Chuyện cưới

30/10/2012 - 5:30 (GMT+7)
Trên blog Lão Khoa gần đây đăng loạt bài về Chuyện cưới. Mình đọc thấy sướng quá. Khoa làm thơ hay thì ai chả biết, đằng này viết văn lại có cái giọng điệu rất cá biệt, hóm ơi là hóm. Vì thế thỉnh thoảng mình mò vào "nhà" lão đọc và tủm tỉm cười một mình. Nay "chôm" của lão bài Chuyện cưới kỳ cuối, đưa lên đây.
CHUYỆN CƯỚI
TRẦN ĐĂNG KHOA
Trong hai kỳ báo trước, tôi đã trịnh trọng mời bạn đọc dự mấy đám cưới quê.Cưới thời chiến. Cưới thời bình. Rồi những đám cưới đương đại cười ra nước mắt. Toàn những chuyện thật. Thật một trăm phần trăm mà cứ như đùa. Ông bạn thân của tôi, nhà văn nổi tiếng Lưu Quốc Hoà cười khùng khục: “Bịa! Thằng cha này lại bịa đặt rồi. Trông mặt hắn có vẻ hiền lành, đần độn, ngỡ thật thà, chân chỉ hạt bột lắm mà hoá ra lại nghịch ngầm.
Lão bịa ra những tình huống quái gở để chọc cười thiên hạ. Chí ít thì tớ cũng đã cười đến tưởng vỡ …dạ dày. Ngày xưa ở nông trường tớ làm việc có những đám cưới hay gấp vạn lần những đám cưới lão khoe. Đó là cưới…tập thể. Hàng chục đôi được chi đoàn gom lại, rồi đồng loạt ra quân, cưới theo kiểu Pôn pốt Yêng xa ri. Rùng rợn nhưng vui cực. Trống nện thùng thùng như đám vật. Sau mấy hồi thùng thùng thì đôi nào về với đôi ấy. Mỗi đôi được công đoàn tặng một cái giường gỗ thông đóng bằng những thùng hàng viện trợ. Khách khứa hai họ ở quê ra thì trải vải nhựa xuống đất, nằm qua đêm rồi sáng sau ra về. Cô dâu chú rể cũng ngủ luôn bên cạnh, nhưng được quây kín bằng mấy cái cót ép. Cả đêm nằm bất động, không dám cót két, cọt kẹt vì sợ cả làng nghe thấy. Có thèm mấy cũng phải bấm bụng “nhịn”. Khai hoang phục hoá đành chờ tối hôm sau…”. 

Chuyện thiêng liêng của cả một đời người, xem ra cũng bông phèng, quấy quá.
Và như thế, chúng ta đã nhảy từ thái cực này sang một thái cực khác. Nhìn ở góc độ nào cũng không ổn. Ông bạn tôi còn được dự nhiều đám cưới cũng khá kỳ khôi. Đám cưới tổ chức đến mấy ngày trong một khách sạn sang trọng. Cỗ bàn bày ràn rạt. Nhưng nhìn suốt chẳng thấy cô dâu chú rể đâu cả. Đi lách chách đến các bàn ăn để hậu tạ lời chúc mừng là một một cặp vợ chồng đẫy đà, bệ vệ. Trông phởn phơ như địa chủ được mùa. Hỏi ra mới biết đấy là bố mẹ cô dâu chú rể. Còn cặp uyên ương vẫn đang du học bên …Mỹ. Hoá ra đám cưới…vọng, giời ạ! Ông bạn tôi lại được thể mắt tròn mắt dẹt: “Đấy. Cậu thấy bây giờ, quan chức họ tài không? Kinh doanh được cả một đám cưới hoành tráng như thế mà vẫn không phải “tốn” cô dâu chú rể!”
Có trải qua thực tiễn như thế mới thấy dự thảo quy định về đám cưới của Thành uỷ Hà Nội mới đưa ra vừa rồi là một sáng kiến hay. Dự thảo chỉ thị chỉ nhằm “hạn chế cán bộ, lãnh đạo các cấp của Hà Nội tổ chức lễ cưới quá cồng kềnh cho con cháu ở những nơi sang trọng, gây tốn kém, lãng phí, không phù hợp với thu nhập chung của cán bộ, công chức nhà nước”.
