Trưởng phòng của tôi

Trưởng phòng của tôi
 Nguyễn Ngọc Dương/ 26/10/2012 - 5:00 (GMT+7)
Tôi nhận ra cái bàn cũ kĩ, đã mọt ruỗng hai chân ở phòng tôi ban sáng, bây giờ kê đúng chỗ Trưởng phòng. Còn cái bàn của Trưởng phòng đang hiện diện ở phòng tôi là bàn mô đec, có hòm, khoá chìm, vec li sáng choang, một cái bàn đẹp nhất cơ quan lúc ấy.

       Ngày đầu tiên đi nhận công tác ở Phòng Y tế huyện, tôi được anh Trịnh Phô, trưởng phòng giao nhiệm vụ Kế toán kiêm quản lí của cơ quan, gồm cả Phòng và Bệnh viện. Nhận bàn giao của một cán bộ tiền nhiệm xong, tôi đi giúp chị cấp dưỡng gánh gạo ở cửa hàng lương thực. Về đến nhà, thấy phòng làm việc của mình vừa nhận lúc sáng, giờ hình như lại định chuyển cho ai chăng? Căn phòng được quét tước sạch sẽ, bàn ghế kê lại gọn gàng, đặc biệt là cái bàn làm việc của Trưởng phòng đã chuyển sang đây. “Chắc phòng này bây giờ là của Trưởng phòng, còn tôi họ chuyển chỗ khác?”- Tôi nghĩ vậy. Lát sau, tôi sang gặp anh Phô, hỏi: “Anh ơi, thế bây giờ em làm việc ở phòng nào?” “Thì cái phòng cậu vừa nhận bàn giao còn gì!” “Nhưng...”
      Tôi nhận ra cái bàn cũ kĩ, đã mọt ruỗng hai chân ở phòng tôi ban sáng, bây giờ kê đúng chỗ Trưởng phòng. Còn cái bàn của Trưởng phòng đang hiện diện ở phòng tôi là bàn mô đec, có hòm, khoá chìm, vec li sáng choang, một cái bàn đẹp nhất cơ quan lúc ấy. Tôi rất ngạc nhiên và nêu thắc mắc thì Trưởng phòng giải thích: “Công việc của mình chả có gì quan trọng. Mấy tập tài liệu thì đã có tủ đựng rồi, thỉnh thoảng viết lách gì, mình ngồi bàn này cũng được. Còn việc của cậu là cơm, áo, gạo, tiền, chế độ, tem phiếu...liên quan đến đời sống của bao nhiêu con người. Mình nhờ anh em sắp xếp lại như thế cho hợp lí!” Tôi cảm động, không nói được lời nào...
       Tôi đã làm việc được gần một tháng mà vẫn không thấy có quyết định tuyển dụng, không có lương nên cảm thấy sốt ruột. Một hôm, đánh bạo lên gặp Trưởng phòng, hỏi: “Anh ơi, thế bao giờ em có quyết định?” Anh cười: “Chịu khó chờ mấy hôm nữa. Bây giờ chưa có lương thì cứ ăn chịu ở nhà ăn tập thể, mình sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.” Và thế là tôi lại yên tâm. Một tháng nữa trôi đi, trong lòng đã thấy nao núng, chẳng lẽ cứ chờ mãi, đợi hoài?...Giữa lúc sốt ruột nhất thì Trưởng phòng gọi lên trao cho tờ Quyết định của Uỷ ban hành chính huyện Bảo Thắng, do Chủ tịch Trần Văn Sẩu kí “về việc tuyển dụng cán bộ, nhân viên..., kể từ ngày 1.6.1966” (ngày mà tôi cắp gói ni lông ra khỏi nhà). Tôi phải tập sự một tháng với mức lương nhân viên một, bằng tám mươi nhăm phần trăm của ba mươi ba đồng, là hai mươi tám đồng năm hào. Rồi anh lại đưa tiếp cho tôi một tờ Quyết định nữa, “Quyết định tuyển dụng chính thức cán bộ, viên chức...kể từ 1.7.1966...”
