Gặt hái của người ưa dịch chuyển

Nhà văn Đoàn Hữu Nam : Giới thiệu sách mới

  “Tôi thường có cảm giác ngột ngạt nếu chỉ bó mình với những công việc cứ lặp đi lặp lại, đơn thuần, nhàm chán, nhất là với thời buổi bây giờ, những bộn bề, ồn ã, xã giao nó cứ hời hợt, nhạt nhẽo thế nào ấy? Có cái gì ấy toan tính, hơn thiệt cứ trồi lên trong lòng con người…”. Văn là người, chỉ cần đọc mấy lời bộc bạch này cũng đủ hình dung ra một kẻ “ngược đời”, chỗ người ta cố chui vào tìm chốn yên thân, phì gia thì hắn cố chui ra. Tôi đã gặp một Công Thế giữa rừng cà phê bạt ngàn vào mùa đỏ ối ở Buôn Mê. Sau bẩy năm lính chiến và gần hai chục năm lăn lộn với nắng gió Tây Nguyên, tưởng như mùa màng hương sắc ấy làm mồi cho anh gắn bó mãi mãi với vùng đất đỏ bazan. Nhưng không!

Vợ con, rừng cà phê nở hoa, đường công danh rộng mở không níu giữ được người lãng tử đất “ông cò”. Tôi đã gặp một Công Thế ngang tàng, tài hoa, đánh Nam dẹp Bắc lẫy lừng mà hơn năm mươi tuổi vẫn phải cơm niêu nước lọ, lọ mọ làm anh công nhân khai khoáng tận Khe Lếch nơi đèo heo hút gió. Và tôi nhiều lần gặp Công Thế trong văn, trong thơ.
 Với văn chương Công Thế không phải từ phát lộ mà là bị lôi cuốn. Lôi cuốn từ si mê, ngưỡng mộ. Lôi cuốn từ cái tính ngang tàng, ưa chuyển dịch. Anh đam mê văn chương kinh khủng, cứ nhìn cung cách anh ngồi nghe một ông nhà văn diễn thuyết, dù là nhà văn tiếng nổi như cồn hay một nhà văn còn cất kỹ tên tuổi là đủ thấy anh đang là đệ tử của văn chương. Không chỉ đam mê anh còn cuốn người khác vào sự đam mê. Trong một lần công cán, tôi cùng anh vào một quán cà phê. Cô chủ quản xinh đẹp đứng tựa cửa ngưỡng mộ, anh cất giọng diễn thuyết văn chương, anh cuốn tôi vào cuộc, cả hai càng nói càng như nhập đồng, nói đến nỗi cô chủ quan như bị thôi miên quên cả nồi cá kho đang bốc cháy khét lẹt vẫn chưa dừng. Giữa thời buổi kinh tế thị trường nửa vời, con người tự cuốn, bị cuốn vào đồng tiền đã đành, đây lại bị cuốn vào văn chương, cái nghề rẻ nhất trong các nghề, mới thấy được sự phiên lưu, sự dấn thân của người đam mê chữ nghĩa.
Nhưng từ đam mê đến gặt hái từ văn chương là cả một vấn đề. Phần manh nha trong men say ở Thế có thể chưng cất nên chữ nên nghĩa, phần để có thêm bạn văn tôi kích Thế vào cuộc, đến độ anh chàng ưa chuyển dịch phải trăn trở, phải mon men vào nghề viết lách. Thế hỏi tôi: “Theo ông nếu tôi bước vào viết lách thì bắt đầu từ cái gì?”. “Trong cuộc đời ông thích gì nhất?” – Tôi hỏi lại. “Thích dịch chuyển, tôi không chịu được sự tù đọng”- Thế trả lời. “Thế thì có lẽ chưa nên nghĩ tới việc viết truyện. Văn là nước trong hồ, sùng sục không yên chỗ khó mà ra văn”. “Vậy thì tôi là nước ở đâu, làm cái gì cho nên cơm nên cháo?. “Ông là nước ở dòng chảy, viết ký có thể hợp với tạng của ông”. Công Thế hăm hở, anh bắt tay vào viết về những điều anh trông thấy, nghe thấy, về những chặng đường thiên lý...
