3784. Thực hiện Cơ chế của ‘bọn giẫy chết’ liệu có “chệch hướng”?

Thực hiện Cơ chế của ‘bọn giẫy chết’ liệu có “chệch hướng”?
NND/ PNTB 


Nhìn nhận những nét ưu việt của cơ chế ‘giẫy chết’, tự nhiên mình nghĩ, nó cứ “giẫy” kiểu này thì bao giờ chết được! Và rồi dần dần không khéo những người cộng sản phải theo nó để “tự nguyện chệch hướng”, xem ra có khi phải “chệch hướng” thì mới quay về được mục tiêu tốt đẹp của CNXH mà Đảng đã đề ra trong cương lĩnh?

Cái tên ‘bọn giẫy chết’ này nghe đâu là do cụ ‘Vờ la - i lích - Lê Văn Nin’ đặt cho đấy. Cụ ấy nói Chủ nghĩa tư bản (CNTB) nó là cái ‘phòng chờ’ của Chủ nghĩa xã hội (CNXH), là ‘đêm trước’ của ‘cách mạng vô sản’, cuộc cách mạng mà giai cấp công nhân có sứ mệnh ‘đào huyệt’ chôn nó – CNTB. Nó sẽ ‘giẫy chết’ trước các cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới nổ ra liên tiếp và sẽ tất yếu thắng lợi hoàn toàn.
Ngày xưa nói đến ‘bọn giẫy chết’ thì thấy xa lạ lắm, nó ở mãi đẩu đâu, bên Tây, bên Mỹ kia. Nhưng từ 25 năm trước, khi Hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở đông Âu và Thành trì của nó là Liên Xô (viết tắt theo tiếng Nga: CCCP) sụp đổ và tan vỡ thì ‘bọn giẫy chết’ nó đã bao trùm gần như khắp hành tinh. Nó len cả vào những nước còn ‘sống sót’ trong phe XHCN như Cu Ba, Triều Tiên (Bắc Hàn), Trung Quốc, Việt Nam...

Nhưng có lẽ đáng  tự hào nhất trong số đó phải nói chính là Việt Nam. Đó là quốc gia có đảng tiên phong ‘kiên định’, ‘kiên trì’, ‘kiên quyết’ nhất về ‘đỉnh cao trí tuệ’, về ‘lập trường giai cấp công nhân’, về ‘tinh thần quốc tế vô sản’, về ‘chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản’ trên toàn thế giới... Sau khi Thành trì đổ, những nước XHCN sống sót hầu như không có tên đảng là Cộng sản và tên nước là XHCN, trừ Trung Quốc có tên đảng là Cộng sản nhưng tên nước cũng chỉ là Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, chứ không có XHCN. Đến cố thủ như Triều tiên thì đảng cũng chỉ là Đảng Lao động và nước là Cộng hòa dân chủ nhân dân. Cu Ba là Đảng Nhân dân cách mạng và nước là Cộng hòa... Tóm lại, chả anh nào ‘kiên, kiên, trung, trung” được như VN mình, vì cả đảng cũng CỘNG SẢN, cả nước cũng XHCN! Vì thế,  có người đã ngộ nhận một cách tự hào rằng: chuyến này có khi Việt Nam lên thay CCCP làm thành trì cho phe XHCN. Hoặc Việt Nam và Cu Ba anh bên Đông, tôi bên Tây, anh ngủ tôi thức, tôi ngủ anh thức canh gác cho CNXH không để thế lực thù địch nó giẩy đổ!... Nhưng có người lại bảo ‘ốc chả mang nổi mình ốc sao dám mang cọc cho rêu’. Tất nhiên, ở một đất nước có ‘truyền thống’ háo danh và hài hước thì thôi, nếu có ai đó phát ngôn nhăng cuội một tí thì cũng là chuyện tếu, nên thông cảm, dù ở vị trí nào cũng vậy, chuyện thường ngày ấy mà!

