3610. Những nhà văn không vô Hội

Nhân Đại hội nhà văn 9:


NHỮNG NHÀ VĂN KHÔNG VÔ HỘI

 Ngô Minh
Trần Vàng Sao và Ngô Minh
(chụp 5/7/2015)
Hôm qua về thôn Vỹ Dạ thăm nhà thơ Trần Vàng Sao để đưa cho anh cuốn tiểu thuyết Tình cát của nhà văn Nguyễn Quang Lập từ Sài Gòn gửi ra tặng. Nói chuyện văn chương, bạn bè, uống với anh ly bia không đá rồi tôi xin phép ra về vì sợ chiều tối mưa. Dọc đường tôi cứ nghĩ hoài về một thế hệ nhà văn Huế rất tài năng và nổi tiếng nhưng chẳng ai vào Hội Nhà văn Việt Nam cả. Thi ra ở nước Nam ta, nhà văn không chỉ là gần 1000 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà có thể còn hơn chừng đó người không vào hội. Đặt ra vấn đề này tôi ước nguyện Nhà nước nên có sự ứng xử hợp lý hơn với nhà văn trong hội và ngoài hội. Ví dụ xét giải thưởng VHNT Hồ Chí Minh, giải tưởng Nhà nước, nên xét cả những nhà văn ngoài Hội. Hay bố trí trưng bày về họ trong Bảo tàng nhà văn Việt Nam . Vì hiện nay, ai được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT( được Chủ tích nước ký phong tặng) mới được một chỗ trong Bảo tàng Nhà văn Việt Nam, còn các nhà văn nổi tiếng nhưng không vào Hội thì coi như không có họ trên đời. Thật bất công và thật vô lý!


Ở Huế rất nhiều nhà văn mà tôi thân quen, rất tài năng, nổi tiếng, ai cũng gọi họ là Nhà văn, nhà thơ, nhưng họ không vào hội Nhà văn VN. Đó là nhà thơ Trần Vàng Sao, nhà văn Bửu Ý, nhà thơ Thái Ngọc San( đã mất), nhà thơ Phạm Tấn Hầu, nhà thơ Trần Hoàng Phố…
Nhà thơ Trần Vàng Sao ( tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941) là tác giả của bài thơ nổi tiếng  Bài thơ về người yêu nước mình. Anh đã có hai tập thơ được xuất bản: bạn bè bên Mỹ tập hợp in cho anh một tập ,lấy tên sách là  Bài thơ của một người yêu nước mình . Đây là tác phẩm thơ đầu tay của Trần Vàng Sao.  Năm 2012, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in cho Trần Vàng Sao  trường ca Gọi tìm xác đồng đội.Đây là tập thơ đầu tiên anh in ở nhà xuất bản nhà nước. May mà có anhaf báo kỳ cựu Trung Dân làm ở Chi nhánh phía Nam của Nhà xuất bản, lại chỗ quen biết, Trung Dân đọc thấy quá hay, nên mang ra Hà Nội in…Bài thơ là một ký ức chiến tranh hãi hùng, vừa linh thiêng vừa ám ảnh. chiến tranh bắt đầu/ trước hết là máu/ rồi là thịt người/ máu từ trên trời/ máu từ dưới đất/ và máu trên bàn thờ/ xác thì chôn sấp dập ngửa bờ sông, bụi chuối/ không đầu không chân/ không xương không thịt/ không có chi cả…Chỉ riêng bài thơ nổi tiếng Bài thơ người về yêu nước mình thôi anh đã xứng đáng Giải thưởng Nhà nước, hơn nhiều người khác. Một lần nhà thơ Nguyễn Hoa, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế về Vỹ Dạ mời anh Trần Vàng Sao vô Hội nhà văn, anh cười, từ chối khéo: ” Tui tra rồi. Vô Hội làm được cái gì cho Hội nữa. Xin các anh tha cho!”. Hai nhà văn đi rồi, anh nói với tôi:” Tau nói thiệt, vô Hội sợ lắm. Sợ nhất là cái vòng kim cô!”

