Nhớ nhạc sĩ Trần Hoàn

Nhớ nhạc sĩ Trần Hoàn
Nguyễn Ngọc Dương
Như bản tin sáng nay đã nói, hôm nay khai mạc Trại sáng tác VHNT giành cho các "nguyên thủ" văn nghệ tỉnh thành đã nghỉ hưu, mình đăng lên blog bài này, như một nén tâm nhang tưởng nhớ tới nhạc sĩ Trần Hoàn, người đã "mở đường" cho Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT.
Khoảng đầu những năm tám mươi, một hôm, tôi đang thong thả đạp xe trên đường ngoại ô thành phố Hà Nội, bỗng nghe thấy bài hát rất hay phát ra từ chiếc rađiô ở một ngôi nhà bên đường. Giai điệu bài hát rất mới, đầy ắp chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh và dân ca Huế khiến tôi xao xuyến phải dừng xe đạp lại vệ đường, vẫn ngồi yên trên xe, mà nghe: "Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe (ứ ư) nghe câu hò ví dặm..."


Sau này tôi mới biết đó là sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàn. Từ đấy, cứ mỗi lần Đài phát bài hát ấy, thì dù bận mấy tôi cũng dừng tay, nghe. Đến nỗi tôi thuộc giai điệu bài hát như thuộc những khuôn mặt thân yêu nhất. Tôi chưa biết Trần Hoàn là ai cả, nhưng trong bụng thì nghĩ: "Nhạc sĩ Trần Hoàn phải là một người tài năng và giàu tình cảm lắm mới viết được bài hát như thế".

Rồi một hôm, nghe tin có ông bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Trần Hoàn lên thăm tỉnh, và đến thăm huyện Bảo Thắng, nơi tôi cư trú. Tôi hỏi mọi người: "Có phải ông bộ trưởng Trần Hoàn là người sáng tác bài hát Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm không? Người ta bảo: "Đúng đấy !" Thế là tôi bỏ công việc đang làm, định đi rình để được nhìn thấy ông nhạc sĩ - bộ trưởng. Nghe nói ông không đến Huyện ủy, Uỷ ban mà đến thẳng thăm Phòng Văn hoá thông tin và Đài truyền thanh huyện. Nhưng tôi đến nơi thì ông đã vừa đi rồi... Tiếc quá! Từ đấy, cứ nghe Đài giới thiệu bài hát nào sáng tác của Trần Hoàn là tôi chú ý liền. Những bài hát của ông mà tôi thích nhất là: Lời ru trên nương (thơ Nguyễn Khoa Điềm), Thăm Bến Nhà Rồng,  Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu ví dặm,  Sơn nữ ca và đặc biệt là bài: Lời Bác dặn trước lúc đi xa - một bài hát giai điệu đằm thắm, sâu lắng, mà ca từ thì như dẫn ta vào một huyền thoại. Chẳng biết ai thế nào, chứ tôi, cứ mỗi lần nghe bài hát, ngay từ đoạn “ Chuyện kể rằng…Bác đòi nghe câu ví/ nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ/ mà xung quanh vẫn lặng như tờ/ Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi!..." là tôi đã ứa nước mắt. Câu chuyện về Bác sắp ra đi, Người thèm được nghe một khúc dân ca, được nhạc sĩ Trần Hoàn kể lại bằng những ca từ giản dị như chính cuộc đời Bác và trong một giai điệu âm nhạc trữ tình làm xao xuyến hàng chục triệu con tim… Có lẽ tôi cũng chỉ biết đến vậy, chứ không thể cân đo được "sức nặng" của bài hát đến chừng nào. Lại chạnh nhớ ca khúc Lời người ra đi của ông viết từ thời Kháng chiến chống Pháp. Được biết khi bài hát ra đời, có người cũng nói: "bài hát ấy ủy mị lắm, không phù hợp với khí thế kháng chiến hừng hực của cả dân tộc!" Những tác phẩm văn học, nghệ thuật được thời gian thử thách cũng giống như lửa thử vàng vậy. Vàng có thể bị nhầm lẫn, vùi lấp ở đâu đó, nó vẫn là vàng. Quả nhiên sau này, các nhạc sĩ cũng như công chúng lại đánh giá cao Lời người ra đi của ông như một sức mạnh tinh thần lúc ấy. Viết đến đây, tôi nhớ tới câu chuyện có một nhà lãnh đạo cách mạng Nga đã nói, đại ý, chỉ một bài thơ Đợi anh về của Ximônốp (nhà thơ Nga) hồi chiến tranh thế giới thứ hai đã có sức mạnh hơn cả một sư đoàn!

