Có một người như thế

Có một người như thế

Ngọc Dương       
Đọc bài Sơn Tùng - Sen xanh một đóa của Trần Vũ Long, mình lại nhớ đến ông, người mà mình đã viết một bài ký về 
ông cách đây 8 năm, khi ông đang hấp hối. Thế là đăng lại bài này.
       
       Tôi và Trần Hữu Sơn, giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin-Thể thao tỉnh Lào Cai đến thăm ông vào một buổi chiều tại nhà riêng, ngôi nhà của người con trai trưởng ở đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai. Ông nằm gần như bất động trên chiếc giường một kê sát khu bếp của ngôi nhà. Thấy chúng tôi, ông muốn nói lắm, nhưng có lẽ do mệt, nên rất kiệm lời. Đôi mắt ông nhìn vào cõi xa xăm, vô định, gần như không chớp. Chúng tôi biết ông đang hết sức kiềm chế những xúc cảm nào đó, bởi miệng ông thi thoảng mím lại và các cơ xung quanh miệng cứ giần giật, và những giọt lệ cứ ngân ngấn trào ra...
Ông là Nguyễn Gia Tân, sinh năm 1932, tuổi Nhâm Thân. Năm một nghìn chín trăm bẩy mươi tám, ông là thủ trưởng trực tiếp của tôi: Trưởng khoa triết học trường đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn - mà lúc ấy tôi là một giảng viên mới ra trường.  Nhưng hầu như chưa bao giờ ông coi tôi là cấp dưới. Ông thường nhìn tôi với con mắt của một người đồng nghiệp, đồng chí và một người bạn thân tình. 
Nhớ lần đầu  lên bục giảng, mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng như chuẩn bị vào một trận đánh, nhưng tôi vẫn thấy hơi run. Biết trước điều ấy, với tư cách vừa là người quản lý, vừa là một đồng nghiệp có thâm niên nghề, ông khích lệ: "Cậu cứ bình tĩnh mà trình bày, mình ngồi dưới bắc trung liên yểm hộ!". Ông hơn tôi mười sáu tuổi, bằng tuổi chú tôi, nhưng trong tám năm công tác với nhau, ông thực sự là người bạn vong niên của tôi. Ông là người mát tính, không bao giờ to tiếng với ai, trong khi tôi thì nóng như lửa. Có lần khoa triết học nhận kế hoạch mời giảng viên kiêm chức, ông quên không nhắc tôi. Sắp đến giờ lên lớp, ông mới nhớ ra, bảo tôi đánh xe đi đón giảng viên. Tôi bực mình quát tướng lên với ông. Dường như biết lỗi, ông không nói gì. Còn tôi, sau khi đi đón được thầy về, thầy lên bục giảng rồi, tôi mới thấy ân hận. Tôi cảm thấy mình vô lý và có phần hỗn, vì ông vừa bằng tuổi cha, chú mình, vừa là cấp trên. Tôi tưởng ông giận tôi lắm. Nhưng không, lúc sau tôi lấy cây đàn violon ra kéo bài "Làng tôi" của Văn Cao, thì ông đã quên chuyện lúc nãy, đến trước mặt tôi và nói: "Này, cậu kéo bài này làm mình xúc động quá. Mình nhớ đến năm bốn chín ở quê mình, huyện Vũ Tiên, Thái Bình, bọn giặc đã tàn sát gần hết cả một ngôi làng!...Đau xót lắm!" Thế rồi đôi mắt ông cũng ngân ngấn lệ như hôm nay. Chỉ có những người đa cảm mới dễ rơi nước mắt như vậy!...

Ông gọi tôi rất khẽ rồi chỉ tay xuống phía cuối giường, nói đứt quãng: "Chìa khoá... túi... áo bông." Tôi hiểu ý, toan đứng dậy tìm chìa khoá, thì chị con dâu trưởng đã nhanh nhẹn móc ra từ trong túi áo khoác của ông một chùm chìa khoá. Ông cầm chùm chìa khoá run rẩy mãi mới chọn ra được một cái chìa, giữ chặt lấy bằng cả hai tay, từ từ đưa về phía tôi rồi nói: "Cánh tủ bên phải ... tài liệu..." Tôi trân trọng đón chùm chìa khoá, chuyển cho cô bé học sinh lớp 11, cháu nội của ông. Lát sau, cô bé ôm vào một bọc tài liệu to, gồm nhiều tập giấy cũ, đủ loại, đựng trong các túi ni lông. Đại đa số là giấy kẻ học sinh, có cả những quyển vở kẻ ô li, những mẩu cắt ra từ những tờ báo, tạp chí nào đó... Hầu hết đều đã ngả màu, bởi đã trải qua thời gian mấy chục năm.