- Hay thì có hay đấy. Nhưng không dễ thực hiện đâu – Ông bạn tôi bình luận. - Thậm chí không thể thực hiện được! Các “khổ chủ” cũng chẳng muốn vẽ vời bày đặt làm gì. Nhưng cưới chồng, cưới vợ cho con mà lúi xùi quá, người ta cũng ngại, sợ bị hiểu lầm: “Chắc cái nhà ấy tệ bạc, ăn ở thất đức, nên chẳng có ma nào chơi”. Cỗ cưới mà thừa thì ê chề lắm. Xấu hổ lắm! Người Việt vẫn quen sống bằng hư danh. Cái hư lại được trọng hơn cái thực. Ở các nước khác, khi gặp sự cố, thậm chí chỉ đơn giản là lỡ lời phát ngôn trước dân, một vị quan chức cấp cao có thể đệ đơn từ chức. Nhưng ở ta không có văn hoá ấy. Từ chức là thất bại. Người Việt không bao giờ muốn thất bại. Nếu có phải “thua” thì cũng phải “thua” trên thế “thắng” kia!
Những đám cưới quê bây giờ cũng có bao nhiêu hệ luỵ. Ông bạn cựu chiến binh điện cho tôi, sau khi đọc loạt bài về cưới đã kể cho tôi câu chuyện bi hài của chính gia đình anh, Khi cưới vợ cho thằng cháu út, cả họ họp bàn đến mấy buổi, đưa ra một quyết định quan trọng: Thành lập ngay một “Uẩy ban” chống trộm cắp, tham nhũng. “Chủ tịch” là bà chị dâu trưởng. Bà này nổi tiếng sắc sảo, đanh đá, đã từng quật ngã một thằng ăn trộm chó, trói gô lại giao cho uỷ ban. Tên tuổi bà vang lừng khắp huyện. Ông chồng tỉnh rượu không tái nghiện. Trộm cắp chỉ nghe tên bà cũng đã khiếp vía rồi. Vừa “nhậm chức” xong, bà đã thành lập ngay hai đội quân tinh nhuệ. Một đội canh thùng phong bì. Một đội canh cỗ. Phải cảnh giác cao độ với ngay cả lũ con cháu được phân công nhiệm vụ nấu cỗ. Canh phòng cẩn mật đến thế mà rồi vẫn bị “rút gan rút ruột”. Một nửa con lợn không cánh mà “bay biến”. Không biết chúng tẩu tán cách nào mà tài vậy? Nếu là cái móng giò thì có thể còn giắt được vào cạp quần, hay ném vèo qua bờ rào hàng xóm, chứ nửa con lợn thì to lắm, làm sao khuân đi được trước hàng trăm con mắt những người qua lại. Hoạ chỉ có phép tàng hình!
Đúng là phép ma thật. Chỉ có quỷ dữ mới "nghĩ" ra được. Người tung “chưởng độc” này ai ngờ lại chính là bà trưởng trùm “chống trộm cắp tham nhũng”. Bà đã thông đồng với mấy thằng nấu cỗ, tuồn luôn nửa con lợn xuống ao. Thế rồi đến đêm, đợi mọi người ngủ hết, bà mới cho quân lặn xuống ao mò rồi xả ra chia nhau. Đứa ít nhất cũng có vài ký thịt. Nhờn môi nhờn mép đến cả tuần.
Có cách nào tránh được những trò nhếch nhác, bệ rạc ấy không? Cưới theo đời sống mới! Đã đành như thế rồi. Tất nhiên, cùng với những quy định, chúng ta cũng cần phải đưa ra được những mô hình mới cho những đám cưới để người dân tham khảo. Làm sao nhẹ nhàng, giản dị mà vẫn trang trọng và vui. Cuộc sống luôn phát triển theo quy luật tự nhiên. Cái tiến bộ sẽ thay cái lạc hậu. Cái hay thay cái dở. Chỉ có cái mới thực sự mới có thể thay thế được cái cũ. Điều này không áp đặt được. Sự áp đặt thô bạo nào rồi cũng bị cuộc sống loại bỏ, nếu đi ngược lại quy luật tự nhiên. Chỉ có sớm hoặc muộn chứ không có ngoại lệ.
Điều quan trọng hơn cả, tôi nghĩ, vẫn là việc nâng cao dân trí. Khi người dân có văn hoá, thẩm mỹ cao, họ sẽ có những lựa chọn chuẩn xác, và rồi chính họ sẽ tự sáng chế ra những mô hình mới của đời sống phù hợp với phong tục tập quán của mình.
Ở các quốc gia văn minh, cưới luôn là một nghi lễ linh thiêng. Bởi đó là công việc quan trọng nhất trong một đời người. Tôi không có dịp đi nhiều, nhưng cũng đã có đến bảy năm sống ở Liên Xô, đã dự nhiều đám cưới bạn bè với nhiều cung bậc và sắc tộc khác nhau. Đám cưới nào cũng vui và trang trọng. Đối với người Nga, đám cưới truyền thống có thể kéo dài đến ba ngày mà vẫn không nặng nề, kệch rệch. Trong ba ngày cưới ấy, khoảnh khắc linh thiêng trang trọng nhất là lúc làm lễ trong nhà thờ. Ở đó, cô dâu chú rể trao cho nhau nhẫn cưới rồi nguyện thề trọn đời yêu nhau thắm thiết và thuỷ chung. Sau đó, họ đến đặt hoa trước “ngọn lửa bất diệt”, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, vì hạnh phúc của chính họ. Thời gian còn lại là hai bên gia đình cùng bạn bè thân thiết chúc tụng, chia vui với cặp vợ chồng trẻ. Có đám cưới tổ chức như một chuyến đi picnic. Có thể ôm nhau nhảy tưng bừng ngay trên bãi cỏ ven rừng. Bia, rượu, hoa quả, thịt nướng, bánh mì, muối, ai thích món gì thì tự chuẩn bị tuỷ theo khẩu vị của mình. Vui. Nhẹ nhàng mà lại rất ấn tượng.
