3471. Vinalines đòi bán ụ nổi: Tảng băng chìm còn lớn hơn nhiều...

Vinalines đòi bán ụ nổi: Tảng băng chìm còn lớn hơn nhiều...

Cần có một Hội đồng trung gian xử lý và kiểm tra lại ụ nổi

(Tin tức thời sự) - "Tất cả lượng lãng phí đầu tư công rất lớn, nhưng đó chỉ là những cái nổi lên, chứ còn tảng băng chìm phía dưới cũng lớn không kém".

Ý kiến của Kỹ sư Phan Vĩnh Trị, nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin.
Đánh tháo gánh nặng vì không có khả năng tài chính


PV: -Vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã đề xuất lên Bộ GTVT để được bán ụ nổi 83M được mua từ thời Dương Chí Dũng, được biết ụ nổi này được mua về với giá 9 triệu USD nhưng cho đến thời điểm hiện tại theo chuyên gia về tàu thủy thì chỉ bán được với giá sắt vụn.

Không chỉ riêng có ụ nổi của Vinalines mà trước đó, cũng rất nhiều chiếc tàu mua về, đặt hàng thiết kế, với giá cao mà chỉ bán được với giá cả bèo bọt. Tiêu biểu như, vừa qua, dây chuyền tàu cuốc của Cục đường thủy nội địa được sản xuất với giá hơn 7 tỷ đồng nhưng chỉ bán được với giá hơn 500 triệu đồng. Quan điểm của ông ra sao trước hiện trạng ụ nổi, tàu mua về không sử dụng được, rồi bán đi còn mất giá như vậy?

Kỹ sư Phan Vĩnh Trị: - Tôi cho rằng, hiện nay đúng là ụ nổi này đã cũ nhưng việc sử dụng được hay không thì cũng chưa được kiểm định rõ ràng.

Có thể đối với nước ngoài thì ụ nổi này được xếp vào dạng đã nát, nhưng còn đối với VN, thì hiện nay ụ nổi vẫn đang thiếu rất nghiêm trọng, cho nên vẫn có thể sử dụng triệt để, tránh lãng phí.
Thế nhưng, trước đây chúng ta không quan tâm đến việc sửa chữa, nên thành ra mới dẫn đến thực trạng thiếu ụ nổi, tàu biển tương đối nghiêm trọng, thiếu không phải do không có, mà thiếu do mua về nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Trong khi, tình trạng bên Vinalines cũng đang có quá nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về mặt tài chính, giả sử bây giờ Vinalines có muốn sửa chữa, để chạy tạm theo kiểu chắp vá cũng không có khả năng về tài chính, nên phải đề xuất là bán.

Vì vậy, cần phải khảo sát mới biết được hiện trạng của ụ nổi, chứ còn nếu dựa trên thông tin bình thường do công ty quản lý cung cấp thì không tin tưởng được. Theo tôi, cần có một đoàn chuyên môn ra khảo sát xem thực trạng hỏng hóc đến đâu, còn có thể sử dụng được không, chứ không phải căn cứ trên ý kiến của đơn vị quản lý, khi bản thân họ cũng đang rối bời.

Bởi vì, công ty quản lý họ luôn có suy nghĩ, đằng nào cũng mất tiền mua về, lại còn mất quá nhiều tiền đầu tư vào đó rồi, mà hiện tại chưa có đoàn khảo sát tương đối trung lập, nên họ muốn bán. Vì đơn giản là không có đơn vị nào đứng ra thực hiện cải tạo để sử dụng. Đến đơn vị chủ quản hiện nay cũng không muốn động đến mà có động thì cũng không có tiền, ví dụ như Vinashin, Vinalines rước cả đống tàu về nhưng không ai muốn sờ đến để tu sửa, đưa vào sử dụng. Giả sử có động đến sửa thì vấn đề lại là tiền đâu?