Những người từng là đảng viên lâu năm, từng hy sinh nhiều trong quá khứ, một lòng một dạ theo đảng, góp phần chiến đấu, bảo vệ và xây dựng nên đất nước ngày nay không ai không muốn thực hiện mục tiêu  của Đảng là ĐỘC LẬP DÂN TỘC, DÂN GIẦU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH. Theo như ông Vũ Ngọc Hoàng, Trung ương ủy viên, Phó ban Tuyên giáo thì đó là mục tiêu đích thực của CNXH ở nước ta.

Tuy nhiên rất tiếc, mục tiêu quá hay, không một người dân nào không tán thành, nhưng việc làm và kết quả thì càng ngày càng xa mục tiêu, cứ như thể người ta đi giật lùi, vừa lùi vừa ngắm mục tiêu tuyệt đẹp đang xa dần vừa luôn mồm “trung thành, kiên định...”!. Đây nhé:

Về Độc lập dân tộc sau khi đã dành được bằng mồ hôi, nước mắt và núi xương, sông máu của biết bao thế hệ trong hằng nghìn năm lịch sử, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến (9 năm và 20 năm) thời hiện đại do Đảng ta lãnh đạo  thì nay đang lung lay. Không còn là nguy cơ xa vời nữa, đất biên giới, hải đảo đang bị gậm nhấm mất dần, mất mòn, nhìn thấy mười mươi, đau lắm! Tuy nhiên, mỗi lần bị tàu Trung Quốc ức hiếp ngư dân trên vùng biển chủ quyền VN, ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 vào lãnh hải của ta, hoặc bị nó chiếm đảo của mình xây căn cứ quân sự mà cũng không dám làm gì hơn là cho người phát ngôn BNG nói đi nói lại như cái máy ghi âm vài câu đại thể: ‘VN phản đối phía TQ xây dựng trái phép ở quần đào Hoàng Sa, TS của VN...”. Hơn thế nữa, khi có người dân đứng ra biểu tình phản đối thì chính quyền lại ‘ứng xử’ một cách khó hiểu!... Hành động đó chỉ làm cho bọn Tàu đẹp lòng và yên tâm lấn thêm biển đảo. Thực ra, dư luận xã hội cho rằng, kể cả nếu có kẻ nào phản động lẫn trong đám tự do biểu tình chống hành động xâm lược của TQ thì cũng vẫn tốt, vì ‘phản động’ mà biết thể hiện tinh thần yêu nước, quyết đấu tranh giữ gìn biển đảo vẫn còn hơn chán vạn kẻ ‘tiến bộ’ không làm được gì, mũ ni che tai, trùm chăn chờ thời hoặc thậm chí còn cản trở tinh thần yêu Tổ Quốc ấy! Rất khó biện minh cho những cử chỉ kiểu đó. Điều đáng nói là những người biểu tình hầu hết là những gương mặt trí thức dấn thân, họ không phải là bọn vô văn hóa, côn đồ, xã hội đen, họ làm đúng Hiến Pháp, khơi dậy được truyền thống độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ Quốc từ ngàn đời, khiến kẻ thù phải chùn tay, có muốn lấn chiếm cũng còn phải nghe ngóng. Ở sát nách nhau hàng ngàn đời, người trí thức Việt Nam không còn lạ gì: đối với bọn bành trướng bao giờ cũng “mềm nắn, rắn buông”! Trong khi Dân “cứng”, Chính quyền lại “mềm”, ra tay trị dân thì có khác gì đổ thêm dầu vào ngọn lửa xâm lược của của kẻ thù, đổ nước vào ngọn lửa yêu nước của nhân dân? Rất may, còn có những phát ngôn cứng rắn kiểu như kiên quyết ‘không đánh đổi chủ quyền đất nước, nền độc lập dân tộc bằng thứ hữu nghị viển vông’ từ người đứng đầu Chính Phủ hoặc một vài câu nói nữa của Bộ trưởng ngoại giao đã làm yên lòng dân.