       Mãi sau này tôi mới được biết, để có được những tờ quyết định ấy, anh phải cử bác Nguyễn Văn Tụng, một y tá lưu dung từ thời Pháp, vừa cao tuổi, vừa tính tình điềm đạm, rất có uy tín với mọi người đi công tác ở xã Phong Niên, thay mặt trưởng phòng “nằm vùng” tại nhà ông Vàng Văn Nhai, bí thư chi bộ xã. Trưởng phòng giao cho bác Tụng phải thuyết phục bằng được Bí thư đồng ý cho tôi đi công tác thoát li, để chủ tịch Uỷ ban hành chính xã xác nhận đơn và lí lịch, hoàn tất thủ tục trình Uỷ ban hành chính huyện. Có lẽ, nếu không có tấm lòng vì sự nghiệp chung và mối quan hệ tình cảm chân thành của anh Phô với cán bộ chủ chốt xã thì chắc tôi cũng không thể thoát được đận ấy.
       Cơ quan Phòng Y tế và Bệnh viện huyện sơ tán ở một thung lũng hẹp, khoảng cây số một rưỡi đường đi Bắc Ngầm. Từ đường cái, phải chùn gối xuống một cái dốc dài hơn trăm mét, độ dốc mười, mười lăm độ thì mới tới đất bằng. Một con suối chẻ khu vực cơ quan làm đôi.. Khu ngoài, phía đường cái xuống là nhà ở của các hộ gia đình, trong đó có nhà Trưởng phòng; kho dược, dụng cụ y tế và phòng khám...Khu trong, phải qua suối là nhà điều trị, khoa sản,  nhà ăn và nhà ở tập thể của cánh thanh niên chúng tôi. Khu vực này phía trong giáp đồi rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp, phía ngoài bị chặn bởi dòng suối Ngòi Lu. Việc qua lại Khu trong và Khu ngoài trước đây đều phải xắn quần lội qua suối. Nay anh em trong cơ quan đã tổ chức lao động xã hội chủ nghĩa, bắc  cây cầu độc mộc (một cây gỗ to, dài độ hai mươi mét, có tay vịn) để mọi người qua lại thuận lợi hơn.
       Ngày hai mươi tám tháng tám năm một chín sáu sáu, trời mưa như trút nước, mưa liên tục, kéo dài qua đêm đến suốt ngày hai chín. Tối hai chín, mưa vẫn rào rào không ngớt. Ở nhà tập thể, ngoài cái đài bán dẫn Orionton và cỗ tú lơ khơ ra thì chẳng còn gì có thể vui vẻ được. Do mưa nhiều, trời se lạnh, suất cơm tập thể ăn từ năm giờ chiều bây giờ đã ra khỏi dạ dầy hết rồi. Anh em hỏi tôi: “Kiếm cái gì để giết nỗi buồn bây giờ?” Là người “tay hòm chìa khoá”, lúc này tôi thấy đúng là mình có điều kiện “phát huy quyền lực”. Tôi liền ra quyết định: “Thể theo nguyện vọng chính đáng của anh chị em, cho phép mổ một con gà của tập thể Công đoàn, và xuất kho hai chai canh ki na...” Chỉ ba mươi phút sau là đã có một mâm tươm tất. Bọn con gái không muốn dây vào rượu chè. Còn năm, sáu chàng “hiệp sĩ phòng không” thì châu đầu, gật gù thưởng thức một hiệp phụ thật say sưa, vui vẻ. Con gà khoảng gần hai ki lô và hai chai năm mươi canh ki na loáng cái đi bay. Xong rồi, tất cả đều buông màn, nằm xuống là “tít”, không còn biết giời đất gì nữa...
