2705. Lạm bình về một bức ảnh báo chí
Nhân ngày Báo chí Việt Nam
Lạm bình về một bức ảnh báo chí
Nguyễn Ngọc Dương
Lâu nay ảnh báo chí Việt Nam thường là những bức ảnh chỉ
thuần túy mang tính minh họa. “Hiện ảnh báo chí của ta đa phần là dạng ảnh minh
họa, thiếu sinh động” (Hữu Bảo, PV ảnh – Tạp chí Nhiếp ảnh số 6/2014, trang
20). Đó là hạn chế lớn nhất của ảnh báo chí Việt Nam .
Nhìn ra báo chí nước ngoài, chúng ta thấy ảnh của họ đều có
hồn. Sau bức ảnh là cả một câu chuyện, là sự phản ánh bề sâu của sự kiện. Nhìn
vào bức ảnh, tùy theo tri thức và sự từng trải, người đọc có thể hiểu sự kiện ở
những mức độ khác nhau. Có người hiểu sâu sắc, có người chỉ hiểu sơ lược như xem
bức tranh phác họa, nhưng đều nhận thức được bản chất của sự kiện.
Đôi khi chỉ một ánh mắt của nhân vật, khiến toàn bộ sự kiện
được toát lên rõ ràng. Đó là bức ảnh Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao
Việt Nam
tiếp đón ông Dương Khiết Trì, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc hôm 18/6. Bức ảnh
do phóng viên hãng Reuters thực hiện, đang được phát trên rất nhiều trang mạng.
Đã hơn một tháng, kể từ ngày Trung Quốc liều lĩnh đưa dàn
khoan HD 981 vào thềm lục địa, khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã gây
bức xúc cho cả dân tộc Việt Nam, trở thành một “điểm nóng” mà nhiều hội nghị quốc tế phải bàn đến, gây quan ngại
cho nhiều nước trên thế giới. Lần đầu tiên, sau sự kiện giàn khoan, cuộc hội
đàm cấp cao được tổ chức tại Hà Nội với hai nhân vật chính là ông Dương Khiết
Trì, ủy viên quốc vụ Trung Quốc và Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam
Phạm Bình Minh, đều là trưởng đoàn đàm phán song phương. Hình ảnh hai nhân vật
chính này trong cuộc Hội đàm là biểu tượng của hai quốc gia, hai dân tộc trong
mối quan hệ hiện thời.
Cái tài của phóng viên nhiếp ảnh là chớp được đúng thời cơ
khi hai người bắt tay nhau nhưng ánh mắt, nét mặt của họ phản ánh nội tâm nhân
vật (mang biểu tượng quốc gia) rất khác nhau. Thông thường thì trong ngoại
giao, khi bắt tay nhau, người Việt Nam có câu: “tay bắt, mặt mừng”.
Nhưng trong hoàn cảnh này, tay thì bắt, mặt không những không mừng mà còn thể
hiện những tâm trạng khác nhau và hết sức phức tạp – phản ánh bản chất của vấn
đề đang rất phức tạp trong quan hệ hai nước.
Trước hết, ở Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong bức ảnh này,
người bình thường cũng có thể nhận ngay ra đôi mắt của ông đầy “lửa”. Những đôi
mắt nảy lửa chỉ có thể nhìn kẻ thù, hoặc ít nhất là dành cho đối tượng đang
mang trong mình đầy mưu mô thâm ác, đe dọa đến sự an toàn của phía mà mình đại
diện. Đôi mắt nảy lửa và nét mặt nghiêm nghị còn thể hiện khí phách không phải
chỉ của một cá nhân, đó là điều cần thiết khi ông đang đại diện cho một dân tộc
dù rất ôn hòa, yêu chuộng hòa bình, nhưng quyết không sợ bất kỳ một thế lực
nào, khi chúng đã có hành động đe dọa đến an ninh quốc gia, độc lập dân tộc và
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan hệ với một đối tác xấu như thế, ví thử có một
nụ cười tươi lúc này là vô duyên nếu không nói là hỏng hết, là điều mà cả dân
tộc Việt Nam không mong muốn, thậm chí còn nghi ngờ tư tưởng và thái độ khuất
tất trong quan hệ của người đại diện. Song, trong đôi mắt nhìn thẳng vào "đối phương", dù có nảy lửa, nhưng ông Phạm Bình Minh vẫn bộc lộ rõ tính chân thực, thẳng thắn và mong muốn "ngang bằng sổ thẳng" trong giao tiếp, không mưu mô xảo quyệt... để đạt mục đích tối thượng là bảo vệ cho được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thái độ biểu cảm của của PTT Phạm Bình
Minh, nhân vật chính trong bối cảnh này còn thể hiện tri thức văn hóa, bản lĩnh
và trí tuệ của người cán bộ ngoại giao. Phóng viên ảnh bấm máy đúng thời cơ,
phản ánh đúng bản chất sự việc, cũng thể hiện sự hiểu biết, tri thức và nhân
cách của mình.
Đúng thời khắc đó, khuôn mặt của Dương Khiết Trì hoàn toàn
khác. Ông ta có vẻ như định mỉm cười gượng gạo. Rõ ràng ông không thể cười
được, đặc biệt là đôi mắt thì hình như bắt buộc phải cụp xuống, không dám nhìn
thẳng vào “đối phương” với đôi mắt đầy lửa. Được biết, Dương Khiết Trì vốn
nguyên là Bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc nay lên chức Ủy viên quốc vụ viện
(cao hơn hàng Bộ trưởng, nhưng thấp hơn Phó thủ tướng). Kinh nghiệm ngoại giao
của ông ta cũng đầy mình, nhưng ông lại đại diện cho một quốc gia đang cố bóp
méo sự thật, nhằm lấn chiếm lãnh thổ, ăn hiếp nước nhỏ... tóm lại là làm điều
phi nghĩa. Mà đã phi nghĩa thì dù có được che đậy, ngụy trang bằng bất kỳ hình
thức nào thì cũng không thể đàng hoàng....Toàn bộ khuôn mặt của ông Dương Khiết trì lúc này như đang cố giấu diếm những mưu mô mà thượng cấp của ông trao cho trước khi sang Việt Nam?
Cuộc hội đàm Dương Khiết Trì – Phạm Bình Minh có nhiều nội
dung không được báo chí công khai. Tôi cũng đã để ý nhưng cũng không nghe được
những lời trực tiếp phát ra từ hai nhân vật chính này. Nhưng có thể nói, phải
chăng, chỉ nhìn bức ảnh đã có thể hiểu được tình cảnh quan hệ Việt Nam - Trung quốc ít nhất trong hiện thời và kết quả sẽ không có tiến bộ nào của cuộc hội đàm?
21/6/2014 - N.N.D
Nhận xét