Tôi cho rằng, thứ nhất, đối với khối tài sản như vậy nhà nước nên có một bộ phận trung lập đứng ra khảo sát toàn bộ, đánh giá xem còn có thể sử dụng đến đâu, cái nào nên cho bán, vì nếu không sử dụng được thì nên bán sớm, được chút nào hay chút đấy.

Thứ hai, về ý kiến của cơ quan chủ quản, dĩ nhiên là họ chỉ đưa ra lý lẽ để đánh tháo gánh nặng cho xong, họ không có điều kiện duy trì vì không có tiền, không có người, đưa vào mục đích khác cũng không có điều kiện, nên đó có thể gọi là trốn tránh trách nhiệm.

Cũng như bên Philippines họ có một đội tàu được đánh đắm trên một bãi đá cạn và giờ nó trở thành một căn cứ giữ biển rất tốt, chúng ta đã có lần làm như vậy. Tức là, nếu đó là một giá trị tài sản rất lớn, không riêng gì ụ nổi này mà cả một đội tàu của Vinashin, Vinalines, không thể chờ vào hai đơn vị  này đề xuất phương án khắc phục được, vì họ luôn quan niệm đằng nào cũng là tài sản nhà nước.
Cần có một Hội đồng trung gian xử lý và kiểm tra lại ụ nổi
Cần có một Hội đồng trung gian xử lý và kiểm tra lại ụ nổi
Bây giờ, hoặc Bộ GTVT hay chính phủ nên có cuộc khảo sát tài sản tương đối trung lập, để đưa ra những giải pháp cụ thể.

PV:- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng này? Chúng ta phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?

Kỹ sư Phan Vĩnh Trị: - Thực trạng hiện nay,nó không khác nào tình trạng bất động sản thời gian qua. Nó giống như các khu chung cư, các khu nhà ở hiện nay đóng băng không bán, không đưa vào sử dụng được.

Chỉ có cái khác là khu chung cư, nhà ở thì tiền duy trì thấp, hơn nữa nó không xuống cấp quá nhanh như tàu, ụ nổi.

Tàu thì có nhược điểm càng để dưới nước thì càng rỉ nhanh, còn khu chung cư, khu biệt thự cũng là đám biệt thự ma, nhưng nó để nguyên chờ thời cơ được, vì đơn giản là tiền duy trì nó không nhiều, mức độ xuống cấp chậm.

Chúng ta có cả một thời đại lịch sử, lúc ngành vận tải đang lên, thi nhau mua tàu về, thi nhau đóng, lúc ngành vận tải xuống thì điều đương nhiên là dồn ứ, tồn đọng. Thực trạng này không riêng gì ở VN, mà trên thế giới cũng như vậy, nó chỉ khác về tỷ giá.

Ở các nước khác thời kỳ vận tải lên cao trào như mấy năm trước họ cũng thi nhau mua, thi nhau đóng, sau đấy họ bước vào cũng có chu kỳ phá dỡ, để thu hồi vốn lại., Nước mình khác mỗi một cái là vấn đề giá mua hơi tế nhị và xử lý bước sau kém.

Không được đánh đồng trách nhiệm tập thể
PV: - Cơ chế để xảy ra hiện tượng lãng phí nguồn vốn đầu tư khủng khiếp như thế, chúng ta phải xử lý từ đâu, thưa ông? Có cách nào để xử lý triệt để hay không?

Kỹ sư Phan Vĩnh Trị: - Thiết nghĩ, từ bây giờ trở đi vấn đề sẽ lại khác, nói chung mọi trường hợp đầu tư, mặc dù trên giấy tờ sổ sách, nhìn thì thấy quy trình cũng rất chặt chẽ đấy, nhưng thực tế thực hiện tại lại không chặt như thế.

Cho nên không riêng gì đội tàu mà tất cả các phương tiện khác cần có cơ chế đầu tư chặt chẽ, gắn cụ thể trách nhiệm cá nhân người đồng ý phê duyệt vào thì họ sẽ không dám đưa ra những quyết định thiếu trách nhiệm như thế.

