Diễn viên Dân ca - Sân khấu cổ truyền sao khổ thế?!

Thứ Bẩy, ngày 10/11/2012 - 9:00 (GMT+7)
ÔI TRỜI ƠI, DIỄN VIÊN KHỔ QUÁ!

Dẫu khó khăn, nhưng anh chị em NS vẫn hăng say luyện tập, 
chuẩn bị ra mắt vở "Đường đua trong bóng tối".

Sân khấu dân ca - phía bóng tối...
(LĐ)
Một tin rất vui là UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã trình hồ sơ đề nghị công nhận dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhưng có một thực tế rất buồn, như  NSƯT An Phúc - người đã có 40 năm sống chết với dân ca xứ Nghệ - nói với tôi: "Chúng tôi có hai cuộc đời. Cuộc đời trên sân khấu hào nhoáng lắm, đẹp đẽ lắm, còn trở về với cuộc đời thực thì cơ cực vô cùng".


Hóa trang: 2.000 đồng/đêm!

Trước mặt tôi là NSƯT Hồng Dương - người đã thể hiện rất thành công hình tượng Bác Hồ, nhất là vở diễn nức tiếng: "Lời Người lời của nước non". Hồng Dương và đoàn vừa trở về từ chuyến lưu diễn ở các tỉnh phía nam. Anh khoe với tôi về tình cảm của bà con trong đó đối với đoàn, nhất là những nơi có nhiều người xứ Nghệ sinh sống. "Tôi cũng đã được vinh danh một số danh hiệu, nhưng mỗi khi nghe tiếng vỗ tay của khán giả là lại mừng rơi nước mắt".
 

Hồng Dương say sưa kể về các đêm diễn, nhưng từ trong khóe mắt anh vẫn không khuất lấp được những lo toan của cuộc sống thường nhật, tưởng như đời nghệ sĩ không ai phải màng đến: Cơm, áo, gạo, tiền!

Anh cho biết, đã hơn 20 năm vào nghề, nhưng lương của anh cũng chỉ có 3,7 triệu đồng. Về danh hiệu NSƯT thì chỉ hơn anh em được cái thẻ khám chữa bệnh, oai hơn mọi người là được khám bệnh ở Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ. Nhưng nào ai muốn ốm đau bao giờ. Rồi anh nói rất thật về thực trạng hiện nay của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát dân ca thuộc Trung tâm Bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ. Dẫu lãnh đạo đã rất cố gắng, nhưng anh chị em vẫn vô cùng khốn khó.
 

Mỗi một đêm diễn, nếu ở ngoài tỉnh thì có thù lao cao hơn một chút, còn ở trong tỉnh thì không nhằm nhò gì cả. Chủ trương của đoàn là dành 40% doanh thu để chi trả thù lao. Khốn nỗi là mỗi đêm hợp đồng biểu diễn chỉ thu được vài triệu đồng, đơn vị nào hào phóng lắm thì mới bồi dưỡng cho 5 triệu đồng. Không kể cấp bậc, chức vụ... anh em chia đều cho nhau, có đêm chỉ được 25.000 đồng/người. Mà nếu có hợp đồng "tươi" hơn thì tiền thù lao cũng chưa quá được mức 125.000 đồng/người/đêm.
 

Hồng Dương chùng giọng, tay anh máy mó chiếc chìa khóa xe, hình như cố tránh nói với tôi một điều gì đó. Đột nhiên, anh ngửng mặt, hỏi tôi: "Chú có tin mỗi đêm diễn, bọn anh, mỗi người chỉ được trả 2.000 đồng tiền hóa trang không? Như anh, khi vào vai nguyên thủ thì mới được trả ở mức đặc biệt - 10.000 đồng". Cả hai chúng tôi cùng im bặt, tôi nhìn về hướng khác để tránh ánh mắt buồn bã của anh.
 