Cũng như bao người chập chững vào nghề, không phải cái gì Công Thế viết ra cũng được công nhận ngay. Những trang viết đầu tay của anh nửa như báo, nửa như văn, nửa như cảm nhận, nói cho rõ chính kiến, khiến những nhà biên tập vất vả. Vất vả nhưng vẫn yêu. Yêu bởi cái sự chân thực, sôi nổi, yêu bởi cái chất phóng khoáng, nhiệt thành có không khí trên trang viết. Trong ghi chép Một ngày trên kho báu anh viết về mỏ Quý Xa, kho quặng sắt mầu mỡ bậc nhất đất nước: “Tất tật cứ lồ lộ lên trên mặt đất chỉ cần bàn tay mềm mại như con gái của các chàng lái gạt nhẹ những bụi cỏ rác là đã trơ ra những thân quặng màu nâu đen óng ánh, nục nạc, cứ như ta vác thúng vục vào đống thóc đã phơi khô quạt sạch giữa sân kho mà đong mà xúc...”
 Đúng là anh nông dân viết văn, làm báo, tất cả đều quy ra thóc lúa, ngô khoai. Đúng đấy, khoái chí đấy, nhưng chứa chất trong trang viết ấy là những âu lo, dự cảm, nhận định. Trong thời buổi nhộn nhạo, kỷ cương phép nước bị coi nhờn. Từ cái dự cảm của anh nhà văn nói lên tiếng nói đã làm nhiều cái sực ra cho các nhà hoạch định, quản lý…
Đặc trưng của ký là chân thực. Chân thực song phải lôi cuốn người đọc. Ký rất gần với báo chí, là một dạng báo chí có văn, một bên là sự việc, sự kiện, vấn đề níu kéo, một bên lôi cuốn bằng chữ nghĩa, phải hòa quyện, nhuần nhuyễn cả hai mới mong có được ảnh hưởng với người đọc. Dù ký của Công Thế chưa đến tầm dựng lên được hình tượng số phận nhân vật, vùng đất ngược dòng, gây nên một sức mạnh một cú sốc cho bạn đọc, cho xã hội như Cái đêm hôm ấy đêm gì, Vua Lốp… Song đã có được những truyền cảm, cuốn hút: “Rừng xanh, núi xanh, ruộng đồng, nương bãi ngát xanh, phố phường xanh, những khu Công nghiệp đang nhen lên màu xanh, đến cả giọng nói tiếng cười của người dân Bảo Thắng cũng đầy chất hào sảng, pha chút lãng mạn, cũng nhuốm sắc xanh của quê hương. Cái màu xanh đầy kỳ vọng ấy của Bảo Thắng đang hiện hữu, đang làm nức lòng người. Nó đang dấy lên, đang vận động, chuyển mình,  tạo nên cú huých mạnh mẽ làm bật lên những bước nhẩy đột phá trong sản xuất, trong xây dựng và cả trong tầm nhìn quy hoạch chiến lược…” – Bảo Thắng những kỳ vọng xanh.
 “Ngẩng đầu lên, đập vào mắt là Phan Si Păng hùng vỹ, ngó xuống là thung lũng Mường Hoa lập lờ huyền ảo, ngước qua là núi Hàm Rồng huyền thoại. Đến cả con dốc thoai thoải đổ dài, ngập tràn hai bên là hoa cẩm tú cầu, đường vào nhà em, tôi còn quen chân, thuộc lối đến cả từng bậc đá. Vậy mà chưa nhìn thấy hoa đỗ quyên trên núi Hoàng Liên nó rờ rỡ nở thế nào? Nó hút hồn ngây dại ra làm sao? Nó dập dìu buông thả, lả lơi, tinh khiết lúc ban mai như tiên nữ giáng trần ra sao? Nó nghiêng ngả đằm thắm, đôn hậu mà khiêm nhường khi hoàng hôn rộm ráng, thì lạ thật» - Vời vợi cột đá chống trời.
Và rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận vừa tự nhiên, háo hức, sôi nổi vừa phóng khoáng, lãng mạn, hào hoa được Công Thế đưa vào bài viết một cách nhẹ nhàng, nhuẫn nhuyễn.