     Tiếng đập cửa rầm rầm khiến tôi giật mình thức giấc. Tiếng anh Phô quát thất thanh: “Dậy, dậy hết, đi cứu bệnh nhân nhanh lên!...” Tiếp theo là tiếng anh Mạo y tá: “Mau lên không chết hết bây giờ!” Tôi tung màn, bước xuống... Tũm! Nước đã ngập đầu gối. Tất cả anh em trong ngôi nhà bung cửa chạy ra, nước lũ đã lên chấm bụng. Tôi, Dương Thọ Dự, Lý Trần Long đều vẫn quần đùi, áo lót, dắt tay nhau lội nhanh sang khoa sản. Tôi chỉ kịp dìu được một sản phụ ẵm cháu bé sơ sinh lên đồi, quay lại thì thấy ngôi nhà mà chúng tôi vừa ngủ ở đó đang từ từ sụp xuống như một con trâu phải gió nằm vật ra bãi, rồi lặng lẽ trôi theo dòng nước đang chảy xiết! Con suối đã biến mất từ bao giờ, nhường chỗ cho một biển nước mênh mông, hung dữ đang ầm ầm cuộn, mang theo bao nhiêu thứ rều rác, cây cối, nhà cửa, súc vật...Tôi như kẻ tâm thần, toan quay lại để định vớt vát một cái gì đó ở khu vực ngôi nhà chúng tôi vừa ở, giờ đã trắng toát, thì một súc gỗ chừng hai người ôm dài khoảng mười sải tay đang lao thẳng vào người. Tôi né sang một bên, cây gỗ đâm sượt qua phía trái như một cái bạt tai của Thủy Thần rồi vút đi trên dòng nước hung dữ! Hú vía!... Trong tiếng ầm ào của mưa, lũ, anh chị em gọi nhau í ới...Toàn bộ khu bệnh viện đã trắng nước, nhà cửa lần lượt ụp xuống và “đi” hết. Có lẽ chỉ còn vài cái nhà ở khu ngoài có độ cao gần mặt đường là thoát chăng? Chúng tôi kéo nhau lên một cái lán để dụng cụ pha chế serom có diện tích khoảng năm, sáu mét vuông ở trên đồi, kiểm tra lại số bệnh nhân và sản phụ thì rất may là  không thiếu ai. Hơn chục anh chị em ở khu tập thể cũng có mặt đủ. Tôi thở phào, nhưng chỉ xót của. Anh em bảo nhau: “ Cũng còn may là cuộc “vi phạm kỉ luật” tối hôm qua đã vớt vát được một con gà và hai chai canh ki na, nếu không, bây giờ đã kính biếu Thuỷ thần hết rồi!”. Tôi nói “ Nhưng mà cũng đã biếu ngài một con lợn năm mươi cân với mấy chục con gà còn gì?” Ngày ấy đời sống khó khăn, bữa ăn tiêu chuẩn ba hào một suất, rất đạm bạc, nên ai cũng tiếc, tiếc “những miếng ăn chín”. Chúng tôi nhường cái gian lán pha chế serom cho khoảng gần hai chục bệnh nhân, sản phụ chen nhau đứng để tránh mưa. Còn anh chị em nhân viên dắt nhau leo sang một điểm khác dưới những lùm cây rậm rạp ngồi chờ sáng. Trên người tôi và mấy thằng  bạn nữa chỉ có mỗi cái quần đùi và cái áo may ô ba lỗ đã ướt sũng. Mọi người rét run. Thế cho nên, con trai, con gái phải ôm nhau để lấy hơi ấm. Chả thấy ai xấu hổ cả. Quỳnh, Hương, Thịnh, Thụ, Nhung...toàn những cô gái mười tám, đôi mươi vừa xinh đẹp vừa hồn nhiên, vô tư, trong trắng. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi thực sự cảm thấy thương nhau như anh em ruột thịt...
       Khoảng hơn năm giờ, trời tờ mờ sáng. Từ trên đồi, chúng tôi quan sát thấy toàn bộ cơ quan Phòng y tế và Bệnh viện huyện đã bị xoá sổ. Khu ngoài chỉ còn lại ngôi nhà Khoa dược ở độ cao gần mặt đường là tồn tại. Tất cả những chỗ thấp đều trắng băng! Nghe tiếng Trưởng phòng gọi từ trên đường cái vọng sang: “Có ai việc gì khô...ông?”. Không có người thiệt mạng, chỉ mất của nên chúng tôi đồng thanh đáp lại: “Mất hết rồi anh ơi!” “Sao! Có ai chết khô... ông?”  “ Không ai chết. Chỉ mất hết tài sản thôi!” “Biết rồi... Thế thì tốt rồi. Còn người là tốt rồi! Biểu dương tinh thần anh em!”...