Về Kinh tế thì ngày càng phụ thuộc vào TQ, hầu hết những công trình lớn đều do TQ ‘thắng thầu’, đất đai, kể cả vị trí hiểm yếu nhiều nơi đã cho TQ thuê 50 năm, làng TQ mọc ra đầy ở đất Việt. Người TQ nắm sâu vào nhiều lĩnh vực của VN, kể cả bản đồ tài nguyên khoáng sản… Có ông dân biểu ngán ngẩm bất lực bảo, thôi thì mất đâu thì mất, để con cháu sau này nó đòi chứ giờ thì... bó tay chấm com! Về chính trị thì toàn thấy chữ “vàng”, chữ “bạc”, nhưng hành động thì cứ đi ngược lại với chữ nghĩa…toàn nói một đằng làm một nẻo.

Về Dân giầu: Dân chưa kịp thoát nghèo thì quan đã quá giầu, giầu nhanh đến chóng mặt, đến nỗi một vị tướng dân biểu đã phải thốt lên: Không tham nhũng lấy đâu ra giầu nhanh thế! Cái giầu của quan là nguyên nhân chính khiến dân càng nghèo đi. Đây là ý của cụ Tổ Các Mác nhà mình nói rằng: một ngôi nhà đứng cạnh một cái lều vịt thì nó là cái lâu đài, nhưng cũng ngôi nhà đó đứng cạnh cái lâu đài thì nó biến thành lều vịt. Vậy là ngày nay mặc dù có nhiều nhà dân thường xây khang trang hơn nhà của chính mình thời bao cấp nhưng nhà của quan chức bây giờ đại đa số đều là lâu đài, biệt thự cả nên những ngôi nhà của dân đều biến thành ‘lều vịt’ dù có làm được ‘khang trang’ hơn 20 năm trước.

Về Nước mạnh thì phải giầu, nhưng nền kinh tế đã tụt hậu quá lớn so với khu vực, nhiều lĩnh vực kém cả Lào và Campuchia. Trong khi 40 năm trước, Hàn Quốc ‘ngồi chiếu dưới’ nghển cổ lên nhìn ViệtNam mà thèm thì nay họ vượt mình đến 20 lần, không phải chỉ kinh tế mà cả lĩnh vực xã hội – nhân văn. Thế thì đến bao giờ đất nước mới giầu mạnh?

Về Dân chủ thì một tổ chức thế giới gần đây (2015) công bố trên một tờ báo Anh, xếp VN vào thứ 144/167 nước về mức độ dân chủ.  Thông tin cho hay: “Việt nam xếp thứ 144 trên tổng số 167 quốc gia được nghiên cứu và bị xếp vào danh sách các nước có nền chính trị độc tài với chỉ số dân chủ là 2,89 trên 10. Trong khi đến độc tài như Trung Quốc vẫn còn xếp thứ 142, trên mình 2 bậc. Cambodia xếp thứ 100. (nguồn ở đây)

Về Công bằng thì cứ nhìn với mắt thường cũng đã thấy xã hội càng ngày càng bất công. Câu “Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm’ đã thành tục ngữ tân thời nhiều năm rồi. Bọn gian manh, tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt, độc ác thì lại ‘lên ngôi’, giầu có, sống vương giả. Chủ yếu là kẻ có chức, có quyền, có tiền. Vì Quyền với Tiền chúng móc nối nhau thành ‘nhóm lợi ích’ mà ông Vũ Ngọc Hoàng đã vạch mặt ra trong một bài viết gần đây; người lao động chân chính, nhất là nông dân và công nhân thì vô cùng khốn khổ, báo chí đã viết quá nhiều, điển hình như phản ánh những bi kịch trong loạt Ps Gánh nặng quê nghèo ở Hà Tĩnh, báo NNVN... Nhưng chắc chắn cũng chưa thể phản ánh hết? Cái cảnh “Ông trời ăn ở không cân/ kẻ ăn chẳng hết, người lần không ra” đã chẳng những không được giải quyết mà khoảng cách giầu nghèo ngày càng roãng ra lớn hơn. Nhưng điều đáng nói không phải bản thân sự giãn xa của khoảng cách giầu nghèo, mà là không ít kẻ giầu có, không phải bằng lao động chân chính mà bằng những mánh khóe làm ăn phi pháp, mafia, lừa đảo, ăn cắp, cướp đoạt của người khác, của đất nước và của nhân dân. Các vụ án kinh tế liên tục làm vất vả anh em công an điều tra, đã phát hiện rất nhiều, điển hình như Vinashin, Vianalines, một số ngân hàng thương mại… nhưng chắc hẳn số chưa bị lộ không phải ít. Người giầu chân chính hiếm lắm! Cho nên cái ‘roãng’ ấy không phải là khoảng cách của sự phát triển theo quy luật phát triển lành mạnh.