Trong cuộc thăm viếng này của chúng tôi, cũng là một dịp may mắn. Có thể nói, khó khăn lắm ông mới cả quyết nói ra được với tôi và Sơn một câu: "Tôi muốn chuyển giao tài liệu này cho các chú !" Hình như ông vẫn nuối tiếc khôn nguôi về công sức mấy chục năm như vậy, mà cho đến nay “tác phẩm” của mình vẫn chưa hoàn thành. Tất cả vẫn chỉ mới là “quặng thô”, chưa tinh chế. Và dường như ông cảm thấy đang còn nợ cuộc đời một cái gì chưa làm được...

Khi được ông chính thức tuyên bố trước mặt con cháu ông, giao tập tài liệu, kết quả sưu tập của ông trong suốt ba mươi sáu năm qua, tôi và giám đốc Trần Hữu Sơn bàn nhau: nên chuyển cho Thư viện tỉnh lưu giữ làm nguồn tư liệu chung cho những ai nghiên cứu sau này.
                                                        *
Sáng hôm sau, tôi lại lên thăm ông và xin phép được xem  tập tài liệu ấy. Lật qua, tôi để ý ngay đến một cuốn vở đóng bằng khổ giấy 19 x 27 xăng ti mét, dày gần hai trăm trang viết tay, với nét chữ của ông như những con kiến, chi chít, dầy dít trên tất cả các trang. Là người quen nét chữ ấy mấy chục năm rồi, nên tôi còn đọc được, tuy cũng có chữ phải mãi mới đoán ra. Đúng là con cháu Kác Mác!  Người ta bảo rằng chữ Mác vừa xấu, vừa khó đọc lắm, bởi vì ông thường vừa đi đi lại lại vừa viết. Vì thế cho nên, sau này ở Viện triết học Đức có một bộ phận chuyên nghiên cứu để đoán chữ của Mác trong những bản thảo viết tay chưa xuất bản. Còn ở đây, chữ của ông Nguyễn Gia Tân, một "thày đồ" đã từng là giảng viên triết học trường Đảng cấp tỉnh, tuy có khó đọc, nhưng vẫn dịch ra được. Cuốn vở của ông ở trang bìa 1 ghi rõ: Tiểu sử và đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Ở góc trên bên trái có dòng chữ: "Bắt đầu sưu tầm 1969. Tài liệu viết lại đến lần thứ sáu. HOÀN THÀNH ? 1969 - 1990". Hai chữ "hoàn thành" ông viết in hoa và đánh dấu hỏi, tôi hiểu là ông không khẳng định được thời điểm hoàn thành. Có lẽ ông tâm niệm rằng: đối với tiểu sử và đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có đánh cược cả cuộc đời mình để mà tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm cũng không bao giờ xong. Con số 1969 -1990 cho biết quyển đề cương này viết lại vào năm 1990, hai mươi mốt năm sau khi Hồ Chí Minh đi xa, là năm kỷ niệm 100 năm, ngày sinh của Người và cũng sau hai mươi mốt năm tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu chuyên đề của ông. Ở phía trên bên phải có dòng chữ "vì lương tâm hay là trách nhiệm?" Những chữ "lương tâm" và "trách nhiệm" ông dùng bút mực tô đi tô lại rất đậm. Tôi hiểu rằng ông đã trăn trở lắm bởi cả hai khía cạnh: lương tâm và trách nhiệm của một người công dân đất Việt đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ông đã làm một việc xuất phát từ chính trái tim mình, chứ không hề vì bất kỳ một lí do nào khác. Ở phía dưới trang bìa 1 có đoạn viết: "Nhân kỷ niệm UNESCO công nhận, 19/5/1990. Toàn thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một danh nhân văn hoá của nhân loại  1890-1990". Ông tô đậm 2 chữ nhân loại.

