4092. Chuyện người bán rau rừng

Chuyện người bán rau rừng
NNVN06/04/2016, 06:35 (GMT+7)

PNTB: Hôm rồi, mình post vội chuyện này lên blog với cái title Người bán rong rau rừng. Song, hôm sau lại tìm đến tận nhà chị ấy để hiểu thêm, viết bài Ps này gửi cho Báo Nông nghiệp Việt Nam. Nay báo đã đăng, cóp về đây để bà con hiểu, cảm thông với thân phận của những người nông dân giản dị, thật thà...  
Ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) hiện có một số bà con người dân tộc thiểu số hằng ngày đi bán rong rau rừng, cung cấp miếng ngon cho người thành phố giản dị như chính cuộc sống của họ......
Vấn đề an toàn thực phẩm đang trở nên nóng bỏng. Người tiêu dùng lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn. Từ điển tiếng Việt được bổ sung thêm từ “rau sạch”, “rau bẩn”. Ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) hiện có một số bà con người dân tộc thiểu số hằng ngày đi bán rong rau rừng, cung cấp miếng ngon cho người thành phố giản dị như chính cuộc sống của họ....

Chảo Mùi Mắn ra phố bán rong rau rớn. 
Hôm rồi, vợ tôi đang ở ngoài hành lang chạy vội vào nhà lấy tiền mua mấy mớ rau rớn của một chị dân tộc Dao đỏ đi bán rong trên đường phố. Thấy vậy, tôi ra tiếp chuyện, chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm chị, bởi sắc phục Dao đỏ của chị rất đẹp....

Tên chị là Chảo Mùi Mắn, 37 tuổi, ở bản Đá Đinh xã Tả Phời, thành phố Lào Cai cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Chị đeo một gùi rau rớn đầy. Chị bảo: Mình đi từ 4 giờ sáng đấy… Lúc chị đến nhà tôi khoảng 10 giờ....

Tôi hỏi: “Thế rau này hái ở rừng từ bao giờ?”. “Ngày hôm qua, ba mẹ con vào rừng hái, đến tối thì được đầy gùi này”. “Chị bán bao nhiêu tiền một bó”. “5 nghìn mà”. “Ôi, sao rẻ thế, bán hết gùi này thì được bao nhiêu?”. “Được một trăm nghìn thôi”. Tôi hỏi lại: “Một trăm nghìn à?” “Vâng một trăm nghìn”....

Chẳng lẽ chị nói 5 nghìn một mớ, mình lại trả… 10 nghìn thì bất tiện. Cứ như sức lao động của ba mẹ con bỏ ra trong hai ngày mà thu nhập được 100 nghìn có lẽ dân thành phố chẳng ai màng....
Bán cả ngày chỉ được 100 nghìn đồng, 
Chảo Mùi Mắn vẫn vui...
Hôm ấy trời lạnh, trong lúc tôi đang chụp ảnh cho Chảo Mùi Mắn thì vợ tôi chạy vào nhà lấy ra một cái áo rét đã mặc nhưng còn khá mới, một đôi dép nhựa nom còn “sang” hơn đôi dép tổ ong chị đang đi và một gói kẹo ngon, nói là tặng chị và gửi cho các cháu. Có lẽ đấy cũng là một cách cảm thông và chia sẻ với những người lao động nghèo khó. Chảo Mùi Mắn chỉ mỉm cười, một cái cười gượng gạo, hiếm hoi, khẽ gật đầu và cảm ơn....

Sau khi người bán rong rau rớn đi rồi, tôi cứ day dứt mãi về thân phận của những người nông dân miền núi như chị. Ba mẹ con đi rừng đằng đẵng một ngày trời, rồi lại gùi hàng cuốc ra phố bằng đôi dép tổ ong một ngày nữa, từ 4 giờ sáng đến sẩm tối mới về đến nhà, bán hết một gùi rau rớn đầy có ngọn mà chỉ được một trăm nghìn đồng....

Tôi làm một phép tính nhẩm nhanh: Ngày thứ nhất 3 lao động, 3 công, ngày thứ hai 1 công, vị chi là mỗi công lao động với thời gian làm việc từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ, thu nhập chỉ được 25 ngàn đồng/người/ngày, chưa đủ mua một bát bún mọc bình dân ăn sáng....

Hôm sau, tôi quyết định dành thời gian tìm đến tận nhà Chảo Mùi Mắn để xem cuộc sống thực của gia đình chị ra sao...
Lưỡi cày, răng bừa đã hoen gỉ...
Chỉ với một dòng thông tin ngắn ngủi: Chảo Mùi Mắn, thôn Đá Đinh, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai. Nhưng may mắn là trong máy ảnh của tôi có khuôn mặt chị, hy vọng sẽ tìm được...

Người Dao đỏ bao giờ cũng ở rất cao. Con đường dân sinh mấy năm nay vừa được cải tạo, đổ bê tông theo chủ trương xây dựng nông thôn mới nên đã dễ đi nhiều. Gặp một chị người Dao, tôi lại dừng xe vừa hỏi, vừa mở máy ảnh cho chị ta xem. Chị này bảo: “Đúng rồi, nhưng bác đến nhà nó làm gì?”. “Tôi mua rau rớn”. “Thế thì bác cứ lên cái dốc này, bao giờ thấy một tảng đá rất to ở bên đường thì hỏi lên nhà nó”....