Còn nói đến Văn minh thì phải gắn với Văn hóa. Văn minh là đỉnh cao của Văn hóa. Tuy nhiên, theo một Nghị quyết gần đây của BCH Trung ương đảng CSVN đánh giá đại thể rằng, văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Xưa nay, sự đánh giá của Đảng ta nếu dũng cảm thì cũng chỉ xấp xỉ sự thật, chưa bao giờ đánh giá quá sự thật. Thế nghĩa là, văn hóa đạo đức đã xuống cấp nghiêm trọng thì đến bao giờ có Văn minh? Mỏi cổ chờ nhiều thế hệ nữa đã chắc gì có được?

Như vậy toàn bộ mục tiêu theo Cương lĩnh của Đảng: ĐỘC LẬP DÂN TỘC, DÂN GIẦU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH, nghĩa là mục tiêu của CNXH đích thực ở VN (như giải thích của ông Vũ Ngọc Hoàng Phó ban Tuyên giáo trung ương) thì không thấy tiến lên, nếu không nói nó đang thụt lại. Chả thế mà TBT Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng đã xót xa nhận định rằng: hết thế kỷ này chưa chắc có CNXH đúng nghĩa! quá đúng, đồng chí nói thế là rất thật. Nếu đảng viên và nhân dân ta có nghi ngờ đồng chí nói dối cái gì thì nghi, chứ riêng câu nói trên thì rất tin là đồng chí nói thật lòng.

Để cứu vãn những bất cập (nói mà không làm được), nghĩa là thực chất đã thất bại trên cái gọi là “Con đường tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”, từ 30 năm trước (1986), Đảng đã buộc phải “đổi mới” mà đúng nghĩa là sửa sai để học theo “bọn giẫy chết”, phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tiếp nhận cơ chế thị trường. Vì vậy phải thêm một cái “đuôi con công” danh dự, sơn son thiếp vàng “định hướng XHCN” vào cho...đỡ ngượng, kẻo lại bảo XHCN sao lại lấy sản phẩm của “bọn giẫy chết” làm cơ chế điều hành? Nhưng thực ra không có cái đó, cái ‘sản phẩm của bọn giẫy chết’ ấy thì có ‘đổi mới’ kiều gì cũng không thể khắc phục được nguy cơ đổ vỡ của nền kinh tế đất nước lúc ấy và kéo theo chắc phải trả giá đắt là sự sụp đổ về chế độ chính trị và đảng cầm quyền như số phận các ông anh, ông bạn được mệnh danh ‘thành trì’, ‘trụ cột’...

Sau 30 năm “đổi mới” (thực chất là Đảng đã dũng cảm sửa sai), thì có chút nhích lên và giữ được, chưa đổ vỡ, song cứ đà này thì nguy cơ vẫn là nhãn tiền. Nhận thấy những gì chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, cơ chế quản lý của “bọn giẫy chết”, không sợ chệch hướng thì có vẻ dễ chịu hơn. Mà chệch hướng hay không là do Luật pháp nhà nước có nghiêm không, chứ chẳng phải tự thân sự điều hành. Một khi pháp luật không được thượng tôn, còn nhiều kẽ hở cho bọn làm ăn bố láo có đất dụng võ, một khi dân chủ chưa được mở rộng, bọn làm ăn phi pháp không có các tổ chức Xã hội dân sự chặn bàn tay chúng lại bằng sự phản biện, xây dựng thẳng thắn và trung thực thì sự rối loạn xã hội là tất nhiên bởi sự lộng hành của nhóm lợi ích. Và kết cục chẳng những không cứu được ‘chệch hướng’ mà mục tiêu tốt đẹp cũng tiêu vong.