          Trong văn chương báo chí, dù muốn hay không muốn người viết vẫn phải buộc mình bách khoa, dù là bách khoa đại cương đi chăng nữa. Không bách khoa nhân vật sẽ không có đời sống, những cái viết ra sẽ sơ sài, giản đơn, lợi bất cập hại, sẽ chết từ trong trứng, vậy cho nên nhà văn mới phải coi Đi – Học – Đọc - Viết là cốt tử của nghề. Công Thế không may mắn trong sự Học song bù lại anh có nhiều trong sự Đi, Ham đi, ham tìm hiểu cộng với ham Đọc, ham liên tưởng đã cho anh những trang viết sống động, ấn tượng. Với chùm ký sự Quanh núi Hoàng Liênanh đã dẫn bạn đọc hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó là những kỳ thú có một không hai nơi đỉnh đèo Khau Co, những chuyện kỳ bí trên đèo Gió, đặc biệt anh tập trung giới thiệu về Tam giác những kho báu:Nơi ba đỉnh của tam giác ấy là ba “kho báu” tài nguyên khoáng sản mà Ngọc Hoàng Thượng Đế đã hào phóng ban tặng cho con dân Đất Việt nơi chân núi Hoàng Liên này. Đỉnh phía Đông Bắc là mỏ sắt Ba Hòn Làng Lếch, đỉnh phía Tây Bắc là mỏ sắt Qúy Xa và mỏ Tắc Ái, đỉnh phíaNam là mỏ Apatit Làng Phúng -Tam Đỉnh . Ba mỏ này với những khoáng sản quí có chất lượng cao, trữ lượng lớn thuộc diện quản lý quốc gia. Ngoài ra còn các điểm mỏ nhỏ khác nằm rải rác khắp vùng kéo dài về tận Võ Lao, Văn Sơn, Phú Nhuận.”…, “Có thể nói chưa có nơi nào trên đất nước này được thiên nhiên yêu đãi ban tặng nhiều tài nguyên và giầu chủng loại khoáng sản như ở Lào Cai, và cũng không đâu trên đất Lào Cai lại tập trung nhiều khoáng sản như nơi tam giác này. Với  trữ lượng lớn và phong phú, Tam giác này hội tụ những kho chứa của cải mà ông trời cất giấu cho hậu thế.”…
Với văn học Ký luôn là binh chủng xung kích, song trong thị hiếu bạn đọc hiện nay Ký thường chỉ được xếp vào hạng ba hạng tư. Trong quan niệm của nhiều người cả những người trong nghề, cái hơi thở cuộc sốngcủa Ký là ảnh hưởng nhất thời, là bức tranh phản ánh tức thì nên ít có sức sống lâu bền. Ký trên mặt báo, tạp chí còn có bạn đọc, còn in thành thì hơi ít. Nhưng cái gì cũng có ngoại lệ. Nhiều người muốn khám phá vùng đất mới, những người trong cuộc và bè bạn văn chương…
Một người công nhân về hưu dám bỏ mấy chục triệu ra in một cuốn Ký là một chuyện hiếm, song “đã mang cái nghiệp vào thân” Công Thế đã nghiến răng làm thêm một cái “ngông” nữa với đời, tôi tin cái ngông này của Công Thế sẽ là một cú kích hoạt khiến nhiều người tìm đến Quanh núi Hoàng Liên để biết thêm về miền Tây Bắc đầy kỳ thú và biết thêm về văn chương của một Công Thế hào hoa, lãng tử.
                                                                
                                                                    Lào Cai, tháng 7 / 2012
                                                                           Đ . H. N

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.