh, mắt sắc, giọng nói trầm ấm, khác biệt so với hai người anh trai đã lấy vợ của mình.
Có lẽ Phàn Quáng trông đợi, kì vọng ở Phủ Siểu nhiều nên muốn công việc chu đáo, đàng hoàng...
Phủ Siểu cứ ra vào nhấp nhổm. Kể từ ngày hỏi vợ cách đây tròn một năm, đến giờ Phủ Siểu gặp Chảo Mẩy có mấy lần, mà toàn gặp ở cổng trường học. Nghĩ đến cái cảnh Mẩy đang học dở lớp bảy mà bị bố mẹ lôi về gả chồng Siểu cũng thấy tội tội thế nào ấy. Chưa kể đến việc nồi cơm nhà Siểu to, chắc gì Mẩy bê nổi? Chưa kể đến việc ông bà nội Siểu  đã quá già trở nên khó tính khắt khe. Chưa kể đến việc mẹ Siểu quá khổ trở nên lầm lì, lạnh lùng...Rồi mấy chị dâu chưa ở riêng nữa chứ...Cứ nghĩ dài, nghĩ rộng, nghĩ sâu, nghĩ xa ra là Phủ Siểu thấy sợ, sợ Mẩy không cáng đáng được phận dâu con. Nếu lớn một tí, biết yêu, biết thương, biết nhường nhịn đã đành, đằng này Mẩy còn chưa biết gì, cứ thấy bạn trêu “Chồng tìm mày kìa” là Mẩy đội cặp sách lên đầu, lủi vào giữa đám bạn, mặt đỏ tía tai xấu hổ. Thân phận của Mẩy rồi cũng giống bà nội, giống mẹ và các chị dâu của Phủ Siểu thôi. Ba năm trước Phủ Siểu đòi lấy vợ, ông Quáng không đồng ý . Đợi anh trai của Phủ Siểu lấy trước đã. Rồi oái oăm thay vợ của Phủ Phong lại là Sỉnh, đứa con gái mà Phủ Siểu thích, đòi lấy.
Khi Sỉnh làm dâu họ Phàn, Sỉnh sống âm thầm, lặng lẽ không biểu hiện thái độ bất hoà hay cãi cọ gì cả. Có một lần duy nhất khi thấy Phủ Siểu giúp cô tắm cho thằng cu con là Sỉnh oà khóc. Phủ hỏi: “Sao chị khóc?” Ngay lập tức Sỉnh lau nước mắt, đôi mắt vốn ướt át long lanh, thoáng trở nên hung hăng tàn nhẫn: “Anh Phong không làm gì cả vẫn có ăn, có uống, có mặc. Đàn ông ở cái nhà này , ngoài cái việc ăn uống say sưa rồi về đè lên người những con đàn bà thì còn biết làm việc gì nữa?” Phủ Siểu thoáng thừa nhận. Ừ nhỉ, không  bao giờ bế con, không bao giờ giặt giũ cả khi vợ đau ốm, không bao giờ chia sẻ những công việc nặng nhọc. Những người trai họ Phàn kiêu ngạo không bao giờ mó tay vào những việc đàn bà ấy...Ừ nhỉ Sỉnh nói đúng.
Rồi một lần, giữa rừng, đang phát cỏ cho Thảo quả, Sỉnh ôm bụng kêu đau, Siểu đã đặt bàn tay ấm nóng cuả mình vào bụng chị dâu. Rồi hỏi han, lần này Sỉnh không khóc mà vít cổ em chồng xuống, đè lên mình để cơn đau biến mất...
Khi biết Siểu sắp lấy vợ, Sỉnh không tỏ thái độ gì rõ rệt cả. Sỉnh đã sinh đứa con thứ hai, nó vừa giống Phong, vừa giống Siểu. Siểu  thấy lòng xáo động với cảm xúc rất lạ. Liệu Sỉnh có chịu im lặng?
Cúng trong Lễ cấp sắc của người Dao
Ảnh Ngọc Dương
Tiếng những con lợn bị hoá kiếp kêu điên loạn cả một góc rừng. Những con lợn có ít nhất sáu năm tuổi, được nuôi cho một mục đích rõ ràng. Những tảng thịt đẫm máu treo ngổn ngang trong buồng cưới của Phủ Siểu, làm Siểu thoáng rùng mình khi nghĩ đến cô vợ trẻ mười bốn tuổi...