        Nửa giờ sau, nước đã rút đến mặt suối. Mặt bằng toàn bộ khu vực cơ quan đã bị “giải phóng” gọn ghẽ. Con suối lại trở về đúng vị trí, nhưng nó vẫn còn hồng hộc cuộn lên dòng nước đục ngầu với đầy rác rưởi, tiếp tục trôi xuôi ra phía sông Hồng. Có lẽ cây cầu độc mộc của chúng tôi bắc trước đây, bây giờ đã trôi theo dòng nước lũ đến gần Yên Bái rồi! Chúng tôi kéo nhau xuống sát bờ suối. Anh Phô và các anh, chị ở khu ngoài cũng đổ vào phía bờ suối bên kia. Chị Thơm, anh Tuân, anh Hùng, anh Nhuận, chị Thu, chị Nhàn, Chị Mùi, chị Sản... Hai bờ cách nhau chỉ khoảng mười lăm, hai mươi mét, nên nhìn rõ mặt và nói chuyện với nhau được. Nom trưởng phòng lúc này như một vị tư lệnh mặt trận đang thu quân sau một cuộc chiến đấu oanh liệt. Nhưng trên người anh cũng chỉ có cái áo may ô ướt, cái quần ống thấp, ống cao, mớ tóc xù ra bết lên khuôn mặt toàn nhọ than... Không hiểu cả đêm qua anh đã làm gì? ...
       Sau này được biết, khi thấy trời mưa nhiều quá, nước suối dâng cao, Trưởng phòng thấp thỏm chẳng ngủ được. Khoảng gần mười hai giờ đêm, anh đã chủ động chạy qua cây cầu độc mộc sang đánh thức Khu tập thể. Là cán bộ miền xuôi mới lên công tác được mấy năm, anh có biết đâu đó là cơn lũ ống (còn gọi là lũ quét) cục bộ, chỉ xảy ra ở những vùng núi, thường đổ về với một tốc độ kinh ngạc. Chỉ trong vài phút, dòng nước có thể quét sạch những gì ở hai bên bờ suối, kể cả cây cối, nhà cửa, súc vật và con người. Cũng may, sau khi đánh thức chúng tôi, Trưởng phòng nhanh chân vừa quay về được Khu ngoài thì nước đã cuốn phăng cây cầu. Chỉ chậm một chút, không kịp đánh thức bọn thanh niên chúng tôi đang ngủ say như chết, thì tất cả đã có thể làm mồi cho Hà Bá; bệnh nhân cũng sẽ có người không chạy kịp. Chỉ chậm một chút, có thể chính bản thân anh cũng bị nước cuốn trôi, nếu không kịp trở lại qua cây cầu. Sự “may mắn” ấy là nhờ tinh thần trách nhiệm, sự nhanh nhẹn, tháo vát của Trưởng phòng.  Suốt đêm ấy, anh đã chỉ đạo toàn bộ Khu ngoài sơ tán trẻ con, người già đến chỗ an toàn, chạy được nhiều tài sản, thuốc men, dụng cụ y tế tập kết lên ngôi nhà Khoa dược ở trên cao. Đến lúc này, dù có bị thiệt hại hầu như toàn bộ cơ ngơi y tế huyện, nhưng cán bộ, nhân viên và bệnh nhân vẫn an toàn, điều mà Trưởng phòng cầu mong nhất đã toại nguyện.
        Thảo nào, lúc gặp lại nhau bên bờ suối sáng hôm ấy, tôi thấy anh Trịnh Phô, trưởng phòng của tôi đã nở nụ cười với hàm răng trắng đều trên khuôn mặt dính đầy đất cát và nhọ than...

Rút trong tập Ký Hai miền quê - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009.

Nhận xét

congtheblocg đã nói…
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.