Nhà văn nổi tiếng thứ hai là Bửu Ý. Bửu Ý Sinh năm 1937, là một nhà văn, một nhà văn hóa lớn am hiểu tường tận văn hóa Pháp, văn học Pháp và tiếng Pháp. Nhà nghiên cứu đã từng được Đại học Paris 7 mời sang giảng dạy. Ông là người đã đưa văn học, văn hóa Pháp tiếp cận với người Việt bằng việc dịch rất nhiều tác phẩm lớn của Pháp sang tiếng Việt. Với những công lao đó, nhà nghiên cứu Bửu Ý đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp ký trao tặng huy chương Cành Cọ Hàn Lâm. Những tác phẩm dịch nổi tiếng của ông: Tác giả thế kỷ 20(NXB Văn học), CON LỪA VÀ TÔI (Platero et moi) – Juan Ramón Jiménez  ( NXB An Tiêm 1974); NHẬT KÝ ANNE FRANK – Bản dịch Bửu Ý,cuốn sách nổi tiếng của một cô gái Do Thái viết dưới sự đàn áp của phát xít Đức. TRỊNH CÔNG SƠN, MỘT NHẠC SĨ THIÊN TÀI – NXB Trẻ & Công ty Văn hóa Phương Nam 2003; NGÀY THÁNG THÊNH THANG – Bút ký ; NƯỚC CH ẢY QUA CẦU – Bút ký .Nhà văn Bửu Ý hình như chưa biết trên đời có một Hội có tên là Hội Nhà văn Việt Nam. Ở Huế tất cả các cuộc tọa đàm, hội thảo văn chương không thể không mời nhà văn Bửu Ý.

Nhà thơ Thái Ngọc San, làm thơ , viết văn, viết báo từ trong cuộc đấu tranh xuống đường chống Chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Sau giải phóng, về Huế, hơn chục năm anh làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Với sự nhạy cảm thơ và thái độ công tâm trong nghệ thuật, nhà thơ Thái Ngọc San đã góp phần đáng kể trong việc phát hiện và bồi dưỡng  nhiều cây bút trẻ cho Huế. Anh đã xuất bản 2 tập thơ. Sau khi anh mất, cuối năm 2005, nhờ bạn bè ở TPHCM sưu tầm, tập hợp, báo Thanh Niên giúp sức, Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Văn Hóa Phương Nam đã cho ra mắt tập sách Thái Ngọc San- Khát vọng và tình ca để lại. Thời kỳ đấu tranh trong phong trào sinh viên Huế, Thái Ngọc San có hàng loạt bài thơ nồng nàn, tâm huyết về quê hương đất nước: “Tất cả cùng cất cao tiếng hát/ Như cất cao ngọn cờ / Hát cho dân tôi nghe / Hát cho bóng đêm tan vỡ “. Năm 1972, cơ sở nội thành Huế bị vỡ, anh được cơ sở bí mật đưa “lên xanh”… Điều đang nói là anh chưa bao giờ làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ TRẦN HOÀNG PHỐ, Sinh năm 1953 tại Huế, tên thật là Bửu Nam (Nguyễn Phước Bửu Nam) là hậu duệ 4 đời của nhà thơ Hoàng tộc Tùng Thiện Vương, Tiến sĩ- PGS, hiện giảng dạy ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Huế. Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Tác phẩm đã in: Dự cảm,  Cõi nhân gian lạ lẫm.Thơ TRần Hoàng Phố mới mẻ, sang trọng Tôi không hiểu sao anh không vô Hội Nhà văn Việt Nam.

Một nhà thơ nữa của Huế, rất được công chúng mến mộ là nhà thơ Phạm Tấn Hầu, sinh ngày17/04/1948, phó giám đốc Đài PT Thành phố Huế đã nghỉ hưu. Anh làm thơ, viết văn từ những năm 1968- 1970 đến nay. Tác phẩm chính anh đã xuất bản: Thế giới anh đã ngõ lời (Thơ, 1994);  Quay vòng với bụi (1999). Thơ Phạm Tấn Hầu nặng chất suy tư, thời cuộc và rất đời. Nói về nghề văn, anh tâm sự:”Đó là một lao động không ngừng của việc xây dựng một thế giới quan riêng biệt”. Không biết anh có làm đơn vô Hội Nhà văn không, nhưng không thấy anh có tển trong Hội.

Năm nhà văn, nhà thơ mà tôi kể sơ qua ở trên đều ở tầm nhà văn quốc gia, vì văn chương các anh có ảnh hưởng đến cả một thế hệ bạn đọc ở Huế.Theo nhận xét của tôi các anh thuộc vào vài ba trăm nhà văn nhà thơ có tầm của đất nước. Đó là mới nói những nhà văn nhà thơ không vào hội ở Huế đã thấy họ thật đáng giá! Nhân Đại hội Nhà văn Việt Nam, tôi nghĩ các “nhà văn nhà nước” nên nhìn vào họ mà soi lại mình, mình đã đóng góp gì cho nền văn chương và sự phát triển của đất nước?


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.