Đơn giản là vì trước đây tất cả đều được quy là trách nhiệm tập thể cho nên có một thời không sợ, muốn làm gì thì làm, nên mới thấy dù sao cơ chế sẽ quyết định đầu tư.
Vì thế, mới có câu chuyện trên quy trình luật lệ, xem lại thì nó có vẻ rất chặt nhưng thực tế thực hiện lại có rất nhiều kẽ hở, làm ào ào cho xong, nên hậu quả hiện nay chúng ta đã nhìn thấy rõ.

PV:- Là người có nhiều kinh nghiệm, theo quan điểm nhìn nhận của ông thì nghịch lý ném tiền qua cửa sổ này có phải chỉ riêng ở ngành giao thông hay không? Ví dụ, vừa qua dự án hơn 1.300 tàu đánh bắt hải sản xa bờ triển khai từ năm 1997, với tổng mức đầu tư lên tới 1340 tỷ đồng nhưng lại không đạt được k���t quả như mong muốn. Tất cả đã được hoán cải và đóng mới bằng vốn vay của nhà nước. Nhưng có tới 520 tàu hoạt động không hiệu quả, 250 phương tiện không đi biển nằm phơi sương. Cho đến nay, khi đem bán đấu giá thì bình quân mỗi tàu chỉ bán được hơn 280 triệu đồng; bằng khoảng 26,5% giá trị đầu tư của mỗi con tàu?

Hay đến 7 chiếc tàu “nằm lì” nhiều năm nay tại cảng Hòn Rớ của Công ty kinh doanh khai thác thủy sản Đại Dương mua về với giá hơn 32 tỷ đồng nhưng chỉ bán với giá hơn 400 triệu đồng?
Kỹ sư Phan Vĩnh Trị: - Thứ nhất, cái này là thực trạng mà chúng ta phải chấp nhận, mặc dù ai cũng biết có một thời nhập khẩu tràn lan, dựa vào đầu tư nói chung nhất là đầu tư công nói riêng, luôn có những kẽ hở lớn.

Riêng chuyện mua bán tàu, đóng tàu thì với ngành vận tải nội địa nó có đặc điểm phát triển theo chu kỳ, có giai đoạn cao trào yêu cầu vận tải đường biển lớn, nhưng do lý do kinh tế nó lại đi xuống, thậm chí ngành vận tải đường biển đã nhiều lần rơi vào tình trạng như thế.

Còn hiện nay trên TG cũng có nhiều tàu nằm chơi tại các cảng, nhiều người còn ví von, cảng của Hồng Kong hiện nay các tàu đỗ sát nhau đến mức có thể đi qua các tàu vào sân cảng một cách dễ dàng.

Thứ hai, riêng đối với ngành có đặc thù phát triển theo chu kỳ, nó sẽ khác với các ngành khác, đến giai đoạn sau khủng hoảng, các tàu thừa rất nhiều, đa số sẽ phải chấp nhận tháo dỡ. Nhưng ở mình nó lại kèm theo tiêu cực nên dẫn đến phản ứng chậm.

Tôi cho rằng, cái gì cuối cùng cũng quy lại thành tiền của dân hết, từ tiền ngân sách trả hay là vay nước ngoài, xử lý nợ xấu, nợ công cũng là tiền của dân hết. Xử lý nợ xấu, nợ công vay tiền của nước ngoài, ai trả, hoàn toàn là ngân sách, với tình trạng như hiện nay thì không có cách nào khác, nên cần xem xét lại cơ cấu quản lý, đầu tư.

Như tàu của Vinashin, Vinalines cuối cùng ngân sách sẽ gánh hết vì không còn cách nào khác. Tất cả lượng lãng phí đầu tư công rất lớn, nhưng đó chỉ là những cái nổi lên, chứ còn tảng băng chìm phía dưới cũng lớn không kém.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Gia Khánh/
Theo Đất Việt

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.