Kỷ niệm 40 năm thành lập hội Văn nghệ Lào Cai

Kỷ niệm 40 năm thành lập hội Văn nghệ Lào Cai
Mình được mời phát biểu ở Lễ Kỷ niệm sáng nay với tư cách Chủ tịch Hội tiền nhiệm. 
Ôn lại đôi điều
Trong tiến trình lịch sử Hội VHNT Lào Cai
Tôi đang dự Trại sáng tác VHNT của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam giành cho nguyên chủ tịch các hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành tại Hạ Long, phải về trước 3 ngày để kịp dự Lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội và Đại hội lần thứ 7. Vì đây là sự kiện trọng đại của Hội ta.

40 năm lịch sử hội chắc chắn có nhiều niềm vui và nỗi buồn để hôm nay chúng ta có một bề dày đáng tự hào về đội ngũ văn nghệ sĩ Lào Cai, những người luôn trăn trở trước cuộc sống của nhân dân, trước số phận của con người. Trong 40 năm, tôi có 10 năm được đồng cam, cộng khổ với anh chị em với tư cách người đứng mũi chị sào. Trong Lễ kỷ niệm này tôi chỉ xin ôn lại đôi điều mà mình được biết, được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia.


Sau khi thành lập hội Văn nghệ Lào Cai tháng 11/ 1972, chỉ sau 4 năm do nhập tỉnh nên Hội Lào Cai vinh dự được “mang” xuống tỉnh mới để làm nền tảng lập ra Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, vì hai tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ đến lúc ấy vẫn chưa có Hội Văn nghệ. Bởi thế, khác hẳn với các ngành, Hội Văn học nghệ thuật không được cộng "3 thành 1”, mà chỉ có “1 trong 3”. Tháng 5 / 1988 Đại Hội II, (tức ĐH 1 Hội Hoàng Liên Sơn), Tỉnh ủy HLS lãnh đạo, chỉ đạo để nhà văn Xuân Nguyên làm chủ tịch, nhưng sự đời lắm lúc éo le, người được bầu chủ tịch lại là nhà thơ Ngọc Bái, lúc đó là hội viên của hội nhưng đang công tác ở Quân khu II. Thế là Ngọc Bái được ra quân, chuyển sang tỉnh làm chủ tịch Hội. Xét về mặt lịch sử, nhà thơ Ngọc Bái cũng là chủ tịch tiền nhiệm của những người như tôi. Nhưng anh Bái cũng đang dự Trại sáng tác ở Hạ Long nên hôm nay không tới dự với chúng ta được.

Ba năm sau Đại hội đó, tháng 10 / 1991 tỉnh lại chia và Lào Cai được tái lập. Nhà thơ Lò Ngân Sủn được phân công giúp tỉnh lập lại tổ chức hội của Lào Cai mới. Lúc này thì hội Hoàng Liên Sơn chia đôi, nhưng tài sản chính của hội là con người – các văn nghệ sĩ, thì hầu hết đã “cắm rễ” ở Yên bái, nên Anh Lò Ngân Sủn chỉ gánh trên vai vỏn vẹn có 19 hội viên. Tiền bạc đương nhiên là con số không rồi, tài sản thì được chia một vài thứ, giá trị nhất là cái xe máy “cúp bãi”, “đầu vênh máy cánh”, một mình một ngựa lên Lào Cai dựng lại cơ đồ văn nghệ. Đa số các cơ quan tỉnh tập kết ở Tàng Loỏng, Bảo Thắng. Cơ quan văn phòng Hội được ở nhờ dãy nhà cấp 4 của Ban quản lý công trình xây dựng.

Tôi đã tập tẹ viết lách từ lâu, nên trước đó mấy năm, tuy văn vẻ còn ngô nghê, nhưng bài ký Có một Ải Nam viết rất thật đã lọt “mắt xanh” của biên tập viên Thái Sinh, tạp chí văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Được Thái Sinh nâng đỡ cho đăng, khiến từ đấy tôi muốn được đến gần các văn nghệ sĩ để học tập và ngưỡng mộ. Mà họ đáng ngưỡng mộ thật, vì cái nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật nó sang trọng, hiếm hoi, hàng vạn người mới có một. Vì vậy khi Hội văn nghệ lên Tàng Loỏng, hầu như tối nào tôi cũng vào chơi với anh Sủn, có hôm còn ngủ chung với anh đến sáng.

Tháng 8/1992 Đại hội Đại III của Hội, tức Đại hội lần thứ nhất tỉnh mới được tổ chức ở Hội trường văn phòng Ủy ban tỉnh khu tập kết Tàng Loỏng, tôi lại vinh dự được mời với tư cách cộng tác viên tích cực. Sau Đại hội này, tôi và gần chục anh em khác được kết nạp vào hội. Tôi còn nhớ có Lý Tùng (tức Hồ Sỹ Tuyển), nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thọ... bây giờ hai anh đã trở thành người thiên cổ rồi!)

