Vai trò nhân dân trong công tác chỉnh đốn Đảng


Vai trò nhân dân
trong công tác chỉnh đốn Đảng
                                           Nguyễn Ngọc Dương

                                                                            
Quan hệ giữa Đảng và Nhân dân thường biểu hiện cụ thể trong quan hệ giữa Cán bộ với Dân. Lâu nay trong xã hội, người ta tự dưng thay thế một cách hồn nhiên chữ cán bộ bằng chữ quan chức. Ngay cả trên báo chí chính thống của Đảng vẫn thường xuyên dùng chữ quan chức. Điều này không phải ngẫu nhiên. Nhiều người nghĩ rằng, nói cán bộ hay quan chức cũng thế, có gì khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, xét về bản chất thì hoàn toàn trái ngược. 

Thời Phong kiến, bản chất của nó là chế độ quân chủ và quan chủ, vua quan được mệnh danh là “cha mẹ” dân. Vì thế cho nên quan bắt dân thế nào, dân phải răm rắp nghe theo. Nhưng bản chất của chế độ ta hoàn toàn ngược lại, chế độ dân chủ nên cán bộ là “đày tớ” của dân (lời Bác Hồ). Phải chăng người ta dùng từ quan chức là bởi đã có không ít cán bộ muốn đổi ngôi từ “đày tớ” lên làm “cha mẹ” dân. Họ muốn bắt thế nào dân cũng phải nghe. Không nghe thì với quyền lực trong tay, họ có thể làm nhiều điều có hại cho dân.
Nhớ lại 15 năm trước ở nhiều xã thuộc tỉnh Thái Bình, cán bộ cơ sở tham nhũng, ức hiếp dân không khác gì cường hào, ác bá. Kiện cáo mãi không xong thì dân bức xúc đập phá trụ sở Ủy ban, đốt nhà, bắt giam cán bộ, ngăn cấm người lạ vào làng, hàng nghìn người kéo nhau lên tận Ủy ban tỉnh... Lúc ấy, đó là một hiện tượng lạ lùng, quá lạ nên nhiều người cho rằng, đó là bạo loạn, nấp đằng sau là “thế lực thù địch”, là bọn “diễn biến hòa bình” giở trò chống lại Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu về, được Bộ chính trị hỏi, đồng chí Phạm Thế Duyệt, ủy viên Bộ chính trị, trưởng Ban Dân vận Trung ương, tổ trưởng tổ công tác đặc biệt đã khẳng định thẳng thắn: “Ở đấy toàn là dân, không có địch”. Vì thế mà Trung ương đã chỉ đạo xử lý đúng đắn, chính xác và mọi sự dần trở lại ổn định. Những cái tên An Ninh, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hội, Thái Thịnh... vẫn đáng yêu, nhân dân vẫn tin Đảng, sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo vẫn tiến lên phía trước....
Hiện nay, những chuyện tương tự tuy chẳng rầm rộ nhưng cũng không hiếm. Đây đó thỉnh thoảng vẫn có cả đoàn người kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, lên Hà Nội kêu ca đòi lại quyền lợi của mình. Ví dụ, vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng khiến đối tượng phải chống lại bằng mìn tự tạo và súng hoa cải làm 6 chiến sĩ công an, bộ đội bị thương. Sự việc lúc đầu cứ tưởng anh em Đoàn Văn Vươn là đầu gấu, là tay chân bọn thù địch, muốn gây rối, chống lại chế độ. Nhưng sau khi báo chí khui dần ra, đại tướng Lê Đức Anh, nguyên chủ tịch nước lên tiếng: “sai từ huyện đến xã”, rồi nhiều cán bộ lão thành, trí thức phản ứng, đặc biệt là Thủ tướng Chính Phủ phải vào cuộc kết luận: Huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Vươn sai pháp luật, vì thế quyết định cưỡng chế cũng sai...  Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, “màn chào hỏi” của Hải Phòng đã phải xử lý kỷ luật cả Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng, cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã, người bị cảnh cáo, kẻ bị cách chức về vườn...
Hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được triển khai từ Trung ương đến cơ sở. Vấn đề củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xưa nay ta đã làm nhiều nhưng lần này không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhấn mạnh: “Coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.” Bởi Đảng đã nhìn thấy rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đúng ra thì nhân dân cũng đã nhìn thấy điều này từ lâu, nhưng việc của Đảng thì dân nghĩ trước hết Đảng phải tự làm. Tuy nhiên, Đảng tự làm mà không có sự giúp sức của dân thì chưa chắc đã  kết quả.
Ta thường nói: Đảng với Dân như cá với nước. Đảng là cá, dân là nước. Cá sẽ không sống được nếu không có nước. Chính mối quan hệ này cho ta nghĩ rằng, việc chỉnh đốn Đảng cần đến công tác dân vận để dân có thể tham gia xây dựng Đảng. Tự phê bình là rất cần thiết, phê bình lẫn nhau trong Đảng cũng rất cần thiết. Tuy nhiên điều đó cực kỳ khó. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã khẳng định tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi vì nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; rồi phải nhận xét, đánh giá về người khác...
 Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về chỉnh đốn Đảng liệu có cần đến dân và công tác dân vận phải vào cuộc với Đảng như thế nào? Đó là câu hỏi lớn. Muốn dân giúp Đảng chỉnh đốn có hiệu quả thì vẫn phải quay lại những nguyên lý tưởng như rất cũ nhưng lúc nào cũng mới. Ấy là trước hết phải tin dân. “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi”, nhưng thực tế vẫn cứ bị nhiếu người làm ngược. Phải lắng nghe mọi phản hồi của dân dù đó là những ý kiến có khi nghịch nhĩ, khó lọt tai. Hãy khắc phục  những quan điểm mang tính ngụy biện, động cái là đổ cho...thế lực thù địch, là “bọn diễn biến hòa bình”. Cảnh giác với thế lực thù địch nhằm chống phá chế độ là đúng, nhưng không phải để lấy cớ ngụy biện cho những anh cán bộ thoái hóa, biến chất, nhằm che đậy những sai trái của mình. Cùng với sự tin dân, lắng nghe ý kiến của dân thì phải hành động giải quyết khẩn trương những bức xúc của dân. Tình trạng lạnh lùng, vô cảm trước những đơn thư khiếu kiện, đùn đẩy nhau hay “im lặng đáng sợ” là nguyên nhân của những ngòi nổ như quả mìn và khẩu súng hoa cải Đoàn Văn Vươn. Người dân một khi đã phải đâm đơn kiện cáo là vạn bất dắc dĩ. Nói chung, người dân chẳng ai muốn kiện cáo làm gì cho mệt xác. Nhưng oan quá, kiện mãi không xong thì “tức nước vỡ bờ”, “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Nguyên nhân kiện cáo là do cán bộ (quan chức) gây ra, chứ đâu phải dân ngứa chân, ngứa tay, tự dưng muốn kiện!  Giải quyết tốt kiện cáo, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý thì sẽ phát hiện và xử lý sớm được những thoái hóa, biến chất của cán bộ.
Qua nhiều vụ việc thành công trong xử lý tham những, thoái hóa biến chất từ cán bộ cơ sở đến cán bộ cỡ Trung ương, nhận thấy: Chính báo chí chứ không phải đồng chí phát hiện, đấu tranh để đi đến tận cùng sự việc. Vậy Đảng, Nhà nước hãy động viên báo chí, dựa vào báo chí như một công cụ sắc bén. Bây giờ các nhà báo của chúng ta đa số là trí tuệ và dũng cảm, trung thực, có tâm, có tầm. Số kém cỏi cả phẩm chất và năng lực không nhiều. Các nhà báo chỉ mong rằng, Đảng, chính quyền hãy tin vào sự thực, tôn trọng sự thực. Nếu họ làm sai thì đã có luật xử lý... Đừng vì cay cú khi bị vạch ra sự thật cay đắng mà đao to búa lớn, sinh sự với báo chí. Thậm chí không khéo thì “Gió đông thổi bạt gió tây”, nhà báo tích cực chống tham nhũng có khi phải vào tù thay cho kẻ hại dân, hại nước! Trong tình hình hiện nay, không có báo chí không thể thực hiện được bất kỳ chủ trương, Nghị quyết nào của Đảng.
Một kênh đặc biệt quan trọng là ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ trung cao cấp đã nghỉ hưu. Có cán bộ đương chức vừa nhắc đến các cụ về hưu thì đã bĩu môi, chun mũi: “Ôi dào, mấy cái ông, bà già về hưu chả có việc gì toàn thở ra giọng tiêu cực. Thông tin không nắm được, lạc hậu, bảo thủ, phát biểu ngang phè!...” Ý kiến đó là cá biệt, nhưng nghĩ như vậy mới chính là cách nghĩ lạc hậu, chưa nói đến tư cách thiếu tôn trọng người cao tuổi, tôn trọng lớp đàn anh. Anh ta nghĩ thế, nói thế có khác nào “bắn súng lục vào quá khứ” và không sợ đến lượt mình sẽ bị lớp đàn em “nã đại bác vào đầu!” Thực tế đã chứng tỏ nhiều cán bộ lão thành rất tâm huyết và trăn trở cùng đội ngũ cán bộ đương chức lo cho sự nghiệp của Đảng. Trong bối cảnh công nghệ hiện đại phát triển như bây giờ, rất nhiều cụ sử dụng thành thạo internet, họ đã thâu tóm được mọi thông tin thời sự hằng ngày từ địa phương, trong nước đến quốc tế, thậm chí thông qua internet tiếp tục làm giàu tri thức của mình bằng việc tiếp thu không ngừng tri thức nhân loại...Việc trân trọng và chân thành tiếp thu ý kiến của nhân sĩ, trí thức, cán bộ lão thành cách mạng là một kênh chắc chắn có hiệu quả cao.
Nhà báo, nhân sĩ, trí thức, cán bộ lão thành hưu trí...là một bộ phận nhân dân mà Đảng, Nhà nước thật sự tin tưởng, lắng nghe thì may chăng mới thực hiện thành công Nghị quyết 4.
(Bài đã đăng Tạp chí Dân Vận - Ban Dân vận Trung ương)
              

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.