Giọng anh nhỏ lại: "Tớ còn đỡ, vì có nhiều đơn vị thuê dàn dựng chương trình. Nhiều anh chị em không biết làm gì thêm, đành phải đi hát đám cưới, đi thổi kèn đám ma. Chú cứ tìm hiểu đi, 35 con người trong đoàn, có ai khấm khá không?".

Tôi tìm đến nhà anh Đỗ Sĩ Lương - nhạc công nổi tiếng của đoàn. Nói là nhà, chứ thực ra cả gia đình 5 con người đang vật vã trong gian phòng mà xưa là nơi hóa trang của Rạp hát Bến Thủy. Rạp được xây gần nửa thế kỷ rồi, bây giờ không ai cho phép sử dụng nữa vì sợ sập. Ấy thế không riêng gì nhà anh Lương, mà hàng chục hộ gia đình diễn viên vẫn phải bám quanh rạp mà ở. Hết nhà để xe đến phòng chiếu bóng, rồi nhà kho... ai vây được đâu thì ở đó. Nhà nào chật quá, đóng gạch táp lô mà cơi nới thêm. Nhà anh Lương, hai vợ chồng cùng công tác ở đoàn dân ca, vợ diễn viên, chồng nhạc công. Hôm tôi đến cũng là lúc anh chị vừa mới đi xin bạt cũ về chống dột cho căn phòng.
 

"Thôi thì căng bạt cho nước mưa nó chảy vào hai bên tường, chú ạ. Dưới nền nhà ta làm con chạch cho nó chảy tiếp ra ngoài..." - anh Lương cười mếu máo. Anh kể, lương anh chỉ được 3,5 triệu đồng, vợ hợp đồng từ năm 1996 đến nay không vào được biên chế, nên chỉ có hơn 1,2 triệu đồng/tháng. Anh chị cũng đã thuê ba, bốn chỗ trọ rồi, nhưng tiền nhà mỗi ngày một cao, thế là liều quay về bám lấy rạp hát mà sống.
Nhạc công Đỗ Sĩ Lương: "Nếu không đi thổi kèn đám ma thì cả nhà tôi
sống sao đây, các cháu học hành sao đây"?

Hát đám cưới, thổi kèn đám ma

Anh Lương ôm chặt cây đàn nguyệt trong lòng, rơm rớm kể cho tôi nghe về thời khắc gia nhập phường bát âm, chuyên phục vụ đám ma. Đó là vào năm 2003, một đồng nghiệp trong đoàn qua đời, anh đã ôm đàn kéo những khúc bi ai để tiễn đưa người quá cố. Tiếng đàn anh ai oán, làm cho những người tham dự lễ tang lã chã nước mắt. Thấy vậy, mấy ông ở phường bát âm lân la mời anh nhập hội.
 

"Mình mà phải đi thổi kèn đám ma sao? Đừng hòng!" - lúc đó anh từ chối ngay. Nhưng không lâu sau, vợ anh sinh em bé thứ hai. Phận diễn viên hợp đồng, nghỉ đẻ là bị cắt lương. Cơ cực quá, chính anh đã gọi điện xin được gia nhập phường bát âm.
 

Anh ngậm ngùi: "Không còn cách nào khác, chú ạ. Nếu không thổi kèn đám ma thì gia đình anh sống sao đây, các cháu học hành sao đây...".

Tôi gặp diễn viên trẻ Hồ Minh Thông khi anh đang tập vở "Đường đua trong bóng tối". Nhễ nhại mồ hôi, nhưng Thông cũng cố cười thật tươi: "Quê em ở huyện Quỳnh Lưu, vào nghề năm 2005. Yêu dân ca lắm, anh ạ. Nhưng nói thật là cuộc sống diễn viên khổ quá. Hôm nào đi diễn, thấy khán giả đông, thỉnh thoảng lại được một tràng vỗ tay thì còn đỡ, bữa nào ít người là như xát muối vào ruột vậy".
 
Hàng chục gia đình diễn viên đang phải bám quanh rạp hát
Bến Thủy để tá túc.