Tôi mừng lắm, lại kéo ga leo tiếp lên con dốc dễ đến hai, ba mươi độ. Được khoảng 5 cây số, khi vừa nhìn thấy tảng đá to như cái lô cốt thì thấy xuất hiện một người phụ nữ Dao nhỏ nhắn… Đúng là Chảo Mùi Mắn rồi. Chị nhìn tôi cười. Tôi phanh xe lại: “Ồ, Chảo Mùi Mắn, đi đâu đấy?”. “Đi chăn trâu mà”. “Nhà chị ở đâu, cho về nhà đi”....

Mắn chỉ tay lên vách núi: “Nhà kia mà, nhưng giờ phải đi chăn trâu”. “Tôi muốn lên thăm nhà chị một tí, rồi đi chăn trâu được không”. Chảo Mùi Mắn quay lại dẫn tôi lên nhà. Đi bộ khoảng 200m thì tôi dựng xe bên lề đường, theo chị leo lên vách núi, bước khó nhọc lên những hòn đá cuội xếp thành lối, như bậc thang lên… trời....
Ra khỏi ngôi nhà, Chảo Mùi Mắn
đơn độc trên sườn núi...
Leo khoảng 300m, tôi cảm thấy đứt hơi, cảm giác như hôm leo những bậc thang ở đỉnh Fansipan. Một ngôi nhà gỗ lợp ngói cũ kĩ, khá rộng nằm đơn độc cheo leo trên sườn núi. Đó là ngôi nhà của ông bà từ xưa để lại. Ngôi nhà mở cửa dọc. Chị mở khóa dẫn tôi vào nhà. Chồng chị đi làm thuê, mấy đứa con đi kiếm rau rừng. Chị không mời nước, cũng không bảo khách ngồi. Tôi tự ngồi xuống ghế rồi hỏi luôn....

Chị cho hay: Chồng chị tên là Tẩn Ông Cao, 39 tuổi, hàng ngày đi bốc vác thuê cho một kho hàng của công ty Apatit Việt Nam để có tiền chi tiêu cho gia đình....

“Thu nhập của anh ấy thế nào?”. Chị thủng thẳng đáp: “Ngày nào chồng cũng đi vác hàng, nếu có việc thì có tiền. Hôm nào làm từ sáng đến tối mịt hôm được nhiều tiền nhất là 400 nghìn, hôm nào ít việc chỉ được 50 nghìn thôi, còn chờ mãi mà không có việc thì về không”. “Thế nhà chị không có đất sản xuất à?”. “Có một cái vườn rau bằng hai cái nền nhà này thôi. Thằng con đầu 19 tuổi, học hết lớp 9 không thi được, nó nghỉ học ở nhà trồng rau bí, dưa chuột…”....
Lối đi từ nhà Chảo Mùi Mắn xuống đường dân sinh...
“Vậy Mùi Mắn có mấy con?”. “Có ba đứa mà… Thằng thứ hai 16 tuổi, học hết lớp 9 không thi lên được nữa, nghỉ học ở nhà, thỉnh thoảng đi rừng lấy rau rớn với mẹ. Thằng bé nhất 14, đang học lớp 8”. “Tôi thấy xung quanh nhà chị đất rừng rộng thế này sao không sản xuất?”. “Của người ta cả mà, mình chỉ có tí chỗ này - chị chỉ tay lên phía đồi sau nhà - trồng được một ít cây trẩu, nhưng còn bé, chưa bán được”....

Tôi nhìn lên thấy vài chục cây trẩu non, mới lên cao độ ba bốn mét, lá xanh biếc. Liếc vào cửa nhà, thấy một cái cày, một cái bừa dựng bên nhau, lưỡi cày và răng bừa đã hoen gỉ, hình như đã lâu không dùng đến? Tôi hỏi tiếp: “Nhà mình có mấy con trâu?”. “Có hai con bé thôi mà”. “Trong nhà còn con gì nữa không?”. “Có một con lợn còn bé với 5 con gà mất một còn bốn”. Tôi không dám hỏi tiếp nữa, cứ thấy cay cay trong khóe mắt....

Tả Phời là một trong hai xã khó khăn nhất của thành phố Lào Cai, nhưng lên tới đây thì tôi chả thấy tí thành phố nào trên cái sườn núi ngùn ngụt sương mù này. Nếu bảo chị là dân thành phố, chắc chị cũng không dám nhận mình là dân thành phố đâu. Thành phố Lào Cai ở phía dưới kia, nơi có nhiều những ngôi nhà to và chật đường xe chạy, đêm đêm chị nhìn xuống đó thấy điện sáng rực trời. Còn chị chỉ mơ ước hàng ngày hái được nhiều rau rừng để mang xuống đó bán…...
Chảo Mùi Mắn đi chăn trâu...


NGUYỄN NGỌC DƯƠNG
Nguồn: nongnghiep.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.