Đêm trước ngày đón dâu vốn là đêm sát sinh. Sáu con lợn, sáu nong thịt ngồn ngộn và cả hai chục con gà trống.
Mấy ông vua bếp quần áo dính đầy máu lợn, máu gà, cười hổn hển, nụ cười nào cũng nồng nồng mùi rượu thóc. Thứ rượu thóc đặc sản vùng này, uống một ngày say cả tuần.
Thầy cúng sau khi đã chuẩn bị xong bài cúng cho ngày hôm sau thì thảnh thơi ngồi nói chuyện. Xem chừng mọi thứ lễ lạt như tiền, bạc, xôi, gạo, lợn đối với nhà họ Phàn là chuyện nhỏ, gạo đang ăn là gạo của ba mùa trước, ba năm trước. Gạo bây giờ gặt về lại để ba năm sau mới ăn đến. Thầy cúng khi được gọi, được mời đến nhà họ Phàn cũng thấy mình danh giá thêm lên. Thầy San cũng như rất nhiều người đàn ông Dao khác, luôn đặt vấn đề danh dự họ tộc lên hàng đầu mỗi khi hành sự. Họ Lý ở đây không to, không bề thế bằng họ Phàn nhưng bù lại những người đàn ông họ Lý lại khá nổi tiếng với nghề cúng giải.
Người Dao lấy vợ rất kì công , tốn kém, ấy thế mà vẫn không tránh khỏi việc lộn xộn, bỏ nhau, chung chạ, vợ nọ con kia, âu cũng bởi đàn ông trăng hoa, đa tình. Dẫu chẳng danh chính ngôn thuận thì thầy San cũng ba vợ với chục mặt con. Nhưng cái nghề của thầy là thế, người ta vẫn ghen vì thầy “cúng ra vợ” cơ mà. Phàn Quáng, bố của Phủ Minh, Phủ Phong, Phủ Siểu tuy một vợ nhưng việc tắt đuốc đi đêm cũng chẳng hiếm đâu. Mà thôi, cũng gần đất xa trời cả rồi,  chỉ có ông trời mới có đủ quyền năng phán xét và định tội cái thói trăng đèn thôi. Có trăng quên đèn, có đèn bỏ trăng vốn là tính của đàn ông rồi. Thế nên việc chọn vợ cho con phải dò tông, dò tích cho kĩ lưỡng, kẻo không chừng trói buộc anh vào em thì khổ cả ba đời.
Họ Chảo với họ Phàn xem chừng có chút  đăng đối. Chảo Mẩy siêng năng, ngoan ngoãn giống mẹ của nó thì còn gì bằng, khác gì vớ được bạc nõn. Bằng không, nếu chua ngoa,  đanh đá, chây lười thì nguy cơ là rước họa phá gia.  Nhưng nói trước thế nào được với một cô dâu trẻ con, ăn chưa biết mời, mặc chưa biết đẹp...
Thầy San cứ nghĩ vẩn vơ vậy thôi. Cái nghề này, khoảng thời gian thư thái để suy nghĩ vẩn vơ là hiếm hoi lắm, chỉ khi nào trong người thấy thật bình an thôi.
Ông Quáng, sau khi bí mật sai thằng cháu họ gói kĩ một tảng thịt mang đi đâu đó thì hả hê lắm, hả hê ra mặt. Mẹ Phủ Siểu biết việc ấy, lần nào nhà có việc ông ấy cũng len lén làm việc đó. Hễ trót lọt là hả hê. Nhưng kể ra ông cũng là người có tình có nghĩa. Ngoài năm mặt con với bà, ông còn có hai đứa nữa với người khác. Đứa này đầy mồm, đứa kia nhạt miệng, lẽ nào ...Thôi, không bồng,  không bế, có miếng ăn, nhớ đến con, nó cũng đỡ tủi. Về với đất người ta còn cho con đến khóc một tiếng. Chỉ ghét cái thói dương dương tự đắc của cái lũ đàn ông thôi. Đàn bà trong nhà là cái máy đẻ con, là cái bồ để lúa, là cái kho chứa củi. Đàn ông đàn đúm say sưa  ở đâu về thì gọi con bưng nước rửa chân, giục vợ nấu cháo, nhen lửa sưởi. Sưởi ấm thì lên giường, rồi lại làm cái việc ấy mà chả cần biết hậu quả. Có bao nhiêu người đàn bà Dao trở nên tàn độc với giọt máu của mình khi nó vừa mới chào đời để không phải tủi, phải nhục trong cảnh chồng sống mà nuôi con một mình.