Nhà thơ Lò Ngân Sủn vừa cặm cụi làm xong “nền móng” cho Hội văn nghệ Lào Cai, kết nạp được thêm hội viên, đưa tổng số hội viên lên gần bốn chục người, xây được trụ sở, tăng được biên chế cho văn phòng... thì đến năm 1995 anh bất ngờ trúng vào Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam (Nghe đâu ĐH ấy của Hội Nhà văn, hơn 800 hội viên cả nước mà bầu đi bầu lại chỉ được có 5 người). Vì thế hội Nhà văn đã rước anh Sủn về số 4 Nguyễn Đình Chiểu để thường trực cho BCH. Nhà văn Mã A Lềnh đang làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, kiêm phó chủ tịch hội, nên đã được Ban chấp hành bầu làm chủ tịch, thay anh Sủn.

Tháng 12/ 1997, Đại hội IV tại Hội trường tỉnh ủy, chả hiểu sao tôi được anh em bầu vào Ban chấp hành, điều mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến...Thế rồi gần một tháng sau, bất ngờ hơn, tôi lại được bầu làm Chủ tịch Hội. Thật lòng tôi thấy dẫu có vinh dự, nhưng cũng lo sốt vó, bởi trách nhiệm nặng nề. Nhưng được Lãnh đạo tỉnh động viên, đặc biệt là sự ủng hộ rất chân tình của các anh trong văn phòng hội, nhất là nhà văn Mã A Lềnh, người tiền nhiệm trực tiếp của tôi, kinh nghiệm đầy mình; nhạc sĩ Phùng Chiến phó chủ tịch Hội; nhà văn Đoàn Hữu Nam, chánh văn phòng; nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thông, trưởng ban biên tập tạp chí; chị Hà Thị Đố Kế toán; anh Nguyễn Huy Hảo, lái xe; chị Đào Thị Hạnh, văn thư. Và đặc biệt nữa là các anh Trần Hữu Sơn, phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Ủy viên Ban chấp hành, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ; nhà giáo – giám  đốc Sở Giáo & dục Đào tạo Cao Văn Tư, ủy viên Ban chấp hành Hội, biên tập viên Tạp chí và tất cả các bác, các anh chị hội viên của Hội. Nhờ những người có tài, có tâm, có tình ấy, nên bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ, tôi  đã vượt lên, đứng vững được và cuối cùng cũng có được một số kết quả đáng khích lệ. Đó là nâng được vị trí vai trò của hội Văn nghệ Lào Cai ngày càng xứng đáng với mảnh đất giàu tiềm năng văn học nghệ thuật; hội thực sự “vừa là vườn ươm, vừa là vườn cây trái” trong vườn hoa văn học, nghệ thuật của cả nước. Giải thưởng văn nghệ hằng năm được chính thức hóa bằng văn bản pháp quy của UBND tỉnh; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phan Si Păng được lập ra để tôn vinh những tác giả đã, đang và sẽ có những tác phẩm xuất sắc, cống hiến cho mảnh đất Lào Cai thân yêu, đã thực hiện 2kỳ: 2002, 2007, kỳ này là kỳ thứ Ba. Bộ trưởng Kế hoạch đẩu tư Bùi Quang Vinh khi đang chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, rồi Bí thư tỉnh ủy đã nhiều lần nói với tôi, đại ý là: Hội các anh tham mưu cho tỉnh được nhiều việc đích đáng. Cái Giải thưởng Phan Si Păng làm sang cho tỉnh. Một tỉnh dù chưa giàu nhưng đã sang. Mà càng giàu, càng phải sang. Giàu mà không sang thì thành trọc phú. 10 triệu đồng cho 1 tác phẩm đoạt Giải Phan Si Păng chỉ là một số tiền nhỏ nhoi so với trí tuệ sáng tạo, và nó cũng chỉ là sự ghi nhận, vinh danh của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương đối với các văn nghệ sĩ”. Và năm 2007, trước khi tôi nghỉ hưu, Hội được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba...

Thưa các anh, chị, 5 năm qua, phát huy khí thế đó, các đồng chí trong BCH khóa 6 đã đoàn kết nhất trí, làm “bà đỡ” cho phong trào sáng tạo của Hội tiến thêm một bước mới. Nhiều văn nghệ sĩ tiến bộ vượt bậc, xuất bản được những tác phẩm có giá trị tăng thêm cho Lào Cai niềm tự hào có một đời sống tinh thần phong phú, góp phần vào công cuộc xây dựng tỉnh cũng như vào nền văn học nghệ thuật Việt Nam...

Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng thành tích chung của Hội!

Chúc các vị sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội VHNT Lào Cai thành công. Xin chân thành cảm ơn!    

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.