Cảm nhận về một truyện ngắn hay
Vài nét về thân phận người đàn bà trong truyện ngắn Nước mắt
để dành của Tống Ngọc Hân
Ngọc Dương
Ngày 01/11/2012 - 3:30 (GMT+7)
![]() |
Trang điểm cô dâu (Ảnh chỉ có tinh chất minh họa-ND) |
Nước
mắt để dành đăng trên tạp chí Phansipang số tháng 4/2012. Câu chuyện thông
qua đám cưới Phàn Phủ Siểu, con trai út ông Phàn Quáng, một gia đình tam đại
đồng đường, ngót hai mươi thành viên, đã làm nổi bật thân phận của người đàn bà
Dao.
Những người
đàn bà trong gia đình ông Phàn Quáng gồm năm người của ba thế hệ. Thế hệ thứ nhất
là bà cụ mẹ ông Phàn Quáng, bà nội của Minh, Phong, Siểu. Thế hệ thứ hai là vợ
ông Phàn Quáng, mẹ của ba anh em. Thế hệ thứ ba là các nàng dâu cả, dâu thứ và
dâu út là Phúc, Sỉnh và Chảo Mẩy.
Với ngòi bút
chân thật, cảm thông của chính người trong giới, qua hiện thực xã hội người Dao
ở một bản Nậm Toóng nào đó, Tống Ngọc Hân đã vạch ra tệ nạn tảo hôn, tệ nạn đẻ
nhiều mà không có kiến thức và kế hoạch nuôi con dạy cái, tệ nạn do những người
đàn ông gia trưởng, thiếu trách nhiệm, chơi bời trác táng... và những hệ lụy
của nó.
Phủ Siểu và
Chảo Mẩy là cặp đôi cô dâu chú rể trong đám cưới này. Sự áp đặt của gia đình
khiến đôi trai gái khi chưa hiểu biết gì nhau lắm vẫn phải thành chồng vợ.
Nhưng tệ nhất là Chảo Mẩy mới mười ba tuổi, còn đang học lớp bẩy. “Kể từ ngày
hỏi vợ cách nay tròn một năm, đến giờ Phủ Siểu gặp Chảo Mẩy có mấy lần, mà toàn
gặp ở cổng trường học”. Họ chưa kịp yêu, chưa kịp hình dung ra một gia đình
tương lai? Phủ Siểu biết rằng: “Mẩy còn chưa biết gì, cứ thấy bạn trêu: “ Chồng
tìm mày kìa” là Mẩy đội cặp sách lên đầu, lủi vào giữa đám bạn, mặt đỏ tía tai
xấu hổ”. Lớn tuổi hơn, nên Siểu đã hình dung được phần nào những khó khăn của
cô vợ tương lai, “nồi cơm nhà Siểu to, chắc gì Mẩy bê nổi? Chưa kể đến việc ông
bà nội Siểu đã quá già trở nên khó tính khắt khe. Chưa kể đến việc mẹ Siểu quá
khổ trở nên lầm lì, lạnh lùng...Rồi mấy chị dâu chưa ở riêng nữa...Cứ nghĩ dài,
nghĩ rộng, nghĩ sâu, nghĩ xa ra là Siểu thấy sợ, sợ Mẩy không cáng đáng được
phận dâu con”. Rồi Siểu buông ra trong suy nghĩ một kết luận: “Thân phận của
Mẩy rồi cũng giống bà nội, giống mẹ và các chị dâu thôi”.
Cũng do sự áp
đặt hôn nhân kiểu phong kiến mà một bi kịch mang tính chất loạn luân xảy ra
ngay trong gia đình Phàn Quáng. “Đứa con gái mà Phủ Siểu thích, đòi lấy” lại là
Sỉnh, vợ của Phủ Phong, anh trai mình. Sỉnh cũng yêu Phủ Siểu, nhưng người ta
đã gán ghép cô vào với Phủ Phong, một anh chàng lười biếng, không biết quan tâm
đến vợ con. “Anh Phong không làm gì cả vẫn có ăn, có uống, có mặc. Đàn ông ở
cái nhà này, ngoài cái việc ăn uống say sưa rồi về đè lên người những con đàn
bà thì còn biết làm việc gì nữa?”- một lần Sỉnh trút sự bực dọc của mình ra
không phải với chồng mà với Siểu, em trai chồng. Cái bi kịch này đẩy lên đến
mức cái gì đến nó phải đến: Sỉnh có mang với em chú Phủ Siểu. “Dẫu sao đứa trẻ
ấy cũng là máu mủ họ Phàn”.