Nuôi con bé đã vất vả thì chớ, người lại sồ sề, xấu xí, chồng lại chán, léng phéng ra ngoài, rồi cũng học đâu cái câu  hết sức phổ thông: “Giai khôn năm bảy vợ...”
Rồi những người bảo nhau, chỉ nuôi hai cùng lắm là ba đứa con thôi, rừng hẹp lại, núi thấp đi, nuôi nhiều lấy gì cho ăn, cho mặc, cho cưới vợ. Nuôi hai, ba đứa... nhưng mà đẻ lại nhiều, u u minh minh biết gì mà hoãn, mà kế hoạch. Ai cũng biết đẻ ít, ai cũng biết nuôi ít con cho đỡ khổ, thì biết cho ai. Vì thế nhiều người chưa đến ngày đến tháng thì bỏ vào rừng, nói là đi phát nương, tìm thuốc, lấy củi nhưng lúc về mặt ngơ ngác, mắt quầng thâm, tay chân lẩy bẩy. Vượt cạn một mình, rồi trở về một mình...
Dù con của chồng hay con của người đàn ông khác, thì việc ấy với người đàn bà cũng là không thể chấp nhận được, không thể tha thứ. Vì thế, để chuộc tội, họ sống cùi cũi, cam phận và im lặng cả đời. Vợ của Phủ Minh đã có lần ngơ ngác từ rừng trở về. Còn Sỉnh, vợ của Phủ Phong....vừa nhìn thấy máu của con lợn đực ộc vào cái chậu to là Sỉnh nôn oẹ và chạy ra vườn... Phủ Siểu nhìn theo thấp thỏm. Mẹ Phủ Siểu lại nhìn Phủ Siểu soi mói....Bà nhớ laị thời sinh nở của mình, nhớ đến tiếng khóc xé ruột của đứa trẻ sơ sinh trong đám cỏ khô vì bị kiến đốt và tiếng khóc lịm dần khi bị bỏ đói. Cả đời này bà không quên tiếng khóc ấy. Cả đời này bà không hé răng cho ai biết chuyện ấy. Nhưng rồi khi lần lượt những đứa con trai của bà lấy vợ rồi trưởng thành, bà nơm nớp hãi hùng nghĩ đến cảnh con dâu vác bụng vào rừng rồi trở về người không. Cha mẹ, chồng con, anh chị em có hỏi thì nói là rủi ro, là sa sảy...
Đêm trước ngày đón dâu của Phủ Siểu là đêm trắng... Cả nhà không ai ngủ cả, từ ông bà nội của Phủ Siểu tuổi đã tám mươi, tai nặng mắt mờ, đến thằng con Sỉnh mới đầy tuổi tôi  ngủ tranh thủ tí chút rồi giật mình khóc toáng. Cả con chó sủa nhặng nhị đến con mèo ngao ngao quanh bếp vì không tìm được chỗ nằm. Phủ Siểu đương sức trai tráng, có thể thức mười đêm. Mỗi lần đi qua chị dâu thứ, Siểu lại lấm lét nhìn . Nhưng mắt Sỉnh tưng hửng, không lộ vẻ mệt mỏi buồn ngủ, cũng chẳng có nét trông chờ, bồi hồi. Sỉnh có đôi mắt của con thú hoang săn mồi đêm, càng về khuya mắt càng sáng. Những khi vụng trộm, Sỉnh nhắm mắt, nếu mở mắt có lẽ Siểu đã không còn đủ khí thế...
Lạ lùng thay, Phủ Siểu lấy vợ mà không cảm thấy bồi hồi trông đợi, chỉ muốn cho thời gian trôi nhanh, cho các nghi lễ rườm rà mau kết thúc. Cho an phận để mà làm, mà ăn, thế thôi. Hai anh của Phủ Siểu người nào cũng có xe máy đẹp vi vu, tuần lượn lên phố ba bốn lần, điện thoại đắt tiền lúc nào cũng đầy ắp những tin nhắn yêu đương ngọt ngào mà hai người chị dâu thất học, mù chữ chẳng bao giờ đọc được. Chảo Mẩy học lớp 7, chỉ thua Phủ Siểu có hai lớp thôi, léng phéng nó đọc được nó đập  điện thoại có ngày. Phủ Siểu tự răn mình thế.