Mình vừa bị ốm, thử đi nằm điều trị ở một Bệnh viện tư nhân (một hình thức của CNTB đang hiện diện trong đất nước XHCN) để có cái nhìn trực quan của cơ chế ‘giẫy chết’ so sánh với Bệnh viện XHCN xem sao. Tuy chưa đủ thời gian để có sự đánh giá toàn diện nhưng cũng có chút ấn tượng ban đầu.  Ví dụ trong toàn bệnh viện, không thấy một khẩu hiệu đẹp đẽ nào kiểu: “Lương y như từ mẫu” hoặc “Ra sức thi đua lấy thành tích chào mừng abc…” vv… Nếu chỗ nào có chữ viết thì chỉ là những bảng chỉ dẫn cần thiết cho người bệnh hoặc phác đồ điều trị dành cho thầy thuốc… Nhân đây nói thêm, đất nước này quá nhiều khẩu hiệu tuyên truyền, chỉ đạo, dạy dỗ nhưng xem ra chả có tác dụng vì giữa khẩu hiệu và thực tế quá xa nhau. Ví dụ ngay trong ngành Giáo dục từ khi có thêm những “Tiên học lễ, hậu học văn” rồi “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” hoặc “Thi đua dạy tốt, học tốt”… thì nền giáo dục càng có nhiều vấn đề khiến xã hội bức xúc.

Nói tiếp về Bệnh viện tư nhân, từ lúc bước chân xuống xe vào viện đến lúc ra, người được hỏi là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người phải hỏi là nhân viên phục vụ và thầy thuốc của bệnh viện. Tất cả chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thân của người bước đến nơi này. Trái lại nhiều Bệnh viện công lập mình đã đến khám hoặc chữa bệnh lần đầu, còn ngơ ngác như bò đội nón thì cứ phải hỏi liên tằng, chẳng biết đâu vào đâu, đôi khi còn được/bị những câu trả lời khiến rất khó chịu nhưng phải nhịn như nhịn cơm sống vì “có bệnh phải vái tứ phương”!.

Những ngành kinh tế không còn độc quyền, điển hình như dịch vụ Viễn thông từ khi mở ra những tập đoàn độc lập, cạnh tranh lành mạnh, khiến người dân được hít thở phần nào không khí dân chủ, trở thành ‘thượng đế’, làm cho nhu cầu đời sống của con người dễ chịu hơn. Trái lại những ngành dịch vụ công còn độc quyền, còn do nhà nước ôm đồm thì người dân còn phải chịu bao hệ lụy, điển hình như điện lực, xăng dầu… Rõ ràng nhà nước buông được cái gì ra sớm thì cái đó ‘dễ thở’ hơn… Tất nhiên ‘buông ra’ ở đây là để cho Doanh nghiệp được quyền chủ động theo cơ chế thị trường, nhà nước không bắt tay chỉ việc, đặc biệt là giảm bớt ‘chế độ bôi trơn’ mà gần đây có tài liệu nói rằng, DN Việt Nam để có được 1 đ lợi nhuận thì phải mất 1,02d bôi trơn! (khốn nạn thế thì bao giờ các Doanh nghiệp ngóc đầu lên được!). ‘Buông ra’ nghĩa là các cơ quan công quyền chỉ được phép quản lý doanh nghiệp trên cơ sở pháp luật theo chức năng của ngành, chứ không phải là ‘bố già’ của Doanh nghiệp, nay hoạnh họe cái này, mai chành chọe cái kia để ‘con’ phải nhanh tay ‘thắp hương’ ‘bố’ cho thông đường làm ăn… Doanh nghiệp và người dân phải được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm, trái lại, cơ quan công quyền chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

chưa hiệu quả. Minh hoạ (Báo Lao động)

