Lan man chuyện phố

Lan man chuyện phố  
Hồ Gươm chiều thu Ảnh C.T             
                                                  Tản văn: Ngọc Dương
Tháng Giêng ngày rộng tháng dài, xin lan man kể vài chuyện phố.
1. Phố N có gia đình mới chuyển đến một căn hộ. Chưa kịp sắp xếp đồ đạc, nội thất thì ông chủ, bà chủ đã le te bấm chuông những nhà bên cạnh để chào hỏi và tự giới thiệu, rồi nhã nhặn thưa: “Chúng em xin phép ổn định chỗ ăn, chỗ ở xong sẽ xin sang tâm sự với các bác nhiều. Chẳng gì từ nay chúng ta cũng là hàng xóm láng giềng với nhau mà...”
2. Đối diện với căn hộ này là một gia đình hai vợ chồng trẻ. Ngôi nhà ra vào bằng cửa cuốn bấm điện xòe xòe. Họ đã ở đây gần một năm nhưng không ai biết được quý danh của họ, trừ ông tổ trưởng dân phố và anh công an địa bàn. Còn khắp cả xóm hỏi nhau, ai cũng lắc đầu chư pâu. Sáng, khi cánh cửa “tự động hóa” cuốn lên, cái xe năm chỗ màu đen nhánh từ từ chui ra khỏi nhà, trong xe có hai bóng người. Xe chạy ra đường thì cửa cũng hạ. Năm giờ chiều, chiếc xe con màu đen về, cánh cửa cuốn lên, xe chui vào nhà, cửa lại sập. Họa hoằn một ngày chủ nhật nào đó cái cửa cuốn mới mở toang để đón khách, nhưng toàn khách “xe sịn” ở đẩu ở đâu đến vui vẻ, nhậu nhẹt. Còn những người trong khu dân cư thì “kính nhi viễn chi”. Đối với khu dân cư này, ngay cả những hộ liền kề, căn hộ ấy luôn luôn là một bí ẩn...
3. Ở đầu phố có một đám tang. Một người đàn bà mắc bệnh hiểm nghèo, mất. Gia đình bà là dân thường. Họ hàng thân thích thì đều ở tỉnh xa. Khi bà nằm xuống, những người đầu tiên có mặt là anh tổ trưởng dân phố và mấy nhà lân cận đến cùng chồng bà lo việc “tang gia bối rối”. Khi trống phách và tiếng kèn “ò í e” nổi lên, người ta bảo nhau: “phố ta có người vừa ra đi”. Có ai đó hỏi: không biết đàn ông hay đàn bà nhỉ? Nhưng có người lại thông thạo lai lịch của người quá cố, cứ kể vanh vách bà ấy tên là..., còn trẻ, bản thân là thợ hồ, chồng làm nghề xe ôm, con cái vẫn là học sinh... Qua một ngày, một đêm có nhiều người láng giềng rất tận tình với tang gia, lăn lộn, lo toan mọi thứ: gọi người dựng rạp, mua quan tài, thuê thợ kèn, sắm thực phẩm, đồ tang lễ...phải nói “trăm thứ bà rằn”, mà người trong cuộc không thể nghĩ ra hết được. Nhưng trái lại, có người cứ “bình chân như vại” không quan tâm gì đến “sự cố”. Mấy ông cán bộ hưu thì bàn tán quanh bàn cờ: Đây là việc nghĩa, mà cái nghĩa này là nghĩa tử, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Dù hằng ngày chẳng có quan hệ gì với nhau nhưng khi người ta mất cũng nên đến thắp nén nhang vĩnh biệt. Đúng rồi, chẳng gì cũng là “hàng xóm láng giềng, tối lửa, tắt đèn có nhau”.  Đó là văn hóa, là truyền thống quý báu của cha ông... Nhưng khi truy điệu người quá cố, ngoài nỗi buồn mất mát của người thân, đám tang còn thêm nỗi buồn nữa, một nỗi buồn không của riêng ai. Ấy là quá ít người đến đưa tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong thời tiết giá lạnh, mưa rét, người ta ngại đi đưa ma. Tuy nhiên vì ở phố nên tất cả vẫn phải diễn ra có vẻ bài bản. Ông trưởng ban lễ tang đọc lời điếu. Lời điếu còn gọi là điếu văn nhưng không có “văn”. Toàn câu chữ chung chung, sáo rỗng. Hơn nữa, người đọc lời điếu lại vừa đi nhậu về, mặt đỏ phừng phừng, tỏa ra toàn mùi rượu, khiến cho tang lễ thiếu tính trang nghiêm. Đám tang lèo tèo! Khi di quan ra xe tang, không có đủ lực lượng thanh niên trẻ khỏe, nên ban lễ tang cứ lúng ta lúng túng...
4. Giữa phố có đôi vợ chồng viên chức. Bố mẹ hai bên ở mãi tỉnh miền xuôi, các cụ còn khỏe nên thỉnh thoảng cũng lên thăm con, thăm cháu. Bà mẹ vợ hơn bẩy mươi tuổi, “người nhà quê một cục”, lưng hơi còng, nhưng khuôn mặt rất phúc hậu, dáng vẫn còn nhanh nhẹn. Có lần bà cụ lên chơi, khệ nệ một bao tải toàn là ổi và quéo. Lát sau, bà mang chia ra, đến gõ cửa từng nhà xung quanh: “Tôi ở xuôi lên chơi với cháu, gọi là có chút cây nhà lá vườn làm quà biếu ông bà, anh chị...”. Cái cử chỉ rất quê mùa nhưng cũng rất văn hóa của bà cụ khiến những người hàng xóm ai cũng cảm động. Quý hóa quá, cụ già tuổi cao sức yếu từ mãi tỉnh xuôi cách mấy trăm cây số, tầu xe vất vả thế mà còn hái những thứ ở vườn nhà mang lên biếu người hàng phố của con mình. Thật là “của một đồng, công một nén”. Mấy thứ hoa quả đó chắc chắn mua ở chợ thành phố cũng rất rẻ và có khi còn ngon hơn của nhà bà cụ trồng. Nhưng nhiều người nhận thấy ở đây không phải là giá trị của bản thân những hoa quả ấy. Đó là giá trị về tình người, về nhân cách. Bởi vậy mà người ta trân trọng. Tuy nhiên, trong số đó lại có người nhận quà, nói lời cảm ơn, nhưng sau khi bà cụ về thì lẳng lặng bỏ những quả quéo, quả ổi vào... sọt rác! Khi ông giáo già ở nhà bên biết chuyện, ông đã đứng lặng, rưng rưng nước mắt!... Hôm “hết phép” chuẩn bị ra tầu, bà cụ lại đi từng nhà chào tạm biệt. Khi bà đến chào ông giáo, ông móc túi rút ra mấy chục nghìn nói: “Bà thông cảm cho tôi cùng là cảnh già, tôi thì không đi đến đâu, còn bà lên thăm con cháu thế này là mừng lắm, nay bà lại nhà, đường sá xa xôi, tôi biếu bà mấy đồng gọi là để uống nước, là cái tình cảm nhỏ nhoi của tôi”. Nhưng bà cụ vội chắp hai tay, quỳ sụp xuống nền nhà, vái lấy vái để ông giáo mà rằng: “Cụ ơi, tôi không dám đâu, lương hưu của cụ được bao nhiêu mà sao cụ lại cho tôi tiền.  Tôi lạy cụ, lạy cụ, cụ làm thế tôi khó nghĩ quá!”...
                                                   

                                                                     N.D

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.