*
*        *
Giờ Sửu là giờ tốt. Trời còn mờ mịt tối thì đoàn đón dâu đã lên đường. Phủ Siểu đi đầu, sau đó là thầy Lý Biểu San. Sau thầy San là ban nhạc và sau ban nhạc là bốn tân nữ ăn mặc lộng lẫy. Đoàn đón dâu có chín người, Phủ Siểu cầm cây đuốc lớn, chững chạc bước đi.
Chưa đầy hai mươi phút sau thì đoàn đón dâu có mặt ở nhà gái...
Nhà trai lúc này tất bật với công việc đồ xôi, nấu cơm, luộc thịt, nướng thịt, xả phần...theo như lời thầy cúng. Đến giờ Thìn đoàn đón dâu đã về tới nhà rồi. Vì thế việc chuẩn bị càng nhanh càng tốt.
Mẹ Phủ Siểu vào buồng cô dâu chú rể, tự tay trải đệm, căng màn, tự tay bỏ xuống gối một lá bùa nhỏ. Hai chị dâu đứng ngoài nhìn thấy, bấm nhau thì thào gì đó rồi đi ra.
Trên bàn thờ mâm cỗ cúng đã được bày lên tươm tất. Một con lợn chừng hơn chục cân được làm sạch, một con gà trống ba cân đã luộc chín, một bình rượu và sáu bát rượu nhỏ, một gói gạo bọc vải trắng, một đồng bạc trắng và một mớ tiền âm. Trên bàn thờ còn treo một vuông vải đỏ ở giữa có đính một miếng bạc dát  mỏng hình mặt nguyệt có khắc chữ “Hôn sự”. Ở cửa chính cũng có một miếng vải đỏ như vậy.
Nhà Phủ Siểu to. Dãy nhà lớn có năm gian thì có ba gian bịt kín như buồng. Một gian thờ cúng và một gian để tiếp khách ở xa về. Buồng trong cùng bên phải là nơi bố mẹ Phủ Siểu ngủ. Buồng ngoài cùng bên trái là buồng của ông bà nội Phủ Siểu  ngủ, buồng này có kê hai cái giường cho ông bà ngủ riêng, giường của bà bé và thấp hơn giường của ông.
Buồng giáp với buồng ông bà là buồng của hai em gái Phủ Siểu. Gian thờ ở giữa của ngôi nhà. Cái bếp thấp hơn, bé hơn cái nhà lớn nhưng cũng năm gian, nằm vuông góc với nhà lớn nhìn ra sân rộng. Hai vợ chồng anh trai Phủ Siểu ngủ hai bên, ba gian ở giữa là làm chỗ nấu nướng, tiếp khách là họ hàng và có một cái giường cho Phủ Siểu. Khi Phủ Siểu lấy vợ, một ngăn bếp được ngăn lại làm buồng cưới cho hai vợ chồng mới cưới. Như vậy buồng của Siểu sẽ giáp với buồng vợ chồng Sỉnh. Ban đầu Siểu thấy ái ngại nhưng lại nghĩ có khi như thế cũng tốt.
Phải đến cuối giờ Thìn, tức là lúc mặt trời đã nhô lên, sương tan hết, thì đoàn đón dâu mới về đến nhà. Trời xuân tháng ba trong lành, ấm áp, trông ai cũng phấn khởi tươi vui. Bà nội của Phủ Siểu cau mày khi nhìn thấy họ nhà gái đưa dâu đông quá, đến cả năm chục người. Bố Phủ Siểu dắt bà vào nhà, khổ quá, già như cành củi khô rồi còn tiếc của trời.
Đoàn đưa dâu dừng lại ở ngoài sân, Phàn Quáng Sình ra tận nơi cầm tay thông gia rước vào nhà trong, mời ngồi xuống chiếc chiếu mới đã trải sẵn ngay bên gian khách giáp gian thờ. Trên chiếu có thuốc, nước mời khách.