Cũng như mẹ
chồng, như chị dâu cả Phúc, Sỉnh không thể chịu nổi sự sinh nở nhiều, vô kế
hoạch, cô đã uống những bát nước rễ cây, cắn răng nén đau, “nghe tiếng gào
khóc, vùng vẫy, kêu cứu, oán trách...” của “cái sinh linh nhỏ bé, lì lợm, gan
góc, càng bấu chặt vào mẹ, nó muốn được làm người”. Sỉnh đã tự hành hạ mình
nhịn ăn, nhịn uống, người xanh xao, gầy rộc khiến cho Phủ Phong, chồng cô “càng
chán, càng chăm đi, hận cái loại đàn bà mắn đẻ, hơi tí là chửa, suốt ngày vác
bụng”... Trong giai đoạn hiện nay, cả những người đàn ông và đàn bà đều nhận ra
rằng, “chỉ nuôi hai, cùng lắm là ba đứa con thôi, rừng hẹp lại, núi thấp đi, đẻ
nhiều lấy gì cho ăn, cho mặc, cho cưới vợ...Nuôi hai, ba đứa nhưng mà đẻ lại
nhiều, u u minh minh biết gì mà hoãn, mà kế hoạch... Vì thế nhiều người chưa
đến ngày đến tháng thì bỏ vào rừng...lúc về mặt ngơ ngác, mắt quầng thâm, tay
chân lẩy bẩy...”. Sỉnh cay đắng khi đứa con trong bụng là của chính người mình
yêu mà không thể công khai thừa nhận. Trong đám cưới của em chồng, tâm trạng
của cô càng rối loạn. Tâm trạng ấy được Tống Ngọc Hân mô tả khi chị dâu đưa cho
nắm xôi, “Sỉnh cứ ngỡ đó là cái cán dao để mà nắm cho chặt, mà phang, mà chém
cho thật lực như mỗi khi tức tưởi một mình phát cỏ cho thảo quả trong
rừng...Tưởng tượng đủ thứ, để rồi, khi nắm xôi được vo tròn, kéo dài như quả
chuối chín thì Sỉnh cay đắng bẻ làm đôi, đứt ra làm hai nửa ném cho hai con chó
nhà hàng xóm đang chầu chực...”. Đọc Nước
mắt để dành, người đọc không thể không nhức nhối về chuyện những người phụ
nữ Dao uống thuốc trụy thai. Nó ám ảnh như một tệ nạn xã hội đen tối, lưu
truyền từ nhiều thế hệ, hành hạ người phụ nữ cả thể xác lẫn tâm hồn. Có thể có
người lên án hành động dã man, tàn độc của những người đàn bà Dao ấy. Nhưng
nhìn ở khía cạnh khác, Tống Ngọc Hân vẫn bênh vực họ, vạch ra những lý do xã
hội đẩy họ vào con đường tàn độc.
Phúc, chị dâu
cả trong nhà họ Phàn cũng “được mẹ chồng cô chọn cưới về lúc mới mười ba...Ngày
đó khi mẹ chồng bảo Phúc nấu cơm, Phúc òa khóc: “ Ở nhà, con mới chỉ xem lửa
thôi, không biết xem nước”. Rồi xới cơm cho hơn chục cái bát chìa ra, Phúc cũng
òa khóc vì phần mình chỉ còn miếng cháy già than cứng đờ, đen kịt. Không biết
nấu thì phải biết xới, không biết nấu thì phải ăn cháy, khóc lóc gì! Nghe Phủ
Minh nạt vậy, Phúc sợ quá, nghẹn ngào nuốt nước mắt thay canh, và miếng cháy
cũng vì thế mà bớt đắng...”. Người chị dâu ấy đã nuốt quen nước mắt rồi, lại
phổ biến kinh nghiệm cho Sỉnh, đứa em dâu kế. “...đã bảo Sỉnh mấy lần rồi mà nó
không nghe, gối của nó lúc nào cũng ẩm và mốc. Phúc thương Sỉnh nên gồng gánh
đỡ Sỉnh rất nhiều việc nặng nhọc, nhưng khóc thay cho Sỉnh thì Phúc không làm
được, vì Phúc còn chưa khóc hết phần của mình cơ mà”.
Sau đám cưới,
người con dâu út là Chảo Mẩy được tác giả mô tả miếng đắng đầu tiên, những giọt
nước mắt đầu tiên mà em hứng chịu, chưa phải cái gì “to tát” mà chỉ là cái việc
“ngủ” với chồng! Giữa đêm khuya, đứa dâu mới, cô học trò lớp bẩy khóc dấm dứt
khiến ông Phàn Quáng phải bực mình. “Khóc gì mà khóc, ngủ với chồng mà khóc à?
Mà cái thằng Phủ Siểu cũng lạ, từng ấy tuổi rồi mà vẫn vụng về...”. Tất nhiên
khi nhớ lại, nhớ đến mẹ bọn chúng thuở xưa, ông Phàn Quáng cũng có phần thông
cảm.
Ba người con
dâu với những nỗi đắng cay, cơ cực trong nhà họ Phàn không hoàn toàn giống nhau.