Thông kể một câu chuyện mới tinh của đoàn: Tháng trước, đoàn đi lưu diễn 10 ngày ở huyện Anh Sơn. Ai cũng hào hứng vì được đưa dân ca về với vùng cao. Mười ngày, đêm diễn, ngày ôn luyện. Thế mà, khi trở về, trừ tiền ăn, em chỉ nhận được mỗi 6.000 đồng, gọi là thù lao. Đó là chưa kể mỗi người phải tự lo bữa ăn sáng. Thông tiếp: "Thấy bọn em vất vả quá, mấy anh đi trước đã bày cho cách làm MC đám cưới ở các khách sạn. Nhưng mỗi khách sạn có một ông bầu, họ kêu thì mình mới được làm. MC mỗi đám cưới chỉ được có 200.000 đồng. Thế mà vẫn tranh nhau đấy, anh".

Diễn viên nữ duy nhất tôi được gặp là chị Phan Thị Minh Châu. Chị Châu đang vào vai chính của vở "Đường đua trong bóng tối" - một vở kịch nói về nạn chạy chức, chạy quyền. "Xin chào Hương Ly - người vợ đang ra sức chạy chức cho chồng" - tôi chào Châu bằng tên nhân vật. Nhờ vậy mà câu chuyện của chúng tôi rất tự nhiên, không mất nhiều thời gian thưa, gửi. Châu rằng, không thể không đi làm thêm được, anh à. Nhưng biết làm gì, ngoài giọng hát của mình. Thế là em chọn việc đi hát đám cưới. Mà đám cưới thì theo mùa, theo ngày, đâu phải lúc nào cũng cưới. Bèo bọt lắm, mỗi đám chỉ được trả 150.000 đồng thôi. Vậy nên, ngoài đám cưới, bọn em còn hát mừng thọ, tân gia, hội nghị.

Tôi rời nhà hát dân ca Nghệ An mà không thôi thổn thức. Dân ca, ví dặm xứ Nghệ đang trên đường đi tới di sản văn hóa thế giới, thế mà những người "làm" dân ca đang phải sống thế này sao? Rồi chợt nhớ tích xưa, cụ Nguyễn Du trước lúc đi sứ đã tìm gặp cô đào hát yêu quý của mình để tặng nàng chút bạc. Ông thấu hiểu: "Nàng cần có tiền để sống. Nàng không thể hát bằng hơi, mà ăn cũng bằng hơi..."

Không chạnh lòng sao được!

Nghệ sĩ Hà Nội: 25 triệu; địa phương: 2 triệu!

NSND Trịnh Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ: Trung tâm chúng tôi cũng như từng nghệ sĩ đang phải sống cảnh giật gấu vá vai. Thời gian qua, tỉnh cũng đã rất quan tâm, cấp kinh phí để bồi dưỡng thanh, sắc cho anh chị em, nhưng chỉ được tính bằng 15% lương nên cũng chẳng ăn thua gì. Ở một số tỉnh như Ninh Bình, Đồng Nai... họ có cơ chế bồi dưỡng cho anh em thêm một tháng lương, vì đây là nghề đặc thù, nên chăng Nghệ An cũng cho anh chị em được hưởng như vậy.
 

Một điều nữa là trong dịp liên hoan, kỷ niệm... chỉ cần tỉnh nhường suất diễn cho anh em nghệ sĩ trong tỉnh là cũng giúp anh em nâng cao đời sống. Ví như, trong chương trình "Liên hoan dân ca, ví dặm xứ Nghệ lần thứ nhất" vừa rồi, tôi vào vai diễn chính, lại là NSND nhưng chỉ được trả  2 triệu đồng. Trong lúc đó, một cô học trò của chúng tôi được mời từ Hà Nội về, hát nửa bài lại được trả đến 25 triệu đồng. Tôi hỏi người có trách nhiệm, thì được trả lời, các chị được thanh toán theo quy định của Nhà nước. Vậy, những ca sĩ được trả 25 - 35 triệu đồng/đêm ấy thì theo quy định nào?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Theo Blog Cu Vinh


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.