Thầy cúng bắt đầu làm việc, Bắt đầu là nghi lễ cúng nhập khẩu cho cô dâu. Cô dâu bé nhỏ, mặc trang phục truyền thống, đầu đội khăn đỏ kết tua điểm bạc. Trên cổ là kiềng và chuỗi xà tích bạc. Hai tay đeo sáu vòng bạc, nhẫn bạc và bông tai bạc. Khuôn mặt cô dâu mơn mởn xinh đẹp không vướng chút ưu tư, cũng bởi cô dâu còn quá trẻ.
Khách của nhà trai thì ngồi gần bếp, khách của nhà gái thì ngồi cạnh gian thờ, cạnh thầy cúng. Chảo Mẩy bẽn lẽn đứng cạnh Phủ Siểu ngoài cửa nghe như nuốt từng lời của thầy cúng. Từ giây phút này Chảo Mẩy Mình đã là con dâu nhà họ Phàn, đã được con ma nhà họ Phàn bao bọc, che chở canh giữ. Thầy cúng sau khi đọc ngân nga xong bài cúng dài cả mấy chục phút bèn lấy một vuông giấy đỏ viết vào đó tên tuổi cô dâu rồi đặt lên bàn thờ để tổ tiên, thần linh công nhận cô là con dâu nhà họ Phàn.
Sau đó là nghi lễ cúng đặt tên cho chú rể. Phủ Siểu là cái tên gọi từ ngày cấp sắc đến giờ, cái tên hồi mới đẻ chỉ thi thoảng mẹ Siểu mới gọi đó là Vấu. Còn cái tên mới này là cả họ đã bàn bạc để tìm ra từ cả tháng trước rồi. Cái tên này sẽ theo Phủ Siểu trong các lễ cúng đến lúc chết nữa. Thêm mấy chục phút nữa cho cái nghi lễ đặt tên, lời thầy cúng vào tai nọ ra tai kia, Chảo Mẩy thấy run chân hoa mắt. Có lẽ đây là tiết học dài nhất mà cô bị thầy phạt đứng vì không thuộc bài. Nhưng cũng chả có thầy cô nào nói nhiều như ông thầy cúng này. Chảo Mẩy dụi hai chân vào nhau, dựa nhẹ vào người Phủ Siểu. Biết lấy chồng cực khổ thế này đã từ chối cho xong. Sau này nhất định phải kể cho cái Nảy, cái Phẩy nghe mà tránh.
Cúng mãi rồi cũng phải xong. Chảo Mẩy được bước vào nhà chồng lúc trời đã sang trưa. Trước khi được ngồi xuống mâm cơm đặt cạnh buồng của hai vợ chồng, Mẩy còn phải đi một vòng vái lạy ông bà nội, bố mẹ chồng, anh chị em, họ hàng, cô dì chú bác nhà Phủ Siểu đã...
Mặt Phủ Siểu và trai tráng trong họ đỏ như mặt trời ngày gặt. Rượu còn lưng lửng các chum, thức ăn món nguội được đun nóng, món nóng đã nguội đến mấy lần. Bên mâm rượu, kẻ ngồi chống cằm, kẻ nằm vật vã, kẻ nửa ngồi nửa nằm. Lúc đó trời đã sang chiều. Cuộc rượu từ 11 giờ trưa đến lúc này trụ lại còn toàn trai tráng và những chị sồn sồn tái xuân trong hơi men. Các cụ già chép miệng rời mâm rượu trong điệu đi khật khưỡng, loạng choạng. Đến hiên nhà thì các cụ ngồi phệt xuống, cái điếu cày chống vào miệng nâng cái đầu lên, ngúc ngắc đung đưa theo vệt khói thuốc lào. Thoáng nghe thấy bài hát cổ của người Dao qua tiếng điện thoại di động của con bé rửng mỡ nào đó, các cụ dỏng tai, lẩm bẩm. Ai lại ngày cưới, ngày vui vẻ cả đời của người ta lại đi rên rỉ cái khúc “ làm dâu” sầu thảm, não nề ấy là làm sao? Chả nhẽ lại vả vào cái điện thoại một cái cho bõ ghét. Cái giống đàn bà nằm ngửa ăn sẵn, được đón rước trọng vọng, lại còn bày đặt. Ấy là nghĩ thế thôi. Người Dao với nhau cả, còn dễ bề ăn nói. Cơm no rồi đói, rượu say rồi tỉnh, tỉnh rồi say, xôi còn, rượu còn, thịt còn, còn uống, còn ăn... Phủ Siểu khi say quá, còn cả gan cầm tay chị dâu bóp mạnh một cái. Mắt Sỉnh lóe lên tia sáng hằn học của con thú bị trúng tên độc. Chỉ lóe lên vài giây rồi lại thôi.