Nhưng dù gì thì cái cơ chế của “bọn giẫy chết” nó đã từng bước được luồn vào sống chung với CNXH trên đất nước ta. Tuy nhiên, do định kiến, thiên kiến với tất cả những gì của CNTB vốn xưa nay coi nó là kẻ thù, nên mọi cái đều được 'thay tên đổi họ', dán nhãn mới, dù bản chất của nó chính là tư bản. Ví dụ chỉ nói ‘thành phần kinh tế tư nhân’, ‘doanh nghiệp tư nhân’, ‘tập đoàn liên doanh, liên kết’ gì gì đấy, miễn là tránh nói đến chữ ‘tư bản’, ‘tư sản’. Bởi một thời ở miền Bắc rồi sau thống nhất đất nước đã có những cuộc ‘đánh’ tư sản chí chết ở miền Nam rồi, bây giờ nhắc đến tư sản thì rất ngượng. Hồi ấy bảo chỉ đánh tư sản mại bản chứ không đánh tư sản dân tộc, nhưng nay thì chả có phân biệt đâu là dân tộc đâu là mại bản, mà bất kỳ ‘thằng’ tư bản nào cũng có thể vào làm ăn chung đụng với nhà kinh doanh trong nước, thậm chí chung đụng với kinh tế nhà nước, có ranh giới nào đâu, miễn là phải làm đúng pháp luật, tạo công ăn việc làm có thu nhập cho người lao động, kiếm ra tiền, góp phần làm giầu cho đất nước, cho nhân dân, ăn chia sòng phẳng…

Bây giờ rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, tổ chức kinh tế tư nhân mà thực chất là hoạt động của các nhà tư sản dưới hình thức CNTB đang được chính những người cộng sản làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc…, nhưng đó là cơ chế điều hành chính chủ của ‘bọn giẫy chết’ chứ có điều hành bằng cơ chế XHCN đâu?  Tuy vẫn là người cộng sản điều hành nhưng hai cơ chế ngược nhau, có tác dụng hoàn toàn khác nhau, hiệu quả khác nhau. Có lẽ đây là giai đoạn đặc thù, giai đoạn ‘chung sống hòa bình’ giữa hai thể chế kinh tế trong một thể chế chính trị? Nó tạo ra một cuộc giằng co, cò cưa kéo xẻ, nửa nạc nửa mỡ, khiến cho các nhà lý luận về kinh tế đau đầu. Đau đầu vì lãnh đạo còn có người đứng ngã ba đường vắt tay lên trán, nghĩ mãi không ra!? Người dân đang đặt ra câu hỏi và hy vọng Đại hội XII này liệu Đảng có dũng cảm thêm một bước, dám đổi thay những điều xưa nay tưởng như không thể, giống như Đại hội VII (1986), dưới sự chỉ đạo quyết tâm của TBT Trường Chinh hay không?…

Nhìn chung, những cái gì dứt khoát bước hẳn sang cơ chế ‘mới’, theo bọn ‘giẫy chết’ thì thực tiễn cho thấy vẫn ưu việt hơn, khắc phục được tệ độc quyền, độc đoán, khắc phục được tệ dựa giẫm vào nhà nước để ‘đục nước béo cò’, hạn chế được việc hình thành các nhóm lợi ích ở các cấp, tránh được nhiều thất thoát tài nguyên đất nước và tiền bạc của nhân dân. Hơn nữa, gắn liền với nó phải có sự đổi mới cả Thể chế chính trị. Kinh tế đổi, chính trị không đổi thì khác nào nồi tròn úp vung méo, nó hở hoác ra, đun tốn củi mà nước mãi chẳng sôi. 

Nhìn nhận những nét ưu việt của cơ chế ‘giẫy chết’, tự nhiên mình nghĩ, nó cứ “giẫy” kiểu này thì bao giờ chết được! Và rồi dần dần không khéo những người cộng sản phải theo nó để “tự nguyện chệch hướng”, xem ra có khi phải “chệch hướng” thì mới quay về được mục tiêu tốt đẹp của CNXH mà Đảng đã đề ra trong cương lĩnh?

27/8/2015-NND/PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.