Trang đầu cuốn vở này có viết thư mục nguồn tư liệu. Đó là gần bốn mươi đầu sách, tài liệu tham khảo chính như: Thanh Tịnh (đại tá, Tổng biên tập Tạp chí quân đội); Nguyễn Công Thu (băng ghi âm); Mai Hữu Tuệ (Viện nghiên cứu lịch sử); Lê Tư Lành (Viện bảo tàng lịch sử); Vũ Kỳ (Viện bảo tàng Hồ Chí Minh); Nguyễn Công Hoan (nhà văn); Mai Sơn Tùng (Búp Sen xanh); Võ Nguyên Giáp (Hồi ký); Cabêlép (Chủ tịch Hồ Chí Minh); Hồng Hà (Thời niên thiếu của Bác Hồ); Tạp chí Tổ Quốc; Tạp chí Văn hoá, nghệ thuật; Nguyễn Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp); Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Nhà xuất bản Thông tin lý luận); Phạm Khắc Hoè (Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc) v.v ...

Trang tiếp theo là: Mục lục. Gồm 9 phần.
Sau phần mở đầu là Phần thứ nhất có tiêu đề: Quê hương. Gia đình. Tiểu sử. Trong đó, Quê hương: (4 điểm); Gia đình (Họ nội. Họ ngoại. Thân phụ. Thân mẫu. Cô Thanh. Cậu Khiêm). Từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy Thành ra đi tìm đường cứu nước.
- Phần thứ hai: Đ/c Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước. Anh Ba đi vòng quanh thế giới. Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại Pari. Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước. Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô 1923. Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc 1924. Thầu Chín ở Thái Lan 1928. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời 1930. Vụ án Hương Cảng 1931.
- Phần thứ ba: Đ/c Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về nước.
Đ/c Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô 1934 - 1938. Đ/c Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc 1938 - 1941. Đ/c Nguyễn Ái Quốc về nước 8/2/1941.
- Phần thứ tư: Cụ Hồ trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt nam để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/45 thành công.
Tổng khởi nghĩa. Bác Hồ về Hà Nội. Bác đọc Tuyên ngôn. Bảo Đại thoái vị. Những tháng ngày gay go, ác liệt của năm 45, 46.  Kháng chiến bùng nổ. Bác lên đường đi kháng chiến. Bác lại trở về Thủ đô.
- Phần thứ năm: Bác với miền Nam. Miền Nam với Bác.
- Phần thứ sáu: Bác Hồ đã phát huy truyền thống của dân tộc, kế thừa tinh hoa của nhân loại. Một tấm gương tuyệt vời cho hôm nay và mai sau.
- Phần thứ bẩy: Bác Hồ trước lúc đi xa.
- Phần tổng kết.

Bản đề cương chi tiết theo mục lục trên đây viết kín tám mươi bẩy tờ giấy, tổng số một trăm bẩy mươi tư trang, ông dùng để đi nói chuyện ở các lớp học, hội nghị hoặc trong những dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác 19/5, các cơ quan, đơn vị tổ chức nói chuyện về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và mời ông trình bày.

Đến nay thì bản đề cương đó tiếp tục được bổ sung bằng những tư liệu mà ông sưu tầm thêm sau mười bốn năm. Cũng là từ khi ông nghỉ hưu đến nay. Có một tập giấy mới nhất ghi dòng chữ: "Tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh sưu tầm năm 2003 - 2004". Tất cả bọc tư liệu sưu tầm để phục vụ cho bản đề cương trên đây, chị Hà, con dâu trưởng của ông đã ước lượng được khoảng sáu nghìn bốn trăm trang
                                                                *
Để có được một khối lượng tài liệu như thế, ông đã trải qua những cuộc sưu tầm rất công phu. Tôi cũng đã được chứng kiến. Một lần vào khoảng năm 1980, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng mời một số giảng viên trường Đảng cấp tỉnh về nghiên cứu tài liệu tham khảo ở Hà Nội. Tôi và ông Tân về nằm ở nhà khách số 8 Chu Văn An để đọc. Mấy ngày hết chương trình tôi về. Ông bảo: "Cậu cứ về trước, mình còn ở lại có việc...". Thì ra ông lẳng lặng lần mò đến những nơi có tài liệu tin cậy liên quan đến Bác Hồ để sưu tầm cho chuyên đề của mình. Nhưng đâu có chuỵên dễ dàng cho một cán bộ cỡ chuyên viên tỉnh lẻ đến gõ cửa các cơ quan trung ương. Trong hoàn cảnh phải ăn chực nằm chờ ở Thủ đô vào thời kì bao cấp, mọi sinh hoạt đều phải tem, phiếu, đồng lương thấp thì đó là một thử thách lớn, không tâm huyết, không thể làm được. Năm 1985, sau khi chuyển sang công tác ở Ban biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn, ông đọc báo biết được nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn tiểu thuyết Búp Sen Xanh viết về thời niên thiếu của Bác Hồ, là người giàu tư liệu về Bác, ông tìm mọi cách để tiếp cận với nhà văn Sơn Tùng. Ông cố dành dụm, giấu vợ con đủ tiền tàu và tiền ăn đường, rồi một hôm, ông ra chợ Phố Lu mua một quả mít thật ngon, lễ mễ bê lên tàu, xuôi Hà Nội, đi xích lô vào tận ngõ Văn Chương phố Khâm Thiên, tìm đến nơi ở của nhà văn Sơn Tùng. Mặc dù chưa gặp nhau bao giờ, nhưng họ cảm thấy như là những người bạn đã từng thân nhau lắm, thậm chí như hai anh em ruột lạc nhau lâu năm, nay gặp lại. Có lẽ họ đồng cảm ở chỗ đều tâm huyết về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi ông Tân mở sổ ra, ngồi nghe nhà văn Sơn Tùng kể chuyện về Bác Hồ. Ông ghi ghi chép chép không khác gì một môn đệ trung thành.