Đôi mắt Phủ Siểu nhìn xoáy vào bụng Sỉnh, muốn đốt cháy da bụng, khiến sinh linh nhỏ bé trong bụng cô cũng run rẩy sợ sệt. Rồi Phủ Siểu cười, cái nụ cười đầy ẩn ý, vừa ngạo nghễ vừa nhún nhường khiến Sỉnh giật phắt bàn tay khỏi tay Siểu, vùng vằng bước ra phía ánh sáng. Dưới ánh sáng ban ngày, mắt Sỉnh hiền như mắt nai. Sỉnh là đứa con gái đẹp nhất nhì bản chứ có kém cạnh ai đâu. Nhưng khi nhìn rõ khuôn mặt Chảo Mẩy Mình từ lúc cô dâu đặt chân vào nhà họ Phàn thì Sỉnh biết rồi đây, đến cả cái sự thương hại của đứa em chồng dành cho người chị dâu bị chồng ruồng rẫy cũng không còn nữa. Sỉnh là cái hoa sắp tàn thì Mẩy vẫn còn là cái nụ... Sỉnh cắn răng lại, tay nắm chặt như muốn nghiền nát một thứ gì đó và từ hai khóe mắt, duy nhất hai giọt nước mắt chảy ra bò vào hai mái tóc đã xanh um trở lại sau cái ngày bị nhổ cho nhẵn để đội khăn cô dâu trong ngày cưới. Mái tóc của Sỉnh mỗi ngày một xanh, một dày vì hằng đêm được tưới đẫm bằng nước mắt. Những đêm Phủ Phong ở nhà, nước mắt khẽ rỉ ra thấm vào chân tóc, Phủ Phong nằm trên bụng cô, mắt nhắm nghiền, vừa hành hạ cô vừa gọi tên một đứa con gái khác trong sự tưởng tượng ma quái, tàn nhẫn. Những đêm Phủ Phong đi gặp nhân tình, nước mắt Sỉnh ào ạt chảy, tóc bết lại, quánh như bóng đêm. Càng khóc nhiều, mắt Sỉnh càng đẹp, càng ướt, càng buồn, càng ma mị thằng đàn ông mới lớn là Phủ Siểu . Nhưng sự ma mị ấy rồi cũng dứt, cái giống đực bội bạc như nhau thôi mà...
Thấy em dâu buồn buồn, Phúc, vợ của Phủ Minh dúi vào tay Sỉnh một nắm xôi nóng và nói một cách đầy văn vẻ ý nhị: “Ăn đi. Đêm nay sẽ còn dài đấy, dài hơn cả cái đêm ngươi đợi chú rể trong buồng cưới ấy, ta cũng thức cùng nhà ngươi, đừng có lo”. Cái giọng nói chuyện hài hước kiểu phim Tàu làm Sỉnh phì cười. Có nắm xôi trong tay, Sỉnh có cái để mà bóp cho chặt, cho nhuyễn. Cô cứ ngỡ đó là cái cán dao để mà nắm cho chặt, mà phang, mà chém cho thật lực như mỗi khi tức tưởi một mình phát cỏ cho thảo quả trong rừng trong khi Phủ Phong phát nương cho người khác. Rồi Sỉnh lại ngỡ nắm xôi bé như cái điện thoại của Phủ Phong đổ chuông chí chát liên hồi, những con số bí ẩn nhảy múa, những con chữ ma quái chao liệng trong cái đầu mù chữ của cô...Tưởng tượng đủ thứ, để rồi, khi nắm xôi được vo tròn, kéo dài như quả chuối chín thì Sỉnh cay đắng bẻ làm đôi, đứt ra làm hai nửa ném cho hai con chó nhà hàng xóm đang chầu chực. Hai con chó nhe những cái nanh dài nhọn hoắt, gầm gừ vì miếng xôi quá dẻo, giống miếng bánh dầy, chúng cứ ngỡ đó là những cục xương. Đúng là đồ chó ngu ngốc, nếu là cục xương thì sao Sỉnh có thể bóp nặn cả giờ đồng hồ?
(Còn nữa...)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.