1621“Không viết thế thì lấy cứt mà ăn à?”

“Không viết thế thì lấy cứt mà ăn à?”
Phó nhòm tây bắc



Trên trang BVN, ngày 9/2/2014 có đăng  bài viết của nhà báo Lê Phú Khải với tiêu đề: “Ngày xuân nhớ Nguyễn Khải” (xem ở đây). Đọc xong mình thấy ám ảnh và hoài nghi bởi những cây viết (Nhà văn, Nhà báo) của chúng ta lâu nay không ít người uốn cong ngòi bút?

Đại tá Nguyễn Khải, nhà văn nổi tiếng đã tự nhận rằng: “Tôi hèn lắm”, hèn vì không dám “quyết liệt” như đồng nghiệp của ông, nhà văn Nguyên Ngọc. Chính vì thế, ông đã bộc lộ: “Thằng con tôi hay đi mua sách về đọc, mẹ nó mắng: Sách của bố mày đầy ra đấy, sao không đọc mà phải đi mua. Nó nói: Sách của bố viết không đọc được! Mẹ nó mắng: Không viết thế thì lấy cứt mà ăn à (!)”

Sau khi Nguyễn Khải mất, người ta phát hiện trong di cảo của ông Tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” được các trang mạng xã hội đăng tải, khiến bao người “ngã ngửa”. Bài viết đó đã bộc lộ cái mà cả đời ông khi còn sống chưa dám viết lấy một dòng, bởi ông cho đó mới là sự thật! Có người nghi ngờ rằng bài Tùy bút đó chưa chắc đã phải là của Nguyễn Khải. Rằng một người như Nguyễn Khải sao lại có thể viết như thế? Được biết, đây là tài liệu thuộc loại đặc biệt “nhậy cảm”, hệ thống báo chí, xuất bản chính thống không dám đăng.

Tuy nhiên, theo Lê Phú Khải thì “một nhà văn tên tuổi như ông (Nguyễn Khải) mà nhận mình hèn thì ông không hèn chút nào. Ít nhất ông cũng là một con người chân thực, có liêm sỉ”.

Mình thấy đau quá, nếu viết chỉ để mà ăn, viết chỉ để mà được giải thưởng chứ không phải viết vì con người,  để đấu tranh cho công bằng xã hội, để lên án cái ác đang hoành hành; viết không phải xuất phát từ trái tim nhà văn, nhà báo mà từ một sự tác động ở trên “trời”, thì đó là điều đau nhất cho người cầm bút. Đau vì ngòi bút bị tha hóa, nó biến tác giả thành những kẻ hèn. Và như vậy thì tác phẩm của anh ta ai đọc? Nghiệm ra trong thực tế đã cho ta thấy, có không ít tác phẩm văn học ra đời được giải thưởng hẳn hoi mà chỉ một thời gian ngắn không còn ai nhớ đến nó nữa. Nó đã chết một cách âm thầm, lặng lẽ. Lĩnh vực báo chí thì rõ như ban ngày: có không ít tờ báo bây giờ in ra mất tiền tấn mà không có độc giả. Buồn lắm chứ! Khoảng 10 năm nay, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ với lý do: Đất nước mình là Đất nước của thi ca. Ai cũng có thể làm thơ và ai cũng có thể trở thành nhà thơ. Có người kêu lên, chúng ta đang lạm phát thơ. Nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết thế này: “... Mới hay, chúng ta vẫn đang thiếu thơ nghiêm trọng. Thơ đâu có nhiều để mà lạm phát. Có lạm phát chăng là lạm phát văn vần, lạm phát hò vè hiện đại mà chúng ta lầm tưởng là thơ ca” (Bài: Đọc Nguyễn Đình Chiến của Trần Đăng Khoa - ở đây).

Trong nhiều năm qua, từ khi Đất nước hết chiến tranh, đi vào Công cuộc làm ăn kinh tế thì những người làm công tác tư tưởng của Đảng đều kêu ca rằng chúng ta (các văn nghệ sĩ) chưa có được những tác phẩm xứng tầm! Câu nói tuy trừu tượng, nhưng mọi người đều hiểu là Văn học nghệ thuật chưa ra đời được những tác phẩm có chất lượng cao như mong muốn của lãnh đạo. Cả cấp Trung ương và địa phương đều vậy. Hồi mình còn đang công tác ở Hội Văn nghệ tỉnh, có lần nghe ông Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy bảo: “ Hiện nay Văn nghệ các ông ít nhân tài nên không có tác phẩm lớn!”. Mình đã “cự” lại rằng, đấy không phải là nguyên nhân, ông Trưởng Ban tuyên giáo nói thế là võ đoán. Tất nhiên chỉ là nói chơi ngoài lề nên mình không bị định kiến. Còn những anh viết chỉ nhằm kiếm “miếng ăn chín” thì quy cho nguyên nhân là thiếu tiền, là đời sống của Văn nghệ sĩ còn khó khăn... Mình nói luôn: “Nhà văn nguyên Hồng khi chưa đầy 20 tuổi, ông viết Bỉ Vỏ trong một căn nhà xập xệ, giột nát, dưới ngọn đèn dầu, muỗi nhiều như trấu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc... mà ai dám bảo tác phẩm của ông không có giá trị? Mình không muốn so sánh, nhưng nếu đặt cuộc sống của Nguyên Hồng thời viết Bỉ Vỏ bên cạnh các nhà văn có cuộc sống bình thường bây giờ thì có lẽ một bên là địa ngục, một bên là Thiên đường?

Vậy nên, việc có được tác phẩm có giá trị nhân văn cao hay thấp, nó có nguyên nhân của nó. Câu nói: “Không viết như thế thì lấy cứt mà ăn à!” của phu nhân nhà văn Nguyễn Khải có lẽ là một gợi ý cho ta suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa của việc thiếu những tác phẩm văn học có tầm?   

PNTB

Nhận xét

Unknown đã nói…
Làm nhà văn có 3 giới khinh : Lãnh đạo khinh, Dân khinh và mình khinh mình. Đau quá và đúng quá phải không anh Ngọc Dương ? Viết được nhà nước khen thì dân chửi, viết dân khen thì ở tù (Hữu Loan), số phận các nhà văn, nhà thơ ở nước ta thật là khốn đốn ... nhưng vẫn có còn không ít người bàn chuyện : Văn chương cần sự cao quí và sang trọng nữa đấy.... mà hình như các vị nầy thì dân không thích ....

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.