3850. “Gái góa” thử bàn chuyện triều đình:

“Gái góa” thử bàn chuyện triều đình: 

(Xung quanh Điều 13, Quyết định 244 của BCHTW về Bầu cử trong Đảng).

N.N.D/PNTB


Ngày 9/6/2014, Ban chấp hành Trung Ương đảng đã ban hành Quyết định số 244 – QĐ/TW về Quy chế bầu cử trong đảng. Sau khi ban hành và thực hiện từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả trang web. mang tên Trương Tấn Sang (CT nước - truongtansang.net) hay Nguyễn Tấn Dũng – (TTCP – nguyentandung.org) cũng có bài phản đối của một tác giả bạn đọc. Thực ra thì người ta nói nhiều nhất đến Điều 13 Quy chế này. Cụ thể nội dung điều 13 như sau:

“Điều 13. Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư
1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.
3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”
(trích Quy chế bầu cử trong đảng Ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Là người từng nhiều năm làm công tác đảng ở địa phương, tôi có mấy nhận xét như sau:

1. Sở dĩ các Ủy viên Trung Ương thông qua được Điều 13 này là vì cái LÝ dưới đây: (Ở đây tạm thời chỉ nói riêng cấp Trung Ương)

- “3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”

Cái LÝ là: anh đã là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư mà tổ chức này đã quyết định danh sách nhân sự để trình ra cấp rộng hơn, cao hơn (như Hội nghị Ban chấp hành Trung ương hay Đại hội…) thì anh không được trái ý tổ chức cấp mình, tức là “không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”. Bởi vì đây là Quyết định của tập thể Bộ chính trị mà anh là thành viên đó rồi. Về hình thức như thế nghe ra có vẻ đúng! Không ai dám có ý kiến gì thêm, vì dựa vào nguyên tắc: “Thiểu số phục tùng đa số”.

2. Tuy nhiên, nói đi thì thế, nhưng nói lại thì sao? Giả dụ, trong Bộ chính trị đã thông qua Quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Ví dụ có 11/16 phiếu thuận, cho nên quyết định ấy có hiệu lực, mang danh tập thể đó. Nhưng còn 5/16 phiếu chống thì những phiếu chống này chẳng lẽ hoàn toàn vô giá trị? Chẳng lẽ không được bày tỏ quan điểm ở Hội nghị rộng hơn, cao hơn hay sao? Nghĩa là được quyền đề xuất một ý kiến khác, chẳng hạn được quyền ứng cử hay nhận người khác đề cử mình. Bởi đó còn là quyền sơ đẳng của đảng viên mà Điều lệ đảng đã quy định. Ủy viên Bộ chính trị thì cũng là đảng viên, được bình đẳng với các đảng viên khác về quyền lợi… phải được bày tỏ ý kiến từ tổ chức của mình lên tổ chức cao hơn (về nguyên tắc, BCH TW phải cao hơn Bộ chính trị chứ).

Được biết, để tránh những sai sót của số đông (mà thực tế đã có nhiều bài học là số đông chắc gì đã đúng. Phép biện chứng của Mác cũng nói vậy), nên Điều lệ đảng đã “rút kinh nghiệm” là ý kiến thiểu số, ý kiến cá nhân trong tổ chức đảng được “bảo lưu cho đến Đại hội toàn quốc”. Như vậy tại sao ý kiến của ít nhất một trong số 5 phiếu chống (theo giả định) lại không được “bảo lưu” để bày tỏ trước Hội nghị Ban chấp hành Trung Ương. Còn nếu 100% thành viên đều thuận cả rồi thì không phải cần quy định như điều 13, sẽ không có ai ứng cử và nhận đề cử. Điều này chỉ xảy ra trong trường hợp có phiếu không thuận thôi. Và cái quyết định cuối cùng ở Hội nghị này cũng vẫn theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, chứ có phải thiểu số hay ý kiến cá nhân đồng chí Ủy viên Bộ chính trị kia có thể quyết định được đâu?

Trong thực tế, một tổ chức mạnh là một tổ chức có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều góc nhìn khác nhau để tìm ra chân lý, chứ không phải vì nể mặt nhau hay vì sợ điều gì đó mà xuê xoa, rằm cũng ư, mười tư cũng gật dẫn đến cái gì cũng trăm phần trăm - 100% (Chúng ta đã có quá nhiều những con số 100%, khiến những người có đầu óc thực tiễn và khoa học khó tin). Nếu 100% không thực chất thì là điều nguy hiểm, nó tạo thành ung nhọt đến một lúc nào đó vỡ ra thì không cứu vãn được. Những quan điểm khác nhau là phản ánh cuộc đấu tranh, phê bình, tự phê bình, vũ khí để bảo vệ, giữ gìn sự đoàn kết trong đảng, là tư tưởng của Bác Hồ đấy. Còn nếu cố gắng làm ra vẻ “nhất trí cao” về mặt hình thức, thiếu thật tâm, những ý kiến cá nhân dù chưa được đa số đồng ý mà không được tôn trọng thực sự, không được công khai ra tổ chức đông hơn để thẩm định, xem xét thì chỉ gây thêm mất đoàn kết.

Hôm nay tôi viết bài này chắc có người sẽ hỏi: Sao không nói ngay từ khi triển khai đại hội các cấp, thậm chí trước Hội nghị Ban chấp hành Trung Ương 13, 14 mà đến nay mọi sự đã an bài mới nói? Quả là nói giờ có hơi chậm. Tuy nhiên, tôi biết, ý kiến của một gã đảng viên quèn, dù cũng đã sắp 50 tuổi đảng, nhưng hoàn toàn chả có giá trị gì. Đến những đảng viên thuộc diện thượng thặng mà người ta còn bỏ ngoài tai thì một đảng viên nhãi nhép ở cơ sở, đã hưu trí gần chục năm thì ăn thua gì. Nên tôi không gửi cho đảng cấp trên nữa, đăng blog vậy.

Tôi còn nhớ như in, trước Đại hội 10, nghe phổ biến mọi đảng viên được tham gia ý kiến vào Văn kiện dự thảo, tôi đã viết cả một bài luận 2 trang, để đề nghị sửa câu khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thành “Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (đưa chữ Dân chủ lên trên Công bằng)…. Tôi gửi email về Ban dự thảo văn kiện Trung Ương, nhưng không một tín hiệu hồi âm. Có người bảo, như cục đất ném xuống ao bèo. Tôi nghĩ làm gì được thế. Cục đất ném ao bèo ít nhất còn có tiếng kêu “tũm” và mặt nước còn có chút xao động. Đằng này im re. Nhưng rồi đến Đại hội XI, tinh thần ấy đã được sửa như vậy. Dù sao tôi cũng mừng là tư tưởng ấy trùng hợp với ý kiến của tôi 5 năm trước. Nghĩ về đảng, lao tâm khổ tứ để góp ý, xây dựng đảng, mong đảng tốt hơn, có lòng tin với dân hơn, bởi mình là một đảng viên, nhưng hình như họ coi mình không phải đảng viên? Hình như từ lâu rồi, đảng chỉ còn là của mấy vị chóp bu, chứ đảng viên thường không có quyền gì!

Bà xã tôi không phải đảng viên, chỉ là dân quê “chân đất mắt toét”. Ấy thế mà có lần bà ấy bảo: “Đến như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói người ta còn bỏ ngoài tai, ông là cái đinh gì mà góp với chả ý. Toàn là gái góa lo chuyện triều đình!”. Tôi chết điếng không dám cãi lại vợ.

NND/PNTB


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.