Từ khi về công tác ở Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, tôi may mắn được tiếp xúc, gần gũi với nhạc sĩ Trần Hoàn. Với tư cách là Bí thư đảng đoàn, Phó chủ tịch thường trực rồi Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Trần Hoàn luôn luôn trăn trở, tìm mọi biện pháp để tạo cơ chế thuận lợi cho sự nghiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam và việc tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Được biết từ năm 2000, nhạc sĩ Trần Hoàn đã tới làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải và ông thân mật nói vui với Thủ tướng: “Xin anh cho anh em văn nghệ mỗi năm mười ki lô mét đường bộ (tức là tương đương 10 tỉ đồng-ND) để hỗ trợ anh em làm tác phẩm, công trình…” Và thế là từ năm 2000, Chính phủ đã hỗ trợ mỗi năm 10 tỉ đồng cho các Hội Văn học - Nghệ thuật ở trung ương. Bởi vậy có những văn nghệ sĩ, hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa xưa nay vẫn cặm cụi viết, cặm cụi sáng tác trong những ngôi nhà tuềnh toàng, thiếu tiện nghi (đôi khi thiếu cả rượu), đến bây giờ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm tác phẩm, đã được tài trợ hàng chục triệu đồng… Thực ra, những tác giả say mê sáng tạo với mục đích nghệ thuật chân chính, thì tiền không phải là mục tiêu của họ. Tuy nhiên, tiền không khác nào bà đỡ giúp cho những đứa con tinh thần của các văn nghệ sĩ không phải ra đời trong hoàn cảnh "đẻ rơi"! Song, dẫu là có đẻ rơi thì nhìn chung "những đứa trẻ" vẫn được “khoẻ mạnh”, có chăng chỉ vất vả cho những "người mẹ" mang nặng đẻ đau mà thôi… Từ 10 tỉ đồng tạm cấp hỗ trợ các năm 2000, 2001, 2002, đến ngày 13 tháng 2 năm 2003, Thủ tướng đã kí chính thức Quyết định số 151/QĐ-TTg về hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng. Theo Quyết định đó thì năm 2003 và 2004 mỗi năm Nhà nước hỗ trợ cho 11 Hội Văn học - Nghệ thuật ở Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam là mười lăm tỉ đồng. Bắt nguồn từ những tiền đề hợp tình, hợp lý ấy mà  kể từ năm 2004, Liên hiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam, bao gồm cả các hội trung ương và các hội địa phương hằng năm đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo, ngoài kinh phí chi thường xuyên. Đến nay, nhiều văn nghệ sĩ khi được cầm những đồng tiền hỗ trợ “mồ hôi nước mắt” của mình trong sáng tạo văn học, nghệ thuật lại chạnh lòng nhớ tới công lao và tình cảm của nhạc sĩ - chủ tịch Trần Hoàn...

Trong những cuộc họp thường niên của Uỷ ban toàn quốc, nhạc sĩ Trần Hoàn luôn đặc biệt quan tâm đến điều kiện hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương. Ông yêu cầu các Hội báo cáo số liệu về kinh phí hoạt động, về trang thiết bị cần thiết cho Hội và cơ quan báo chí văn nghệ các tỉnh, thành… Ông thoáng buồn và chạnh lòng đối với một Hội Văn học - Nghệ thuật nào đó mà con số kinh phí đầu tư còn quá khiêm tốn. Thế là mặc dù đã ở tuổi ngoại bẩy mươi, ông vẫn hăng hái xuống gặp lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để có ý kiến "mong các anh giúp đỡ Hội văn nghệ". Thậm chí Hội chưa có trụ sở, chưa có ô-tô, ông cũng đến tận nơi, gặp bí thư, chủ tịch tỉnh "xin các anh quan tâm…"

Tháng mười một năm hai nghìn không trăm linh hai, Đại hội lần thứ V Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, ông đích thân lên dự. Tôi nhớ, gần đến ngày Đại hội, một hôm vào khoảng mười giờ đêm ông a lô cho tôi: "Dương đấy à. Hoàn đây, Trần Hoàn đây!.. Này, công việc Đại hội cậu lo đến đâu rồi? Phải chuẩn bị cho tốt, không được chủ quan, đại khái. Tớ sẽ lên trước hai ngày. Có gì khó khăn ta cùng tháo gỡ…" Tôi thật sự xúc động, vì ông chu đáo quá...

Lên Lào Cai có mấy ngày, ông đã cho ra đời liền bốn ca khúc về miền đất này. Nhưng ông vẫn “bí mật”. Mấy tháng sau, chủ trì cuộc họp Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, một buổi chiều sau khi họp, ông gọi tôi vào phòng riêng, bật máy và nói: "Cậu nghe mấy bài này xem thế nào?". Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ về kết quả cảm xúc của ông trong dịp lên Lào Cai mấy tháng trước. Chùm ca khúc ấy có một bài ông viết về thị xã Lào Cai, ba bài viết về Sa Pa phổ thơ của Lê Minh Thảo, Lê Trọng Hùng và Phan Hồng Thực (đều là những hội viên hoặc đã từng là lãnh đạo Hội Văn học, nghệ thuật Lào Cai). Tôi nhớ một một chi tiết là: trong tập ca khúc bằng văn bản viết tay ông đưa cho tôi, đối với những bài phổ thơ, ông đều ghi tên người có lời ở trên, còn người làm nhạc Trần Hoàn ở dưới. Chỉ một chi tiết ấy thôi, khiến tôi càng hiểu ông hơn về đức tính khiêm nhường của một nghệ sĩ lớn và  sự trân trọng, nâng niu những “tài năng nho nhỏ” ở địa phương của một nhà lãnh đạo Văn học, nghệ thuật toàn quốc...Chính tôi cũng không thể ngờ được ca khúc cuối cùng trong cuộc đời nhạc sĩ Trần Hoàn lại là ca khúc viết về thành phố Lào Cai, bài Thành phố của tôi đề ngày sáng tác 1/11/2003, chỉ hai mươi hai ngày trước khi ông ra đi!

Những ca khúc của ông vẫn còn đây, vẫn mãi mãi vang lên khắp nẻo đường đất nước. Cơ chế mới thực hiện các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong đó có công lao không nhỏ và rất đáng trân trọng của ông đang từng bước được hình thành...

Hình ảnh nhạc sĩ Trần Hoàn – người lãnh đạo – người anh rất đỗi thân yêu trong hệ thống văn học, nghệ thuật Việt Nam giản dị với chiếc áo sơ mi lúc nào cũng mặc buông, ôm cây đàn ghi ta cùng hát với anh chị em văn nghệ sĩ...vẫn mãi như còn đây!...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.