Kể từ sau khi Bác mất, 2/9/1969, bên cạnh công tác được cơ quan giao, ông bắt đầu giành hết tâm lực còn lại vào sưu tầm, nghiên cứu chuyên đề về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và vừa sưu tầm, nghiên cứu vừa đi tuyên truyền miệng. Tôi nhận thấy công trình của ông như một ngôi nhà vừa xây vừa ở. Xây đến đâu ở đến đấy. Hình như ông có ý định xây mãi, xây mãi không giới hạn chiều cao, bề rộng. Cho đến nay, không ai, kể cả bản thân ông biết được ông đã tuyên truyền chuyên đề của mình được bao nhiêu buổi, cho bao nhiêu người nghe. Vì không phải chỉ ở thời kỳ ông làm giảng viên, mà cả khi ông chuyển đi cơ quan khác và sau mười bốn năm về hưu đến nay hằng năm vẫn có những cơ quan ở trong tỉnh mời ông nói chuyện về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của Người. 

Tôi nhớ rất rõ những buổi giảng bài, những cuộc nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông trên bục, hồi còn công tác ở Trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn. Với chất giọng trầm ấm, khúc triết, đôi khi pha chút hài hước, hóm hỉnh và sự thuyết trình không phải chỉ bằng trí tuệ, mà bằng cả trái tim của một người suốt đời tâm niệm, ngưỡng mộ học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, ông đã cuốn hút được hàng trăm người nghe trong mỗi buổi trên giảng đường. Ngày ấy không có máy điều hoà nhiệt độ, đôi khi thiếu cả quạt, ông vừa nói vừa phất cái quạt giấy. Đôi mắt kính lão trễ xuống, đôi vai gầy của ông nhô lên. Nom thương lắm! Buổi trưa, tôi và ông đều nghỉ tại cơ quan. Ông thủ sẵn cái bánh mì từ sáng để trong ngăn kéo. Bây giờ bỏ ra, véo từng miếng, chậm chạp nhai cho kì hết, nghỉ một lát, rồi chiều lại lên bục giảng.
*
Qua cuộc tiếp xúc với ông buổi chiều ấy, mặc dù câu chuyện bị đứt gẫy do ông đã yếu lắm rồi, nhưng chắp nối lại, chúng tôi vẫn nhận ra điều mà ông muốn nói với chúng tôi là: Ông đã có vinh dự lớn là được trực tiếp gặp Bác Hồ hai lần. Ở thời của chúng ta, chúng ta rất gần Bác. Tư tưởng, đạo đức của Người thấm vào cả một dân tộc như một niềm tự hào lớn.Và ông luôn kỳ vọng ở lớp trẻ, nhất là sau này, mãi mãi giữ gìn, bảo vệ được Tư tưởng và Đạo đức Hồ Chí Minh - Di sản to lớn và vô giá của Dân tộc Việt Nam. Đó là điều tâm huyết nhất trước khi ông bước sang thế giới bên kia…

Lào Cai, 10/6/2004
                                      

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.