Không giống bà nội chồng và mẹ chồng, Phúc hiểu rõ thế nào là “ngậm đắng, nuốt
cay”. “Những vết sẹo trên da thịt Sỉnh người ta nhìn thấy, Phủ Phong nhìn thấy
mỗi ngày, còn vết sẹo trong tim cô, Phủ Minh đâu có thấy nên cứ mặc sức đâm,
chọc. Đôi lần Phúc định nói chuyện với mẹ chồng nhưng vừa mở mồm bà đã: “Tôi
làm dâu năm lên mười...”. Và bà nội thì: “Các chị sướng chán, tôi bẩy tuổi, bố
cõng đi làm dâu...” Thế thì còn gì mà nói nữa!”
Có thể nói, bi
kịch của những người đàn bà trong gia đình Phàn Quáng phần lớn do chính những
người đàn ông của mình gây nên. Oái ăm thay, những người đáng lẽ là nhân tố
quan trọng nhất làm nên hạnh phúc cho đàn bà thì ngược lại, chính họ đã vô tình
hay hữu ý gieo rắc nỗi bất hạnh cho đàn bà. Tống Ngọc Hân đã không tiếc lời lên
án những thói hư, tật xấu của đàn ông. Dưới con mắt của chị, có không ít đàn
ông thiếu trách nhiệm với vợ, con, không biết cảm thông, chia sẻ những vất vả
gian nan của vợ, của mẹ, của chị... trong cuộc sống thường nhật. Hơn thế nữa
nhiều người còn sa vào cờ bạc, rượu chè, gái gú... Trong đám cưới con trai,
“ông Quáng sau khi bí mật sai thằng cháu họ gói kỹ một tảng thịt mang đi đâu đó
thì hả hê lắm, hả hê ra mặt. Mẹ Phủ Siểu biết việc ấy, lần nào nhà có việc ông
ấy cũng len lén làm việc đó...” và tác giả nói tọet ra : “Ngoài năm mặt con với
bà, ông còn có hai đứa nữa với người khác. Đứa này đầy mồm, đứa kia nhạt miệng,
lẽ nào...”. Còn ông thầy cúng tên Lý Biểu San, người được cả làng trọng vọng,
nể nang nhất mà “chẳng danh chính ngôn thuận thì thầy cũng ba vợ với chục mặt
con. Nhưng cái nghề của thày là thế, người ta vẫn ghen là thầy “cúng ra vợ” kia
mà!”. Cái thói trăng hoa, đa tình của đàn ông chính là một trong những nguyên
nhân khiến người đàn bà bất hạnh. Nhưng theo Tống Ngọc Hân thì “chỉ có ông trời
mới có đủ quyền năng phán xét và định tội cái thói trăng đèn thôi. Có trăng
quên đèn, có đèn bỏ trăng vốn là tính của đàn ông rồi”.
Cái bi kịch
của những người đàn bà còn nguyên nhân nữa là do chính họ gây nên. Ấy là sự cam
chịu, là sự buông xuôi số phận, không muốn vươn lên để giành lấy những quyền cơ
bản của mình. Khi bỏ học hay không đi học, cho rằng “đàn bà con gái học nhiều,
học ít rồi cũng phải lấy chồng, đẻ con và làm lụng nuôi con thôi...”. Bởi vậy
mà thiếu thốn kiến thức mọi mặt, thậm chí mù chữ để đến nỗi điện thoại của
chồng có tin nhắn của người tình cũng chẳng biết. Nó chỉ là “những con số bí ẩn
nhẩy múa, những con chữ ma quái chao liệng trong cái đầu mù chữ” của chị em. Họ
cam chịu tất cả để trở thành “những cái máy đẻ con, những cái bồ để lúa, cái
kho chứa củi” trong nhà.
Đọc Tống Ngọc
Hân tôi thấy chị từng trải, già dặn hơn một Tống Ngọc Hân ở ngoài đời. Có lần
ngồi tâm sự với Hân tôi nhận ra, chị hiểu sâu sắc cuộc sống đương thời của đồng
bào các dân tộc thiểu số trên mảnh đất Lào Cai mà đặc biệt là Sa Pa, một vùng
đất du lịch mà vợ chồng chị đã và đang gửi gắm cuộc mưu sinh. Với óc quan sát
tinh tế, với trái tim nhậy cảm của người phụ nữ đam mê nghiệp văn chương, Tống
Ngọc Hân đã đi từ thơ sang lĩnh vực văn xuôi. Tôi đồ rằng có lẽ thơ không đủ
sức để chị bày tỏ nỗi niềm, chị phải viện đến một thể loại rộng hơn là truyện
ngắn.
Đọc Nước mắt để dành tôi có cảm giác như một
cuốn tiểu thuyết Hân đã cô lại. Thực ra, Hân chưa từng viết tiểu thuyết, nhưng
cảm nhận của tôi, tác giả có thể phát triển truyện ngắn Nước mắt để dành thành tiểu thuyết. Bởi lẽ, trong truyện này không
phải Tống Ngọc Hân chỉ đưa ra duy nhất một thông điệp về thân phận người đàn bà
Dao.
(Kỳ sau sẽ đăng truyện này)
Nhận xét