Ông bạn tôi, nhà báo nổi tiếng Hoàng Anh Sướng vừa có chuyến chu du Châu Âu. Để kịp dự đám cưới của một ông bạn già người Bỉ, anh phải bỏ hết mọi công việc báo chí, cả việc kinh doanh, việc xây dựng thương hiệu Trà Đạo Việt, rồi tất tả đổi vé, chịu bao nhiêu phí tổn để kịp thời gian cho chuyến đi. Một kỷ niệm không dễ có trong một đời người. Nói như nhà thơ Việt Phương:
Ta đi xem người ta yêu nhau
Người ta cũng là ta, khác đâu…
Khác đấy, nhà thơ uyên thâm khả kính ạ. Trong tâm trí ông bạn tôi, đó là một đám cưới rất lạ lùng. Lạ lùng mà không xa lạ. Rất ấm cúng và linh thiêng. Cả cô dâu chú rể đều đã thành ông bà nội, ngoại. Họ không phải cưới lại, cưới “đúp hai” như lão già trọc phú làng tôi: “thuê hẳn hai hàng bình bịch - Vừa đi vừa bắn pháo bông”, mà là lễ cưới đầu tiên. Lần đầu tiên trong đời, họ nắm tay nhau bước vào phòng cưới, dù đã thuỷ chung sống với nhau, yêu thương đắm đuối nhau ngót một nửa thế kỷ rồi, cũng đã có với nhau hai đứa con, cùng với mấy đứa cháu, cả cháu nội và cháu ngoại. Bây giờ họ mới làm lễ cưới. Sau nghi lễ linh thiêng trong nhà thờ, họ cùng bạn bè bước vào tiệc cưới. Gọi là tiệc, nhưng chỉ thấy những lời chúc tụng và âm nhạc dào dạt. Người đến dự mang theo những món quà có ý nghĩa tượng chưng. Cũng có hoa quả, ruợu, xúc xích bày đặt trên mấy bàn ở cuối phòng. Ai có nhu cầu thì tự ra đó lấy mà ăn. Trong phòng tiệc mà tiệc lại thành lạc lõng. Chỉ âm nhạc có vị trí, còn vật chất, dù chỉ đơn thuần như các món ăn cũng không tìm được chốn trú ngụ trong bầu khí quyển yêu đương trong vắt.
Tôi ngồi lặng mấy giờ chiêm ngưỡng đám cưới của bạn trong những thước phim rất thú vị của nhà báo Hoàng Anh Sướng. Cả bốn thế hệ trong một gia đình, nói theo ngôn ngữ các cụ ta là “tứ đại đồng đường” cùng quây quần trong buổi dạ tiệc. Bố mẹ, cô dâu chú rể, các con và các cháu. Rồi bạn bè cô dâu chú rể. Trông ai cũng đẹp. Họ ôm nhau nhảy suốt đêm trong tiếng nhạc dìu dặt. Cô dâu vạm vỡ như võ sĩ trong chiếc váy đỏ, quay như cái cối xay lúa trong tay ông bạn của chồng, còn chú rể lại ôm bà bạn của vợ nhảy rất duyên dáng. Một ông vạm vỡ như đô vật, còn bà bạn nhảy lại mỏng mảnh như cái lá lúa. Thế mà không khập khiễng. Cũng không thấy chuế. Tài thật!
Sáng hôm sau, khi vãn cuộc, cô dâu chú rể tiễn mọi người ra về. Gặp ai cũng chỉ hỏi: “Có vui không?” “Bạn có cảm thấy vui không?”. Đấy, cái họ quan tâm là niềm vui trong cõi tinh thần chứ không phải cái dạ dày thực dụng "Bạn đã no bụng chưa?"
Biết đến bao giờ chúng ta mới có được niềm vui và sự thanh thản của họ? Niềm mơ ước nhỏ nhoi ấy liệu có viển vông không? Câu hỏi bâng quơ ấy, bỗng vẩn lên trong tâm trí tôi, khi tôi khép lại loạt bài viết quá ư là nhạt nhẽo này…

Nguồn: blog Lão Khoa
                                   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.